woensdag 23 mei 2018

Việt Nam và Úc tố cáo Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông + Hải Quân Việt Nam và Ấn Độ lần đầu tiên diễn tập chung

Việt Nam và Úc tố cáo Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông

mediaẢnh vệ tinh chụp đảo Phú Lâm, Hoàng Sa ngày 28/01/2017(@amti.csis.org)
Về việc Trung Quốc cho oanh tạc cơ chiến lược H-6K hạ cánh xuống một hòn đảo ở Biển Đông, được giới chuyên gia xác định là đảo Phú Lâm, Hoàng Sa, Việt Nam vào hôm qua, 21/05/2018 đã lên tiếng phản đối, trong lúc ngoại trưởng Úc cũng nhắc nhở đồng nhiệm Trung Quốc Vương Nghị rằng Canberra phản đối việc Bắc Kinh quân sự hóa Biển Đông.
Theo hãng tin Anh Reuters, trong một tuyên bố, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã xác định rằng « Việc Trung Quốc cho máy bay ném bom tiến hành các hoạt động diễn tập cất, hạ cánh trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo này » « làm gia tăng căng thẳng, gây bất ổn trong khu vực và không có lợi cho việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông ».
Việt Nam đồng thời yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động nêu trên, « không được tiến hành quân sự hóa, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.. »
Theo phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam, thì sự hiện diện của oanh tạc cơ Trung Quốc trong khu vực « ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc nhằm xây dựng Bộ Quy Tắc Ứng Xử của các bên ở Biển Đông ».
Phản ứng của Việt Nam được đánh giá là mạnh hơn lời phản đối được coi là « chừng mực » của Philippines, cũng vào hôm qua, chỉ bày tỏ thái độ « quan ngại sâu sắc » nhưng không lên án hành động của Bắc Kinh.
Úc có cùng quan điểm với Việt Nam. Theo nhật báo Anh The Guardian vào hôm nay, 22/05, ngoại trưởng Úc Julie Bishop mới đây đã lên tiếng phản đối việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông sau vụ Bắc Kinh điều máy bay ném bom có khả năng mang bom nguyên tử hạ cánh xuống quần đảo Hoàng Sa.
Ngoại trưởng Úc đã bày tỏ thái độ phản đối trong cuộc tiếp xúc với ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị bên lề hội nghị ngoại trưởng khối G20 ở Argentina trong hai ngày 20-21/05.
Trả lời đài truyền hình Úc ABC vào hôm nay, bà Bishop khẳng định : « Lập trường của Úc rất rõ và nhất quán, và Trung Quốc cũng đã biết… Tôi tin rằng Trung Quốc không bất ngờ khi tôi nêu vấn đề này một lần nữa ». Ngoại trưởng Úc khẳng định chính quyền Canberra sẽ tiếp tục thực thi quyền tự do hàng hải và hàng không, đồng thời ủng hộ các nước khác làm điều tương tự. Bà cho biết nói đã nêu rõ lập trường này cho phía Trung Quốc.
Bắc Kinh đã bỏ ngoài tai những lời phản đối trên đây, cho rằng việc oanh tạc cơ của họ đáp xuống các đảo ở Biển Đông, hoàn toàn thuộc chủ quyền Trung Quốc là một điều bình thường. Vào hôm qua, 21/05, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã phản bác mọi cáo buộc, đồng thời tố cáo các nước bày tỏ thái độ quan ngại là đã « thổi phồng vụ việc ».
Từ Bắc Kinh, thông tín viên RFI Heike Schmidt tường trình :
« Hãy đi chỗ khác chơi, không có gì để xem hết ! » Đây đại khái là câu trả lời của bộ Ngoại Giao Trung Quốc, phản bác mọi chỉ trích về việc Bắc Kinh « quân sự hóa » Biển Đông. Theo lời phát ngôn viên Lục Khảng : « Các đảo ở vùng Nam Hải (tên Trung Quốc gọi Biển Đông) thuộc lãnh thổ của Trung Quốc ». Tóm lại, đối với Bắc Kinh, việc oanh tạc cơ Trung Quốc đáp xuống đảo ở Biển Đông là « một cuộc tập trận bình thường, không nên diễn giải quá đáng ».
Nhật báo Trung Quốc China Daily, mặt khác đã nhắc lại là Hoa Kỳ cũng đã cho tàu đi tuần tra cũng trong vùng đó. Vào tháng 4, oanh tạc cơ B-52 và tàu sân bay Theodore Roosevelt của Mỹ cũng đã thao diễn tại đây và Bắc Kinh đã tố cáo đó là hành vi khiêu khích.
Một đoạn video do Nhân Dân Nhật Báo công bố cho thấy một oanh tạc cơ Trung Quốc H-6K đáp xuống một hòn đảo mà Bắc Kinh khẳng định chủ quyền. Theo nhiều chuyên gia, đó là đảo Phú Lâm (Woody Island) hay Vĩnh Hưng, theo cách gọi của Trung Quốc trong tiếng Hoa - đảo lớn nhất thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam và Đài Loan cũng đòi chủ quyền. Giai đoạn tới đây có lẽ là máy bay này sẽ đáp xuống Trường Sa.
Vấn đề là H-6K là một loại máy bay hiện đại của Trung Quốc, có thể gây lo ngại cho nhiều nước khác. Với tầm hoạt động 3.500 km, H-6K có thể bay đến Úc hay đảo Guam, nơi mà Mỹ có nhiều căn cứ quân sự quan trọng.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20180522-viet-nam-va-uc-to-cao-trung-quoc-quan-su-hoa-bien-dong

