dinsdag 20 oktober 2015

Tân Sơn Nhất, phi trường lớn nhất của Việt Nam ,trong danh sách 10 phi trường tệ nhất thế giới và Á châu năm 2015

Tân Sơn Nhất trong số 10 phi trường tệ nhất thế giới và cả Á châu
Monday, October 19, 2015 5:06:26 PM


SÀI GÒN (NV) - Tân Sơn Nhất, phi trường lớn nhất của Việt Nam đứng hàng thứ 8 trong danh sách 10 phi trường tệ nhất thế giới năm 2015, theo cuộc khảo sát của trang mạng The Guide To Sleeping In Airports.
Tương tự, cũng theo xếp hạng của The Guide To Sleeping In Airports, trong số 10 phi trường tệ nhất của Á châu, Tân Sơn Nhất đứng hàng thứ 4. 

Hằng năm, trang mạng The Guide To Sleeping In Airports tiến hành cuộc khảo sát về trải nghiệm của hành khách ở các phi trường trên toàn thế giới. Hành khách đánh giá kinh nghiệm của họ vào các yếu tố như cơ sở hạ tầng, phương tiện, dịch vụ, nhân viên ở phi trường.
Hành khách ngồi chờ bên ngoài nhà ga quốc tế phi trường Tân Sơn Nhất. (Hình: Khôi Nguyên/Người Việt)

Nếu như trong danh sách năm 2014, phi trường Tân Sơn Nhất không nằm trong top 10 phi trường tệ nhất thì năm nay với thứ hạng kém với cả thế giới và Á châu cho thấy sự tệ hại của phi trường được coi là nhộn nhịp và phát triển nhất ở Việt Nam hiện nay.
Một trong những lý do khiến Tân Sơn Nhất nằm trong danh sách những phi trường tệ nhất ở Á Châu và thế giới là vì các cáo buộc giới chức ăn hối lộ và tham nhũng. Hành khách ở Tân Sơn Nhất cho biết thường gặp phải trường hợp cán bộ hải quan, công an làm khó dễ để lấy tiền, nếu hành khách không đút lót thì thủ tục, giấy tờ xuất nhập cảnh bị ảnh hưởng hay chậm trễ.
Một hành khách trong cuộc khảo sát nhận xét, nhân viên ở Tân Sơn Nhất không thân thiện, luôn nghiêm nghị với khách và nhất là luôn yêu cầu khách phải đưa tiền cho mình.
“Họ đòi tiền bạn một cách trắng trợn, từ người kiểm tra visa, người ở quầy cung cấp thông tin cho đến nhân viên an ninh phi trường và cán bộ hải quan,” một hành khách cho biết.
 Nhiều hành khách, nhất là Việt kiều, khi làm thủ tục xuất nhập cảnh ở Tân Sơn Nhất than phiền bị vòi vĩnh, hạch sách... các kiểu, chỉ khi đưa tiền mới được “tha.”

Ðây là chuyện diễn ra hàng ngày suốt bao năm qua không hề thay đổi dù người ta thấy có những khẩu hiệu nhắc nhở cấm đoán nạn vòi vĩnh hối lộ để hải quan dễ dãi xét hành lý. Hoặc là kẹp tiền vào hộ chiếu và đi qua nhanh chóng, hoặc bị rầy rà kiếm chuyện nhiều khi là những rắc rối không đáng có.
Hồi tháng Tư vừa qua, báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Trần Hòa Phương, phó chủ nhiệm Ủy Ban Người Việt Nam ở Nước Ngoài thành phố Sài Gòn cho biết, bà con Việt kiều than phiền về tình trạng vòi vĩnh ở phi trường quốc tế Tân Sơn Nhất ngày một trắng trợn.
Hành khách xếp hàng chờ đợi an ninh Việt Nam làm thủ tục xuất cảnh tại khu vực các chuyến bay quốc tế. (Hình: Khôi Nguyên/Người Việt)

Ngoài ra wifi ở Tân Sân Nhất yếu, nhà vệ sinh dơ và nhà hàng trong phi trường bán đồ mắc và dở khiến hành khách bất mãn. Nếu có dừng chân tại Tân Sân Nhất, hành khách phải đề phòng giấu những vật dụng có giá trị vì ở đây dễ bị móc túi, và nên thủ sẵn một ít tiền mặt trong người.

Về tình trạng mất cắp, theo truyền thông Việt Nam, trong 3 năm qua đã có 600 vụ mất cắp hành lý ở các phi trường Việt Nam. Trong đó Tân Sơn Nhất chiếm khoảng 60%.
Ông Đinh La Thăng, bộ trưởng Bộ Giao Thông Vận Tải phải buột miệng: “Mất hành lý ở phi trường, người đứng đầu phải thấy xấu hổ.”
Chỉ tính riêng tại Tân Sơn Nhất trong chín tháng đầu năm 2015 đã có 1,346 trường hợp hành lý bị rách, vỡ trên hầm hành lý máy bay, khu vực băng chuyền. Ðặc biệt, Trung Tâm An Ninh Hàng Không Tân Sơn Nhất phát hiện 15 trường hợp nhân viên các đơn vị phục vụ mặt đất lấy đồ vật, tài sản trong hành lý của khách mang ra ngoài cổng.”

