Monday, December 14, 2015 2:15:44 PM
Bài liên quan
- Ký ức tập thể
- Xem lại những thước phim thời sự 40 năm
- Những trích đoạn từ ‘Hành Trình Cộng Đồng Việt Trên Đất Mỹ’
Ký ức tập thể, chặng đường 40 năm tại Hoa Kỳ
Ngọc Lan/Người Việt
WESTMINSTER, Calif. (NV) - 73 bài viết, chia ra làm 12 phần, là những tâm tình, những câu chuyện thực của độc giả, là những trải nghiệm, nghiên cứu của nhà chuyên môn, là những phóng sự về cuộc đời, thân phận, sự vươn lên của người Mỹ gốc Việt, trải dài từ Bolsa - thủ phủ của người Việt tị nạn, lên miền Bắc Calif., qua đến Houston, vùng Nam và Trung Tây Hoa Kỳ, rồi ngược miền Đông Bắc, lại xuôi ra vùng đất Hạ... của phóng viên Người Việt.
Hình bìa tuyển tập “Hành Trình Cộng Đồng Việt Trên Đất Mỹ.” (Hình: Người Việt)
Tất cả, nằm chung lại, trong một quyển sách ngót nghét 700 trang, với nhan đề “Hành Trình Cộng Đồng Việt Trên Đất Mỹ” - một ấn bản mà nhật báo Người Việt đã dày công chuẩn bị trong suốt một năm qua để đưa đến tay mọi người trong những ngày cuối năm 2015 - ghi dấu trọn vẹn 40 năm cộng đồng Việt Nam có mặt và trưởng thành trên mảnh đất này, từ hoảng loạn, mất mát, đau thương đến đứng dậy, đi tới, tự tin, và kiêu hãnh.
***
Đôi khi chúng ta vẫn hay hỏi nhau, “Hiện có bao nhiêu người Việt đang sinh sống trên đất Mỹ kể từ sau biến cố 1975?”
Ngót nghét 1 triệu 700 ngàn!
Một triệu 700 ngàn so với hơn 90 triệu người Việt đang sống tại quê nhà, là một con số không thấm vào đâu. Nhỏ, rất nhỏ.
Nhưng cộng đồng Việt với 1 triệu 700 ngàn con người đó trên đất Mỹ, đã đến, đã sống và đã lớn lên như thế nào trên mảnh đất này từ 40 năm qua, mới là điều đáng để mỗi chúng ta nghĩ về, ngẫm đến và tự hào.
Bạn, và tôi, và nhiều người khác nữa, đều là những người gốc Việt đang sống trên đất Mỹ, là công dân Mỹ, nhưng chúng ta không có cùng một hồi ức, không có cùng một đường đi để có mặt nơi này.
Chỉ duy nhất một điều - “Cộng đồng Việt trên đất Mỹ” - là chúng ta có, cùng nhau.
Và không ai khác hơn là bạn, là tôi, là chúng ta, mỗi người góp một mẫu chuyện của đời mình, để làm thành một hành trình 40 năm, có bạn, có tôi và có một triệu 700 ngàn người khác, để gọi là “Hành trình cộng đồng Việt trên đất Mỹ.”
***
40 năm rồi, có thể tôi không xem “cuộc chiến vẫn như mới hôm qua” theo cách của nhà báo Hà Giang, nhưng tôi và có thể là bạn, sẽ thấy lòng mình xao động khi cùng đọc “Tháng Tư năm ấy...” của tác giả Lương Tất Đạt, một cựu sĩ quan tâm lý chiến. Tác giả viết: “Tháng Tư năm ấy, bên đây sông Sài Gòn, hay ngoài kia cảng Thủ Thiêm, giữa dòng người chen chúc gánh gồng gói to gói nhỏ cùng với lũ con thơ hì hà hì hục đẩy xô nhau để tìm đường lên tàu vượt xứ.
