maandag 21 mei 2018

Washington và Bắc Kinh đạt thỏa thuận tăng hàng Mỹ bán sang Trung Quốc + Trump..."tha" ZTE, tập đoàn viễn thông khổng lồ Trung Quốc?

Washington và Bắc Kinh đạt thỏa thuận tăng hàng Mỹ bán sang Trung Quốc

mediaẢnh minh họa : Một cảng nước sâu Dương Sơn ở Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh ngày 24/04/2018.REUTERS/Aly Song
Căng thẳng thương mại kéo dài từ nhiều tháng nay giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, có nguy cơ bùng phát thành chiến tranh kinh tế, vừa bước qua một khúc quanh mới. Trong một thông cáo chung được công bố hôm qua, 19/05/2018, Washington và Bắc Kinh khẳng định nhất trí hướng đến mục tiêu « giảm đáng kể » tình trạng nhập siêu của Mỹ trong thương mại song phương, với khoảng 330 tỉ đô la một năm hiện nay.
Trong thông cáo nói trên, hai bên không đưa ra một con số cụ thể, nhưng cam kết sẽ có « các biện pháp hiệu quả » đặc biệt làm gia tăng hàng nhập khẩu từ Mỹ trong hai lĩnh vực nông nghiệp và năng lượng. Đổi lại, Hoa Kỳ cũng không đả động gì đến việc áp dụng các biện pháp tăng thuế với 50 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc, dự kiến sẽ có hiệu lực từ thứ Ba tuần tới.
Thỏa thuận nói trên đạt được sau nhiều tuần thương lượng Mỹ-Trung, đặc biệt là cuộc đàm phán trong tuần vừa qua giữa phó thủ tướng Lưu Hạc (Liu He), dẫn đầu phái đoàn Trung Quốc, với bộ trưởng Thương Mại Mỹ Steven Mnuchin, tại Washington. Sau khi thỏa thuận được công bố, trưởng đoàn đàm phán Trung Quốc tuyên bố Bắc Kinh và Washington cam kết sẽ không tham gia vào các cuộc « chiến thương mại », tăng thuế qua lại để trả đũa nhau.
Theo thông tín viên Grégoire Pourtier từ New York, chính quyền Donald Trump có thể tuyên bố đã giành thắng lợi bước đầu :
« Các trừng phạt thương mại chống lại Trung Quốc, mà Hoa Kỳ thông báo cách nay hai tháng, sẽ phải được đúc kết trong tuần tới, thế nhưng tình thế hiện nay đã thay đổi. Thay vì xu thế leo thang căng thẳng rất đáng lo ngại, hai quốc gia đã đạt được một thỏa thuận nhằm giảm ‘‘một cách đáng kể’’ thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ.
Có phải con số cắt giảm sẽ là 200 tỉ đô la một năm ? Điều mà chính quyền Trump đòi hỏi từ thứ Sáu vừa qua bị các kinh tế gia cho là phi thực tế. Thông cáo chỉ cho biết là các đàm phán sẽ tiếp tục. Cũng cùng một viễn cảnh đầy bất trắc trong lĩnh vực thuế nhập khẩu, mà hai bên vừa đồng loạt tuyên bố tăng thuế đối với nhiều mặt hàng của nhau trong bối cảnh lời qua tiếng lại gay gắt.
Thêm vào đó, xung đột xung quanh vấn đề tập đoàn viễn thông Trung Quốc ZTE - bị trừng phạt do vi phạm lệnh cấm vận Iran, mà tổng thống Trump cho biết sẽ bỏ qua với một loạt thông điệp trên Twitter - lại không được nhắc đến trong thông cáo này.
Tuy nhiên, bất luận thế nào cũng sẽ có nhiều hàng hóa và dịch vụ của Mỹ được bán tại Trung Quốc trong những năm tới, với mục tiêu ‘‘thúc đẩy tăng trưởng và việc làm tại Mỹ », và cũng để giúp cho Trung Quốc có thể thỏa mãn được ‘‘các nhu cầu tiêu thụ gia tăng’’.
Như vậy là, trong khi chờ đợi những chi tiết cụ thể, chính quyền Trump đã có thể tuyên bố giành chiến thắng trong vấn đề cân bằng cán cân thương mại, cũng như tán dương lối đàm phán rất hung bạo của mình ».
Bộ trưởng Pháp cảnh báo Mỹ-Trung thỏa thuận « trên lưng châu Âu »
Về phía nước Pháp, sau khi Mỹ và Trung Quốc đạt thỏa thuận không gây chiến tranh thương mại song phương, bộ trưởng Kinh Tế Bruno Le Maire cảnh báo có rất nhiều khả năng thỏa thuận giữa Washington và Bắc Kinh sẽ gây thiệt hại nhiều cho Liên Hiệp Châu Âu, nếu các nước châu Âu « không tỏ thái độ cứng rắn ».
Theo bộ trưởng Kinh Tế Pháp, Mỹ đang muốn buộc các đồng minh châu Âu phải trả giá cho « các hành xử xấu » của Bắc Kinh, và đây là điều « hoàn toàn sai lầm » và « không thể hiểu được ».

