vrijdag 1 april 2016

Trịnh Công Sơn và đám cưới không thành với cô gái Nhật Michiko Yoshii + 3 lần gặp gỡ Khánh Ly + Vì sao nhạc Trịnh Công Sơn trở thành bất hủ

Thứ sáu, 1/4/2016 | 12:00 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ | Print
Thứ sáu, 1/4/2016 | 12:00 GMT+7

Trịnh Công Sơn và đám cưới không thành với cô gái Nhật

Cuộc tình của Trịnh Công Sơn với người con gái Nhật Michiko Yoshii là mối tình đẹp nhưng kết cục buồn, vấn vương như những bản tình ca bất hủ của cố nhạc sĩ tài hoa.
Ngày 1/4/2001, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - một trong những nhạc sĩ lớn nhất của nền âm nhạc đương đại Việt Nam - rời cõi tạm về với vĩnh hằng. 15 năm qua, những ca khúc của ông vẫn vang vọng khắp nơi, vẫn là dòng suối tinh thần tắm tưới tâm hồn bao thế hệ người Việt yêu nhạc Trịnh.
Trong gia tài âm nhạc, Trịnh Công Sơn đã để lại những khúc tình ca bất hủ. Những bản nhạc tình ấy có lúc trong trẻo, hồn nhiên, tinh khôi như đóa quỳnh mãi ngát hương trong vườn yêu, cũng nhiều lúc chỉ là nỗi buồn thương, mất mát, dở dang, "từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ". Trong cuộc tình riêng đời mình, cố nhạc sĩ đã đôi lần ngấp nghé trước ngưỡng cửa hôn nhân nhưng mãi mãi không bao giờ bước qua. Có những bóng hồng, những người đi qua cuộc đời Trịnh Công Sơn và họ đọng lại trong những ca khúc, bài thơ, bức họa của ông như những nỗi buồn thuần khiết.
trinh-cong-son-va-dam-cuoi-khong-thanh-voi-co-gai-nhat
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ảnh tư liệu.
Michiko Yoshii - người con gái Nhật thông minh, tài năng và trong sáng là một câu chuyện tình buồn, thuần khiết như vậy của Trịnh Công Sơn. Vượt qua những rào cản về biên giới, ngôn ngữ, văn hóa, nàng đã đến với cuộc đời ông như một người tình tri kỷ. Những tưởng mối quan hệ ấy sẽ là một lương duyên, nhưng rốt cuộc vẫn không thành, để chỉ mãi là mối tình đẹp nhẹ nhàng.
Vào khoảng năm cuối thập niên 80 của thế kỷ 20, Michiko Yoshii - lúc này là sinh viên đại học tại Paris (Pháp) - đã bén duyên với Việt Nam vì yêu văn hóa, ngôn ngữ và con người của đất nước này. Một trong những tình yêu lớn nhất ở cô gái Nhật thời ấy là tình cảm sâu nặng dành cho nhạc Trịnh Công Sơn. Michiko yêu nhạc Trịnh đến nỗi, lúc đó, dù đã có bằng cao học về văn hóa Nhật Bản, cô vẫn tiếp tục theo đuổi đề tài cao học nghiên cứu về âm nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn.
Để gần được hơn với nhạc Trịnh, Michiko không chỉ nhiều lần từ Pháp điện thoại về Việt Nam trò chuyện với Trịnh Công Sơn, cô còn đến Việt Nam để gặp gỡ trực tiếp người nhạc sĩ mình ngưỡng mộ. Luận án cao học và âm nhạc là cầu nối cho cuộc tình nhẹ nhàng của họ.
Dù không nhớ chính xác khoảng thời điểm nào cuộc tình ấy ngày càng trở nên sâu đậm, các thành viên trong gia đình cố nhạc sĩ đến nay vẫn còn nhớ như in cảm giác cả nhà náo nức khi biết tin hai người chuẩn bị làm đám cưới.
Ba người em gái của Trịnh Công Sơn lúc này đang ở Canada gồm ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh, chị Diệu và chị Tâm háo hức đi sắm đồ cưới cho anh trai. Họ chọn bộ vest thật đẹp cho anh, xấp vải tốt gửi về Việt Nam cho mẹ may áo dài. Còn ở nhà, người mẹ yêu quý của Trịnh Công Sơn rất vui. Bà tất bật sắm sửa, chuẩn bị lễ nghi cưới theo phong tục Việt Nam. Nhẫn cưới cũng được chuẩn bị chu đáo chỉ chờ ngày để tân lang và tân nương trao nhau.
Lúc đó, Michiko cho biết do ba mẹ của cô đã rất già không thể sang Việt Nam nên muốn nhờ ông bà đại sứ người Nhật tại Việt Nam thay thế cha mẹ, đại diện nhà gái trong ngày hai bên gặp gỡ nhau. Theo phong tục cưới của người Nhật, ông bà đại sứ phải ngồi để Trịnh Công Sơn và Michiko quỳ gối xuống lạy tạ. Trịnh Công Sơn không đồng ý điều này với lý do người mẹ sinh ra ông nhưng cả đời ông còn chưa quỳ xuống lạy bao giờ thì không lẽ nào ông lại quỳ gối trước ông bà đại sứ Nhật.
