maandag 21 mei 2018

Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran : Các công ty Nga hưởng lợi

Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran : Các công ty Nga hưởng lợi

mediaTổng thống Nga Vladimir Putin (P) và đồng nhiệm Iran Hassan Rouhani tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 04/04/2018.AFP
Dù chỉ trích việc Hoa Kỳ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, nhưng thực chất Nga không bị tác hại kinh tế nặng nề như các nước châu Âu, thậm chí các công ty của nước này có thể sẽ hưởng lợi từ việc Washington tái lập các biện pháp trừng phạt Teheran.
Theo các nhà phân tích được hãng tin AFP ngày 11/05/2018 trích dẫn, vào lúc các nước châu Âu không biết làm cách nào để duy trì các mối quan hệ kinh tế được thiết lập từ sau thỏa thuận 2015, thì các công ty Nga lại đang trong thế thuận lợi.
Nhà chính trị học Vladimir Sotnikov ghi nhận : "Thỏa thuận hạt nhân và việc bãi bỏ các trừng phạt đã đánh dấu sự trở lại của các doanh nghiệp châu Âu ở Iran, khiến cạnh tranh trở nên gắt gao. Nhưng nay các công ty châu Âu sẽ khó mà tiếp tục như thế. Vì thế, hơn bao giờ hết, các công ty Nga đang chiếm thế thượng phong".
Quan hệ giữa Nga và Iran đã được cải thiện kể từ khi chấm dứt chiến tranh lạnh. Vào lúc chế độ Teheran còn bị thế giới cô lập, giữa thập niên 1990, Matxcơva đã chấp nhận thực hiện hợp đồng xây dựng nhà máy điện hạt nhân Bouchehr (miền nam Iran), sau khi Đức bỏ dở dự án này. Ngay cả trước khi ký thỏa thuận 2015 về hạt nhân Iran, bất chấp các biện pháp trừng phạt của quốc tế, hai nước vẫn tìm cách tăng cường trao đổi mậu dịch.
Theo nhà phân tích Igor Delanoe, thuộc Đài Quan sát Pháp-Nga, các công ty châu Âu nay phải tuân thủ các trừng phạt của Hoa Kỳ vì sợ sẽ gặp khó khăn trên thị trường Mỹ. Các doanh nghiệp Nga thì ít lo hơn. Ông Delanoe nhắc lại : "Ngay cả khi Iran còn bị quốc tế trừng phạt, các doanh nghiệp Nga vẫn tiếp tục làm việc một cách thoải mái ở Iran. Họ đã quen thích ứng với những bó buộc về pháp lý và kinh tế. Việc Hoa Kỳ o ép Iran sẽ càng khiến nước này quay sang Trung Quốc và Nga".
Tình hình hiện nay có thể tạo xung lực mới cho quan hệ kinh tế Nga-Iran, vốn đã bị chựng lại trong vài năm trở lại đây. Trao đổi mậu dịch giữa hai nước năm 2017 chỉ đạt 1,7 tỷ đô la, giảm đến 20% so với năm 2016, thấp hơn nhiều so với mức 3 tỷ đô la vào cuối thập niên 2000.
Ông Charles Robertson, thuộc ngân hàng đầu tư Renaissance Capital, phân tích Nga muốn bán thép, các cơ sở hạ tầng giao thông và các hàng hóa khác cho Iran. Cạnh tranh của Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu "càng yếu thì càng có lợi (đối với Nga)."
Nhà phân tích Igor Delanoe cho biết Iran cũng đang có nhu cầu rất lớn về cơ sở hạ tầng cho ngành năng lượng, cũng như trong ngành viễn thông và điện lực, những lĩnh vực Nga có lợi thế. Cũng theo ông Delanoe, tình hình hiện nay có thể thúc đẩy xu hướng sử dụng đồng rúp trong giao thương giữa Nga với các nước Trung Đông, để tránh đô la, bởi vì việc sử dụng đơn vị tiền tệ này có thể bị tư pháp Mỹ gây khó dễ.
Việc Hoa Kỳ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015 còn có một tác động tích cực khác đối với kinh tế Nga, đó là giá dầu tăng lên đến mức cao nhất từ năm 2014, làm tăng thêm nguồn thu cho ngân sách Nhà nước Nga, vốn phụ thuộc nhiều vào dầu khí. Điều này tạo thuận lợi cho tổng thống Vladimir Putin, vừa chính thức nhậm chức cho nhiệm kỳ thứ tư, với lời hứa hẹn sẽ phát triển kinh tế Nga và giảm nghèo đói. Để thực hiện hai mục tiêu dài hạn đó, thủ tướng Dmitri Medvedev sẽ cần đến hơn 100 tỷ euro.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180511-my-thoa-thuan-hat-nhan-iran-cong-ty-nga-pt

