zaterdag 16 april 2016

Nhật Bản : Hai trận động đất liên tiếp, hơn 30 người chết + Khoan đáy biển tìm nguyên nhân động đất sóng thần

Nhật Bản : Hai trận động đất liên tiếp, hơn 30 người chết

mediaĐường cao tốc Kyushu bị phá hủy do động đất tại thành phố Kunamoto, ngày 15/04/2016.REUTERS/Kyodo
Trong vòng chưa đầy hai ngày, từ đêm 14/04 đến rạng sáng 16/04/2016, hai trận động đất với cường độ mạnh đã xảy ra liên tiếp tại miền tây nam Nhật Bản.
Trận địa chấn đầu tiên có cường độ 6,5 độ Richter xảy ra cách thủ đô Tokyo 900 km đã làm ít nhất 9 người chết. Trận thứ hai với sức chấn động lớn hơn 7 độ đã diễn ra ngay trong thành phố Kumamoto khiến ít nhất 23 người thiệt mạng. Hàng nghìn người vẫn bị mắc kẹt trong thành phố.
Trận động đất đã tàn phá nặng nề các công trình xây dựng, gây ra hỏa hoạn và lở đất. Người dân trong vùng nạn đang lo sợ một tai họa khác là ngọn núi lửa Aso trong vùng động đất có thể hoạt động dữ dội trở lại.
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã hủy chuyến công du trong khu vực và triệu tập hội đồng chống khủng khoảng của chính phủ. Hàng chục nghìn nhân viên cứu hộ đã được tăng cường đến vùng động đất.
Thông tín viên RFI Frédéric Charles tại Yatsugatake cho biết thêm chi tiết :
"Trận địa chấn thứ hai còn dữ dội hơn so với trận trước. Sức rung chấn của nó mạnh như trận động đất đã xảy ra ở miền đông bắc Nhật Bản và nhà máy điện hạt nhân Fukushima cách đây 5 năm.
Tâm chấn nằm ở rất nông trong lòng đất, ngay tại thành phố Kumamoto, cách Tokyo một nghìn km về phía nam. Chấn động dữ dội diễn ra trong một khu vực có khoảng 750 nghìn dân cư. Tuy nhiên, người dân ở đây đã quen sống trong một đất nước có cường độ địa chấn cao như Nhật Bản. Rất nhiều người đã chạy ra khỏi nhà.
Họ đã quan sát thấy trong tháng ngọn núi lửa gần thành phố vẫn còn hoạt động đã có phun trào nhỏ. Nếu núi lửa phun trào mạnh sẽ làm thành phố mất điện. Nhà máy điện Sendai có hai lò phản ứng duy nhất được hoạt động trở lại sau vụ tai nạn Fukushima chỉ nằm cách núi lửa này khoảng 100 km.
Gần 80 người còn bị kẹt trong đống đổ nát của các tòa nhà chung cư ở trong thành phố Kumamoto. Một bệnh viên đã được sơ tán. Ngoài ra, trong vùng nhiều nhà cửa, cầu cống và một đường hầm bị sập".

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160416-nhat-ban-hai-tran-dong-dat-lien-tiep-gan-ba-chuc-nguoi-chet

Nhật Bản : Động đất mạnh làm nhiều người thiệt mạng

mediaCác nhân viên cứu hộ trước một ngôi nhà bị sụp đổ ở Mashiki, thuộc Kumamoto,15/04/2016.REUTERS/Kyodo
Một trận động đất dữ dội ở phía tây nam Nhật Bản đã xảy ra vào tối hôm qua (14/04/2016) làm nhiều người chết và hàng trăm người khác bị thương. Khu vực này có đến ba lò phản ứng hạt nhân.
Theo tường thuật của thông tín viên RFI, Frédéric Charles từ Tokyo, Vụ động đất này làm dấy lên nỗi sợ hãi Fukushima cách đây năm năm.
“Sức mạnh của trận động đất mà người dân tỉnh Kumamoto cảm nhận được cũng khủng khiếp như là trận động đất từng tàn phá vùng phía bắc Nhật Bản và trung tâm khai thác hạt nhân Fukushima cách đây năm năm.
Do tâm chấn động đất nằm không sâu lắm chừng 10 km, ngay tại tỉnh Kumamoto, nên càng làm cho sự rung lắc và sức tàn phá thêm phần dữ dội. Hàng chục ngôi nhà đã bị phá hủy. Nhiều trận hỏa hoạn đã xảy ra. Một mái và tường tòa lâu đài Kumamoto đã bị đổ sập. Đường sá nứt nẻ. Một tầu siêu tốc trống khách đã bị trật ray. 14 ngàn hộ dân bị mất điện.
Tỉnh Kumamoto có hai trung tâm khai thác hạt nhân. Một hiện đang ngưng hoạt động. Hai lò phản ứng của trung tâm thứ hai thuộc tập đoàn điện lực Sendai vừa được tái khởi động. Động đất đã không gây ra thiệt hại nào và trung tâm này tiếp tục hoạt động bình thường.
Động đất vẫn đang tiếp diễn. Người ta ghi nhận được hàng trăm dư chấn. Cứ mỗi ba giây, người dân tỉnh này được các cảnh báo dần dần qua điện thoại thông minh mỗi lần có một đợt dư chấn mới.”

