Thứ tư, 21/10/2015 | 11:46 GMT+7
Coca-Cola Việt Nam bắt đầu đóng thuế sau 20 năm lỗ liên tiếp
Trong tài liệu gửi lên Chủ tịch UBND TP HCM - Lê Hoàng Quân cách đây ít lâu, Coca-Cola Việt Nam khẳng định đã đóng hơn 20 triệu USD thuế các loại trong năm 2014.
Nội dung nêu trên được doanh nghiệp gửi tới UBND TP HCM ngày 19/5, song chỉ vừa được công bố ra bên ngoài. Theo đó lợi nhuận tính thuế năm ngoái của Coca-Cola Việt Nam là 16,6 triệu USD, tăng gấp đôi so với mức 7 triệu USD của năm 2013. Tổng số thuế đóng trong năm 2014 đạt 20 triệu USD, trong khi sản lượng tiêu thụ tăng 25%. Như vậy sau nhiều năm liền công bố thua lỗ, công ty này đã bắt đầu có lãi và đóng thuế.
Cũng trong năm 2014, Coca-Cola đầu tư thêm 210 triệu USD mở rộng kinh doanh. Công ty tạo ra 2.200 lao động và gần 22.000 người làm gián tiếp cho chuỗi cung ứng tại Việt Nam. Doanh nghiệp cũng cho biết đã chi hơn 850.000 USD phát triển nguồn nhân lực.
Cuối tháng 12/2012, Cục Thuế TP HCM đã công bố tình hình sản xuất kinh doanh và khẳng định từ khi thành lập năm tại Việt Nam năm 1994 đến cuối năm 2012, Coca-Cola thua lỗ triền miên dù doanh thu vẫn tăng đều qua các năm. Coca-Cola cũng xác nhận lỗ lũy kế lên tới 3.768 tỷ đồng, vượt số vốn đầu tư ban đầu là 2.950 tỷ đồng. Chính việc liên tục báo lỗ này đã khiến Coca-Cola dính nghi án chuyển giá.
Coca-Cola Việt Nam đã bắt đầu đóng thuế sau nhiều năm thông báo lỗ lớn.
|
Cuối tháng 12/2012, Cục Thuế TP HCM đã công bố tình hình sản xuất kinh doanh và khẳng định từ khi thành lập năm tại Việt Nam năm 1994 đến cuối năm 2012, Coca-Cola thua lỗ triền miên dù doanh thu vẫn tăng đều qua các năm. Coca-Cola cũng xác nhận lỗ lũy kế lên tới 3.768 tỷ đồng, vượt số vốn đầu tư ban đầu là 2.950 tỷ đồng. Chính việc liên tục báo lỗ này đã khiến Coca-Cola dính nghi án chuyển giá.
Thời gian | Doanh thu | Lợi nhuận |
Năm 2004 | 728 | -110 |
Năm 2005 | 809 | -108 |
Năm 2006 | 1.026 | -253 |
Năm 2007 | 1.029 | -206 |
Năm 2008 | 1.276 | -132 |
Năm 2009 | 1.752 | -39 |
Năm 2010 | 2.529 | -188 |
Năm 2013 | Chưa công khai | 150 |
Năm 2014 | Chưa công khai | 357 |
Đơn vị: tỷ đồng
Tại Diễn đàn đầu tư toàn cầu tổ chức tại Hà Nội cuối tháng 9, khi một số ý kiến nghi ngờ việc Coca-Cola Việt Nam liên tục báo lỗ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng không thể nói công ty này chuyển giá khi trong tay không có bằng chứng. Bộ trưởng Vinh cũng thông tin vừa có chuyến thăm đến thủ phủ của Coca-Cola tại Mỹ và nhận được cam kết của Tập đoàn có 130 năm tuổi này nếu ai phát hiện được sai phạm sẽ chịu trách nhiệm.
"Không phải Coca-Cola cứ mở rộng, không có lãi thì gọi là chuyển giá. Họ đã bắt đầu nộp thuế và có lãi. Dự kiến thời gian tới Coca-Cola tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam và cam kết có lãi”. Bộ trưởng Vinh cho biết.
