donderdag 10 mei 2018

California : Năm 2020 nhà mới xây phải dùng điện mặt trời + Năng lượng mặt trời (solar energy)

Năm 2020 nhà mới xây ở California phải dùng điện mặt trời

(Hình minh họa: AP Photo/Rich Pedroncelli, File)
SACRAMENTO, California (NV) – Ủy Ban Năng Lượng California hôm Thứ Tư bỏ phiếu 5-0, bắt buộc, kể từ năm 2020, tất cả nhà mới xây phải có gắn tấm thu năng lượng mặt trời để sử dụng loại điện sạch này nhằm bảo vệ môi trường, theo tin nhật báo The Los Angeles Times.
Các căn nhà nằm trong diện phải gắn hệ thống này là nhà bình thường “single family house” và các khu nhà chung cư, bao gồm “apartment” và “condo,” có từ ba tầng trở lên.
Quyết định này còn chờ thêm sự chuẩn thuận của Ủy Ban Tiêu Chuẩn Xây Dựng California nữa là xong, mà nhiều phần chắc cơ quan này sẽ chấp thuận ý kiến của cơ quan năng lượng.
Đòi hỏi này, theo dự trù, sẽ giúp cư dân tiết kiệm tiền điện trong lâu dài, nhưng cũng làm giá nhà mới tăng lên một chút, vào thời điểm mà nhiều gia đình gặp khó khăn trong việc có đủ tài chánh để mua nhà, vì giá nhà ở California quá cao.
Ngoài việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời, ủy ban cũng chuẩn thuận yêu cầu mới liên quan đến việc cách nhiệt và lọc không khí.
Gộp chung lại, chi phí xây một căn nhà “single house” mới trung bình sẽ tăng thêm khoảng $9,500, nhưng có thể tiến kiệm được $19,000 tiền điện trong thời gian 30 năm, theo Ủy Ban Năng Lượng California.
Với chi phí tăng như vậy, nợ tiền nhà trả hàng tháng cũng sẽ tăng trung bình $30, nhưng tiền điện sẽ tiết kiệm được $80, một phân tích của Ủy Ban Năng Lượng cho biết.
Hiện nay, California có khoảng 20% nhà mới xây là có gắn hệ thống điện mặt trời, theo Hiệp Hội Xây Nhà California cho biết. (Đ.D.)
Mời độc giả xem chương trình du lịch “Đời sống và sinh hoạt Ai Cập”(Phần 1)

Bài liên quan

https://www.nguoi-viet.com/hoa-ky/california-phai-co-dien-mat-troi/

Năng lượng mặt trời (solar energy)

