vrijdag 18 december 2015

Tại sao con người lại hôn nhau? + Bí ẩn của đôi môi con người

Tại sao con người lại hôn nhau?

  • 15 tháng 12 2015
Image copyright Thinkstock
Mỗi khi nghĩ về nụ hôn, ta thấy nó kỳ cục và hơi nhớp nháp. Bạn hòa nước bọt với ai đó, đôi khi trong một khoảng thời gian thật lâu.
Một nụ hôn có thể làm lây 80 triệu vi khuẩn và không phải tất cả vi khuẩn nào cũng tốt.
Vậy mà chắc chắn ai cũng nhớ về nụ hôn đầu tiên của mình với tất cả những đặc điểm khiến họ ngại ngùng cũng như vui sướng và nụ hôn tiếp tục có vai trò lớn trong tình cảm con người.

Dân tộc nào cũng hôn?

Người dân ở các nước phương Tây có thể cho rằng nụ hôn trong tình yêu là hành động phổ biến ở con người.
Tuy nhiên một nghiên cứu gần đây lại cho thấy nụ hôn chỉ có ý nghĩa trong chưa tới phân nửa các nền văn hóa.
Việc hôn nhau cũng cực kỳ hiếm xảy ra trong thế giới động vật.
Vậy thì điều gì ở đằng sau hành động kỳ lạ này? Nếu nụ hôn là có ích thì tại sao không phải là tất cả các loài động vật đều hôn nhau, hay tại sao không phải là tất cả nhân loại đều hôn nhau?
Hóa ra việc đa phần các sinh vật không có nụ hôn lại giải thích tại sao một số người trong chúng ta hôn nhau.
Theo một nghiên cứu mới về sở thích về nụ hôn ở 168 quốc gia trên thế giới thì chỉ có 46% nền văn hóa dùng nụ hôn để thể hiện tình yêu. Những ước tính trước đó cho rằng tỷ lệ này là 90%.
Image copyright Pascal Le SegretainGetty Images
Nghiên cứu này loại trừ nụ hôn của cha mẹ dành cho con cái mà chỉ tập trung vào nụ hôn của các đôi lứa yêu nhau.
Nhiều bộ tộc săn bắt hái lượm không có bằng chứng gì cho thấy họ hôn nhau hoặc muốn hôn nhau.
Một số người thậm chí còn cho rằng đó là hành động ghê tởm. Có những tường thuật nói bộ tộc Mehinaku ở Brazil coi hôn là hành động ‘gớm ghiếc’.
Trong phần lớn chiều dài lịch sử nhân loại, con người sống trong những bộ lạc săn bắt hái lượm cho đến khi việc trồng trọt ra đời vào khoảng 10.000 năm trước.
Nếu như các bộ tộc săn bắt hái lượm thời hiện đại không có tục hôn nhau để thể hiện tình yêu thì nhiều khả năng tổ tiên chúng ta cũng không có tục lệ đó.

Sản phẩm của văn minh phương Tây?

Tuy nhiên chúng ta không thể biết chắc về điều này bởi lẽ điều kiện sống của các bộ lạc săn bắt hái lượm hiện đại không giống như thời xa xưa và bởi vì xã hội của họ đã thay đổi và thích nghi với cuộc sống.
Dù sao đi nữa, nghiên cứu này cũng đã đảo ngược hoàn toàn quan niệm cho rằng việc hôn nhau là một hành vi phổ biến của con người, theo William Jankowiak từ Đại học Nevada ở Las Vegas, tác giả chính của nghiên cứu.
Thay vào đó, nụ hôn dường như là sản phẩm của văn hóa phương Tây được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, ông nói.
Có một số bằng chứng lịch sử chứng minh cho điều này.
Image copyright Wikipedia
Hành động hôn nhau như hiện nay dường như là một sáng tạo tương đối mới, Rafael Wlodarski từ Đại học Oxford, Anh quốc, nói.
Ông đã tìm hiểu qua các hồ sơ lưu trữ để tìm bằng chứng xem nụ hôn đã thay đổi như thế nào.
Bằng chứng cổ xưa nhất về hành động kiểu nụ hôn được ghi lại trong những văn tịch tiếng Phạn của nền văn hóa Hindu từ thời Vệ Đà cách nay trên 3.500 năm. Nụ hôn được mô tả là hút linh hồn của nhau.
Trái lại, những ký tự tượng hình của người Ai Cập vẽ hình người áp sát vào nhau chứ không đặt môi kề sát môi.
Vậy thực ra là gì? Có phải nụ hôn là cái gì đó rất tự nhiên của con người mà một số nền văn hóa đã kiềm chế cấm đoán, hay đó là một hành động hiện đại mới ra đời sau này?
Chúng ta có thể hiểu được chút ít về điều này khi nghiên cứu ở động vật.