Tháng Tư năm ấy, người lính bại trận khoác áo civil nhẹ tênh trên mình, lòng trĩu nặng. Lặng lẽ đếm từng bước chân về, lối rộng thênh thang, mà bóng soi khập khiễng. Trưa Tháng Tư, hắn cứ ngỡ như ba mươi Tháng Chạp.”
Tôi và bạn, có thể không có hồi ức về cuộc di tản 1975, nhưng không vì thế mà cả bạn, cả tôi lại không chia sẻ được tâm trạng, nỗi niềm của tác giả Vũ Ngọc Bích qua những dòng ông viết trong bài “30 Tháng Tư, niềm đau khôn nguôi”: “Tôi thấy những khuôn mặt trầm lắng, đanh lai, những đôi mắt đỏ hoe, những giọt nước mắt tủi hờn vừa mới lau khô.
Ai ai đều ngậm ngùi trước cảnh gia đình tan tác, vợ xa chồng; cha mẹ xa con; anh chị em lưu lạc khắp bốn phương trời... Tuy không nói ra, nhưng trong thâm tâm, tôi biết chắc chắn kể từ giờ phút nầy, tôi sẽ phải chấp nhận Hoa Kỳ là quê hương thứ hai.”
Tôi và bạn, những đứa con “thuần chủng,” nhưng cả bạn và tôi, đều có thể nhận ra nước mắt mình vòng quanh khi nghe tâm sự của Lara Price - “một đứa con lai” - người cùng góp mặt làm nên “Cộng đồng người Việt trên đất Mỹ”: “Khi suốt cuộc đời, bạn được người ta bảo rằng bạn chỉ là một đứa con lai, rằng bạn là kết quả mối tình giữa một cô gái điếm và người lính Mỹ, và chính vì thế mà bị bỏ rơi, thì câu chuyện đó sẽ mãi mãi ám ảnh bạn... Nhưng cho tới bây giờ thì tôi mới có đủ can đảm để tìm hiểu thế thôi, chưa dám đi xa hơn. Giả sử khi tìm được rồi, mà cha mẹ ruột vẫn không muốn đón nhận mình thì sao? Lúc đó, tôi sẽ cảm thấy thế nào?”
Tôi đến đây bằng máy bay cách đây 10 năm. Bạn có thể cũng đến đây bằng máy bay cách đây 40 năm. Nhưng không vì thế mà cả bạn, cả tôi lại có thể thấy lòng mình bình thản khi đọc “Thuyền nhân ‘sống để kể lại,’” hay “Tôi vượt biên bằng đường bộ” của tác giả Kim Hà.
Vậy đó, mỗi người mỗi hồi ức, mỗi người mỗi đường đi, nhưng đặt chân đến đây, nơi bạn và tôi, và bao người khác gọi là “quê hương thứ hai” thì chúng ta lại có thêm hồi ức của những ngày đầu định cư, hồi ức làm quen với cuộc sống mới, vừa hụt hẫng, ngỡ ngàng, lẫn hân hoan, rộn rã, bên cạnh những vụng về, những ngờ nghệch, những chuyện cười ra nước mắt khi hòa nhập vào nền văn hóa mới.
“Naugatuck, những ngày mới đến” của Bùi Trung Chính, “Ngày đầu tạm cư nghe quốc ca VNCH” của Tố Nga, “Cái Tết đầu tiên trên đất Mỹ” của Tô Vũ, “Ngày đầu ở trại tạm cư lo ở Mỹ không có gạo ăn” của Nam Phương, hay “Giấc mơ Mỹ của tôi” của An Nhiên... mang đến cho mỗi người những kỷ niệm, những nhớ nhung, những ước mơ... không thể nào quên.
