donderdag 17 december 2015

Máy bay Sukhoi-35 và tàu ngầm của Nga tăng cường hiện diện quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông


Máy bay Sukhoi của Nga tăng cường hiện diện quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông


mediaTiêm kích Nga Su 35s tại triển lãm quốc tế Matxcơva (MAKS), năm 2009(wikipedia.org)
Sau các cuộc thương thuyết kéo dài nhiều năm, Nga cuối cùng đã chấp nhận bán cho Trung Quốc chiến đấu cơ tối tân Su-35 và như vậy sẽ giúp cho Bắc Kinh tăng cường sự hiện diện quân sự tại Biển Đông.
Tuy phía Trung Quốc chưa chính thức xác nhận, nhưng theo thông tấn xã Itar-Tass của Nga, Matxcơva đã hoàn tất việc thương thuyết về hợp đồng bán 24 chiếc Su-35 cho Bắc Kinh trong vòng 3 năm kể từ năm 2016. Hợp đồng trị giá 2 tỷ đôla này cũng bao gồm việc chuyển giao công nghệ mà Trung Quốc đang rất cần để phát triển thế hệ vũ khí mới.
Theo các chuyên gia, chính những yếu tố địa chính trị đã thúc đẩy hai nước ký kết hợp đồng, vì Nga và Trung Quốc hiện có những lợi ích chiến lược tương đồng. Matxcơva thì vẫn nghi ngờ Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) tiếp tục mở rộng sang phía đông, còn Bắc Kinh thì đang lo ngại trước chính sách « xoay trục » sang Châu Á của Hoa Kỳ.
Chính mối căng thẳng ngày càng tăng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ trên vấn đề Biển Đông đã khiến Bắc Kinh đẩy nhanh cuộc thương thuyết, bắt đầu từ năm 2008, về hợp đồng mua phi cơ Su-35. Trung Quốc đang rất cần loại máy bay tối tân này, bởi vì hai chiến đấu cơ tàng hình « made in China » J-20 và J-31, tức là những loại máy bay có thể thay thế Su-35, thì phải mất vài năm nữa mới có thể sẵn sàng tác chiến.
Mua chiến đấu cơ Su-35 của Nga sẽ có lợi cho Bắc Kinh ở ba điểm. Thứ nhất, với loại phi cơ này, tầm hoạt động của không quân Trung Quốc trên Biển Đông sẽ được mở rộng rất nhiều. Su-35 có thể cất cánh từ các phi đạo ngắn, cho nên có thể được triển khai trên các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đang xây dựng.
Thứ hai, Su-35 hoàn toàn có đủ khả năng đối đầu với chiến đấu cơ tàng hình F-35 của Mỹ, dự trù được triển ở Biển Đông. Đặc biệt hệ thống radar trên Su-35 có thể phát hiện các chiến đấu cơ phản lực trong phạm vi 400 km và phát hiện các máy bay tàng hình như F-35 trong phạm vi 90 km. Chưa kể là Su-35 có thể mang theo tới 14 vũ khí, bao gồm cả các tên lửa tầm xa.
Thứ ba, với hợp đồng mua Su-35, Trung Quốc sẽ tiếp nhận được những công nghệ cao cấp về radar và động cơ của loại máy bay này, để sử dụng cho việc chế tạo các chiến đấu cơ nội địa mới, cũng như cải tiến loạt phi cơ J-, nhất là hai chiến đấu cơ J-11 và J-16, hai loại phi cơ được chế tạo dựa theo chiếc Su-27, mà Trung Quốc đã mua của Nga từ năm 1996.
Như vậy có thể nói là Su-35 có thể sẽ giúp không quân Trung Quốc chiếm ưu thế ở vùng Châu Á-Thái Bình Dương nói chung.
Hợp đồng bán chiến đấu cơ Su-35 cũng rất có lợi cho Nga vì Matxcơva hiện đang rất cần tiền cho các khoản chi tiêu ngày càng tăng trong nước cũng như ngoài nước. Một phần chính là nhu cầu tài chính đã thúc đẩy Nga tăng cường hợp tác quân sự với Trung Quốc.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20151209-may-bay-sukhoi-cua-nga-tang-cuong-hien-dien-quan-su-cua-trung-quoc-o-bien-dong

Trung Quốc sẽ mua chiến đấu cơ và tàu ngầm Nga

mediaChủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ( thứ 2 từ trái) thăm Trung tâm chỉ huy tác chiến của quân đội Nga tại Mãtcơva ngày 23/3/2013.REUTERS/Vadim Savitsky/Pool
 Theo nguồn tin từ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc ngày hôm nay, 25/03/2013, Bắc Kinh sẽ mua của Nga 24 chiến đấu cơ và 4 chiếc tàu ngầm. Đây là thương vụ vũ khí quan trọng nhất giữa hai bên từ hơn một chục năm nay. Hai bên đã đạt thoả thuận mua bán này trước chuyến viếng thăm Matxcơva của tân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, vừa kết thúc hôm qua, 24/03.
Theo tờ báo Trung Quốc được AFP trích dẫn, Nga sẽ bán cho Trung Quốc 24 chiếc Sukhoi Su-35 và 4 tàu ngầm lớp Amour, trong đó hai chiếc chế tạo ở Nga và hai chiếc ở Trung Quốc. Trị giá thỏa thuận tuy nhiên chưa được tiết lộ.
Ngoài tàu ngầm và chiến đấu cơ, hai bên còn thương lượng về các loại vũ khí và thiết bị quân sự khác như hệ thống hỏa tiễn Nga S-400, máy bay vận tải quân sự Iliouchine Il-476, máy bay tiếp liệu Il -78 và động cơ máy bay Saturn 117S.
Theo giới quan sát, Trung Quốc - khách hàng chủ yếu mua vũ khí Nga trước đây – hiện đã dần dần giảm bớt sự lệ thuộc của mình. Tuy nhiên trước mắt Bắc Kinh vẫn rất quan tâm đến việc mua công nghệ học cao cấp của Nga để phát triển công nghệ vũ khí của chính Trung Quốc, thường khi qua cách sao chép. Theo giới chuyên gia, hiện Trung Quốc còn lệ thuộc nhiều vào công nghệ Nga về động cơ của các chiếc máy bay oanh tạc của họ.
Xin nhắc lại là trong chuyến viếng thăm 3 ngày ở Nga vừa kết thúc hôm qua, chủ tịch Trung Quốc đã có cuộc gặp gỡ với Bộ trưởng Quốc phòng Nga Serguei Shoigu, và đồng thời là nguyên thủ nước ngoài đầu tiên đến thăm trung tâm chỉ huy quân sự của Nga.
Trong nỗ lực hiện đại hóa quân đội, vào đầu tháng Ba này, Trung Quốc đã thông báo gia tăng ngân sách quốc phòng năm 2013 theo tỷ lệ 10,7 %, lên đến 720,2 tỷ yuan - 116,3 tỷ đô la. Và dĩ nhien Bắc Kinh đã gây lo ngại cho các láng giềng, nhất là Nhật Bản.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20130325-trung-quoc-se-mua-chien-dau-co-va-tau-ngam-cua-nga

Geen opmerkingen:

Een reactie posten