"Tôi cũng không rõ là mọi chuyện kết thúc như thế nào, vì lúc đó tôi đang ở Canada. Nhưng khi nghe tin nhà báo sang đám cưới bị hủy, mọi người đều buồn lắm. Cũng có thể còn nhiều lý do nào đó, nhưng bản tính anh Sơn và cả chị Michiko đều kín đáo, sâu sắc và tế nhị nên chuyện cũng ít được nói ra. Qua sự cảm nhận và góc nhìn của tôi, tôi nghĩ anh Sơn lúc đó rất xúc động với việc một cô gái nước ngoài lại am hiểu và yêu nhạc anh đến thế. Anh rất ấn tượng khi Michiko thuộc hàng trăm ca khúc của mình. Tôi nhớ khoảng năm 1992, tôi và anh Sơn cùng anh Nguyễn Quang Sáng được mời sang Pháp và có dự một chương trình. Đó là lần tôi được thấy Michiko - một người con gái Nhật mảnh mai, duyên dáng. Chị ôm đàn guitar và hát rất nhiều bài nhạc Trịnh một cách say sưa, đầy tình cảm khiến cho mọi người xúc động", ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh kể.
Cuộc tình ngoài đời của cả hai dở dang trước ngưỡng cửa hôn nhân nhưng âm nhạc mãi luôn là sợi dây gắn kết hai tâm hồn đồng điệu. Tháng 7/1991, tại Paris, Michiko Yoshii đã bảo vệ thành công luận án cao học về ảnh hưởng nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn trong xã hội Việt Nam thời chiến tranh. Luận án này được giám khảo của Đại học Paris VII xếp loại tối ưu. Và người con gái Nhật mảnh dẻ ấy vẫn luôn để lại ấn tượng với mọi người với hình ảnh cây đàn guitar hát những tình khúc của Trịnh Công Sơn với đôi mắt phảng phất nét buồn.
Sau ngày Trịnh Công Sơn mất, Michiko Yoshii vẫn thường về thắp hương cho ông. Còn với một người tài hoa, bản tính thâm trầm, kín đáo như Trịnh Công Sơn, ông gửi nỗi niềm của mình vào tác phẩm. Trịnh Công Sơn có sáng tác bài hát  tặng riêng cho Michiko. Nhạc phẩm này chưa từng bao giờ được công bố, hiện vẫn nằm ở tủ kính riêng của gia đình trong số những ca khúc, thơ sáng tác tiếng Pháp và tiếng Việt chưa công bố của cố nhạc sĩ.
trinh-cong-son-va-dam-cuoi-khong-thanh-voi-co-gai-nhat-1
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn bên em gái út Trịnh Vĩnh Trinh.
Ngày 31/3, giữa phút tất bật chuẩn bị 15 năm ngày giỗ Trịnh Công Sơn, Trịnh Vĩnh Trinh dành phút lắng đọng nhớ về anh trai cả yêu kính.
Một trong những ký ức các chị em gái trong gia đình thường nhắc về Trịnh Công Sơn là tiếng cốc cốc nhẹ của ông trước cửa phòng các em lúc giữa khuya. Trịnh Công Sơn dáng người ốm yếu mảnh khảnh vì thế tiếng bước chân, tiếng cốc cửa của ông cũng rất nhẹ nhàng. Mỗi lần ông lên tiếng hỏi "Các em ngủ chưa", các cô em gái - dù lúc này đều buồn ngủ, vì thương anh vẫn tíu tít "Dạ chưa, lúc nãy vừa ngồi nói chuyện, mới tắt đèn định ngủ thôi ạ". Những lúc như thế, ông sẽ nhỏ nhẹ mời người em gái nào đó của mình xuống dưới nhà làm mẫu cho ông vẽ chân dung. Và những buổi khuya, dưới ánh đèn, chỉ có tiếng cọ sột soạt trên mặt vải, dáng người gầy gò của ông in trên giá vẽ.
"Tất cả anh em tôi đều sợ và xót xa lắm khi thấy anh mình bị cô đơn. Không biết làm gì để cho anh vui. Thường buổi trưa, bạn bè đến với anh khá đông, khi đó thì đỡ hơn. Nhưng khoảng đêm, nhất là lúc 2-3h sáng, lúc mà mọi người đang say giấc nhất, tôi đoán, có lẽ cũng là khoảng thời gian sự cô đơn xâm chiếm anh nhất. Có lần 3h sáng, anh vẫn điện thoại cho nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Một lúc sau, anh Sáng đã đi xe máy sang nhà để cùng trò chuyện với anh. Anh Sơn là người rất tế nhị, anh không bao giờ làm phiền người khác và chỉ gọi đến bạn bè thân những khi anh cần họ nhất", Trịnh Vĩnh Trinh kể.
Thoại Hà