Bạch Dương
http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/doanh-nghiep/coca-cola-viet-nam-bat-dau-dong-thue-sau-20-nam-lo-lien-tiep-3299029.html
Thứ năm, 3/1/2013 | 10:11 GMT+7
Hành trình Coca Cola thâu tóm đối tác Việt
Xuất hiện tại Việt Nam dưới hình thức liên doanh nhưng Coca Cola lần lượt loại bỏ từng đối tác của mình để trở thành công ty 100% vốn nước ngoài.
Liên doanh để thâm nhập
Liên doanh với nước ngoài là xu thế tất yếu. Đó là nhận định của hầu hết các chuyên gia về xu hướng phát triển kinh tế của Việt Nam khi nước ta mở cửa thị trường. Trong thời gian đầu mở cửa, các đối tác nước ngoài thường “dựa” vào doanh nghiêp trong nước để nhờ giải quyết thủ tục hành chính, giấy tờ. Rất ít các trường hợp liên doanh thật sự mà đối tác tìm thấy “sức mạnh nội lực” của doanh nghiệp Việt Nam.
Vì thế, một khi đã đạt được mục đích thì phía đốc tác nước ngoài sẽ kiếm cớ đẩy doanh nghiệp Việt Nam ra khỏi liên doanh và “thâu tóm” công ty. Nếu doanh nghiệp thiếu kinh nghiệm, kém cảnh giác thì rất dễ rơi vào tay doanh nghiệp nước ngoài.
Coca Cola là một trong những trường hợp điển hình cho việc “kết hôn” với doanh nghiệp khi chân ướt chân ráo bước chân vào thị trường Việt Nam rồi “ly hôn” sau vài năm “chung sống”.
Coca Cola bắt đầu biết đến tại Việt Nam từ năm 1960, tuy nhiên phải 30 năm sau, năm 1994 mới bắt đầu chính thức kinh doanh. Trải qua gần 20 năm phát triển, Coca Cola Việt Nam đã trở thành một thương hiệu lớn tại Việt Nam. Ngày nay, Coca Cola được biết đến là công ty 100% vốn nước ngoài. Tuy nhiên, trước đó, công ty này đã trải qua một thời kỳ dài liên doanh, liên kết với các đối tác Việt Nam.
Tháng 8/1995, liên doanh đầu tiên giữa Coca-Cola Đông Dương và Công ty Nông nghiệp và Thực phẩm Vinafimex được thành lập, có trụ sở tại miền Bắc.
Chỉ 3 năm sau, vào tháng 1/1998, thêm một liên doanh nữa xuất hiện tại miền Trung - Coca-Cola Non Nước. Đó là quyết định liên doanh cuối cùng của Coca-Cola Đông Dương tại Việt Nam, được thực hiện do sự hợp tác với Công ty Nước Giải Khát Đà Nẵng.
Tháng 10/1998, Chính Phủ Việt Nam đã cho phép các Công ty Liên Doanh trở thành Công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài. Các Liên Doanh của Coca-Cola tại Việt Nam lần lượt thuộc về quyền sở hữu hoàn toàn của Coca-Cola Đông Dương, và sự thay đổi này đã được thực hiện trước tiên bởi Công ty Coca-Cola Chương Dương – miền Nam.
Tháng 3 đến tháng 8/1999, liên doanh tại Đà Nẵng và Hà Nội cũng chuyển sang hình thức sở hữu tương tự.
Tháng 6/2001, được sự cho phép của Chính phủ Việt Nam, ba Công ty Nước Giải Khát Coca-Cola tại ba miền đã hợp nhất thành một và có chung sự quản lý của Coca-Cola Việt Nam, đặt trụ sở tại Quận Thủ Đức – Thành Phố Hồ Chí Minh.
Vậy là chỉ sau 6 năm đặt chân tới Việt Nam, Coca Cola đã kịp “kết hôn” rồi “ly hôn” với nhiều doanh nghiệp Việt.
Coca Cola “đẩy” doanh nghiệp Việt ra khỏi liên doanh
Khi mới đặt chân vào Việt Nam, Coca Cola đối đầu ngay với đối thủ sừng sỏ Pepsi. Ngay lập tức người tiêu dùng Việt Nam được chứng kiến cuộc thư hùng giữa hai đối thủ “truyền kiếp” là Pepsi và Coca-cola.