Biển Đông : Hải Quân Việt Nam và Ấn Độ lần đầu tiên diễn tập chung

mediaTàu chiến Ấn Độ INS Sahyadri đậu tại cảng Sydney. Ảnh chụp màn ngày 4/10/2013.AFP PHOTO / Saeed Khan
Vào hôm nay, 21/05/2018, ba chiếc tàu Hải Quân Ấn Độ đã ghé cảng Tiên Sa ở Đà Nẵng, miền Trung Việt Nam để chuẩn bị tham gia một cuộc diễn tập với Hải Quân Việt Nam. Báo chí Ấn Độ nêu bật : đây là một cuộc tập trận hải quân song phương đầu tiên giữa hai nước, được tiến hành tại cảng Tiên Sa.
Theo báo Times of India, ba tàu quân sự Ấn Độ bao gồm hộ tống hạm tàng hình INS Sahyadri, khinh hạm trang bị tên lửa INS Kamorta và tàu tiếp liệu INS Shakti. Đội tàu được dặt dưới quyền chỉ huy của chuẩn đô đốc Dinesh Kumar Tripathi, tư lệnh Hạm Đội Miền Đông của Ấn Độ. Đợt diễn tập dự trù kéo dài cho đến ngày 25/05.
Theo báo Times of India, hoạt động diễn tập hải quân chung giữa Ấn Độ và Việt Nam nhắm vào một đối tượng là Trung Quốc, vốn không từ bỏ cơ hội nào để ghi dấu của họ tại khu vực Nam Á.
Báo Ấn Độ ghi nhận là cuộc diễn tập hải quân Việt-Ấn mở ra trong bối cảnh là trong tháng 6 tới đây, bộ trưởng Quốc Phòng Ấn Độ Nirmala Sitharaman sẽ có chuyến công du Việt Nam, và sau đó, vào cuối năm, đến lượt tổng tham mưu trưởng Quân Đội Việt Nam và tư lệnh Hải Quân Việt Nam đi thăm Ấn Độ.
Trong thời gian qua, Ấn Độ đã không ngừng tăng cường quan hệ quốc phòng với Việt Nam, đã nhiều lần tiếp đón quân đội Việt Nam cũng các quan chức quốc phòng cao cấp của Việt Nam. Thậm chí Ấn Độ còn gợi ý Việt Nam trang bị cho mình loại tên lửa hành trình Brahmos, loại tên lửa phòng không Akash, và ngư lôi chống tàu ngầm do Ấn Độ chế tạo để bảo vệ không phận và hải phận Việt Nam chống lại các hành vi hung hăng của Trung Quốc.
Ngoài ra, trong nỗ lực hợp tác quốc phòng với Việt Nam, Ấn Độ còn giúp Việt Nam huấn luyện phi công trên Sukhoi-30MKI của không quân Ấn Độ, và giúp đỡ Việt Nam sửa chữa và bảo trì máy bay, do thực tế là Việt Nam cũng sử dụng máy bay Sukhoi Su-30 mua từ Nga.
Trước đó, Ấn Độ cũng đã đào tạo thủy thủ hải quân Việt Nam trong việc vận hành tàu ngầm lớp Kilo. Ấn Độ cũng cấp tín dụng quốc phòng 500 triệu đô la cho Việt Nam.
Trong vấn đề tranh chấp Biển Đông, Ấn Độ luôn nhấn mạnh đến yêu cầu tất cả các bên cần tôn trọng Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20180521-hai-quan-viet-nam-va-an-do-lan-dau-tien-tien-hanh-dien-tap-chung

Geen opmerkingen:

Een reactie posten