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180520-washington-va-bac-kinh-dat-thoa-thuan-tang-hang-my-ban-sang-trung-quoc

Thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ lại tăng vọt gần 20%


Tổng thống Mỹ Donald Trump cho xem biên bản ghi nhớ vừa ký yêu cầu điều tra thương mại Trung Quốc. Ảnh ngày 14/08/2017.
Reuters
Trong lãnh vực thương mại, căng thẳng Mỹ-Trung có thể lại gay gắt thêm do số liệu thâm thủng mậu dịch của Mỹ với Trung Quốc, công bố vào hôm nay, 13/04/2018, đã tăng vọt gần 20% trong quý 1 năm 2018.
Theo số liệu thống kê được Hải Quan Trung Quốc công bố, thăng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ đã tăng vọt 19,4% trong quý 1 năm nay, đạt mức 58,2 tỷ đô la.
Chênh lệch mậu dịch Mỹ-Trung có lợi cho Trung Quốc như vậy đang càng lúc càng nặng nề thêm một cách nhanh chóng, vì số thặng dư này đã tăng 10% trong năm 2017, đạt mức kỷ lục 275,8 tỷ đô la theo số liệu của Trung Quốc (hay là 375,2 tỷ đô la theo Washington).
Mức độ thâm thủng mậu dịch kỷ lục của Mỹ đối với Trung Quốc đã bị tổng thống Mỹ Donald Trump cực lực lên án vì cho đấy là hệ quả của những hành động thương mại « không công bằng » của Trung Quốc, và đòi Bắc Kinh phải giảm « 100 tỷ đô la » thặng dư với Mỹ.
Theo các nhà quan sát, vào lúc chính quyền Mỹ của tổng thống Donald Trump đang hết sức gay gắt với Bắc Kinh trên nhiều vấn đề, và đe dọa khởi động chiến tranh thương mại, sự tăng vọt của thặng dư thương mại sẽ khiến Washington gay gắt thêm, nhất là khi nhìn tổng quát, thì trong cùng kỳ, Trung Quốc lại bất ngờ bị thâm thủng mậu dịch hay vì thặng dư như thường thấy.
Số liệu thống kê của Tổng Cục Hải Quan Trung Quốc công bố cho thấy, kim ngạch xuất khẩu tháng 3 của Trung Quốc giảm 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái - lần giảm đầu tiên kể từ tháng 2/2017, trong khi nhập khẩu tăng 14,4% - mạnh hơn dự báo.
Giải thích về lý do khiến thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ vẫn tăng mạnh, giới phân tích cho rằng các nhà xuất khẩu Trung Quốc đã đẩy mạnh việc xuất hàng sang Mỹ trong tháng 3 vì lo ngại hàng rào thuế quan được áp dụng và chiến tranh thương mại bùng nổ.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180413-thang-du-thuong-mai-cua-trung-quoc-voi-my-lai-tang-vot-gan-20

Tại sao Donald Trump lại "tha" ZTE, tập đoàn viễn thông Trung Quốc?

