zaterdag 19 mei 2018

Những loài cây nắm giữ kỷ lục thế giới + Cây nấm được cho là sinh vật lớn nhất hành tinh



Thứ tư, 7/6/2017, 21:00 (GMT+7)

Những loài cây nắm giữ kỷ lục thế giới

Nhiều cây xanh lọt vào Sách kỷ lục thế giới Guinness nhờ chiều cao, tuổi thọ hay khả năng phát triển nhanh nhất.



Những loài cây nắm giữ kỷ lục thế giới
Loài cây phát triển nhanh nhất thế giới được sách kỷ lục Guinness ghi nhận là Paulownia tomentosa, còn gọi là cây nữ hoàng hay mao địa hoàng, theo Tree Hugger. Cây có thể phát triển đến chiều cao 6 m sau năm đầu tiên.
Paulownia tomentosa có hoa màu tím. Đây là loài bản địa ở miền trung và phía tây Trung Quốc, nhưng hiện được trồng rộng rãi trên khắp nước Mỹ. Cây sản xuất lượng oxy cao gấp 3-4 lần so với bất kỳ loài cây nào khác. Ảnh: Jean-Pol Grandmont.
Những loài cây nắm giữ kỷ lục thế giới
Hyperion, một cây gỗ đỏ cao 115,54 m tại Vườn Quốc gia Gỗ đỏ, California, Mỹ, được công nhận là cây còn sống cao nhất trên thế giới. Ảnh: Tree Hugger.
Những loài cây nắm giữ kỷ lục thế giới
Cây Polylepis tarapacana có thể sống trên 700 năm trong hệ sinh thái bán khô cạn ở Altiplano, thuộc trung tâm dãy núi Andes, Nam Mỹ. Với môi trường sống ở độ cao 4.000-5.200 m so với mực nước biển, Polylepis tarapacana được ghi nhận là loài cây sống ở khu vực cao nhất thế giới. Ảnh: Rodrisan.
Những loài cây nắm giữ kỷ lục thế giới
Theo Mother Nature Network, cây thông Methuselah mọc trên dãy núi White, California, Mỹ, được biết đến là cây lâu đời nhất thế giới, với tuổi thọ khoảng 4.841 năm. Vị trí chính xác của cây được giữ bí mật để tránh sự xâm phạm của người dân. Ảnh: Rick Goldwasser.
Những loài cây nắm giữ kỷ lục thế giới
General Sherman, cây củ tùng tại Vườn Quốc gia Sequoia, California, Mỹ, có tuổi thọ khoảng 2.500 năm tuổi. Đây là cây có thể tích lớn nhất thế giới với hơn 1.500 m3 gỗ. Cành lớn nhất của cây bị gãy năm 2006, phá vỡ một phần hàng rào bao bọc và làm lõm vỉa hè đi bộ xung quanh. Ảnh: Neal Parish.
Những loài cây nắm giữ kỷ lục thế giới
Cây manchineel là cây nguy hiểm nhất thế giới theo sách kỷ lục Guinness do chứa chất độc gây chết người ở tất cả các bộ phận. Chúng sống trong môi trường đất cát và rừng ngập mặn ở Nam Florida, Mỹ, vùng Caribbean, Trung Mỹ, phía bắc khu vực Nam Mỹ. Nhiều cây manchineel được dán biển thông báo để người dân nhận biết và tránh xa. Ảnh: USDA.
Những loài cây nắm giữ kỷ lục thế giới
Sri Maha Bodhiya, cây bồ đề linh thiêng ở Sri Lanka, được xem là cây do con người trồng lâu đời nhất thế giới với độ tuổi khoảng 2.300 năm. Đây là cây được chiết ra từ cây bồ đề mẹ, tương truyền là nơi Đức Phật từng ngồi thiền và giác ngộ. Ảnh: Wikimedia.
Những loài cây nắm giữ kỷ lục thế giới
Cây vân sam Na Uy sống ở Thụy Điển có hệ thống rễ lâu đời nhất thế giới, với khoảng 9.550 năm. Trên thực tế, cây tái sinh các thân, cành và rễ qua hàng nghìn năm dưới hình thức sinh sản vô tính. Ảnh: Karl Brodowsky.
Những loài cây nắm giữ kỷ lục thế giới
Cây bạch tạng lớn nhất thế giới được gọi là cây gỗ đỏ ma (Ghost redwood) mọc ở California, Mỹ. Trong tự nhiên, chỉ có khoảng 25 đến 60 cây gỗ đỏ không chứa diệp lục, dẫn đến hiện tượng cây có màu trắng thay vì xanh lục như cây thông thường. Ảnh: Cole Shatto.
Những loài cây nắm giữ kỷ lục thế giới
Cây hạt dẻ lớn nhất và lâu đời nhất thế giới mọc trên ngọn núi lửa Etna, Sicily, Italy. Độ tuổi của cây ước tính khoảng 2.000-4.000 năm. Cây hạt dẻ này được ghi vào Sách kỷ lục Guinness là cây có chu vi lớn nhất thế giới, bằng 58 m. Ảnh: LuckyLisp.

Lê Hùng

https://vnexpress.net/photo/khoa-hoc/nhung-loai-cay-nam-giu-ky-luc-the-gioi-3596280.html



Thứ hai, 6/11/2017, 09:38 (GMT+7)

Cây nấm được cho là sinh vật lớn nhất hành tinh

Một khối nấm hàng nghìn năm tuổi ở Oregon, Mỹ, bao phủ diện tích hơn 195 hecta và là thủ phạm giết chết cây rừng để hút dưỡng chất.