Chiến tranh giữa hai gã khổng lồ bắt đầu vào năm 1996. Cả hai tung ra rất nhiều hoạt động khác nhau thông qua những chiến dịch quảng cáo, khuyến mãi như thay đổi bao bì sản phẩm, chiết khấu cho đại lý, cắt giảm giá thành, tặng quà hoặc tăng mức tính dụng cho đại lý. Kết quả là những chiến dịch này đã mang đến những khoản lỗ khổng lồ cho cả hai nhãn hiệu từ năm 1996 đến năm 2000. Số liệu của Cục Thuế TP HCM cho biết, Coca-Cola lỗ dài dài kể từ khi chính thức hoạt động tại Việt Nam đến nay.
Điều này khiến cho việc liên doanh nằm trong tình trạng không có lời suốt nhiều năm và bên đối tác Việt Nam đành trao quyền lại cho phía nước ngoài. Với việc lỗ triền miên, Coca-Cola dần dần loại bỏ từng đối tác Việt Nam để trở thành công ty 100% vốn nước ngoài.
Đối tác đầu tiên phải rút lui là Vinafimex. Nhiều thông tin cho thấy Vinafimex đã bán 30% cổ phần của mình tại Coca-Cola cho Coca-Cola với giá 2 triệu USD.
Năm 2001, Nhà máy Coca-cola Ngọc Hồi, Nhà máy Coca-cola Chương Dương (Hà Nội) và Nhà máy Coca-cola Non Nước (Đà Nẵng) đã được Bộ Công nghiệp cho phép sáp nhập. Như vậy, một công ty chuyên sản xuất và kinh doanh nước ngọt lớn nhất tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư trên 350 triệu USD đã ra mắt.
Vốn đầu tư hiện có của 3 nhà máy trên lần lượt là 151 triệu USD, 182,5 triệu USD và 25 triệu USD. Sau khi mua hết phần vốn góp của liên doanh trong nước, tại thời điểm đó 3 nhà máy có tổng công suất gần 400 triệu lít Coca-cola/năm này đều là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.
Sau đó, theo Công văn 2129 của Bộ Công nghiệp, Bộ này đã đồng ý về nguyên tắc sáp nhập 3 doanh nghiệp của tập đoàn Coca-cola tại Việt Nam.
PGS. TS. Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam nhìn nhận, trước đây Coca-Cola đã từng lập liên doanh nước giải khát với Chương Dương. Thua lỗ kéo dài khiến đối tác Việt Nam phải nhượng lại phần vốn.
Ông Võ Văn Quang, chuyên gia thương hiệu hàng đầu tại Việt Nam cho biết không loại trừ việc Coca Cola lỗ triền miên và chuyển giá. Đây có thể là một trong các chiêu thức Coca Cola áp dụng để thâu tóm doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Quang phân tích, trong các chiêu thâu tóm doanh nghiệp Việt của các công ty nước ngoài, chiêu chuyển giá được đặt ở vị trí số 1.
Theo ông Quang, các liên doanh cùng ngành nghề thường xảy ra hiện tượng chuyển giá. Trong hợp đồng liên doanh, phía nước ngoài thường hay yêu cầu phía Việt Nam tiêu thụ một số sản phẩm của mình được sản xuất từ nước ngoài và kê giá cao hơn giá các mặt hàng khác cùng loại, cùng cấp độ thương hiệu.
Ngoài việc lách thuế do chênh lệch chính sách thuế ở các quốc gia thì gian lận về giá bán trong liên doanh cũng là lý do chính mà phía nước ngoài thực hiện "chuyển giá" vào liên doanh trong nước. Ngoài chuyển giá trong thành phẩm còn có chuyển giá một số nguyên liệu đầu vào.
Trong chiến lược của ngay cả các tập đoàn Đa-quốc-gia làm ăn chuyên nghiệp thì họ chỉ đầu tư công nghệ - nhà máy ở một vài quốc gia và chỉ cần ở một nơi nào đó chính quyền địa phương quản lý giá không chặt chẽ là chiêu trò này sẽ được mang ra áp dụng ngay lập tức.