Trở lại bảng xếp hạng 10 phi trường tệ nhất trên thế giới, đứng đầu là phi trường Port Harcourt ở Nigeria.
Ngoài danh hiệu là phi trường tệ nhất trên thế giới, Port Harcourt ở Nigeria còn được biết đến là phi trường tham nhũng hối lộ nhất trên thế giới. Các nhân viên ở đây luôn khó chịu với hành khách, còn các thiết bị máy móc hải quan thì hư hại hoặc quá cũ. Phi trường không có đủ ghế ngồi cho hành khách, máy điều hoà không khí không hoạt động và những chiếc lều được dựng tạm để làm nơi kiểm tra giấy tờ xuất nhập cảnh.
Trang mạng The Guide To Sleeping In Airports là một trang mạng về du lịch uy tín, được thành lập vào  năm 1996 với mục đích chia sẻ kinh nghiệm và thông tin du lịch trên khắp thế giới. (N.A)


Danh sách 10 phi trường tệ nhất thế giới và 10 phi trường tệ nhất Á châu. Cả hai danh sách đều có tên Tân Sơn Nhất:


10 phi trường tệ nhất thế giới

1. Port Harcourt - Nigeria (PHC)
2. Jeddah King Abdulaziz - Saudi Arabia (JED)
3. Kathmandu Tribhuvan - Nepal (KTM)
4. Tashkent - Uzbekistan (TAS)
5. Caracas Simon Bolivar - Venezuela (CCS)

6. Port au Prince Toussaint Louverture - Haiti (PAP)
7. Kabul Hamid Karzai - Afghanistan (KBL)
8. Tân Sơn Nhất - Việt Nam (SGN)
9. Islamabad Benazir Bhutto - Pakistan (ISB)
10. Paris Beauvais-Tille - Pháp (BVA)

 10 phi trường tệ nhất Á Châu
1. Kathmandu Tribhuvan - Nepal (KTM)
2. Tashkent - Uzbekistan (TAS)
3. Kabul Hamid Karzai - Afghanistan (KBL)
4. Tân Sơn Nhất - Việt Nam (SGN)
5. Islamabad Benazir Bhutto - Pakistan (ISB)
6. Guangzhou Baiyun - Trung Quốc (CAN)
7. Chennai (Madras) - Ấn Độ (MAA)
8. Manila Ninoy Aquino - Phillipines (MNL)

9. Dhaka Shahjalal - Bangladesh (DAC)
10. Colombo Bandaranaike - Sri Lanka (CMB)


Thứ ba, 20/10/2015 | 20:49 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ |
Thứ ba, 20/10/2015 | 20:49 GMT+7

Giám đốc Tân Sơn Nhất: 'Một số đánh giá về chất lượng sân bay là đúng'