Bảng năng lượng mặt trời.
Hà Dương Cự
Ở những vùng nắng ấm như California hay Arizona, có nhiều nhà để trên mái nhà những tấm bảng trông lạ mắt.
Những bảng đó là để thu năng lượng mặt trời vào làm điện. Bài này chúng tôi nói về năng lượng mặt trời, cách hoạt động và những ứng dụng của nó.
Năng lượng mặt trời là gì?
Chúng ta đều biết là nếu trời lạnh mà ra đứng dưới ánh sáng mặt trời thì thấy ấm. Ðó là vì mặt trời phát ra bức xạ hồng ngoại (infrared radiation). Phần lớn nhiệt từ mặt trời tới trái đất theo dạng năng lượng hồng ngoại (infrared energy). Trái đất sẽ không tồn tại nếu không có mặt trời. Chúng ta cũng biết là cây cỏ xanh là vì có chất diệp lục (chlorophyll). Chất diệp lục là một phân tử (molecule) hấp thụ ánh sáng và dùng năng lượng của ánh sáng để tổng hợp carbohydrate từ khí CO2 và nước. Tiến trình này gọi là sự quang hợp (photosynthesis) và là nền tảng để duy trì sự sống trên trái đất vì con người và động vật đều dùng thức ăn từ cây cỏ.
Từ xưa người ta đã biết dùng năng lượng mặt trời cho nhiều việc. Từ trên hai ngàn năm trước bên Tàu người ta thường xây nhà hướng Nam để có thể hấp thụ tia sáng mặt trời vào mùa đông để làm cho ấm nhà. Bên Hy Lạp cổ xưa cũng xây nhà hướng Nam. Theo truyền thuyết thì vào năm 212 trước Công Nguyên ông Archimedes đã dùng ánh sáng mặt trời phản chiếu qua gương lõm để đốt cháy thuyền của quân La Mã lúc bấy giờ đang bao vây thành Syracuse. Trước Công Nguyên, người La Mã cũng biết dùng năng lượng mặt trời để sưởi ấm và làm nước nóng để tắm. Họ cũng đã biết xây nhà kiếng để trồng rau vào mùa đông.
Tất cả những hoạt động trên gọi là dùng năng lượng mặt trời một cách thụ động. Tức là không tích cực biến năng lượng mặt trời thành một thứ năng lượng khác như điện.
Hiện nay loài người dùng rất nhiều năng lượng: chăn nuôi, di chuyển, kỹ nghệ… Phần lớn năng lượng được khai thác từ than đá hay dầu lửa. Hai loại nhiên liệu này gây ra ô nhiễm môi trường và không tái tạo (non renewable), có nghĩa là đốt một lít dầu thì lít dầu đó không còn tồn tại để có thể dùng lại được. Vì lý do đó người ta tìm những nguồn năng lượng không gây ra ô nhiễm và có khả năng tái tạo. Năng lượng mặt trời có đủ hai đặc tính đó. Dùng năng lượng mặt trời không thải ra chất độc hại gì hết. Dùng ngày nay thì ngày mai mặt trời vẫn còn đó và có thể dùng lại được.
Pin quang điện (photovoltaic cell)
Hiện tượng quang điện là hiện tượng biến ánh sáng thành điện. Năm 1839 ông Edmund Bequerel, một vật gia lý người Pháp, đã nhận ra hiện tượng này. Ông thấy là một vài chất liệu sẽ phát ra một dòng điện nhỏ khi đưa ra ánh sáng. Mô đun (module) quang điện đầu tiên đã được làm ra tại Bell Labs vào năm 1954. Lúc đó chỉ là mô đun có tính cách sáng tạo chứ không có áp dụng thực tế vì điện sản xuất ra quá đắt. Hình vẽ sau đây diễn tả nguyên tắc của pin quang điện (nguồn: science.nasa.gov).
Sơ đồ pin quang điện.
Sơ đồ pin quang điện.
Một chất bán dẫn (semiconductor) được chế tạo đặc biệt để tạo thành một điện trường, một bên âm và một bên dương. Khi ánh sáng chiếu vào thì các điện tử (electron) bị tách rời ra từ những nguyên tử. Nếu có dây dẫn điện ở hai bên tạo thành một mạch điện thì các điện tử có thể được thu nạp làm thành một dòng điện.
Cường độ dòng điện sinh ra bởi một tế bào pin mặt trời (solar cell) rất nhỏ, nên cần phải kết hợp nhiều tế bào như hình vẽ sau đây (nguồn: science.nasa.gov).
Kết cấu pin quang điện.
Kết cấu pin quang điện.
Ðiện sinh ra từ pin quang điện là dòng điện một chiều (direct current). Ðiện dùng trong nhà là dòng điện xoay chiều (alternate current) nên cần có một bộ đảo điện (inverter) để đổi dòng điện một chiều thành dòng điện xoay chiều.