http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/gioi-sao/trong-nuoc/trinh-cong-son-va-dam-cuoi-khong-thanh-voi-co-gai-nhat-3379320.html

Thứ tư, 30/3/2016 | 13:52 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ | Print
Thứ tư, 30/3/2016 | 13:52 GMT+7

Ba lần gặp gỡ đặc biệt với Trịnh Công Sơn của Khánh Ly

Khánh Ly nói mỗi lần gặp nhạc sĩ họ Trịnh đều hạnh phúc và nhiều tình cảm, trong đó có ba lần đáng nhớ nhất với bà.
Khánh Ly có mặt ở Hà Nội sáng 29/3 trong buổi gặp báo chí trước show diễn Đường xa vạn dặm kỷ niệm 15 năm ngày mất Trịnh Công Sơn. Bà chia sẻ mọi năm đến ngày giỗ nhạc sĩ, bà thường không làm gì mà chỉ nhớ trong lòng và cùng lắm là nhắc chồng về ngày đó. Năm nay, Khánh Ly cùng Hồng Nhung, Cẩm Vân - Khắc Triệu, Quang Dũng, ca sĩ nhí Huyền Trân sẽ đại diện các thế hệ hát nhạc Trịnh đứng chung sân khấu tưởng nhớ cố nhạc sĩ.
Danh ca ôn lại nhiều kỷ niệm. Hỏi bà về những lần hội ngộ không thể quên trong đời với Trịnh Công Sơn, Khánh Ly cho biết lần gặp định mệnh là hồi 1964 trên Đà Lạt, lần thứ hai là ở Pháp năm 1988 và lần thứ ba là năm 2000 - trước khi Trịnh Công Sơn mất. "Mỗi một buổi như vậy trong lòng tôi đều bồi hồi, nhớ mãi. Dĩ nhiên, những buổi gặp không giống nhau nhưng đều quan trọng cả. Nó đánh dấu mỗi một chặng đường mình đi qua, làm cho mình nhớ lại nhiều điều trong suốt thời gian đã sống. Đối với tôi, kỷ niệm nào cũng đáng quý, cứ được gặp Trịnh Công Sơn là vui".
ba-lan-gap-go-dac-biet-voi-trinh-cong-son-cua-khanh-ly
Khánh Ly trong buổi gặp gỡ báo chí sáng 29/3. Nữ danh ca sẽ tham gia đêm nhạc tưởng nhớ Trịnh Công Sơn vào 2/4. Ảnh: Kiều Thuận.
Năm 1964, định mệnh đưa Khánh Ly gặp Trịnh Công Sơn để rồi nối dài mối duyên âm nhạc đã đi vào lịch sử. Trong cuốn sách Đằng sau nụ cười, bà viết: "Cứ tưởng đời sẽ mãi lêu bêu cho tới ngày cuối, nhưng nếu định mệnh là điều có thật thì điều đó đã đến với tôi một đêm mưa tại Đà Lạt. Dáng người mảnh khảnh, cặp kính trắng tròn, gọng đồi mồi, cặp mắt bồ câu, vầng trán cao, rộng, sống mũi thẳng, nụ cười đẹp tươi với chiếc răng khểnh. Người con trai đó nói với tôi bằng giọng Huế. Dân Đà Lạt đa số nói tiếng Huế nhưng hơi lai, nhưng Sơn là Huế 'chay'. Sơn với hai bàn tay gầy guộc, những ngón tay dài, tài hoa, tháp cho tôi một đôi cánh, xỏ vào chân tôi đôi hài bảy dặm. Cô bé Lọ Lem lột xác. Lột xác để từ một đoạn trường này bước sang một đoạn trường khác".
Vài năm sau đó, Khánh Ly theo Trịnh Công Sơn lên Sài Gòn đi hát - từ đây "nữ hoàng chân đất" cất cánh và cả hai trở thành hình bóng trong âm nhạc. Năm 1975, Khánh Ly sang Mỹ định cư. Cuộc gặp đặc biệt thứ hai là năm 1988 tại Pháp. Đặc biệt bởi đây là lần đầu tiên họ tái ngộ kể từ khi Khánh Ly sang Mỹ, chứ không phải lần gặp ở Canada vào năm 1997 như nhiều người hay nhắc đến.
