zaterdag 17 oktober 2015

Apsara và những điệu múa cổ truyền của Campuchia + thánh địa Mỹ Sơn (Việt Nam)

Thứ tư, 2/9/2015 | 07:37 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên Facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ | Print

Apsara và những điệu múa cổ truyền của Campuchia

Đến Campuchia, bạn dễ dàng bắt gặp những thiếu nữ xinh đẹp múa điệu apsara bên các ngôi đền cổ, dòng sông hay cung điện tráng lệ. 
Trước khi đi, tôi có một yêu cầu với anh bạn người Campuchia là muốn đến những nơi mà ở đó có thể tìm hiểu về đời sông văn hóa của người dân Campuchia. Khi đó tôi nghĩ tới những làng bản nghèo khó, những nơi hoang vu hẻo lánh của Siem Reap. Không ngờ rằng anh bạn này sắp xếp ngay buổi đi xem biểu diễn múa truyền thống Campuchia.
Múa là bộ môn mà tôi chưa bao giờ thích và thấy hứng thú, tuy nhiên vừa ăn buffer vừa xem múa hát, nhìn mấy bạn Tây balo quay phim chụp ảnh lia lịa cũng thấy những thú vị nhất định, tuy không nhiều lắm. 
Phần lớn khách du lịch đến Siem Reap tham dự những buổi biểu diễn cùng với bữa tối tại các nhà hàng địa phương.
Phần lớn khách du lịch đến Siem Reap tham dự những buổi biểu diễn cùng với bữa tối tại các nhà hàng địa phương.
Theo các trang giới thiệu thông tin du lịch Campuchia, apsara là các nàng tiên mây và nước trong truyện kể dân gian. Khi các nàng đùa giỡn, ca múa, cỏ cây, muông thú sinh sôi, nảy nở, vì vậy người dân Campuchia đã tôn apsara là Nữ thần Thịnh vượng. Những nàng tiên đẹp nhất là Uvasi, Menaka, Ramba và Tilotama thường xuất hiện trong nhiều tác phẩm thơ, nhạc, họa Campuchia. Các nàng cũng là chủ của những cung cấm và chuyên múa hát phục vụ các nam thần trong những buổi tiệc mừng chiến thắng ma quỷ. Mỗi lần, có tới 26 nàng cùng múa hát.
Học theo động tác múa huyền bí của tiên nữ, người dân Campuchia đã sáng tạo nên điệu múa tiên nữ apsara biểu diễn vào những ngày lễ ca ngợi công đức của các vị thần và Hoàng gia. Điệu múa trong nhiều thế kỷ trở thành điệu múa cung đình, và rồi thành điệu múa quen thuộc của các thanh nữ trong những dịp lễ tết, hội hè và cưới hỏi
Đây là điệu múa cổ điển, êm ái nổi tiếng về sự thanh nhã, cao quý, với các tư thế, cử chỉ hiền dịu. Apsara đến nay là tài sản, linh hồn quốc gia Campuchia. Người có công lớn bảo tồn và phát triển apsara là Công chúa Buppha Devi. Bà múa từ khi 8 tuổi trong Hoàng cung, và đã mang điệu múa Tiên nữ trắng giới thiệu khắp thế giới.