Tôi nghĩ, bạn cũng sẽ như tôi, sẽ tự nhìn lại mình, cật vấn mình khi đọc tâm tình của tác giả Lệ Hoa Wilson qua bài “Không phải chốn tạm dung:” “Tôi đã từ bỏ quê hương điêu tàn, đã quay lưng với tương lai đen tối. Tôi đã chọn một nơi khác để cất nhà, một miếng đất khác để gieo hạt. Tôi đã dùng nước sông của họ để tưới tẩm, dùng đồi núi của họ để chăn nuôi. Tôi đã dùng chất xám của họ để tiến thân, dùng lòng tốt của họ để sống còn. Tôi không bao giờ quên dòng máu Việt trong tôi nhưng tôi sẽ không ngồi đó nhìn non nước nầy, dân tộc nầy với một ánh mắt hờ hững, dửng dưng, một thái độ vô ơn, rẻ rúng. Tôi sẽ không coi đây chỉ là một mảnh đất tạm dung và ngồi khóc thương cho một khung trời đã mất, mơ tưởng về một dĩ vãng đã tàn phai.
Tôi sẽ dạy các con cùng tôi nhận nơi nầy làm quê hương, sẽ đem tất cả khả năng lao động hay học vấn đóng góp vào sự thịnh vượng chung của quốc gia nầy.”
Cũng trong suy nghĩ “đem tất cả khả năng lao động hay học vấn đóng góp vào sự thịnh vượng chung của quốc gia nầy,” chúng ta sẽ bắt gặp những gương mặt, những con người từ miền Nam tới miền Bắc Calif., từ Houston, Texas, đến Wiamauma, Homestead ở Florida, sang tận vùng Honolulu ở Hawaii... đã vun trồng, tưới xới cuộc đời mình, để bén rễ, đâm chồi và vươn lên thành cây cao bóng cả, thành cổ thụ xanh um trên mảnh đất này ra sao qua câu chuyện của những người Việt bỏ phố về quê nuôi gà ở Centerville, chuyện của chàng “Công Tử” bắt cua trên vịnh Galveston, chuyện của những người “mổ bò” ở Nebraska, chuyện người lái taxi ở Hawaii, chuyện triệu phú Ba Lẹ ở Honolulu, chuyện những người làm “nghề xe lunch” ở San Jose... do phóng viên Thiên An, Khôi Nguyên, Đỗ Dzũng, Ngọc Lan thực hiện.
***
Bắt đầu bằng “Hồi ức những ngày cuối Tháng Tư, 1975”, đến “Hồi ức cuộc di tản 1975,” có cả “Hồi ức Babylift” - hồi ức của những đứa trẻ “con lai” được đưa ra khỏi miền Nam trong cơn hấp hối vào những ngày cuối Tháng Tư, 1975, tiếp theo với “Hồi ức hành trình vượt biên,” “Hồi ức những ngày đầu định cư và cuộc sống mới,” tuyển tập “Hành Trình Cộng Đồng Việt Trên Đất Mỹ” tiếp tục với “Tù nhân chính trị và H.O” trước khi điểm qua “Cộng đồng người Việt ở Nam ở California,” “Cộng đồng người Việt ở Bắc California,” “Cộng đồng người Việt Đông Bắc,” “Cộng đồng người Việt Houston - Nam và Trung Tây” và “Cộng đồng người Việt Hawaii” để cuối cùng khẳng định “Sức mạnh chính trị cộng đồng” ở các cấp.
Đó là 12 nội dung chính của tập sách nhiều người viết này.
Và yếu tố “nhiều người viết” đã góp phần mang lại sự đa dạng, sống động, mới mẻ cho tập sách, bên cạnh sự phong phú và sâu sắc về nội dung.
Như trong “Lời Tựa,” Thị Trưởng gốc Việt đầu tiên tại Hoa Kỳ, Tạ Đức Trí, đã ghi: “Những chặng đường thử thách cộng đồng Việt đã đi qua, quá khứ tồn đọng trong ký ức và hiện tại được ghi nhận qua sự vươn lớn của nhiều thế hệ, tất cả đều được ghi lại qua nhiều bài viết giá trị của các cây viết và độc giả của nhật báo Người Việt. Hãy lật từng trang để nghiền ngẫm, để nếm, để cảm, để thấm những kinh nghiệm sinh tồn và hội nhập của người Việt mọi nơi, và hãy gìn giữ một cách trân quý những thành quả mà cộng đồng người Việt tỵ nạn đã và đang cống hiến cho đời.”