mediaLogo của tập đoàn viễn thông Nhà nước Trung Quốc ZTE. Ảnh chụp ngày 19/04/2018.REUTERS/Stringer
Phải trừng phạt tập đoàn viễn thông ZTE rồi đột ngột nhượng bộ vì muốn cứu tập đoàn Trung Quốc, quyết định quay ngoắt « 180 độ » được tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra ngày 13/05/2018 cho thấy quy mô các xung đột lợi ích vẫn xen lẫn vào các quyết định và định hướng chính trị của chính quyền Mỹ hiện nay.
Chỉ hai ngày trước khi phái đoàn Trung Quốc sang Washington tiếp tục đàm phán về thương mại (ngày 17/05/) để tránh một cuộc chiến thương mại có thể xảy ra giữa hai nước, tổng thống Mỹ lại cho biết đang hợp tác với đồng nhiệm Trung Quốc để giúp đỡ nhà sản xuất điện thoại ZTE duy trì công việc của 74.000 nhân viên và tạo thêm việc làm ở Trung Quốc.
Theo nhận định của giáo sư khoa học chính trị Pierre Martin, đại học Montréal, trên Journal de Montréal (15/05/2018), ưu ái bất chợt này của tổng thống Mỹ vừa « khó giải mã » vừa không rõ là « lẫn lộn » hay « trùng hợp ngẫu nhiên ».
Thứ nhất, quyết định không trừng phạt ZTE của tổng thống Mỹ được đưa ra vào lúc chính chủ nhân Nhà Trắng tuyên bố áp dụng lại hoàn toàn các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Iran. Trong khi đó, chỉ vì giao dịch với Iran, cũng như với Bắc Triều Tiên, trong suốt nhiều năm, tập đoàn viễn thông ZTE đã phải nộp hơn 1 tỉ đô la tiền phạt cho Washington vì vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ.
Ngoài ra, quyết định nhân nhượng của Mỹ đối với Trung Quốc lại được đưa ra vào đúng thời điểm hai bên nối lại đàm phán thương mại tại Washington (17/05), sau chuyến làm việc tại Bắc Kinh của phái đoàn Mỹ. Vậy tại sao quyết định nhân nhượng với tập đoàn ZTE lại được đưa ra vào lúc này ?
Theo giáo sư Pierre Martin, thái độ mềm dẻo của chủ nhân Nhà Trắng có thể là do bối cảnh Mỹ cần Trung Quốc để đàm phán thỏa thuận hạt nhân với Bắc Triều Tiên. Nhưng theo nhiều nhà quan sát, việc tổng thống Trump vội vàng muốn ghi điểm trong hồ sơ này khiến ông trở nên dễ dãi chấp nhận một thỏa thuận không hoàn thiện với mục đích duy nhất là tuyên bố chiến thắng.
Cho dù giới chuyên gia có nhận xét thế nào, tổng thống Donald Trump sẽ biết cách « bán » mọi thỏa thuận hạt nhân với Bắc Triều Tiên và mọi thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, ưu việt hơn tất cả những gì đã được làm trước đó.
Điểm thứ hai gây ngạc nhiên, không hiểu do « lẫn lộn » hay « trùng hợp ngẫu nhiên », là cùng lúc chính quyền Trump thông báo nương tay với Bắc Kinh, Trung Quốc thông báo đầu tư hơn 500 triệu đô la vào một dự án phát triển du lịch và bất động sản ở Indonesia, nơi Trump Organization có nhiều lợi ích quan trọng. Rõ ràng là dự án đầu tư này của Trung Quốc là một nguồn lợi tài chính đáng kể cho tập đoàn Trump.
Thêm một sự kiện « trùng hợp ngẫu nhiên » là theo AP ngày 14/06/2018, chính quyền Trung Quốc đã cấp giấy phép cho thêm 9 thương hiệu của tập đoàn gia đình Trump mà trước vẫn bị bác. Liệu tổng thống Mỹ có chịu tha tập đoàn ZTE và Trung Quốc hay không nếu như Bắc Kinh không tặng món quà quý này cho doanh nghiệp gia đình tổng thống ?
Quyết định này cũng đi ngược với chính những lời hứa trừng phạt và tố cáo Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ, đừng được Donald Trump đưa ra trấn an cử tri trong suốt thời gian tranh cử tổng thống.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180517-tai-sao-donald-trump-lai-tha-zte-tap-doan-vien-thong-trung-quoc


Geen opmerkingen:

Een reactie posten