Trong thời gian gần đây, dư luận rộ lên nghi án Coca Cola chuyển giá, trốn thuế. Đây cũng có thể là chiêu để Coca Cola thâu tóm đối tác Việt, ông Quang nhìn nhận.
Theo VTC
http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/doanh-nghiep/hanh-trinh-coca-cola-thau-tom-doi-tac-viet-2740612.html
Thứ tư, 28/11/2012 | 16:03 GMT+7
Coca-Cola, PepsiCo hạ gục doanh nghiệp nội
Sau “cái chết đắng ngắt” của Tribeco, hiện vắng bóng thương hiệu Việt có đai đẳng để cạnh tranh với PepsiCo hay Coca-Cola.
Lỗ khủng, lãi bèo
Sự có mặt tràn ngập các sản phẩm đồ uống của Coca-Cola và PepsiCo trên thị trường Việt Nam khiến bất cứ người tiêu dùng nào cũng tin tưởng rằng, hai “đại gia” này kinh doanh thành công tuyệt đỉnh. Theo số liệu thống kê của Hiệp hội bia-rượu và nước giải khát Việt Nam, năm 2010, PepsiCo và Coca-Cola chiếm tới hơn 80% thị phần nước giải khát Việt Nam. Và thực tế thì, hai ông lớn này cũng đang “làm mưa làm gió” trên thị trường. Nhưng trên bản báo cáo tài chính, cũng như quyết toán thuế của hai doanh nghiệp này khiến dư luận không khỏi giật mình, bởi nó khác quá xa với tưởng tượng.
Số liệu của Cục thuế TP HCM cho biết, Coca-Cola lỗ dài dài kể từ khi chính thức hoạt động tại Việt Nam đến nay. 10 năm qua, số lỗ của Coca-Cola luôn ở mức trên 100 tỷ đồng/năm, có năm số lỗ chiếm gần 1/3 doanh thu. Thậm chí, trong hai năm 2006-2007, Coca-Cola lỗ tương ứng lên tới 228 tỷ đồng và 198 tỷ đồng. Năm 2011, tình hình có vẻ khá hơn, công ty này “chỉ còn” lỗ 39 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính đến ngày 30/9/2011, Coca-Cola đã lỗ lũy kế 3.768 tỷ đồng, một khoản “lỗ sụ”.
Không chỉ lỗ lớn, tính đến thời điểm cuối tháng 9/2011, Coca-Cola thậm chí đã “âm” vốn chủ sở hữu đến hơn 800 tỷ đồng. Có nghĩa rằng, công ty này hiện chỉ đang “sống nhờ” vào các khoản vay, kể cả vốn vay từ công ty mẹ, hoặc tiền của khách hàng...
Trong khi đó, tình hình từ phía PepsiCo có vẻ có khả quan hơn, mặc dù, kể từ khi thành lập cho tới năm 2007, PepsiCo cũng lỗ liên tục (tới năm 2006 vẫn lỗ 122 tỷ đồng). Lỗ kéo dài từ năm 1991, nên trên bảng cân đối tài sản của PepsiCo, lỗ lũy kế tính đến ngày 31/12/2010 là 1.206 tỷ đồng.
Năm 2007 là năm đầu tiên PepsiCo có lãi, với tổng thu nhập chịu thuế là 58 tỷ đồng. Nhưng vì vẫn được điều chỉnh chuyển lỗ, nên Công ty chưa phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Năm 2008, PepsiCo lại lỗ 58 triệu đồng, sang năm 2009 lãi 141 tỷ đồng. Con số này của năm 2010 là 137 tỷ đồng, năm 2011 là 191 tỷ đồng. Tuy nhiên, do vẫn được điều chuyển lỗ, nên tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp mà công ty này đã nộp từ năm 2009 cho đến nay chỉ là 40,2 tỷ đồng.
Câu hỏi được đặt ra là, khoản lãi này có “bèo” không, có tương xứng với doanh thu của PepsiCo ở thị trường Việt Nam hay không? Thực tế, năm 2009, PepsiCo đạt doanh thu 3.840 tỷ đồng, còn năm 2011 là 6.915 tỷ đồng. Tức là, tỷ lệ lợi nhuận trên doanh thu rất thấp, chỉ trên 2%.