Khánh Ly kể bà không nghĩ gặp được nhau, bà đến Paris đi hát theo tour, Trịnh Công Sơn tình cờ cũng ở đó. Vì nhiều lý do, họ không dễ dàng gặp mặt. Thế nhưng, qua điện thoại, Trịnh Công Sơn khóc nói với Khánh Ly: "Anh đi nửa vòng trái đất mà chẳng lẽ anh em mình không gặp được nhau, mà nếu bây giờ không gặp thì bao giờ mới gặp". Nghe thế, Khánh Ly "thây kệ, mặc ai muốn nói gì thì nói" để đi gặp nhạc sĩ. Danh ca kể lúc đó có cả nữ giáo sư người Nhật Michiko và vài người bạn của họ. "Ông uống rượu, tôi uống nước, nói chuyện bình thường vậy thôi".
Cuộc gặp gỡ đặc biệt thứ ba là năm 2000 - lần cuối cùng Khánh Ly được gặp Trịnh Công Sơn. Danh ca nói cô xin giữ cuộc gặp đó cho riêng mình, chưa thể kể. Ngày 1/4 một năm sau đó, Trịnh Công Sơn qua đời. Trong lần gặp gỡ cuối cùng, bà đã tiên đoán ngày Trịnh Công Sơn đi cũng không còn bao xa. Ngày được báo tin nhạc sĩ qua đời, nữ danh ca bị chấn động lớn nhưng bà sớm lấy lại tinh thần. Là người Công giáo, cũng như nhà Phật, bà tin ai trong đời sống này rồi cũng phải đi, không ai có thể sống đời được. Nếu tin vào giáo lý sẽ thấy lòng nhẹ. Khi biết mỗi người sinh ra đều có sẵn trong số mệnh một cõi đi về thì đi hay ở đều là lẽ vô thường của đời sống.
"Lòng mình đau thì mình biết thôi, vì từ nay mình không còn được nắm tay, ngồi cạnh người đó. Nhưng tôi biết nhiều năm sau này, tôi nhìn Trịnh Công Sơn vẫn trẻ như thế, như lúc ông ấy đi, mới chỉ có sáu mấy tuổi thôi chứ không phải một ông già hom hem", bà nói.
ba-lan-gap-go-dac-biet-voi-trinh-cong-son-cua-khanh-ly-1
Trịnh Công Sơn mãi mãi tuổi 62 trong ký ức Khánh Ly.
Khánh Ly bày tỏ muốn giữ những hình ảnh đẹp nhất của người mình yêu thương khi còn sống. Quan niệm "những gì mắt ta không nhìn thấy lòng ta không có đau", bà cố gắng để không nhìn cảnh người thân lúc qua đời. "Tôi không nhìn thấy ông Trịnh Công Sơn nằm trong áo quan. Tôi cũng không chịu nhìn nhà tôi khi người ta kéo khóa túi đựng xác ông ấy". Khi chồng trút hơi thở cuối cùng, Khánh Ly đã quay mặt đi ngay, để giữ lại hình ảnh đẹp nhất của ông khi còn sống. Bà cũng bảo nếu thấy Trịnh Công Sơn nằm trong áo quan, hay nhìn chồng mình bị đưa vào nhà thiêu, có lẽ bà không sống nổi.
Nữ danh ca coi trọng lúc sống hơn lúc chết. Bà tiếc khi lần này về không được gặp nhạc sĩ Thanh Tùng. "Nhưng chảy nước mắt có giả dối quá không, tại sao đợi người ta chết mới khóc lóc. Lúc người ta sống, cho người ta một chút lòng. Mình làm được cái gì cho nhau thì làm đi, đừng có để cho cuộc đời lúc nào cũng ân hận, hối tiếc, tại sao, lẽ ra, không nên".
Cũng bởi thế mà lần trở về này, Khánh Ly mong muốn tìm đến những nhạc sĩ một thời gắn bó để thăm họ trước khi quá muộn. "Mọi điều sẽ đi qua đời sống này, nhưng những bài hát thì còn ở lại, mình phải mang ơn những người đó. Nếu không có nhạc sĩ thì ca sĩ làm sao có bài mà hát, làm sao có nữ hoàng, diva", danh ca khẳng định.
Di Ca

