CPTPP sẽ thúc đẩy cải cách ở Việt Nam
Ngày 08/03/2018, 11 nước hai bờ Thái Bình Dương đã ký tại Chilê hiệp định tự do mậu dịch Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP mới, một năm sau khi tổng thống Donald Trump rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định này. Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, hiệp định CPTPP sẽ thúc đẩy Việt Nam thực hiện các cải cách cần thiết.
Hiệp định mới, mà kể từ nay mang tên là Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương ( CPTPP ), quy tụ các nước Úc, Brunei, Canada, Chilê, Nhật Bản, Malaysia, Mêhicô, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.
Không có sự tham gia của Hoa Kỳ, hiệp định CPTPP có tầm mức hạn chế hơn nhiều, vì chỉ bao gồm 18% GDP toàn cầu, thay vì 40% GDP nếu bao gồm cả Mỹ. Hiệp định TPP mới cũng không có những điều khoản riêng về sở hữu trí tuệ mà Washhington trước đây đã đòi phải đưa" vào hiệp định.
Tuy vậy, theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ từ Hà Nội, hiệp định CPTPP sẽ vẫn có tác động thúc đẩy Việt Nam thực hiện những cải cách cần thiết để thực sự chuyển sang nền kinh tế thị trường:
"Dầu không bằng được như khi có Hoa Kỳ, thị trường mà Việt Nam kỳ vọng nhiều nhất vào những lợi ích của TPP khi quyết định tham gia đàm phán từ cách đây mấy năm, nhưng hiệp định vẫn giữ được một số tác động lớn, tích cực cho Việt Nam, mà Việt Nam trông đợi từ trước.
Trước hết là về mặt cải cách thể chế. Việt Nam trong thời gian một vài năm trở lại đây, nhất là với chính phủ của ông Nguyễn Xuân Phúc, có vẻ quyết tâm cải cách thể chế nhiều hơn. Riêng trong năm 2017 đã có nhiều văn bản, nghị quyết mới mang tính cải cách, của Đảng Cộng Sản Việt Nam cho đến của Quốc Hội, chính phủ. Thế nhưng, cải cách thể chế kinh tế và cải cách thể chế nói chung ở Việt Nam cũng vẫn cần có sự hợp tác với bên ngoài, hoặc là thông qua quá trình hội nhập với bên ngoài, với những chuẩn mực cao, hơn để giúp cho Việt Nam định hình rõ hơn và tăng cường quyết tâm cải cách theo hướng thị trường.
Tôi thích nhất TPP là ở chổ các chuẩn mực, các yêu cầu của hiệp định này rất là rõ và cao hơn, để Việt Nam trong quá trình cải cách của mình phải vươn tới những chuẩn mực đó, chứ không thể lúc nào cũng nhấn mạnh đến đặc thù Việt Nam để trì hoãn một số cải cách hoặc cải cách không đồng bộ. Những cải cách thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán của Việt Nam đôi khi làm cho cải cách kém hiệu quả hơn nhiều trong quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường.
Bây giờ, nếu không có một chuyển đổi thật mạnh mẽ, thật nhất quán, để làm cho Việt Nam vượt lên, thì Việt Nam sẽ khó mà cạnh tranh với thế giới ngày nay. Tôi cho rằng, thúc đẩy cải cách thể chế và cải cách bộ máy hành chính của Việt Nam là một điều hết sức cần thiết, mà hiệp định này có thể mang lại. Hiệp định EVFTA giữa Việt Nam với các nước Liên Hiệp Châu Âu cũng sẽ có tác động tương tự.
Thứ hai, hiệp định này sẽ cho Việt Nam cơ hội để thay đổi lại mối quan hệ quốc tế của mình trong tương tác với các nền kinh tế khác. Lâu nay, Việt Nam chủ yếu thu hút đầu tư nước ngoài từ những nước chung quanh Việt Nam.
Ở trong khu vực này thì cũng đã có những kết quả ban đầu tốt, nhưng cho tới nay, nói chung đầu tư của nước ngoài ở Việt Nam chưa mang lại hiệu quả tích cực về những mặt mà Việt Nam rất trông đợi, ví dụ như chuyển giao công nghệ để nâng tầm của nền kinh tế Việt Nam lên một mức cao hơn, vẫn chưa tác động vào nền kinh tế Việt Nam, vào các doanh nghiệp Việt Nam để có thể phát triển trên một nền tảng tốt hơn.
Vẫn có sự cách biệt, sự khác nhau rất rõ và sự không liên kết giữa khối đầu tư nước ngoài với các doanh nghiệp trong nước, với nội lực của Việt Nam. Chừng nào không nâng được nội lực lên, thì Việt Nam không thể phát triển được. Tôi cho rằng liên kết với các nền kinh tế tiên tiến hơn sẽ giúp nhiều hơn cho Việt Nam về mặt đó.
Thứ ba là về mở rộng thị trường ở các mặt, các thị trường trong TPP hiện nay đều có thể tham gia và mở rộng với Việt Nam và Việt Nam tập trung phát triển quan hệ với họ, cũng như là với Liên Hiệp Châu Âu. Tôi cũng kỳ vọng là hiệp định EVFTA có thể được triển khai sớm hơn, giúp cho Việt Nam tăng cường khả năng xuất khẩu và nhập khẩu, cải thiện hiệu quả của hoạt động xuất khẩu lẫn nhập khẩu, cũng như gia tăng sự tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.
Tôi hy vọng là sẽ có sự tham gia tốt hơn ( của các nhà đầu tư ngoại quốc) vào Việt Nam, thay vì thu hút rất nhiều nhà đầu tư, nhưng là của những nước không thật sự có chất lượng cao, mà nhất là của những nền kinh tế thậm chí mang lại nhiều yếu tố rủi ro cho Việt Nam."
Các lưu trữ
- 1
- 2
- 3
- ...
- trang sau >
- trang cuối >
-
Quan hệ Việt-Mỹ qua chuyến thăm của USS Carl Vinson
Từ ngày 5 đến 9/03/2018, lần đầu tiên một hàng không mẫu hạm của Mỹ, chiếc USS Carl Vinson, ghé thăm một cảng của Việt Nam, một dấu hiệu … -
Việt Nam: Giầy thổ cẩm của người Thái và mục tiêu xây trường vùng cao
An Bình, Cô Tô, Ba Bể, Mũi Né, Hội An, Phú Quốc, Sơn Đoòng… những địa danh của Việt Nam được công ty khởi nghiệp … -
Đồng bằng Cửu Long: Áp lực di cư do biến đổi khí hậu
Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất thế giới. Ít nhất 15% tăng trưởng kinh tế của Việt Nam … -
Nhà hát Lớn Hà Nội : Biểu tượng của di sản kiến trúc, nghệ thuật Pháp
Nhà hát Lớn Hà Nội (Théâtre municipal de Hanoi) là công trình quy mô nhất, lộng lẫy nhất ở Viễn Đông … -
Nguy cơ trai thừa gái thiếu ở Việt Nam
Chủ yếu do tâm lý « trọng nam khinh nữ » vẫn còn nặng nề, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đã không … -
Hội Giúp đỡ Trẻ em Việt Nam và chương trình đỡ đầu trẻ có hoàn cảnh khó khăn
Đầu năm 2017, ban tiếng Việt đài phát thanh quốc tế Pháp RFI đã có dịp đến thăm làng trẻ em SOS Huế (trước là Trung tâm …
- 1
- 2
- 3
- ...
- trang sau >
- trang cuối >
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20180312-cptpp-se-thuc-day-cai-cach-o-viet-nam
Geen opmerkingen:
Een reactie posten