Vâng, đó là hành trình của bạn, của tôi, của một triệu 700 ngàn người Việt trên đất Mỹ đã đi trong 40 năm qua, để hôm nay nhìn lại, lần giở tập sách “Hành Trình Cộng Đồng Việt Trên Đất Mỹ,” mỗi người lại thấy mình đâu đó, của hôm qua, hôm nay và ngày mai.
Liên lạc tác giả: ngoclan@nguoi-viet.com
Hành Trình Cộng Đồng Việt Trên Đất Mỹ700 trang - 73 bài viết - 37 tác giả
20 trang số liệu thống kể về người Mỹ gốc Việt
Giá bán: $20 (cho đến ngày 15 Tháng Ba, 2016. Sau đó $28)
20 trang số liệu thống kể về người Mỹ gốc Việt
Giá bán: $20 (cho đến ngày 15 Tháng Ba, 2016. Sau đó $28)
Bán tại:
Nhật Báo Người Việt: 14771 Moran St. Westminster, CA 92683. Tel: 714-892-9414
Amazon.com
NguoiVietShop.com
Nguoi-Viet.com
Amazon.com
NguoiVietShop.com
Nguoi-Viet.com
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=219143&zoneid=1
Xem lại những thước phim thời sự 40 năm
Monday, December 14, 2015 2:57:40 PM
Monday, December 14, 2015 2:57:40 PM
Bài liên quan
- ‘Hành Trình Cộng Đồng Việt Trên Đất Mỹ’
- Ký ức tập thể
- Những trích đoạn từ ‘Hành Trình Cộng Đồng Việt Trên Đất Mỹ’
Đọc ‘Hành Trình Cộng Đồng Việt Trên Đất Mỹ’
Quốc Dũng/Người Việt
WESTMINSTER, California (NV) - Bốn mươi năm về trước, tôi chỉ là hạt cát nhỏ đâu đó trên cõi nhân gian này. Nói như vậy để minh định một điều, tôi sinh ra vào đầu những năm 1980, nhiều năm sau khi Sài Gòn thất thủ, và cha tôi phải “học tập cải tạo” nhiều năm liền. Nhưng, tôi hoàn toàn không biết chuyện cha mình phải đi tù tập trung như vậy cho mãi đến khi vào đại học, yêu cầu khi làm hồ sơ nhập học phải khai cha, mẹ làm gì, trước và sau năm 1975!
Một trang trong tuyển tập, có hình trang nhất số báo Người Việt đầu tiên, xuất bản ngày 15 tháng 12, 1978, trùng
với ngày chính thức ra mắt tác phẩm này. (Hình: Triết Trần/Người Việt)
với ngày chính thức ra mắt tác phẩm này. (Hình: Triết Trần/Người Việt)
Khi đó tôi mới biết chuyện của cha, và nắn nót ghi vào hồ sơ là: “Từ 1969 đến 1975 đi lính cho chế độ cũ, cấp bậc thiếu úy, là nhân viên kỹ thuật (sửa chữa máy móc, kỹ thuật hàng không) tại sân bay Trà Nóc (Cần Thơ).” Cha bảo, nếu 1975 mẹ không mang bầu chị tôi thì cha đã theo máy bay di tản, và không phải ngồi tù. Tôi mới nói rằng, nếu vậy thì làm sao có con, một thằng nhà báo ‘nhiều chuyện’ của ngày hôm nay.”
Rồi tôi đi làm báo, tại tờ báo lớn nhất ở Việt Nam, và sang một tờ báo thứ hai cũng nhiều năm, lần nào cũng phải khai hồ sơ. Ấy vậy mà sau chín năm làm nhà báo đúng nghĩa, tức có thẻ, thì năm 2013 vẫn phải khai bổ sung lý lịch theo yêu cầu của Tuyên Giáo thành phố Sài Gòn với nội dung: “Cha ruột sau giải phóng học tập cải tạo mấy ngày. Địa chỉ cụ thể ở Mỹ để xác minh.”