http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/gioi-sao/trong-nuoc/ba-lan-gap-go-dac-biet-voi-trinh-cong-son-cua-khanh-ly-3377834.html?utm_source=detail&utm_medium=box_recommend&utm_campaign=boxtracking

Thứ sáu, 1/4/2016 | 09:22 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ | Print
Thứ sáu, 1/4/2016 | 09:22 GMT+7

Vì sao nhạc Trịnh Công Sơn trở thành bất hủ

Những ca khúc của Trịnh được hát, được yêu, được nhớ vì chúng gắn liền với buồn - vui, sự đẹp đẽ - đau thương của cuộc sống.
Mỗi năm, đến ngày giỗ Trịnh, gia đình, bạn bè, người hâm mộ đều tổ chức các chương trình tưởng nhớ ông. Năm nay, 15 năm nhạc sĩ đi xa, các hoạt động có phần rầm rộ hơn. Mỗi người yêu nhạc Trịnh đều có những lý do riêng để duy trì tình yêu của họ.
Nhà thơ Anh Ngọc là một trong những người "yêu điên cuồng" nhạc Trịnh hơn 40 năm qua. Tình yêu đó bắt đầu từ ngày 30/4/1975, khi ông là phóng viên của báo Quân Đội, nằm trong đoàn quân tiến vào Sài Gòn. "Tôi ra chợ Bến Thành mua cái cassette nhỏ bằng bàn tay, người bán hàng lắp cho tôi cuốn băng phát thử, đó là cuốn Hát cho quê hương Việt Nam số 5 của Khánh Ly hát nhạc Trịnh", nhà thơ kể. Với băng nhạc đó, ông một mình vào doanh trại bỏ không của Sư đoàn thủy quân lục chiến trong thành phố, kê hai cái bàn lại với nhau và cứ thế nằm ngửa bật quạt trần nghe.
"Trong trái tim của tôi có hai nửa, một nửa là con người chung, con người công dân, hướng tới mọi người, nửa còn lại do điều kiện chiến tranh tôi phải đóng kín - đó là con người cá nhân, riêng tư. 30/4, trong cuộc đoàn tụ của cả dân tộc, nhạc Trịnh đấm một cú mở toang cánh cửa đó. Với sự đánh thức của nhạc Trịnh, tôi sống bằng trái tim đầy đủ".
Nhà thơ khẳng định cái riêng tư trong nhạc Trịnh lại chính là cái phổ cập ở mọi con người bình thường chứ không riêng ai. "Nhạc Trịnh viết về thế giới con người, đi qua 'cái' một người đến với mọi người, một thời đến với mọi thời, một nơi nói đến mọi nơi", nhà thơ nói.
Với nhà nghiên cứu, phê bình văn học Chu Văn Sơn, nhạc Trịnh hấp dẫn ông từ tuổi học trò cấp ba, rồi trở thành niềm say mê khi ông là sinh viên Văn khoa và ngày càng sâu đằm theo thời gian. Theo ông, say mê hồi trẻ chỉ là của một người yêu nghệ thuật, mê ca hát, thấy nhạc Trịnh hợp với sở thích của mình. Còn giờ, là kiểu say mê của một người nghiên cứu nghệ thuật. Ông nhận định: "Càng ngày càng nhận thấy rõ các giá trị lớn của di sản Trịnh Công Sơn, một di sản không chỉ là âm nhạc".
vi-sao-nhac-trinh-cong-son-tro-thanh-bat-hu
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thời trẻ. Ảnh: tcs-home.org.
