dinsdag 8 mei 2018

"Chip điện tử" : Cuộc chiến "khốc liệt" giữa Washington và Bắc Kinh : nhập khẩu đến 80% chip điện tử từ Hoa Kỳ,với những thương hiệu lớn như Intel, Qualcomm và Micron

"Chip điện tử" : Một cuộc chiến khác giữa Washington và Bắc Kinh

mediaĐại diện Thương Mại Mỹ Robert Lighthizer (G) khi rời khách sạn ở Bắc Kinh, ngày 03/05/2018.REUTERS/Jason Lee
Ngày 03/05/2018, một phái đoàn của Hoa Kỳ đã đến Trung Quốc để thảo luận về các tranh chấp thương mại đôi bên. Thế nhưng, cuộc chiến nhôm, thép và nông sản chỉ là bề nổi. Ẩn sau cuộc tranh chấp thương mại này là một cuộc đọ sức khác không kém phần gay cấn, đang khiến Washington lo ngại: « Cuộc chiến con chip điện tử ».
Trung Quốc « phải tự cung tự cấp » trong lĩnh vực công nghệ quan trọng và « tập hợp mọi sức lực để thực hiện những điều lớn lao », chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhấn mạnh như trên khi đến thăm một hãng công nghệ cao.
Nhưng con đường « thực hiện những điều lớn lao » đó vẫn còn một cản lực : Bắc Kinh chưa thể làm chủ công nghệ bán dẫn để tự sản xuất chip điện tử, một linh kiện điện tử thiết yếu trong các sản phẩm điện tử, từ điện thoại thông minh cho đến các loại máy vi tính. Trung Quốc, công xưởng thế giới giá rẻ, lại phải nhập khẩu đến 80% chip điện tử, chủ yếu là từ Hoa Kỳ, nơi mà những thương hiệu lớn như Intel, Qualcomm và Micron đang thống lĩnh thị trường này.
Với « Kế hoạch 2025 », Trung Quốc thời Tập Cận Bình giờ muốn khắc phục sự chậm trễ đó. Mục tiêu của kế hoạch là làm thế nào hoàn thiện việc sản xuất trong nước công nghệ bán dẫn để giảm 50% sự lệ thuộc vào nguồn cung ứng bên ngoài, biến Trung Quốc thành một cường quốc công nghệ tân tiến, có thể cạnh tranh với Hoa Kỳ.
Tham vọng này của Bắc Kinh thật sự khiến Washington lo ngại vì có liên quan đến vấn đề « sở hữu trí tuệ », một điểm gai góc nhất trong cuộc tranh chấp này, như nhận định của ông Robert Lighthizer, Đại diện Thương Mại Mỹ USRT với hãng tin Pháp AFP.
Hoa Kỳ luôn lên án cách hành xử của Bắc Kinh, như « ép buộc » doanh nghiệp nước ngoài phải chuyển giao công nghệ nếu muốn làm ăn tại Trung Quốc ; hay cạnh tranh không lành mạnh, luồn lách các luật lệ cạnh tranh, qua việc thực hiện những chính sách hỗ trợ tài chính ồ ạt.
Theo các số liệu thống kê của USTR, từ năm 2014, chính quyền trung ương và địa phương tại Trung Quốc đã tài trợ khoảng 100 tỷ đô la cho nhiều tập đoàn Nhà nước hoạt động trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn, như Hua Hong, có nhà xưởng ở thành phố Vô Tích (đông Trung Quốc), Thanh Hoa Unigroup hay ZTE…
Bộ trưởng Thương Mại Mỹ Wilbur Ross đã đánh giá « Kế hoạch 2025 » này của Trung Quốc là « đáng sợ », và cho đấy là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thâm thủng thương mại của Mỹ ngày càng lớn.
Trong bối cảnh đó, chính quyền Donald Trump đã ra sức ngăn chặn các chiến dịch Trung Quốc mua lại công nghệ Mỹ. Tháng 9/2017, tổng thống Mỹ, lấy lý do an ninh quốc gia, phản đối thương vụ một tập đoàn Nhà nước Trung Quốc mua lại công ty chế tạo bán dẫn Lattice. Tương tự, Thanh Hoa Unigroup năm 2015 đã thất bại trong việc tìm cách sở hữu Micron.
Dù có nhiều ý kiến cho rằng Trung Quốc sẽ còn phải mất đến nhiều năm nữa mới có thể « sánh vai » với Hoa Kỳ, nhưng điều gì có thể cản trở được nước này trong tương lai sở hữu được lĩnh vực công nghệ này, khi mà giờ đây Trung Quốc gần như đã có tất cả, từ bom nguyên tử cho đến cả công nghệ không gian. Thậm chí, "Silicon Valley của Trung Quốc" cũng đang trên đà qua mặt các cường quốc khác. Theo nhận định của AFP, rõ ràng, « cuộc chiến chip - rận điện tử đang làm "mẩn ngứa" quan hệ thương mại Mỹ - Trung ».

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180503-%E2%80%9Cchip-dien-tu%E2%80%9D-mot-cuoc-chien-khac-giua-washington-va-bac-kinh

Geen opmerkingen:

Een reactie posten