Nghi án lỗ vẫn mở rộng đầu tư
Về kết quả kinh doanh của Coca-Cola và PepsiCo, một chuyên gia lâu năm về đầu tư chỉ bình luận rằng: “Không thể tin được”.
Đúng là không thể tin được, bởi sau 18 năm kinh doanh ở thị trường Việt Nam, không chỉ lỗ quá lớn, Coca-Cola thậm chí đã cạn cả vốn chủ sở hữu. Trong khi đó, PepsiCo chỉ có một khoản lãi khiêm tốn.
Cuối tháng 10 vừa qua, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc điều hành Coca-Cola, ông Muhtar Kent, đã tới Việt Nam và công bố Coca-Cola sẽ rót thêm 300 triệu USD vào Việt Nam trong 3 năm tới, đưa tổng vốn đầu tư vào thị trường này lên nửa tỷ USD trong vòng 5 năm.
Trong khi đó, PepsiCo cũng liên tục khai trương các nhà máy mới ở Đồng Nai (45 triệu USD), và mới đây nhất là Bắc Ninh (73 triệu USD). Tổng vốn đầu tư của đại gia này tại Việt Nam cũng vào khoảng 500 triệu USD.
Tất nhiên, PepsiCo có cái lý của mình, bởi thực tế, mấy năm gần đây, dù ít, dù nhiều, doanh nghiệp này đã báo cáo lãi và dù lỗ lũy kế cũng đã lên tới hơn 1.200 tỷ đồng, nhưng trên bảng cân đối tài sản, công ty này vẫn “dương” khoảng 700 tỷ đồng. Còn Coca-Cola, đã “cụt cả vốn”, vậy đâu là động lực để doanh nghiệp này tiếp tục đầu tư ở thị trường Việt Nam? Tất nhiên, “miếng bánh hấp dẫn” của thị trường Việt Nam là điều dễ hiểu. Nhưng khó hiểu ở chỗ, lẽ thường, không nhà đầu tư nào muốn dốc vốn vào một thị trường mà ở đó, họ liên tục kinh doanh thua lỗ.
Bởi thế, nghi án về chuyện “lỗ giả, lãi thật và chuyển giá” đã từng được đặt ra với Coca-Cola ngay từ thời điểm Coca-Cola lỗ lớn, các đối tác Việt Nam “chịu không thấu”, phải lần lượt rút khỏi liên doanh, Coca-Cola trở thành doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.
Đối với trường hợp của Coca-Cola, dấu hiệu chuyển giá được cho là có vẻ rõ ràng hơn, bởi theo Cục thuế TP HCM, nguyên nhân thua lỗ của Coca-Cola Việt Nam là vì tỷ lệ nguyên phụ liệu trên giá bán rất cao. “Mà nguyên vật liệu này lại do công ty ‘mẹ’ ở nước ngoài độc quyền cung cấp, do đó giá hương liệu Coca-Cola Việt Nam hạch toán vào giá thành chiếm tỷ trọng rất cao (trên 60% giá bán sản phẩm)”, ông Lê Duy Minh, Trưởng phòng Kiểm tra số 1, Cục thuế TP HCM cho biết.
Nhưng PepsiCo lại khác, doanh nghiệp này đang làm ăn có lãi, và tỷ trọng hương liệu trong giá bán thành phẩm của công ty này cũng không lớn như của Coca-Cola. “Tuy nhiên, chúng tôi cũng phải xem xét liệu lợi nhuận của doanh nghiệp này có tương xứng với doanh thu hay không”, ông Minh nói.
Thực tế, theo ông Minh, không chỉ lỗ, mà nếu lợi nhuận không tương xứng với doanh thu, thì cũng là một dấu hiệu chuyển giá. Và chuyển giá không chỉ xảy ra ở các doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, mà ở cả doanh nghiệp có lãi và hòa vốn.
Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), để kết luận một doanh nghiệp chuyển giá là không hề đơn giản. Ngay như cơ quan thuế khi đi kiểm tra các doanh nghiệp FDI cũng chỉ “nhẹ tay” coi là đi kiểm tra doanh nghiệp thua lỗ, hoặc “nâng cấp” lên một chút gọi là “có dấu hiệu chuyển giá”, chứ không dám thẳng thừng coi đó là “doanh nghiệp chuyển giá”.
