woensdag 2 december 2015

Hội nghị về Khí hậu COP 21 ở Paris : Hơn 150 Lãnh đạo thế giới kêu gọi cứu trái đất

COP 21 : Lãnh đạo thế giới kêu gọi cứu trái đất

mediaHãy cứu lấy trái đất, khẩu hiệu lớn của COP 21 Paris.EUTERS/Alessandro Bianchi
Tại buổi khai mạc Hội nghị về Khí hậu COP21 ngày hôm qua 30/11/2015, các nhà lãnh đạo thế giới lần lượt kêu gọi hành động khẩn cấp để chống tình trạng trái đất đang nóng lên.
Mở đầu buổi lễ khai mạc, 150 nhà lãnh đạo trên thế giới, trong đó có Tổng thống Mỹ Barack Obama, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi… đã dành một phút im lặng tưởng niệm các nạn nhân trong loạt thảm sát tại Paris.
Tổng thống nước chủ nhà François Hollande nhấn mạnh trong bài diễn văn khai mạc rằng cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố và biến đổi khí hậu là hai thách thức toàn cầu cần phải đối mặt.
Mở đầu bài phát biểu của mình, Tổng thống Obama công nhận Hoa Kỳ là nước gây ô nhiễm thứ hai thế giới (sau Trung Quốc). Tuy nhiên, ông vẫn tránh dùng từ “một thỏa thuận mang tính ràng buộc” về mặt pháp lý.
Trong khi đó, thủ tướng Ấn Độ nhấn mạnh ưu tiên của New Delhi tại thời điểm này là phát triển kinh tế, cung cấp điện cho 350 triệu dân. Đồng thời, cộng động quốc tế phải tạo cơ hội cho các nước nghèo tăng trưởng và không thể áp đặt việc chấm dứt sử dụng các nguồn năng lượng hóa thạch.
Còn Tổng thống Bolivia Evo Morales, thuộc đảng xã hội, đã chỉ trích gay gắt nền kinh tế tự do kiểu mới và các chính sách của Mỹ. Ông cũng kêu gọi thành lập một toàn án về biến đổi khí hậu để xét xử những nước không tôn trọng cam kết.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20151201-cop21-lanh-dao-the-gioi-keu-goi-cuu-trai-dat