 http://vi.rfi.fr/chau-a/20160415-nhat-ban-dong-dat-manh-lam-nhieu-nguoi-thiet-mang

Khoan đáy biển tìm nguyên nhân động đất sóng thần

mediaRãnh Nankai (Nhật Bản)Ảnh Wikipedia
Trung tuần tháng 9/2013, một nhóm các nhà địa chấn học Nhật Bản khởi sự tiếp tục cuộc thăm dò kéo dài bốn tháng dưới đáy biển, để tìm nguyên nhân động đất gây sóng thần.
Khởi hành từ cảng Shimizu, miền trung Nhật Bản, con tàu mang tên Chikyu, có nghĩa « Trái đất », đưa các nhà nghiên cứu ra ngoài khơi phía đông nước này, cách bờ 80 km. Phương tiện chủ yếu của chuyến khảo sát là một dàn khoan có độ cao 121 thước, có thể khoan sâu dưới đáy biển đến 7.000 mét.
Hoạt động của nhóm nghiên cứu, được khởi đầu từ năm 2007 và được tiến hành thường xuyên kể từ đó. Đối tượng làm việc của các nhà nghiên cứu là vệt nứt Nankai, nơi mảng địa tầng thuộc vùng biển Philippines trượt xuống dưới lớp vỏ địa tầng Âu-Á.
Khu vực Thái Bình Dương nổi tiếng nhiều động đất, núi lửa, với các địa điểm nằm trên « Vành đai lửa Thái Bình Dương ». Những biến động dữ dội này là hệ quả trực tiếp của các hoạt động kiến tạo trong lòng Trái Đất và của sự chuyển động - va chạm giữa các mảng lớp vỏ Trái Đất.
Rãnh nứt Nankai là nơi hoạt động địa chất diễn ra hết sức dữ dội. Một khi xẩy ra, động đất-sóng thần ở đây có thể mạnh rất nhiều so với trận động đất-sóng thần kinh hoàng cấp 9 ngày 11/03/2011, cách bờ biển khoảng 1.000 km, gây thảm họa hạt nhân Fukushima. Hồi năm ngoái, chính phủ Nhật công bố một kịch bản thảm họa, nếu một siêu động đất xẩy ra tại rãnh Nankai, gây sóng thần, có thể khiến 320.000 người thiệt mạng tại Nhật.
Vành đai lửa Thái Bình DươngẢnh Wikipedia

Mục đích của các nhà khoa học trong chuyến khảo sát này là để hiểu thêm về các yếu tố kích phát động đất tại rãnh Nankai. Trong lần này, máy khoan sẽ đào sâu tới 3.600 mét dưới lòng biển. Lần khảo sát tới, dự kiến sẽ được thực hiện trong năm tới 2014, độ sâu thăm dò sẽ đạt tới 5.200 mét, là nơi các mảng vỏ Trái Đất tiếp xúc với nhau.
Theo nhà nghiên cứu Tamano Omata, làm việc cho Cơ quan khoa học và công nghệ hải dương và đất liền của Nhật Bản, « đây có thể là lần đầu tiên một mũi khoan thăm dò trực tiếp chạm được đến khu vực nơi các trận động đất hình thành. Chính tại nơi này, một nguồn năng lượng lớn có thể được sản sinh ra, làm gia tăng chuyển động của các lớp vỏ Trái Đất suốt dọc theo rãnh nứt, gây sóng thần sau đó ».
Các nhà nghiên cứu dự định đặt các dụng cụ đo lường tại khu vực này, nối kết với một hệ thống xử lý ở đất liền. Mục tiêu cụ thể mà nhóm nghiên cứu nhắm tới là tìm hiểu cách thức vỏ Trái Đất chuyển động vào thời điểm kế tiếp các rung chuyển trong lòng đất, để có thể dự báo chính xác hơn các trận động đất trong tương lai.
Nằm ở điểm kết nối của bốn mảng vỏ Trái Đất, hàng năm Nhật Bản là nơi hứng chịu của khoảng 1/5 các trận động đất dữ dội nhất trên hành tinh chúng ta.

http://vi.rfi.fr/tong-hop/20130919-nhat-khoan-day-bien-de-tim-nguyen-nhan-dong-dat-gay-song-than

Geen opmerkingen:

Een reactie posten