Nga và Iran thắt chặt quan hệ đối phó với trừng phạt của Mỹ

mediaTổng thống Putin (T) tiếp xúc với đồng nhiệm Iran Hassan Rouhani tại Téhéran, ngày 01/11/2017.Reuters
Tổng thống Nga Vladimir Putin, hôm qua, 01/11/2017, công du Iran nhằm thảo luận về quan hệ song phương, đồng thời, tham dự thượng đỉnh ba bên, Nga-Iran- Azerbaidjan. Chuyến đi Teheran của ông Putin diễn ra trong bối cảnh cả Nga và Iran đều bị Hoa Kỳ gia tăng trừng phạt.
Từ thủ đô Iran, thông tín viên Siavosh Ghazi gửi về bài tường trình :
« Tổng thống Hassan Rohani, khi đón tiếp đồng nhiệm Vladimir Putin, đã tuyên bố : Nga là một nước bạn, một đối tác chiến lược của Iran. Ông khẳng định rằng hợp tác giữa Iran và Nga đã có tác động lớn trong cuộc chiến chống khủng bố, tại Syria. Nguyên thủ Iran đồng thời kêu gọi hai nước tiếp tục hợp tác trong giai đoạn cuối của cuộc chiến này.
Trước chuyến công du của tổng thống Putin, tổng tham mưu trưởng quân đội Nga đã tới Iran để bàn về hợp tác quân sự song phương cũng như hợp tác giữa hai nước tại Syria. Matxcơva và Teheran đã hợp tác trong dự án xây dựng hai nhà máy điện nguyên tử ở miền nam Iran.
Tương tự, tập đoàn dầu khí Nga Rosneft và công ty Dầu lửa quốc gia Iran đã ký thỏa thuận về lộ trình thăm dò khai thác một loạt các khu vực dầu khí, với tổng đầu tư sẽ lên tới 30 tỷ đô la.
Chuyến công du của tổng thống Putin diễn ra trong bối cảnh Hoa Kỳ đã thông báo các biện pháp trừng phạt mới chống lại Nga và Iran, bị coi là hai quốc gia kẻ thù của nước Mỹ.
Hôm thứ Ba, bộ Ngân Khố Mỹ đã sửa đổi quy định để đưa lực lượng Vệ Binh Cách Mạng, đội quân tinh nhuệ của Iran vào danh sách các nhóm ủng hộ khủng bố và tăng cường các biện pháp trừng phạt nhắm vào 12 nhân vật và khoảng ba chục tổ chức thuộc lực lượng này ».


http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171102-nga-va-iran-that-chat-quan-he-doi-pho-voi-trung-phat-cua-my-ok

Iran sắp hoàn thành hệ thống phòng thủ chống tên lửa

mediaQuốc Hội Iran tháng 08/2017 bỏ phiếu tăng ngân sách phát triển tên lửaNazanin Tabatabaee Yazdi/TIMA via REUTERS
Tư lệnh đặc trách về hệ thống phòng không Iran, tướng Farzad Esmaili ngày 03/09/2017 thông báo "toàn bộ hệ thống đã hoàn tất và đang trong tiến trình thử nghiệm". Bavar - 373 có khả năng chận tên lửa tương tự như S-300 của Nga. Giới phân tích lo ngại, tuyên bố nói trên càng làm dấy lên nghi kỵ của Washington với Teheran.
Đài truyền hình Nhà nước Iran trích dẫn lời tướng Esmaili cho biết, hệ thống phòng thủ bắn chận tên lửa Bavar -373 hoàn toàn do công nghệ Iran chế tạo và sẽ được cung cấp cho quân đội trước tháng 03/2018. Teheran dự trù sử dụng lá chắn chống tên lửa đời mới này song song với hệ thống phòng thủ vốn đã có, thuộc lớp S-300 do Nga cung cấp.
Theo AFP, Iran bắt đầu triển khai dự án Bavar -373 vào năm 2010 khi Nga, dưới áp lực của cộng đồng quốc tế, tạm hoãn hợp đồng đã được ký kết ba năm trước đó với Teheran.
Sau tháng 07/2015 khi Iran đạt được thỏa thuật với 6 cường quốc thế giới về chương trình hạt nhân dân sự, Matxcơva đã cho phép xuất khẩu trở lại tên lửa chống tên lửa S-300.
Tin Iran sắp trang bị hệ thống phòng thủ mới được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Teheran và Washington gia tăng. Để trả đũa chính quyền Trump tăng cường các biện pháp trừng phạt Iran, Quốc Hội Iran giữa tháng 8/2017 đồng ý tăng ngân sách phát triển các chương trình đạn đạo.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170903-iran-sap-hoan-thanh-he-thong-phong-thu-chong-ten-lua

Geen opmerkingen:

Een reactie posten