Không riêng gì tôi, những đồng nghiệp mà gia đình liên quan “chế độ cũ” đều phải khai bổ sung. Chẳng hạn, anh Th. được yêu cầu: “Bản thân trước giải phóng có tham gia chế độ cũ? Sau giải phóng có học tập cải tạo? Mẹ ruột trước giải phóng có tham gia cảnh sát quốc gia? Khai cụ thể quá trình cha mẹ vợ trước giải phóng, sau giải phóng làm đơn vị nào, năm nào nghỉ hưu;” rồi bạn Tr. “Cha chồng trước giải phóng có đi lính chế độ cũ?”...
Nghĩa là sau gần 40 năm, tư duy của họ vẫn không thay đổi, vẫn chăm chăm quản lý lý lịch. Đến giờ này, những ai vào làm việc ở cơ quan nhà nước đều phải khai một quyển “Lý lịch công chức” dài 20 trang, trong đó phần quan hệ gia đình, thân tộc phải khai rất chi tiết. Đó là, khai từ ông bà nội, ngoại (dù đã mất và gồm cả cô, dì, chú, bác), cha, mẹ, anh, chị, em ruột với đầy đủ họ tên, năm sinh, nghề nghiệp, công tác, đặc điểm lịch sử (bị bắt, bị tù, làm việc trong chế độ cũ, “ngụy quân, ngụy quyền”), hiện đang làm gì, nơi cư trú, hoàn cảnh kinh tế của từng người... Một lô một lốc như vậy mới xong thủ tục!
Với những ràng buộc, áp đặt như vậy, cho nên dễ hiểu vì sao nhiều người dù rất thành công nhưng có cơ hội vẫn dứt áo ra đi để tìm miền tự do. Dù rằng ở đất nước xa lạ đó, họ không có bà con họ hàng, họ phải làm việc cực khổ, trái với nghề họ đã làm ở Việt Nam.
Đó là “Nằm ngay trên con đường nhỏ Dillow St. cắt ngang đại lộ Bolsa, Tèo Tire Club thu hút ngay sự tò mò của người đi ngang, bởi cái tên rất Việt Nam của mình.” Bỏ nghề kỹ sư, ông gầy dựng cơ nghiệp bằng thương hiệu Tèo Moving trong cộng đồng Little Saigon, rồi ông chuyển qua sửa xe với tên gọi Tèo Tire Club, và “Đây mới chính là nghiệp của mình. Thằng Tèo năm nào bây giờ có thể hãnh diện với cái tên cúng cơm của mình đã trở thành một nét rất đặc biệt của con đường Bolsa.”
Đó còn là thương hiệu Năm Khéo Moving, Bí Bầu Moving, Thầy Ba Cầu Bông với những phương thuốc đặc chế gia truyền đã giúp hàng triệu người Việt nam phụ lão ấu hải ngoại vượt qua nhiều căn bệnh...
Hay câu chuyện ông Thanh, ông Oanh và bà Nhiên đều là những người chưa từng một lần ngồi trước chiếc máy may cho đến khi bắt tay vào nghề. Lý do để nhiều người trụ lại với nghề may, là vì “Nếu đi làm hãng, hết 8 tiếng chủ đuổi về, mình có muốn làm thêm cũng không được. Còn may thì mình muốn may bao nhiêu thì may, khi nào thấy cần tiền thì may nhiều, may cả 13-14 tiếng mỗi ngày, còn khi nào mình muốn nghỉ thì nghỉ, không ai phiền hết.”
