donderdag 7 april 2016

Indonesia phá nổ tàu cá Việt Nam và Malaysia để thị uy với Trung Quốc ? + Indonesia phản đối tàu Trung Quốc xâm phạm hải phận + Indonesia yêu cầu Trung Quốc giao nộp một tàu cá

Indonesia phá nổ tàu cá Việt Nam và Malaysia để thị uy với Trung Quốc ?

mediaTàu cá Việt Nam và Malaysia đánh cá bất hợp pháp bị Indonesia phá hủy tại Batam, tỉnh đảo Riau.REUTERS/M N Kanwa
Chính quyền Jakarta vào hôm qua, 05/04/2016, đã lại cho phá hủy bằng thuốc nổ 23 tàu cá nước ngoài bị chận bắt trong lúc đánh cá trái phép trong vùng biển của Indonesia. Trong số tàu bị phá hủy có 13 chiếc của Việt Nam, số còn lại là tàu cá Malaysia. Một số quan sát viên xem đấy là một hành động nhằm gởi tín hiệu đến Trung Quốc.
Chiến dịch phá nổ tàu cá Việt Nam và Malaysia diễn ra cùng một lúc ở bảy cảng khác nhau, từ Karakan ở phía bắc Kalimantan, cho đến thành phố Ranai ở Natuna (cực nam của Biển Đông). Đích thân bộ trưởng Ngư Nghiệp và Hàng Hải Indonesia, bà Susi Pudjiastuti, đã « thị sát » qua video trực tuyến các vụ phá hủy do Hải Quân, Tuần Duyên và Cảnh Sát Indonesia phối hợp thực hiện.
Theo nhật báo Mỹ The Wall Street Journal, bà bộ trưởng Indonesia tuyên bố sẽ áp dụng hình phạt tương tự với bất kỳ tàu cá nào bị bắt giữ khi đến đánh bắt trái phép trong vùng biển Indonesia, bất kể đó là tàu của nước nào.
Để nhấn mạnh quyết tâm của Jakarta, bà Pudjiastuti đã lấy Mỹ ra làm ví dụ : « Nếu có một chiếc tàu đánh cá bất hợp pháp đến từ Mỹ, chúng tôi cũng sẽ đánh chìm nó như thường ».
Tuy nhiên, một số nhà phân tích lại gắn liền tuyên bố nói trên cùng với hành động phá tàu được quảng bá rầm rộ với sự kiện mới đây, Jakarta đã tố cáo Bắc Kinh đánh tháo cho một tàu cá Trung Quốc bị tuần duyên Indonesia chận bắt về tội đánh cá lậu trong vùng biển Natuna.
Richard Javad Heydarian, một chuyên gia an ninh tại Đại học De La Salle ở Manila nhận xét với tờ báo Mỹ như sau : « Ngày càng thấy rõ là các vụ Trung Quốc xâm nhập vùng biển của các láng giềng, công khai là để khai thác hải sản, đã trở thành điều bình thường mới… Và rõ ràng là Malaysia, Indonesia và một số nước trước đây vốn có một thái độ bàng quan, đã phải chia sẻ những nhận thức về mối đe dọa Trung Quốc của các nước mạnh miệng hơn như Philippines và Việt Nam. »
Thông điệp cũng được đưa ra vào lúc Indonesia hiện có trong tay 10 tàu cá Trung Quốc bị bắt giữ về tội đánh bắt trộm. Chủ nhân các chiếc tàu này đang xin Jakarta khoan hồng.
Indonesia tăng cường đấu tranh chống đánh bắt cá trái phép trong vùng biển nước này kể từ khi ông Joko Widodo nhậm chức Tổng thống Indonesia vào năm 2014, và đương kim bộ trưởng Ngư Nghiệp Indonesia là một người rất cứng rắn trong chủ trương phá nổ tàu cá phạm luật để răn đe.
Từ năm 2014 đến nay, Jakarta đã chặn bắt được khoảng 200 tàu cá ngoại quốc đánh bắt trái phép, đã cho phá nổ tổng cộng 174 chiếc. Tuy nhiên trong số này, chỉ có một chiếc tàu Trung Quốc mà thôi, và vụ phá nổ được tiến hành một cách kín đáo, trái với động thái phô trương khi tàu bị phá mang quốc tịch các nước khác.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20160406-indonesia-pha-no-tau-ca-viet-nam-va-malaysia-de-thi-uy-voi-trung-quoc