Đơn cử, muốn chứng minh Coca-Cola chuyển giá, lấy đâu ra “giá độc lập” để so sánh, khi nguyên liệu của họ là độc quyền? Hay như PepsiCo, rất khó có số liệu để chứng minh thế nào là lãi không tương xứng.
Không chỉ Coca-Cola, PepsiCo, mà cả BigC, Metro Cash&Carry… đều là những đại gia thua lỗ lớn mà vẫn liên tục mở rộng đầu tư. Nhưng tất cả, tới thời điểm này vẫn chỉ là nghi án.
Doanh nghiệp nội “bật bãi”
Câu hỏi đã được vị chuyên gia lâu năm về đầu tư từng đặt ra rằng: Việt Nam sẽ thu được gì khi các dự án FDI liên tục thua lỗ? Trong trường hợp này, thì Việt Nam được gì kể từ khi Coca-Cola, hay PepsiCo vào Việt Nam? Tất nhiên, câu trả lời đầu tiên là việc làm, là thị trường rộng mở, người tiêu dùng được sử dụng các sản phẩm hàng đầu thế giới.
Và trên một khía cạnh nào đó, được cả về thuế. Nhưng với tình trạng kinh doanh thua lỗ như vậy, ngoài 40 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp mà PepsiCo đã nộp, chỉ còn thuế VAT và thuế môn bài. Những thuế môn bài thì “chẳng đáng gì”, còn thuế VAT là khoản thuế gián thu, người tiêu dùng phải nộp, chứ không phải là doanh nghiệp.
Trong khi đó, cái mất rất rõ ràng, là sự lép vế của các doanh nghiệp nội. “Ban đầu, khi các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam, chúng ta chỉ cho phép họ lập liên doanh, vì sợ họ thâu tóm hết doanh nghiệp trong nước. Nhưng cuối cùng, doanh nghiệp nội đã gần như bị loại bỏ gần hết”, một vị chuyên gia bình luận.
Thực tế, ở thị trường nước giải khát Việt Nam, sau “cái chết đắng ngắt” của Tribeco lừng lẫy một thời, thì gần như, vắng bóng các thương hiệu Việt có thể được xếp vào diện “có đai đẳng” để cạnh tranh với PepsiCo, hay Coca-Cola.
Các tập đoàn đa quốc gia mạnh về tiềm lực tài chính, đầy bản lĩnh và kinh nghiệm kinh doanh không khó có “chiêu trò” để làm khó đối thủ cạnh tranh, hoặc doanh nghiệp mà họ muốn thâu tóm, kể cả việc muốn “cho” doanh nghiệp đó lãi hay lỗ. Bởi thế, chuyện chuyển giá thường cũng chỉ nảy sinh ở các tập đoàn, công ty hoạt động xuyên quốc gia, chứ ít khi có ở các doanh nghiệp kinh doanh đơn lẻ.
Nhưng khi việc chống chuyển giá xem ra không dễ dàng, thì có một câu chuyện đáng lưu tâm. Đó là ở Lào, cơ quan thuế sẽ thu một tỷ lệ nhất định từ doanh thu của mỗi lon Coca-Cola bán ra, bất kể doanh nghiệp hạch toán lỗ hay lãi. “Chỉ cần mỗi lon Coca-Cola bán ra, chúng ta thu được 10 đồng, thì mỗi năm ngân sách đã có thêm hàng trăm tỷ đồng”, ông Lê Duy Minh nói.
Dù đây chỉ là một câu chuyện ở nước ngoài, nhưng nói vậy cũng để thấy rằng, chính sách là nằm trong tay cơ quan quản lý. Và Việt Nam có quyền sử dụng các công cụ chính sách để điều tiết các khoản thu của nhà đầu tư, tránh tình trạng nhà đầu tư thực tế thu lời lớn, song vẫn tìm cách lách luật để né các nghĩa vụ phải đóng góp cho nước sở tại.
Theo Đầu tư
http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/doanh-nghiep/coca-cola-pepsico-ha-guc-doanh-nghiep-noi-2739470.html
Geen opmerkingen:
Een reactie posten