Hệ thống sợi nấm dạng rễ dưới lòng đất. Video: Tech Insider. 
Sinh vật lớn nhất hành tinh là một khối nấm Armillaria ostoyae nằm trong rừng quốc gia Malheur ở bang Oregon, Mỹ, theo Mother Nature Network. Được mệnh danh là "cây nấm bự chảng", khối A. ostoyae này bao phủ ít nhất 195 hecta và có tuổi thọ ước tính 1.900 - 8.650 năm.
Tuy nhiên, khối nấm A. ostoyae gần như nằm toàn bộ dưới lòng đất. Các nhà nghiên cứu có thể xác định vị trí cây nấm do nó không chỉ mọc ra những cây nấm mà còn phát triển những sợi nấm dạng rễ dày như dây thừng bò dưới lòng đất nhằm tìm những thân cây để ký sinh.
Một nghiên cứu xuất bản trên tạp chí Nature Ecology & Evolution hôm 30/10 sắp trình tự và phân tích 4 loài nấm Armillaria. Nghiên cứu bao gồm trồng các loài nấm Armillaria trong phòng thí nghiệm, sử dụng gạo, mùn cưa, cà chua. Nấm Armillaria mọc sợi nấm dạng rễ mà không cần bất kỳ kích thích nào từ các nhà nghiên cứu. Nhưng để những cây nấm mọc lên, nhóm nghiên cứu phải từ từ di chuyển mẫu vật đến khu vực mát mẻ và tối hơn trong phòng thí nghiệm để mô phỏng môi trường mùa thu, khi những cây nấm sinh sôi.
Các nhà nghiên cứu phát hiện những sợi nấm dạng rễ và cây nấm có chung một loại mạng lưới gene hoạt động. Điều này có nghĩa khả năng phát triển sợi nấm dạng rễ của Armillaria có thể trực tiếp đến từ việc sử dụng các gene vốn dùng để tạo ra cây nấm. Theo nhà nghiên cứu László Nagy ở Viện Hàn lâm Khoa học Hungary, sợi nấm dạng rễ có thể là những gốc nấm không thể đâm chồi mà thay vào đó mọc dưới lòng đất và lan tỏa nhanh không kém cây nấm.
Các sợi nấm dạng rễ của Armillaria có thể gây hại cho khu rừng do mang chức năng truyền bệnh, gọi là hiện tượng "thối trắng". Những sợi rễ nấm có nhiều gene góp phần làm chết tế bào cây. Tính trung bình, sợi rễ nấm Armillaria có 669 protein phát tín hiệu truyền bệnh so với 552 protein ở các loài gây hoại sinh khác. Lợi thế này cho phép Armillaria đánh bại những vi khuẩn cạnh tranh khác để xâm nhập vào hệ thống rễ cây khỏe mạnh.
Trong rừng quốc gia Malheur, nấm A. ostoyae và những sợi rễ nấm của nó giết chết rất nhiều cây. Theo Cơ quan Lâm nghiệp Mỹ, dấu hiệu nhiễm nấm Armillaria rất dễ thấy. Cây còn sống có tán lá thưa thớt, ngả màu vàng xanh và nhựa ứa ra từ gốc. Cây chết bị mất cành cây và vỏ cây. Nhiều cây vẫn đứng thẳng sau khi chết, đôi khi sau nhiều năm mới đổ. Các sợi rễ nấm vẫn tiếp tục hút chất dinh dưỡng bất kể cây còn sống hay đã chết.
Phương Hoa 

https://vnexpress.net/tin-tuc/khoa-hoc/cay-nam-duoc-cho-la-sinh-vat-lon-nhat-hanh-tinh-3666025.html?vn_source=rcm_video_embed&vn_medium=Video&vn_campaign=rcm


Thứ sáu, 10/2/2017, 19:00 (GMT+7)

Nấm linh chi to như cái chậu ở Trung Quốc

Cây nấm linh chi đen bóng với đường kính chỗ lớn nhất 57 cm được một người dân ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc cất giữ trong nhà.


nam-linh-chi-to-nhu-cai-chau-o-trung-quoc
Cây nấm linh chi hoang dã to như chậu rửa mặt ở Trung Quốc. Ảnh: Red Net.
Lục Thành Hoa, người dân tộc Dao ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc đang giữ một cây nấm linh hoang dã lớn trong nhà, Sina hôm 8/2 đưa tin. Linh chi là loại thuốc tốt để chữa bệnh, cũng được người Trung Quốc xem là biểu tượng cho sự may mắn.
Bề mặt cây nấm màu đen, bóng láng tự nhiên. Nó có hình dạng giống chiếc ô, to bằng chậu rửa mặt với đường kính chỗ lớn nhất là 57 cm, độ dày 12 cm. 
nam-linh-chi-to-nhu-cai-chau-o-trung-quoc-1
Nấm linh chi là loại thuốc tốt để chữa bệnh và tượng trung cho sự may mắn. Ảnh: Red Net.
Lục Thành Hoa cho biết hai năm trước, vợ chồng anh phát hiện cây nấm linh chi trên thân gỗ mục trong khu rừng gần nhà. Sau đó, họ dùng cưa cắt đứt đoạn gỗ mang về, cất giữ như một bảo vật trong gia đình. 
Người dân địa phương khi biết tin đã tập trung ở nhà anh Lục để chiêm ngưỡng cây nấm. "Tôi sống ở đây 60 năm nhưng chưa từng thấy nấm linh chi hoang dã lớn như vậy. Nó quả thật rất hiếm", một người dân chia sẻ. 
Hiền Anh




Geen opmerkingen:

Een reactie posten