Hơn 150 lãnh đạo của thế giới khai mạc Hội nghị khí hậu quốc tế COP21

mediaTổng thống Pháp François Hollande (T) đón đồng nhiệm Mỹ Barack Obama tại Thượng đỉnh Khí hậu COP21 ở Le Bourget, ngày 30/11/2015.REUTERS/Christian Hartmann
Với sự tham dự của 150 nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo chính phủ cùng với 196 đoàn đại biểu của các nước, các tổ chức quốc tế gồm khoảng 10.000 người và số lượng phóng viên báo chí tương đương, Hội nghị Quốc tế về Khí hậu - COP21, hôm nay 30/11/2015 đã chính thức khai mạc tại Le Bourget, ngoại ô phía bắc thủ đô Paris.
Hội nghị lần thứ 21 của Liên Hiệp Quốc về chống biến đổi khí hậu lần này đặt mục tiêu là đưa ra được một thỏa thuận lịch sử để hạn chế quá trình tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 2°C.
Diễn ra trong bối cảnh thủ đô Paris vừa trải qua loạt khủng bố đẫm máu khiến 130 người chết và hơn 300 người bị thương, vấn đề an ninh được đặt lên hàng đầu.
Đặc phái viên RFI Thanh Phương từ Bourget tường trình :
« Gần như toàn bộ khu vực xung quanh hội nghị bị phong tỏa hoàn toàn và một lực lượng an ninh rất hùng hậu đã được bố trí ngay từ trạm xe lửa Le Bourget, nơi mà từ đó, các phóng viên và quan sát viên được chở đến trung tâm hội nghị.
Tổ chức hội nghị được coi là sự kiện ngoại giao lớn nhất từ trước đến nay ở Pháp không phải đơn giản, vì có đến 10.000 đại biểu và một số lượng tương đương quan sát viên và phóng viên đến Le Bourget.
Ngay từ sáng sớm, Tổng thống Pháp François Hollande và Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon đã đến Le Bourget để đón tiếp 150 lãnh đạo thế giới đến dự hội nghị COP21. Trong ngày, lãnh đạo các nước sẽ thay phiên lên phát biểu, mỗi người khoảng 3 phút.
Tuy hội nghị khai mạc hôm nay, nhưng ngay từ chiều qua, đại diện các nước đã bắt đầu đợt thương thuyết cuối cùng để cố gắng đạt được một thỏa thuận tại hội nghị về việc thực hiện mục tiêu giảm phát thải lượng khí gây hiệu ứng nhà kính, qua đó, hạn chế tăng nhiệt độ ở mức 2°C. Bắt đầu làm việc trước một ngày, các chuyên gia hy vọng đúc kết được thỏa thuận đúng như dự kiến, tức là vào ngày 09/12, để văn bản có thể được thông qua vào 11/12, ngày kết thúc hội nghị.
Rất nhiều nước, trong đó có Việt Nam, trong dịp này, đã lập những gian nhà hoặc phòng triển lãm, giới thiệu những nỗ lực của nước mình trong cuộc đấu tranh chống biến đổi khí hậu.
Riêng Việt Nam, vào chiều nay, sẽ tổ chức cuộc đối thoại cấp cao với các đối tác quốc tế về hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, với sự tham gia của đại diện nhiều nước như Úc, Đan Mạch, Đức, Hà Lan, Phần Lan, Pháp và đại diện các tổ chức như UNDP, Ngân hàng Thế giới ».
Mục tiêu của hai tuần hội nghị là soạn thảo được bản thỏa thuận đầu tiên, theo đó toàn thể cộng đồng quốc tế cam kết giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính nhằm kiềm chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở 2°C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Đến lúc này toàn thế giới đều đã nhận thức được một trong những nguyên nhân khiến khí hậu trái đất ấm lên là phát thải từ sử dụng năng lượng hóa thạch, phương thức sản xuất nông nghiệp, phá rừng gia tăng.
Để chuẩn bị cho Hội nghị Paris lần này, 183 trên tổng số 195 quốc gia đã công bố kế hoạch cắt giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Hội nghị COP21 sẽ phải đưa ra được các cam kết có ràng buộc. Tiến trình thương lượng vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là khi vấn đề chống biến đổi khí hậu đụng chạm đến vấn đề kinh tế.
Từ tối qua, lãnh đạo các nước đã lần lượt đến Paris. Phần đông các nguyên thủ quốc gia đều giành thời gian đến đặt hoa trước nhà hát Bactaclan viếng các nạn nhân của vụ khủng bố ngày 13/11.
COP21 diễn ra hơn hai tuần sau loạt vụ tấn tại Paris, nước chủ nhà đã phải huy động tối đa phương tiện để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho một hội nghị quốc tế lớn nhất từ trước tới nay tại Pháp. Giao thông bị đảo lộn vì nhiều tuyến đường trong và ngoài thủ đô bị cấm. Người dân được khuyến cáo nên sử dụng phương tiện giao thông công cộng để đi lại.
Trước đó, vào ngày hôm qua, do đang trong tình trạng khẩn cấp, mọi cuộc biểu tình bị cấm. Tuy nhiên, tại quảng trường La République ở Paris, hôm qua, một nhóm gồm khoảng vài trăm người chống COP21 vẫn biểu tình và đã xảy ra xô xát với lực lượng giữ gìn trật tự. Kết quả là hơn một trăm người đã bị câu lưu.

http://vi.rfi.fr/phap/20151130-hon-150-lanh-dao-cua-the-gioi-khai-mac-hoi-nghi-khi-hau-quoc-te-cop-21


Geen opmerkingen:

Een reactie posten