Indonesia phản đối tàu Trung Quốc xâm phạm hải phận

mediaNgoại trưởng Indonesia Retno Marsudi họp báo ngày 21/03/2016, tại Jakarta về vụ tàu Trung Quốc xâm nhập lãnh hải Indonesia.REUTERS/Darren
Ngày 21/03/2016, Jakarta đã phản đối Bắc Kinh việc một tầu hải cảnh của Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Indonesia vào ngày 19/03 trong khu vực đang có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Bắc Kinh đã bác bỏ cáo buộc trên.
Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi đã gặp đại diện sứ quán Trung Quốc tại Jakarta sau sự cố xảy ra giữa một tầu hải cảnh, một tầu cá của Trung Quốc với  tầu tuần tra Indonesia gần quần đảo Natuna vào ngày 19/03.
Trong cuộc họp báo sau cuộc gặp đại diện ngoại giao Trung Quốc, ngoại trưởng Indonesia cho biết : « Tại cuộc họp, chúng tôi đã chuyển lời phản đối gay gắt việc lực lượng hải cảnh Trung Quốc vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Indonesia ».
Theo bộ trưởng Thủy Sản Indonesia Susi Pudjiastuti, được hãng tin Reuters trích dẫn, vào ngày 19/03, tầu tuần tra Indonesia đã phải bắn cảnh cáo một tầu cá của Trung Quốc vi phạm vùng biển Natuna thuộc Indonesia, nằm giữa bán đảo Malaysia và tỉnh Sarawak (Malaysia) trên hòn đảo Borneo. Sau đó, lực lượng tuần tra của Indonesia đã bắt giữ chiếc tầu cá trên cùng với tám thành viên. Nhưng một chiếc tầu hải cảnh Trung Quốc đã can thiệp để ngăn cản tầu tuần tra Indonesia bắt giữ tầu cá.
Bộ trưởng Thủy Sản cho biết tám thành viên tầu cá Trung Quốc sẽ được xử lý theo pháp luật của Indonesia. Bà cũng nhấn mạnh : « Chúng tôi có cảm giác mọi nỗ lực duy trì hòa bình ở Biển Đông của mình bị phá hoại. Và có thể kiện vụ việc lên tòa án quốc tế về luật biển ».
Cũng trong ngày 21/03, bộ Ngoại Giao Trung Quốc tiếp tục khẳng định chiếc tầu cá của nước này hoạt động trong « ngư trường đánh cá truyền thống của Trung Quốc » và yêu cầu Jakarta thả tám ngư dân bị bắt giữ, đồng thời nhấn mạnh hải cảnh Trung Quốc không xâm phạm lãnh hải Indonesia.
Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh, nhấn mạnh trong cuộc họp báo ngắn : « Chủ quyền của quần đảo Natuna thuộc về Indonesia. Trung Quốc không phản đối điều này. Bất kỳ tranh chấp hàng hải nên được giải quyết bằng đàm phán và Trung Quốc phản đối việc đánh bắt cá trái phép ».
Trước sự cố trên, phó tư lệnh Hải Quân Indonesia, Arie Henrycus Sembiring, thông báo sẽ điều tầu lớn hơn tham gia vào đội tầu tuần tra trong khu vực.
Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền đối với phần lớn khu vực Biển Đông và hiện có tranh chấp với nhiều quốc gia trong khu vực. Tuy nhiên, Indonesia không nằm trong số các nước có tranh chấp với Trung Quốc và luôn cho mình là « nhà trung gian » giữa Trung Quốc với các bên có tranh chấp với Bắc Kinh, như Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160321-indonesia-to-cao-tau-hai-canh-trung-quoc-xam-pham-lanh-hai

Indonesia yêu cầu Trung Quốc giao nộp một tàu cá

mediaHai tàu đánh cá nước ngoài xâm phạm chủ quyền bị hải quân Indonesia phá hủy. Ảnh ngày 21/12/2014.Ảnh : Reuters/Antara Foto/Izaac Mulyawan
Hôm qua, 01/04/2016, Indonesia đã yêu cầu Bắc Kinh giao nộp một tàu cá Trung Quốc mà Jakarta cho là đã hoạt động trái phép trên vùng biển của Indonesia. Jakarta tuyên bố là các nước lớn không được « ức hiếp » các nước nhỏ.
Một tàu tuần duyên của Indonesia đã tìm cách bắt giữ một tàu cá của Trung Quốc, mà họ cho là đã hoạt động trái phép trên vùng biển của Indonesia. Nhưng khi tuần duyên Indonesia kéo tàu này về bờ, thì lực lượng hải cảnh Trung Quốc xuất hiện và giải thoát cho chiếc tàu cá bị bắt. Trước khi tàu cá này được giải thoát, phía Indonesia đã bắt giữ được 8 thuyền viên Trung Quốc.
Hôm qua, bộ trưởng Ngư Nghiệp Indonesia Susi Pudjiastuti đã yêu cầu Bắc Kinh giao nộp tàu cá nói trên cho Jakarta. Trả lời hãng tin AFP, bà Susi Pudjiastuti cho rằng những nước lớn « không được quyền bắt nạt các nước nhỏ ».
Đây là diễn tiến mới nhất trong cuộc đối đầu công khai giữa hai quốc gia, bắt đầu từ cách đây hai tuần khi tàu hai nước đụng độ nhau ở khu vực gần quần đảo Natuna.
Indonisia không có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc trên Biển Đông, nhưng vẫn phản đối lằn ranh của vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền, vì lằn ranh này chồng lấn lên vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia ở phía bắc quần đảo Natuna. Cho tới nay, Bắc Kinh vẫn khẳng định là tàu cá của họ hoạt động tại « ngư trường truyền thống Trung Quốc », nhưng phía Jakarta đã bác bỏ điều này, nói rằng đó là khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế của mình.
Trong khuôn khổ chiến dịch chống nạn đánh cá trái phép, chính quyền Jakarta đã thu giữ 200 tàu cá ngoại quốc và đã cho nổ chìm nhiều tàu trong số này, sau khi đã dời các thuyền viên đi.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160402-indonesia-yeu-cau-trung-quoc-giao-tra-mot-tau-ca

Geen opmerkingen:

Een reactie posten