Ứng dụng của pin quang điện
Vì phi thuyền trên không gian có rất ít chỗ cho nhiên liệu, nên các khoa học gia đã nghiên cứu để dùng năng lượng mặt trời thay cho nhiên liệu. Do đó ứng dụng đầu tiên của pin quang điện là để làm ra điện trên phi thuyền. Cho nên quý vị thường thấy phi thuyền nào cũng có tấm bảng mặt trời như sau (nguồn: nasawavelength.org).
Tấm bảng mặt trời.
Tấm bảng mặt trời.
Xe hơi dùng năng lượng mặt trời thì chưa thực tế, nhưng đã có những tổ chức đua xe chạy bằng năng lượng mặt trời. World Solar Challenge tổ chức mỗi hai năm một lần một cuộc đua xe dùng năng lượng mặt trời đi từ Darwin tới Adelaide (khoảng 3000 cây số) bên Úc Châu. Ðây là hình ảnh của xe chạy bằng năng lượng mặt trời của Ðại Học nổi tiếng MIT đưa ra trong kỳ thi World Solar Challenge 2015 (nguồn: news.mit.edu):
Xe chạy bằng năng lượng mặt trời của MIT.
Xe chạy bằng năng lượng mặt trời của MIT.
Trở ngại của việc dùng năng lượng mặt trời
Trở ngại chính là không phải lúc nào cũng có ánh sáng mặt trời. Ban đêm thì không dùng trực tiếp năng lượng mặt trời được mà phải trữ điện vào bình điện từ ban ngày. Kỹ thuật bình điện chưa được hoàn hảo nên chuyện này vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng. Hơn nữa nhiều nơi hay bị mây mờ, có ít ánh sáng mặt trời dùng năng lượng mặt trời không hữu hiệu.
Dùng năng lượng mặt trời cho tư gia
Ở những chỗ có nhiều nắng như California, Arizona thì có nhiều cố gắng của chính phủ khuyến khích dân chúng dùng năng lượng mặt trời để giảm việc tiêu thụ điện.Theo danh mạng www.gosolarcalifornia.org thì ở California có một nỗ lực chung giữa California Energy Commission và California Public Utilities Commission khuyến khích dân chúng dùng năng lượng mặt trời ở tư gia cũng như cơ sở thương mại. Mục tiêu là tới cuối năm 2016 sẽ thiết bị được 3 ngàn megawatts của năng lượng mặt trời. Ðể đạt mục đích này tiểu bang California đã có chương trình California Solar Initiative. Thí dụ có chương trình giảm cước phí cho khách hàng của Pacific Gas & Electric.
Dùng năng lượng mặt trời để sinh ra điện ở tư gia có thể chia làm hai loại: loại nối với mạng điện (grid connected) và loại biệt lập. Theo loại nối với mạng điện thì mạch điện được nối vào mạng lưới điện công cộng. Ðiện dùng không hết sẽ được chuyển vào mạng điện và khi nào không có năng lượng mặt trời thì điện từ mạng sẽ cung cấp điện.Theo loại độc lập thì mạch điện đứng biệt lập không nối vào mạng điện. Nếu dư dùng không hết thì phải có bình điện để trữ điện. Loại này tiện cho những nơi hẻo lánh không gần mạng điện. Nhưng cần phải trang bị bình điện.
Có nên dùng năng lượng mặt trời không?
Ðứng về phương diện môi trường thì dùng năng lượng mặt trời chắc chắn là tốt vì giảm được sự dùng điện thường. Nhưng về mặt kinh tế, tức là có lợi cho mình hay không, thì tùy rất nhiều yếu tố. Theo Bộ Năng Lượng Hoa Kỳ (energy.gov) thì quý vị phải xét tới những yếu tố sau:
-Nguồn năng lượng mặt trời nhiều hay ít – thí dụ như có trung bình bao nhiêu ngày nắng trong một năm, ánh nắng chiếu vào mái nhà nhiều hay ít,
-Ðộ lớn của hệ thống – thí dụ mái nhà có đủ chỗ cho một hệ thống lớn không.
-Vấn đề kinh tế – tức là phải xét tới giá trang bị hệ thống, phí tổn bảo trì và bớt được bao nhiêu tiền điện trong một tháng.
-Vấn đề luật lệ địa phương – có vấn đề gì với chính quyền địa phương khi để bản mạng mặt trời lên mái nhà không?
Sau khi xét kỹ các yếu tố trên thì mới có thể có quyết định một cách sáng suốt được.
–––––
Tài liệuscience.nasa.gov
energy.gov
www.gosolarcalifornia.org

https://www.nguoi-viet.com/doi-song/nang-luong-mat-troi-solar-energy/

Geen opmerkingen:

Een reactie posten