Một nghề “bất đắc dĩ” nữa là nghề xe lunch (người bản xứ gọi loại xe này là food truck, lunch truck, roach coach...) ở Bắc California. Người Việt chiếm lĩnh nghề xe lunch gần như toàn bộ thị trường tại thành phố San Jose và quận Santa Clara, nơi tập trung các hãng xưởng của Silicon Valley. Bởi vì đa số các xe của Mỹ bán bánh mì burger và Taco Mexico, thì người Việt có thêm mì xào, phở và nhiều món mặn khác. Dù nghề này gian nan, cạnh tranh khốc liệt nhưng người làm nghề bảo rằng “dễ sống!”
Còn cộng đồng người Việt Đông Bắc làm gì? Nghề may, nail, trong đó nghề nail thịnh hơn khi “càng nhiều tiệm nail mở ra, càng có nhiều nhu cầu tìm thợ. Nhưng không phải khu vực nào ở Nam Philadelphia cũng thế. Xa trung tâm, giá cao hơn, người thợ dễ sống hơn.”
“Hành Trình Cộng Đồng Việt Trên Đất Mỹ,” do Người Việt Books xuất bản. (Hình: Triết Trần/Người Việt)
Ở Houston thì “Không giống Little Saigon ở Nam California, người Việt Houston sống ở ba khu vực chính, là Tây Bắc, Tây Nam, và Đông Nam thành phố, một số khác chọn các thành phố nhỏ lân cận, nhưng đông đúc và sầm uất nhất vẫn là khu Tây Nam. Khoảng 10 năm trở lại đây, người Việt ùn ùn đổ về đây vì giá nhà rẻ, vật giá không đắt đỏ và công việc dễ tìm. Tại đây, người Việt làm nhiều ngành nghề khác như kỹ nghệ dầu hỏa, y khoa, xây dựng, đánh cá, mở tiệm ăn, làm móng tay, hớt tóc...”
Một nghề đặc biệt ở Houston là “làm bò,” là cách nói đơn giản của những người Việt Nam làm việc trong các xưởng chế biến thịt bò, khi họ mới đến Mỹ lập nghiệp, phần lớn với hai bàn tay trắng, không có tay nghề và không rành tiếng Anh. Một nghề nữa, “có trải qua một ngày sống ở trại nuôi gà, theo chân người đang làm công việc 'baby sit cho gà,' đi vào tận chuồng xem cách họ làm việc, hay chứng kiến cảnh xe đến bắt gà diễn ra làm sao, mới có thể cảm nhận được phần nào công việc mà nhiều người Việt tại Mỹ đang chọn để mưu sinh, làm giàu.” Và nuôi gà thì không sợ cạnh tranh, không sợ thua lỗ, bởi vì “Bây giờ làm nghề nào cũng 50-50, 5 ăn 5 thua, riêng nghề nuôi gà thì 100% không sợ gì hết. Ở Texas, chưa ai làm nghề này mà khai phá sản.”
Nói đến người tị nạn gốc Việt tại Hawaii dường như bao giờ cũng nghe câu “người Việt làm nghề lái taxi ở Hạ Uy Di nhiều lắm!” Nhiều đến mức người ta xem đó gần như một công việc đặc thù của người Mỹ gốc Việt ở nơi này. Bởi vì, ở Hawaii này không có hãng xưởng lớn, chỉ có tiệm tạp hóa, tiệm nail, nhà hàng, nên người Việt chạy taxi nhiều, cả nữ luôn chứ không phải chỉ đàn ông không thôi!
Vâng, đó là những bài viết giá trị do các cây bút của nhật báo Người Việt viết trong cuốn sách “Hành trình cộng đồng Việt trên đất Mỹ.” Sau 40 năm, người Việt tị nạn đã hội nhập khắp mọi nơi trên đất Mỹ và đang tiếp tục vươn lên với một sức sống mãnh liệt. Giờ đây, qua 40 năm, rào cản ngôn ngữ hay khác biệt văn hóa không còn là trở ngại nữa. Thành quả hôm nay đã có một lớp người Việt trẻ bước vào chính trường để cống hiến cho cộng đồng.