Bằng chứng ở động vật

Những họ hàng gần gũi nhất của con người, bao gồm tinh tinh và vượn bonobo, có hôn nhau.
Nhà linh trưởng học Frans de Waal từ Đại học Emory ở Atlanta, tiểu bang Georgia, Hoa Kỳ, đã chứng kiến nhiều trường hợp tinh tinh hôn và ôm lấy nhau sau khi xung đột.
Image copyright Thinkstock
Đối với tinh tinh, hôn là một hình thức hòa giải. Hành động này xảy ra thường xuyên giữa những con đực hơn là con cái. Nói cách khác, nụ hôn ở tinh tinh không phải là cách thể hiện tình yêu.
Loài vượn bonobo, một họ hàng gần gũi của tinh tinh, hôn thường xuyên hơn và chúng thường dùng lưỡi cho việc này.
Khi con người gặp nhau, chúng ta bắt tay, trong khi loài vượn bonobo thì làm tình. Đó là cách chúng ‘bắt tay’ nhau. Do đó, nụ hôn của chúng cũng không phải là cách thể hiện tình yêu.
Hai loài linh trưởng này là những trường hợp ngoại lệ.
Với những gì chúng ta biết thì các loài động vật khác không hề hôn nhau.
Chúng có thể cụng mũi hay chạm mặt vào nhau nhưng ngay cả khi đó chúng không hòa nước bọt vào nhau cũng như không chạm môi vào nhau.
Hãy xem trường hợp của loài lợn rừng. Con đực tiết ra một mùi rất hăng mà con cái xem là hết sức hấp dẫn. Chất chủ yếu được tiết ra là chất androstenone khiến cho con cái muốn giao phối.
Từ cách nhìn của con cái thì đây là một điều tốt vì những con đực nào tiết ra nhiều androstenone nhất cũng là những con có khả năng sinh sản nhiều nhất. Khứu giác của con cái rất nhạy. Chúng không cần đến gần để hôn con đực.

Vai trò của pheromone

Điều này cũng đúng đối với nhiều loài động vật hữu nhũ khác, chẳng hạn như ở loài chuột lang (hamster), con cái tiết ra chất pheromone khiến cho con đực rất hứng khởi.
Loài chuột cũng lần theo dấu hiệu về loại chất tiết ra này để tìm bạn tình khác biệt về di truyền để tránh khả năng giao phối cận huyết.
Các loài động vật tiết ra chất pheromone trong nước tiểu. “Nước tiểu của chúng có mùi rất hăng,” Wlodarski nói. “Việc để lại nước tiểu trong môi trường xung quanh khiến chúng có thể đánh giá sự tương thích của nhau.”
Không chỉ các loài hữu nhũ mới có khứu giác nhạy.
Ở loài nhện ‘góa phụ áo đen’, con đực có thể đánh hơi được mùi pheromone tiết ra từ con cái và chất này sẽ giúp cho nó biết được con cái có vừa đánh chén hay không. Để giảm tối thiểu nguy cơ bị xơi tái, con đực chỉ giao phối khi con cái không đói.
Image copyright Thinkstock
Vấn đề là trong thế giới động vật, các sinh vật không cần đến sát nhau để tìm được bạn tình phù hợp.
Trái lại, khứu giác ở con người rất tệ do đó con người cần phải tiến sát lại gần nhau.
Mùi không phải là dấu hiệu duy nhất con người dùng để đánh giá xem người bạn tình có phù hợp hay không. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng mùi hương cũng có vai trò quan trọng trong việc chọn bạn tình.

Hôn là để ngửi mùi?