Có nhiều giá trị làm nên sự bất hủ của nhạc Trịnh. Nhà thơ Anh Ngọc cắt nghĩa, về khía cạnh lý trí, Trịnh Công Sơn có một cái đầu tràn ngập tư tưởng và có lõi triết học gồm cả minh triết phương Đông, đặc biệt là đạo Phật và minh triết phương Tây. Nhờ trụ trên xương sống triết học nên tác phẩm có tính vĩnh cửu. Về trái tim, Trịnh Công Sơn là người chỉ lắng nghe trái tim mình. "Một trái tim quá yêu thương, đồng cảm với người khác nên trái tim đó cháy sáng lên, như Maxim Gorky từng nói: 'đốt cháy trái tim lên thành trí tuệ'. Trái tim ấy luôn nhìn thấy hai mặt của cuộc đời này. Đẹp và buồn, yêu và đau. Nhạc Trịnh Công Sơn vĩ đại chỗ đó, phản ứng trung thực nhiều bình diện của cuộc sống, có thể gọi đó là tập đại thành về cõi đời này".
Theo Anh Ngọc, với 600 ca khúc trong đó hàng trăm bài được mọi người thuộc và hát, hàng chục bài bất hủ, hoàn toàn có thể làm từ điển ca từ nhạc Trịnh với các trạng huống của con người, từ lúc chưa đẻ đến khi nằm xuống. Với ông, đó là cuốn bách khoa toàn thư về thế giới tinh thần, là tri âm tri kỷ, là thuốc giảm đau lúc buồn nhất. Nhà thơ cho rằng nhạc Trịnh nghe trên sân khấu hay đã đành, nhưng hay không kém là chúng ta tự hát một mình. "Nó chẳng khác gì một người bạn, là bạn của tất cả trái tim, đặc biệt những trái tim đau đớn, mất mát, tuyệt vọng".
Bên cạnh những ca khúc về tình yêu và thân phận, Anh Ngọc nói mảng ca khúc Da vàng lay động những người lính như ông, bởi nó là tiếng khóc dài trước những thân phận trong chiến tranh, của một con người vì quá yêu thương con người, dân tộc mà đau.
Nhà phê bình Chu Văn Sơn cho rằng Trịnh Công Sơn thuộc mẫu nghệ sĩ đa tài, mẫu ba trong một: nhạc sĩ - thi sĩ - họa sĩ. Chu Văn Sơn cắt nghĩa: "Nhạc Trịnh giản dị dễ hát, ca khúc nào của anh Sơn cũng là những giai điệu đầy chân cảm, ca từ nào của anh ấy cũng là một bài thơ, tâm trạng chuyển tải trong ca khúc không chỉ là tâm trạng tình nhân mà còn là trạng thái nhân thế của thời đại. Vì thế nó rất dễ đi vào lòng người. Nhưng, chỉ âm nhạc không thôi, không thể tạo sức sống lớn đến thế. Tôi tán thành ý kiến của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, một tri kỷ đặc biệt của anh Sơn, rằng: có một văn hóa Trịnh Công Sơn. Đúng thế, Trịnh Công Sơn ảnh hưởng đến tâm hồn người Việt như một văn hóa. Người ta thấy trong đó một cách yêu, cách sống, cách ứng xử với quê hương, với đất nước, với chiến tranh, với hòa bình, với thiên nhiên, với lịch sử, với sự sống, với cái chết, với thực tại, với hư vô... Nó làm giàu thêm, đẹp thêm cho lối sống Việt, văn hóa Việt".