Ra đời từ cách đây ít nhất 2.000 năm, những hình ảnh đầu tiên của điệu múa còn thấy trên nhiều phù điêu trang trí, tường thành và hào dài hàng trăm mét ở các ngôi đền cổ kính Campuchia, như quần thể đền Angkor, cũng như nhiều công trình tôn giáo khắp cả nước.
Điệu múa nổi tiếng với nổi tiếng về sự thanh nhã, cao quý, với các tư thế, cử chỉ hiền dịu.
Điệu múa nổi tiếng về sự thanh nhã, cao quý, với các tư thế, cử chỉ hiền dịu.
Các tư thế, đường cong của cánh tay, thân thể vũ nữ, cũng như vũ phục bằng vàng, bạc, châu ngọc, hoa lá trong điệu múa đều được phát sinh từ các hình vẽ trong những ngôi đền cổ, miêu tả sử thi Ấn Độ Ramayana hoặc cuộc chiến giành lấy bình cam lộ giữa quỷ và thần gồm 100 tiết điệu gợi cảm, ý nghĩa.
Qua điệu múa, người dân Campuchia muốn nói lên ước mong về một cuộc sống thanh bình, thịnh vượng, ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên đất nước, thần thánh và công đức của người xưa. Ngoài ra là những câu chuyện xúc động về sinh, bệnh, lão, tử… bốn giai đoạn cuộc đời phải trải qua, để thế hệ sau được thấu hiểu, chiêm nghiệm và gìn giữ những giá trị văn hóa, tinh thần to lớn của dân tộc.
Mỗi năm, nhờ Hoàng gia bảo trợ, các nghệ sĩ apsara lưu diễn khắp nơi. Nhằm duy trì và phát triển điệu múa cổ truyền, đều đặn có các đoàn nghệ thuật đến từng trường học cơ sở tuyển các em gái nhỏ, đặc biệt là các em mồ côi hoặc nhà nghèo học múa. Các em 8 – 9 tuổi được học múa và luyện tập ở trường, cung điện, tập nhiều tư thế hấp dẫn, nhất là múa với đôi bàn tay mềm dẻo kỳ lạ, ngón tay có thể gập ra sau sát với cổ tay, đôi chân có thể đá cao, gối có thể vắt ra sau lưng. Vào mỗi buổi chiều, các thiếu nữ lại ra múa hát, vui chơi ở các đền đài trước những phù điêu apsara, lôi cuốn rất nhiều du khách chiêm ngưỡng.
Hiện nay, ngoài phục vụ cung đình, có đến 300 vũ nữ apsara biểu diễn ở các khách sạn, nhà nghỉ và nhà hát Chatomuk gần Hoàng cung, trong tiếng nhạc rộn ràng với trang phục rực rỡ, duyên dáng.
Có những lễ hội múa tổ chức ở các ngôi đền nhưng phần lớn khách du lịch đến Siem Reap tham dự những buổi biểu diễn cùng với bữa tối tại các nhà hàng địa phương. Bữa tối thường bắt đầu vào 18h hoặc 19h và biểu diễn múa bắt đầu lúc 19h30 hay 20h, bao gồm 4-5 điệu múa trong khoảng 45- 60 phút.
Một số nơi phục vụ tiệc đứng với các món ăn Khmer và món ăn quốc tế, một số khác phục vụ bữa tối Khmer. Phần lớn các nhà hàng có mức giá dao động từ 10 đến 25USD một người bao gồm tiệc đứng và xem biểu diễn. Một số nhà hàng không tính tiền xem biểu diễn để thu hút khách đến dùng bữa tối. Để có chỗ ngồi tốt nhất nên gọi tới để đặt trước, đặc biệt là vào mùa cao điểm.
Trần Quốc Toản