Một nghiên cứu công bố hồi năm 1995 cho thấy phụ nữ, cũng như loài chuột, thích mùi của những người đàn ông khác với họ về mặt di truyền.
Điều này cũng hợp lý vì giao phối với người có bộ gien khác sẽ cho ra con cái khỏe mạnh.
Nụ hôn là cách tốt để có thể ngửi được về đặc điểm di truyền của người bạn tình.
Hồi năm 2013, Wlodarski đã nghiên cứu tỉ mỉ về thói quen hôn ở con người.
Ông đã hỏi vài trăm người điều gì là quan trọng khi họ hôn người khác.
Kết quả là mùi hương có vai trò quan trọng và tầm quan trọng của mùi tăng lên khi người phụ nữ ở chu kỳ sinh sản cao nhất.
Hóa ra nam giới cũng tiết ra một loại pheromone giống như loại mà loài heo rừng cái bị thu hút.
Chất này hiện diện trong mồ hôi của người đàn ông và khi người phụ nữ tiếp xúc với nó, họ sẽ tăng cảm giác kích thích.
Pheromone có vai trò quan trọng trong việc các loài động vật hữu nhũ chọn bạn tình, Wlodarski nói, và điều này cũng xảy ra ở con người. “Chúng ta đều thừa hưởng những đặc điểm sinh học từ các loài hữu nhũ.”
Trên quan điểm đó thì việc hôn nhau là một cách làm có thể chấp nhận được về mặt văn hóa để có thể tiếp xúc gần gũi với người khác để phát hiện ra chất pheromone.
Ở một số nền văn hóa, việc ngửi mùi pheromone này đã trở thành hành động chạm môi. Khó mà chỉ ra việc này đã xảy ra khi nào nhưng quả thật là hai hành động này có cùng mục đích, theo ông Wlodarski.
Do đó nếu bạn muốn tìm một người bạn tình phù hợp, bạn có thể bỏ qua việc hôn để thay vào đó dùng cách ngửi.
Bản tiếng Anh bài này đã đăng trên BBC Earth.

Tin liên quan

http://www.bbc.com/vietnamese/culture_social/2015/12/151215_why-do-we-kiss_vert_earth

Bí ẩn của đôi môi con người

  • 16 tháng 2 2015
Chúng là đôi vành nằm trên khuôn mặt con người, vốn bị khô và nứt nẻ vào mùa đông và đôi khi bị răng cắn nhầm vì tưởng là thức ăn. Môi dùng để làm gì? Chim không có môi cũng đâu có sao trong khi phần tương tự của rùa thì biến thành mỏ cứng. Mặc dù đa số động vật hữu nhũ đều có môi nhưng chỉ có môi con người là nhô ra ngoài.
Con người đã nhận ra rằng môi có vai trò rất quan trọng.

Bú sữa mẹ

Dùng môi để bú sữa mẹ là một trong những khả năng đầu tiên mà chúng ta có được sau khi ra đời. Đây là khả năng hết sức cơ bản đối với sự tồn tại của người đến nỗi nó được xem là ‘phản xạ gốc’: chúng ta sinh ra là đã biết bú sữa mẹ mà không cần học gì cả. Điều này cũng đúng đối với hầu hết các động vật hữu nhũ.
Ngay khi có cái gì đặt vào miệng đứa bé sơ sinh thì phản xạ này sẽ được kích hoạt. Mặc dù công việc chính là ở lưỡi, đôi môi cũng quan trọng trong việc cố định chặt để em bé có thể nuốt sữa.
Điều này có nghĩa là việc bú sữa, cho dù là sữa mẹ hay sữa bình, không phải là phản xạ thụ động của em bé sơ sinh. Đó giống như một đoạn hội thoại khi mỗi bên đều có vai trò của mình trong một vũ điệu được Tạo hóa viết lên một cách tinh vi và đôi môi đóng vai trò trung tâm trong vũ điệu đó.
Đôi môi dĩ nhiên cũng quan trọng trong việc ăn uống và trong khả năng nói của con người. Theo ngôn ngữ học thì đôi môi là hai trong số nhiều điểm phát âm – tức là những điểm trên miệng và trong cổ họng mà ở đó luồng hơi từ trong phổi đi ra bị chặn lại. Chập hai môi lại chúng ta sẽ phát được những âm ‘p', ‘b’ hay ‘m'. Để phát các âm ‘f’ và ‘v’ thì chúng ta đặt môi dưới ở dưới răng trên.
Phát âm là một phần hết sức quan trọng trong cuộc sống con người nhưng nó không thú vị như hôn. Không phải tất cả mọi người trên thế giới đều biết hôn mặc dù hôn tồn tại trong 90% nền văn hóa thế giới. Darwin từng nhận thấy rằng có những nền văn hóa không biết hôn là gì. “Dân châu Âu chúng ta đã quá quen với việc hôn như là một cách bày tỏ tình cảm đến mức nó được xem là bản năng của con người,” Darwin từng viết, “Nhưng đối với người dân Maori ở New Zealand, người Tahiti, người Papua, người Somal ở châu Phi và người Eskimo thì lại hoàn toàn khác.”
Nếu hôn không phải là thói quen của tất cả nhân loại thì nó vẫn có nguồn gốc từ sinh học. Có lẽ nó là sự kết hợp của những gì được thừa hưởng từ các thế hệ trước và hành vi học được. Có loài động vật cũng hôn như con người. Tinh tinh hôn để hòa giải sau khi đánh nhau.