Người đọc sẽ tìm được trong cuốn sách này những thành quả chính trị đáng kể, như Luật Sư Joseph Cao đắc cử dân biểu liên bang Địa Hạt 2, Louisiana, là người Việt Nam đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ được bầu vào Quốc Hội; Chánh Án Jacqueline Nguyễn, phụ nữ gốc Châu Á đầu tiên được bổ nhiệm vào Tòa Kháng Án Liên Bang, Khu Vực 9; bà Miranda Du, chánh án Tòa Sơ Thẩm Liên Bang tại tiểu bang Nevada; Giáo Sư Đinh Việt, phụ tá bộ trưởng Tư Pháp, là người Việt Nam giữ chức vụ hành pháp cao nhất trong lịch sử Hoa Kỳ; Chuẩn Tướng Lương Xuân Việt, vị tướng Mỹ gốc Việt đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ, và cũng là người Việt Nam có cấp bậc cao nhất trong quân đội Mỹ.
Những người Việt nắm vị trí cấp tiểu bang, gồm Thượng Nghị Sĩ tiểu bang California Janet Nguyễn, hiện là dân cử gốc Việt cao cấp nhất Hoa Kỳ; ông Andrew Đỗ, giám sát viên Orange County, Địa Hạt 1; bà Cheri Phạm, chánh án Tòa Thượng Thẩm California, Đơn Vị 39 của Orange County và là phu nhân ông Andrew Đỗ; ông Tony Lâm, nghị viên Westminster, trở thành dân cử gốc Việt đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ; ông Trần Thái Văn, dân biểu tiểu bang gốc Việt đầu tiên trong lịch sử California; ông Nguyễn Trọng Nho, chánh án Tòa Thượng Thẩm Calironia, Đơn Vị 25 của Orange County.
Ngoài ra còn có 36 người Việt nắm vị trí cấp quận và thành phố như ông Hiếu Nguyễn, chánh lục sự quận hạt Orange County; ông Tạ Đức Trí, thị trưởng Westminster; ông Bảo Nguyễn, thị trưởng Garden Grove; ông Michael Võ, thị trưởng Fountain Valley; ông Tyler Diệp, ông Andy Quách, nghị viên Westminster; bà Dina Nguyễn, ông Chris Phan, ông Phát Bùi, nghị viên Garden Grove...
Nhưng, để có được những thành quả này, biết bao thế hệ con dân Việt phải đánh đổi mạng sống, máu, và nước mắt, để vượt qua chặng đường nhiều thử thách và bất hạnh. Hàng loạt bài viết giá trị của độc giả nhật báo Người Việt viết lên kinh nghiệm sinh tồn khi di tản trong ngày Cộng Sản Bắc Việt chiếm miền Nam, ký ức trong ngục tù Cộng Sản, và những tủi hận khi vượt biên bằng đường biển lẫn đường bộ.
Tôi nhạt nhòa khi đọc “Tháng Tư năm ấy...” của Lương Tất Đạt. “Tháng Tư năm ấy, người lính bại trận khoác áo civil nhẹ tênh trên mình, lòng trĩu nặng [...] Cả dăm lần gõ cửa từng nhà, từng ô vuông cửa, lòng khấp khởi rộn ràng chưa kịp mở lời thăm thăm hỏi hỏi, thì đã thấy hình bạn lần lượt trên các bàn thờ khói đang nghi ngút [...] Bước chân về, lối rộng thênh thang, mà bóng soi khập khiễng. Trưa Tháng Tư, hắn cứ ngỡ như ba mươi Tháng Chạp...”
“Ngày Đại Họa” của Lê Tuấn ghi lại những ngày ở tù cải tạo: “Theo bạn bè kể lại, tôi đã chết lúc gần sáng, sáng hôm sau cán bộ cho hai người đào huyệt và sau đó cho hai người khiêng tôi đem chôn, nhưng khi đến nơi huyệt còn nông quá phải cho đào sâu thêm. Họ đặt tôi nằm bên cạnh và cả bốn người cùng đào. Khi xong thì tôi hồi tỉnh lại, thở và chân tay cử động nhẹ. Cán bộ ra lệnh chôn nhưng bốn người bạn năn nỉ xin đem tôi về trại. Cán bộ quyết định chôn và nói: ‘Trước sau gì nó cũng chết, chôn để khỏi mất thì giờ.’ Cả bốn người bạn năn nỉ mãi và cuối cùng tôi được khiêng về trại.”