Nhà phê bình chia sẻ ông khó có thể kể ra ca khúc nhạc Trịnh yêu thích nhất. "Nhạc Trịnh hay khá đồng đều trên cả hai mảng chính trước đây là tình ca và phản chiến, trên cả ba chủ đề xuyên suốt là thân phận, quê hương và tình yêu. Ca khúc nào cũng được viết giản dị nhưng đều là những giai điệu vút lên từ tâm can máu huyết, nên ca khúc nào cũng là một mảnh hồn Trịnh, một ký thác Trịnh. Nó khiến cho ai đã yêu ông dường như đều phải yêu đủ, yêu trọn. Và thật khó khăn khi phải nói 'không' với ca khúc nào đó".
Có nhiều thế hệ từ Khánh Ly vẫn nối nhau hát nhạc Trịnh Công Sơn.
Trong chương trình diễn ra tối 2/4, nhiều thế hệ hát nhạc Trịnh gồm Khánh Ly, Hồng Nhung, Cẩm Vân - Khắc Triệu, Quang Dũng, ca sĩ nhí Huyền Trân đứng chung sân khấu để tưởng nhớ nhạc sĩ. Sự tiếp nối cho thấy nhạc Trịnh vẫn tiếp tục chảy trong đời sống.
Khánh Ly chia sẻ bà hát nhạc Trịnh Công Sơn chỉ đơn giản vì yêu. "Tôi cũng như cỏ cây ấy, cơn mưa xuống thì nó mọc. Với tôi, nhạc Trịnh như lời an ủi, chia sẻ trong đời sống của mình. Tôi mong mỏi mọi người cũng như tôi, tìm thấy mình trong những ca khúc đó. Ông ấy không viết riêng cho ai đâu, ông ấy viết cho chúng ta. 'Em cứ hồn nhiên rồi em sẽ bình minh', đó là lời ông ấy nhắn nhủ tất cả chúng ta đấy".
Nữ danh ca khẳng định từ lúc bắt đầu cho đến hiện tại, không có điều gì làm cho bà chán mà nghĩ đến việc thôi hát Trịnh Công Sơn. "Tôi sẽ hát cho tới khi không hát được nữa".
vi-sao-nhac-trinh-cong-son-tro-thanh-bat-hu-1
Khánh Ly và Hồng Nhung sẽ đứng chung sân khấu hát nhạc Trịnh.
Hồng Nhung chia sẻ cô yêu thích nhạc Trịnh từ khi mới là thiếu nhi. Cô biết ơn khi được trưởng thành cùng âm nhạc và con người nhạc sĩ nên mong muốn dành tình cảm, sự thăng hoa để thể hiện âm nhạc đó đến mọi người. Với Hồng Nhung, Trịnh Công Sơn là người thầy, người bạn mà cô may mắn được gắn bó trong 10 năm cuối cuộc đời nhạc sĩ. Hồng Nhung nói: "Trịnh Công Sơn dặn khi ra đường thấy ai vẫy tay với mình thì hãy vẫy tay lại, hãy dành lòng tốt cho cuộc đời bởi không biết ngày sau có còn gặp nhau không. Đời sống nỗi buồn nhiều hơn và âm nhạc của anh cũng có điều đó nhưng nó lại luôn hướng tới niềm vui, những điều đẹp đẽ. Lúc nào anh cũng cổ vũ mọi người hãy yêu nhau đi".
Theo nữ ca sĩ, nhạc Trịnh Công Sơn gắn liền với đời sống người yêu nhạc ông nên mới có chuyện ngày xưa sinh viên đại học có trò xem bói bằng nhạc Trịnh. Với cô, mỗi thời đoạn cuộc sống khác nhau lại thấy phù hợp những bài hát khác nhau. "Hiện nay tôi cảm thấy yêu đời, biết ơn đời sống dành cho mình rất nhiều trong cả sự nghiệp âm nhạc và cuộc sống gia đình nên thích những bài hát viết về người mẹ hay hướng tới điều tốt trong mỗi ngày sống như Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui, Mưa hồng...". Hồng Nhung tiết lộ đó là những ca khúc cô vẫn hát thầm mỗi ngày. 