Bộ phận nhạy cảm

Hồi năm 2008, tác giả Chip Walter từng dẫn nhà sinh vật học người Anh Desmond Morris để lập lập rằng hôn bắt nguồn từ cách linh trưởng mẹ nhai thức ăn và mớm cho con, có nghĩa là linh trưởng mẹ sau khi nhai xong thì đặt môi của mình vào môi linh trưởng con để chuyển thức ăn qua cho con.
Việc chạm môi có lẽ đã trở thành một cách giải tỏa nỗi lo lắng. Lập luận cổ điện cho rằng khi việc kích thích môi gắn chặt với thức ăn thì chỉ cần chạm vào môi thôi cũng sẽ làm phát sinh cảm giác sung sướng. Và nhờ vào vô số đầu dây thần kinh trên môi chúng ta có công thức tạo nên cảm giác đê mê.
Đôi môi là bộ phận hết sức nhạy cảm. Xúc giác dựa vào độ dày đặc của thần kinh cảm ứng chứ không phải ở bề mặt tiếp xúc lớn hay nhỏ. Trong khi phần cảm ứng với cảm giác ở ngực và bụng tương đối nhỏ thì phần cảm ứng này ở tay và môi rất rộng. Cũng giống như đôi tay có vai trò trung tâm giúp chúng ta cảm nhận thế giới, đôi môi cũng vậy.
Nhà nghiên cứu Gordon Gallup đã nghiên cứu về hành vi hôn ở các sinh viên Mỹ. Ông và các đồng sự nhận ra rằng một trong những phương cách chính mà các nữ sinh viên dùng để phán đoán xem bạn tình của họ là người hôn giỏi hay không là dựa vào những dấu hiệu hóa học và mùi vị. Theo nghiên cứu của ông thì các nữ sinh viên nói rằng họ gần như ít có khả năng quan hệ tình dục với một người đàn ông trừ phi hai người hôn nhau trước.
Nụ hôn cũng giúp con người biết được mùi cơ thể của nhau. Trong một nghiên cứu khác, ông Gallup đặt câu hỏi: “Anh/Chị có bao giờ cảm thấy bị thu hút bởi người nào đó để rồi sau đó thấy rằng mình không thích nữa sau cái hôn đầu tiên?” Trong số những người được điều tra. 59% nam giới và 66% nữ giới trả lời có.
Mặc dù các nghiên cứu của ông Gallup hơi hạn chế và chỉ tập trung và các sinh viên Mỹ nhưng khi các kết quả nà được đặt cạnh các dữ liệu xuyên văn hóa khác thì có thể kết luận một cách hợp lý rằng việc tiếp xúc gần gũi của nụ hôn tạo điều kiện cho khứu giác. Cho dù chúng ta có ý thức được hay không thì nụ hôn có thể giúp chúng ta đánh giá sự phù hợp của người bạn tình chúng ta mong muốn.
Và đó là lý do tại sao mà bất chấp việc đôi khi bị khô nẻ hay bị cắn nhầm thì bộ phận cực kỳ nhạy cảm này của cơ thể vẫn có giá trị đến như vậy.
Bản tiếng Anh bài này đã được đăng trên BBC Future.

Tin liên quan

Geen opmerkingen:

Een reactie posten