http://dulich.vnexpress.net/tin-tuc/cong-dong/dau-chan/apsara-va-nhung-dieu-mua-co-truyen-cua-campuchia-3268493.html

Thứ bảy, 14/9/2013 | 07:02 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên Facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ | Print

Huyền ảo vũ điệu Apsara trong thánh địa Mỹ Sơn

Rêu phong đã phủ kín từng ngôi tháp cổ đổ nát, những bức phù điêu vũ nữ Apsara đang say múa khiến thánh địa Mỹ Sơn càng thâm nghiêm. Lạc bước vào đây, du khách như đang bước vào một nền văn hóa Chăm rực rỡ đã qua.
Cách thành phố Đà Nẵng khoảng 65 km về phía nam, thánh địa Mỹ Sơn (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) thâm nghiêm, tráng lệ được bao bọc bởi thung lũng trong lành.
Thánh địa này là một phức hệ gồm hơn 70 công trình kiến trúc đền tháp của nền văn minh Chămpa, sừng sững vươn cao nơi núi rừng. Nhiều năm qua, dù thời gian và chiến tranh đã tàn phá nặng nề nhưng những dấu tích của thời vàng son vẫn làm nên một tình yêu đắm say trong lòng du khách khi lạc bước vào thung lũng này.
phetich1-3105-1378872802.jpg
Những phế tích còn lại trong thánh địa Mỹ Sơn. Ảnh: Bá Dũng
Theo truyền thuyết, các đền tháp ở Mỹ Sơn là những công trình kiến trúc do các đời vua trị vì xây dựng, là nơi tập trung thể hiện những gì tiêu biểu nhất, tinh hoa nhất điển hình cho nền kiến trúc nghệ thuật độc đáo thời bấy giờ. Đây cũng từng là nơi tổ chức cúng tế và tập trung các lăng mộ của vương triều Chămpa.
Đường lên tháp quanh co, du khách xuyên qua một con đường nhỏ rợp bóng cây. Càng đến gần quần thể di tích, các tháp cổ trầm mặc, uy nghi, kiêu hãnh đã tồn tại hơn 16 thế kỷ qua hiện ra trước mắt.
Trong số các dạng kiến trúc tháp Chăm, kiến trúc dạng quần thể thánh địa như Mỹ Sơn là độc đáo và hiếm có. Các tháp được bố trí theo cụm, từ hai hoặc nhiều tháp, có tường bao, sân, đường đi nối các tháp với nhau. Đền thờ chính được bố trí nằm ở giữa, cửa chính của tháp chính phần lớn quay về hướng Đông, hướng về thần linh.
Trước mặt đền thờ chính KaLan là một tháp cổng Gopura với cấu trúc nhỏ với hai cửa thông nhau: một cửa về hướng Đông, một cửa hướng vào đền chính. Nối tiếp với tháp cổng thường là căn nhà dài Mandapa có mái lợp ngói, bên trong rộng rãi vốn là nơi đón khách hành hương và tiếp nhận lễ vật cũng như cử hành các vũ điệu trong các lễ cúng hiến cho thần linh.
myson1-5873-1378872803.jpg
Việc xử lý chất liệu thể hiện yếu tố kỹ mỹ thuật, những tính toán độ bền, kỹ thuật nung... cho thấy bàn tay và khối óc tài hoa của người cổ xưa. Ảnh: cion.com
Các nhà nghiên cứu cho rằng, trong nhiều công trình kiến trúc còn lại khi phát hiện năm 1898, có tháp cao tới 24 m. Thân tháp cao với một hệ thống cột, xung quanh có 6 tháp phụ, toàn bộ ngôi tháp hai tầng tỏa ra như cánh sen. Nhưng ngôi tháp giá trị này đã bị hủy hoại trong chiến tranh.
Toàn bộ quần thể đền tháp này được xây dựng bằng chất liệu gạch nung và đá sa thạch. Hàng nghìn năm trôi qua vẫn không làm phai được sắc đỏ thắm của từng viên gạch nơi tháp cổ. Việc xử lý chất liệu thể hiện yếu tố kỹ mỹ thuật, những tính toán độ bền, kỹ thuật nung... cho thấy bàn tay và khối óc tài hoa của người cổ xưa.
vu-nu1-7819-1378872803.jpg
Điệu múa Apsara huyền hoặc, mê đắm du khách. Ảnh: Hanoimoi
Có lẽ thú vị nhất khi đến Mỹ Sơn là lúc hoàng hôn buông dần trên những tháp cổ mới thấy hết được vẻ đẹp huyền bí của phế tích này. Dưới ánh chiều đỏ rực, những ngôi tháp cổ trở nên lung linh, huyền ảo. Từng tấm phù điêu với những điệu múa của nàng vũ nữ Apsara như say đắm lòng người hơn.
Đến Mỹ Sơn, nếu may mắn được ngắm nhìn những nàng Apsara bằng xương thịt, với những điệu múa "linh hồn của đá" huyền hoặc, du khách sẽ phải lưu luyến. Hình ảnh những cô gái với bộ ngực căng tròn, tay búp măng cong mềm lấp lánh trong những trang phục rực rỡ, uyển chuyển trong vũ điệu mê hoặc của trống Paranưng và tiếng khèn Saranai sẽ khiến du khách như lạc bước vào thế giới huyền ảo của nền văn hóa Chăm
A. Phương

http://dulich.vnexpress.net/tin-tuc/viet-nam/khac/huyen-ao-vu-dieu-apsara-trong-thanh-dia-my-son-2877726.html

Geen opmerkingen:

Een reactie posten