Và thảng thốt, đau đớn khi đọc “Tôi vượt biên bằng đường bộ” của Kim Hà: “Thình lình, từ trong lùm cây rậm rạp, có hai tên lính Miên mặt non choẹt, trông chỉ độ mười bốn, mười lăm tuổi, mặc quân phục rằn ri như lính nhảy dù, chúng xông ra chận xe bò của tôi lại [...] Ba thằng lôi tôi vào bụi rậm, bắt tôi cởi hết áo quần. Trong lúc tôi đứng tơ hơ thì bọn chúng chia nhau lục xét áo quần và xà rông của tôi. Rồi chúng chia nhau xét cái giỏ quần áo của tôi. Chúng bắt tôi chổng mông để chúng móc ở hậu môn, ở cửa mình để kiếm vàng [...] Tuy vậy, cái đau của thể xác không làm cho tôi đau bằng cái nhục nhã của một con người bị một đứa con nít đáng tuổi con cháu mình xúc phạm mình.”
Căm phẫn khi biết các thuyền nhân bị hải tặc cướp bóc, hãm hiếp, bắt cóc phụ nữ, giết người ăn thịt... “Chúng liên tục hãm hiếp phụ nữ, trẻ và già, trong nhiều giờ liền... Chúng bắt tất cả đàn ông cởi trần cởi truồng rồi đứng xếp hàng một. Tất cả phải há miệng ra: Bọn cướp dùng kềm nhổ hết răng vàng [...] Trên một chiếc tàu vừa đến, tôi nhìn thấy một cậu bé độ chừng 15 tuổi bị treo lơ lửng trên cột buồm. Cuộc thẩm vấn cậu bé sau đó cho biết em sắp đến lượt bị người trên tàu ăn thịt. Sau đó tôi tìm hiểu ra là em bị treo trên cột buồm vì người ta sợ em có thể nhảy xuống biển, và nếu thế thì sẽ mất đi nguồn cung cấp thực phẩm...”
Tìm đọc trong cuốn sách “Hành trình cộng đồng Việt trên đất Mỹ,” do Người Việt Books xuất bản lần đầu tiên tại Hoa Kỳ, 2015, chắc chắn người đọc sẽ xem được những thước phim sau 40 năm vẫn rất thời sự.
Với 73 bài viết (chưa kể các phụ bản) và gần 700 trang giấy là những hồi ức của những ngày cuối Tháng Tư, 1975; hồi ức cuộc di tản 1975; hồi ức Babilift; hồi ức hành trình vượt biên; tù nhân chính trị và H.O.; hồi ức những ngày đầu định cư và cuộc sống mới; cộng đồng người Việt ở Nam California, Bắc California, Đông Bắc, Houston, Hawaii; sức mạnh chính trị cộng đồng...
Liên lạc tác giả: truong.dung@nguoi-viet.com
Hành Trình Cộng Đồng Việt Trên Đất Mỹ700 trang - 73 bài viết - 37 tác giả
20 trang số liệu thống kể về người Mỹ gốc Việt
Giá bán: $20 (cho đến ngày 15 tháng Ba, 2016. Sau đó $28)
20 trang số liệu thống kể về người Mỹ gốc Việt
Giá bán: $20 (cho đến ngày 15 tháng Ba, 2016. Sau đó $28)
Bán tại:Nhật Báo Người Việt: 14771 Moran St. Westminster, CA 92683. Tel: 714-892-9414
Amazon.com
NguoiVietShop.com
Nguoi-Viet.com
Amazon.com
NguoiVietShop.com
Nguoi-Viet.com
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=219151&zoneid=1
Geen opmerkingen:
Een reactie posten