Hồng Nhung tin rằng âm nhạc Trịnh Công Sơn sẽ không thành lịch sử mà tiếp tục đi cùng các thế hệ Việt Nam. Cô nhìn thấy tình yêu không đổi ở khán giả, từ thời Trịnh Công Sơn còn trẻ vác guitar gỗ đi các trường đại học cùng Khánh Ly hay giờ đây ở trường đại học thời đại internet, nhạc Trịnh vẫn vang lên như vậy.
Người nghe thì có nhiều lựa chọn. Với nhiều người, chỉ Khánh Ly mới làm nên nhạc Trịnh. Nhà thơ Anh Ngọc gọi mối quan hệ giữa nhạc sĩ họ Trịnh và nữ danh ca là "mối lương duyên có một không ai của âm nhạc Việt Nam". Ngoài Hồng Nhung, Quang Dũng được đánh giá thể hiện tốt một số bài, với nhà thơ Anh Ngọc, người có thể hát nhạc Trịnh hay thứ hai sau Khánh Ly chính là Trịnh Công Sơn.
Với nhà phê bình Chu Văn Sơn, ông thừa nhận Khánh Ly là "ca sĩ lớn, thậm chí là ca sĩ vô song về hát nhạc Trịnh" nhưng ông cũng khá cởi mở để đón nhận những ca sĩ sau này như Mỹ Linh, Hồng Nhung, Thanh Lam, Tùng Dương hay Giang Trang... làm mới nhạc Trịnh Công Sơn. Theo ông, đây cũng chính là điều nhạc sĩ họ Trịnh khi còn sống mong muốn. "Mỗi ca sĩ ấy đem lại, hay đúng hơn, là tô đậm cho nhạc Trịnh ở một vẻ đẹp nào đó. Vì thế mà nhạc Trịnh được sống với nhiều bình diện, thậm chí nhiều đời sống. Tôi lấy ví dụ, thể hiện vẻ đẹp của trải nghiệm trong nhạc Trịnh, thì khó ai qua được Khánh Ly, vẻ đẹp sang trọng khó ai bì được Mỹ Linh, vẻ đẹp tươi tắn khó ai bằng Trịnh Vĩnh Trinh, Hồng Nhung, vẻ đẹp mê mị khó ai sánh được Tùng Dương, Thanh Lam, còn vẻ đẹp an nhiên thì các anh tài khác có thể phải nhường Giang Trang...".
Trong cuộc trò chuyện về nhạc Trịnh, nhà thơ Anh Ngọc nhắc tới câu nói của Trịnh Công Sơn, đại ý con người ta hãy sống làm sao để "khi sống thì đầy ắp sự có mặt, còn khi mất đi thì đầy ắp sự vắng mặt". Trịnh Công Sơn đã làm được điều đó. Sự hiện diện của ông không phải bằng thể xác mà trong nỗi nhớ của hàng triệu người yêu nhạc Trịnh, trong ngày hôm nay - 1/4.
Anh Sa
http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/nhac/cam-xuc-am-nhac/vi-sao-nhac-trinh-cong-son-tro-thanh-bat-hu-3377979.html

" Mười lăm năm" Biển nhớ Tình xa
Tưởng rằng đã quên Vườn xưa Thủa bống là người
Quỳnh hương Hạ trắng Ru ta ngậm ngùi
Rừng xưa đã khép Sóng về đâu
Phôi pha Như tiếng thở dài
Này em có nhớ Mưa hồng Ướt mi
Cát bụi Để gió cuốn đi
Đời cho ta thế Dấu chân địa đàng
Từng ngày qua Bến sông Ở trọ
Yêu dấu tan theo Vết lăn trầm
Diễm xưa Như cánh vạc bay
Hoa vàng mấy độ Môi hồng đào
Người về bỗng nhớ Nguyệt ca
Vàng phai trước ngõ Đóa hoa vô thường
Xin cho tôi Hai mươi mùa nắng lạ
Chiếc lá thu phai Tuổi đá buồn
Tình nhớ Xin trả nợ người
Ru đời đi nhé Buồn từng phút giây
Còn ai với ai Chiều một mình qua phố
Bên đời hiu quạnh Một cõi đi về....
- Mượn lời của một người bạn yêu Trịnh mỗi ngày. 
Duy Minh - 6 giờ trước

Geen opmerkingen:

Een reactie posten