Tại cuộc họp khẩn, người đứng đầu cảng Tân Sơn Nhất nhìn nhận nhiều dịch vụ ở sân bay chưa tốt và hứa khắc phục để năm sau nơi này không còn nằm trong danh sách "những sân bay tệ nhất châu Á".
Sau khi Tân Sơn Nhất bị trang web Sleeping in Airports xếp hạng là một trong những sân bay tệ nhất châu Á, chiều 20/10, Cảng vụ hàng không miền Nam đã mời các đơn vị liên quan họp khẩn để đánh giá tình hình.
Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất Đặng Tuấn Tú thừa nhận một số đánh giá của website về chất lượng phục vụ ở sân bay này là đúng, chẳng hạn như chất lượng wifi, đặc biệt là ở ga quốc tế. "Chúng tôi sẽ chọn nhà cung cấp khác và chắc chắn từ đây đến cuối năm vấn đề này sẽ được khắc phục", ông Tú khẳng định.
Đối với đánh giá về dịch vụ vệ sinh, lãnh đạo Tân Sơn Nhất cho rằng có thể website dựa vào một thời điểm nhất định, vì kiểm tra cho thấy cơ bản đảm bảo. Tuy nhiên, lúc cao điểm khách đông nên có thể phải chờ đợi, có mùi hôi. 
"Những tháng gần đây, công tác lấy ý kiến hành khách cũng như đường dây nóng không ghi nhận phàn nàn về chất lượng nhà vệ sinh", ông Tú nói.
giam-doc-tan-son-nhat-mot-so-danh-gia-ve-chat-luong-san-bay-la-dung
Tân Sơn Nhất bị website Sleeping in Airports xếp hạng là một trong những sân bay tệ nhất châu Á. Ảnh: Hữu Công
Về ý kiến nhà hàng trong sân bay quá ít, ông Tú cho rằng có thể hành khách thiếu thông tin, vì thực tế ở cả hai nhà ga đều có nhiều nhà hàng thương hiệu phục vụ. Riêng ga quốc tế, nhà hàng được bố trí trên tầng 3 nên có thể khách chưa biết. Sắp tới, cảng sẽ tăng cường thêm bảng hướng dẫn để thuận tiện cho hành khách. 
"Với tinh thần cầu thị, chúng tôi tiếp thu ý kiến của tất cả hành khách, báo chí để tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng phục vụ", ông Tú nói.
Ngoài ra, Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cũng thừa nhận một số dịch vụ tại sân bay còn chưa tốt như: dịch vụ taxi vẫn còn lộn xộn; bãi giữ xe máy nhiều lúc phải ngưng nhận; thái độ của nhân viên sân bay, nhân viên các hãng chưa đúng mực... 
Bên cạnh đó, ga quốc nội do được cải tạo lại cơ sở từ trước năm 1975 nên có bất cập là luồng hành khách đi và đến cùng ở một sảnh, chứ không phân biệt rõ ràng đi một tầng và đến một tầng như ở ga quốc tế. Vì vậy, ôtô chở khách đến và khách đi bị giao thoa nhau.
Ông Tú cũng cho biết thêm, từ đầu năm đến nay sân bay Tân Sơn Nhất đã đón hơn 21,7 triệu lượt hành khách. Dự kiến đến cuối năm, số lượt khách đạt 26 triệu lượt, vượt quá quy hoạch của nhà ga. Với tốc độ tăng trưởng này, chỉ 2 năm nữa Tân Sơn Nhất sẽ đón trên 30 triệu lượt khách.
"Sẽ phải tiếp tục chịu đựng cảnh quá tải này ít nhất 8 năm nữa trước khi sân bay Long Thành đưa vào sử dụng. Với điều kiện như thế này, chúng tôi cố gắng duy trì chất lượng dịch vụ ở mức có thể đáp ứng nhu cầu. Ưu tiên hàng đầu là đảm bảo an ninh an toàn, dành những tiện ích cộng cộng theo tiêu chí cho phép", ông Tú nói.
Về phía các đơn vị phục vụ mặt đất, ông Nguyễn Đình Hùng - Giám đốc Công ty Cổ phần dịch vụ Tân Sơn Nhất (SAGS) - cho rằng cần cầu thị tiếp thu ý kiến của hành khách để cải tiến chất lượng dịch vụ
Theo ông Hùng, hiện khách đến Tân Sơn Nhất còn nhiều bất cập, chẳng hạn như ở nhà ga quốc tế, hành khách sau khi xếp rồng rắn phải qua 3 khâu thủ tục. Đầu tiên là công an cửa khẩu, sau đó vác hành lý lên máy soi chiếu hải quan, rồi đưa hành lý xuống, đi một đoạn lại bốc hành lý lên để kiểm tra an ninh.
"Chỉ thế này thôi thì Tân Sơn Nhất mất điểm rồi. Nhiều khách cảm thấy rất phiền phức, khó chịu vì đã xếp hàng lâu mà còn bị kiểm tra nhiều lần chỉ trong phạm vi hẹp. Nên chăng gộp kiểm tra Hải quan và An ninh vào chung?", ông Hùng đặt vấn đề.
Ông Đặng Tuấn Tú cho biết, vấn đề này đã được kiến nghị lên Cục Hàng không. Bộ Giao thông đã có văn bản gửi Bộ Tài chính xin gộp việc kiểm tra vào một cửa và đang chờ ý kiến.
giam-doc-tan-son-nhat-mot-so-danh-gia-ve-chat-luong-san-bay-la-dung-1
Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất Đặng Tuấn Tú. Ảnh: Hữu Công
Cũng theo ông Hùng, một vấn đề tế nhị mà website Sleeping in Airports đề cập là tình trạng nhũng nhiễu của Hải quan sân bay. "Thực tế, Hải quan sân bay có tiêu cực không? Chúng ta phải xem xét vấn để giải quyết", ông Hùng nói.
Trả lời câu hỏi này, ông Trần Đức Minh - Phó chi cục trưởng Chi cục Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất - khẳng định, quan điểm của Cục Hải quan là không dung túng cho tiêu cực. Đơn vị đã trang bị camera giám sát, công bố số điện thoại nóng để nhận phản ánh của hành khách.
"Chỉ cần hành khách phản ánh nhân viên hải quan nhũng nhiễu, chưa biết là có hay không, chúng tôi cũng điều chuyển nhân viên đó đi làm việc chỗ khác để tiến hành điều tra", ông Minh nói.
Cuối cuộc họp, ông Trần Doãn Mậu - Giám đốc Cảng vụ hàng không miền Nam - cho biết trên tinh thần cầu thị, cảng vụ luôn tiếp thu ý kiến phản ảnh của hành khách. Những phản ánh này liên quan đến bộ phận nào thì cảng vụ sẽ trực tiếp làm việc với đơn vị đó để chấn chỉnh.
"Mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng tối đa phục vụ hành khách trong điều kiện quá tải như hiện nay. Với sự nỗ lực của các đơn vị liên quan, hy vọng, năm sau Tân Sơn Nhất sẽ không còn bị xếp vào danh sách những sân bay tệ nhất châu Á nữa", ông Mậu nói.
Hữu Công

http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/giam-doc-tan-son-nhat-mot-so-danh-gia-ve-chat-luong-san-bay-la-dung-3299020.html

Geen opmerkingen:

Een reactie posten