donderdag 20 augustus 2015

Thế giới đối mặt với rủi ro Trung Quốc


Điểm báoTrung QuốcKinh tếChâu ÁQuốc tếKhủng hoảng

Thế giới đối mặt với rủi ro Trung Quốc


mediaVườn rau mọc lên bên cạnh các tòa nhà mới xây không người mua ở Côn Minh, Vân Nam. Ảnh chụp ngày 05/08/2015.REUTERS/Wong Campion
Liên quan đến châu Á, nhật báo Le Monde trong bài viết mang tựa đề « Thế giới trước mối nguy Trung Quốc » nhận định việc nền kinh tế khổng lồ châu Á bị chựng lại sẽ còn kéo dài, và những nước bị ảnh hưởng nhiều nhất là các quốc gia xuất khẩu nguyên vật liệu.
Một sự sụp đổ gây choáng váng. Trong tháng Bảy, các cổ phiếu Trung Quốc bị sụt giá mạnh nhất kể từ tháng 8/2009. Chỉ số thị trường chứng khoán Thượng Hải bị giảm đến 15%, mặc cho sự can thiệp liên tục của Nhà nước để cố trấn an. Và theo các nhà kinh tế, xu hướng này còn tiếp tục trong tháng Tám. Thị trường chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến thụt lùi vào thứ Hai đầu tuần này, lần lượt là 1,11% và 2,72%.
Cổ phiếu sụt giá chỉ là một trong những dấu hiệu cho thấy kinh tế Trung Quốc đang chậm lại. Patrick Artus, kinh tế gia trưởng của Natixis giải thích : « Bắc Kinh run sợ vì các biện pháp để tái thúc đẩy tăng trưởng cho đến nay không còn hữu hiệu nữa ».
Về mặt chính thức, tổng sản phẩm nội địa (GDP) Trung Quốc tăng, ở mức 7,5% trong quý II. Nhưng các chuyên gia cho rằng mức tăng này không vượt quá từ 4 đến 5%. Adam Slater thuộc Oxford Economics dự báo : « Tăng trưởng chỉ vào khoảng 5% trong những năm tới, kém xa mức 10% trước khủng hoảng ». Đối với các nhà phân tích của Natixis, trong thập kỷ tới tăng trưởng Trung Quốc sẽ sụt xuống còn 3%.
Theo chỉ số PMI do cơ quan Markit công bố hôm 3/8, sản xuất công nghiệp Trung Quốc trong tháng Bảy đạt mức thấp nhất kể từ hai năm qua.
Lý do của tình trạng tăng trưởng chậm lại, trước hết là cơ cấu. Ông Jean-Joseph Boillot, chuyên gia về Trung Quốc và là cố vấn của câu lạc bộ Cepii giải thích : « Tăng trưởng mạnh vào đầu thập kỷ liên quan đến hiệu quả về dân số ». Đi lên cho đến nay, nhờ xuất khẩu và đầu tư, nền kinh tế Trung Quốc đang hướng về một mô hình khác cân bằng hơn, dựa trên tiêu dùng. Và điều này lại diễn ra lúc kho lao động của Trung Quốc bị thiếu hụt, do hiện tượng lão hóa dân số. Lương bình quân tăng (11,6% một năm trong 10 năm qua) cũng làm giảm tính cạnh tranh trong xuất khẩu.
« Trước sự thay đổi chủ chốt này, việc kinh tế Trung Quốc khựng lại là điều không thể tránh khỏi ». William de Vijlder và Christine Peltier của ngân hàng BNP Paribas kết luận.
Hậu quả : Các quốc gia xuất khẩu nguyên liệu thiệt thòi nhất
Hậu quả đối với nền kinh tế thế giới sẽ như thế nào ? Hai nhà kinh tế trên cho rằng : « Khó thể hiểu thấu được, điều này còn tùy thuộc vào các điều kiện đi kèm quá trình hạ cánh này ». Nếu Trung Quốc suy sụp nặng nề cùng với bùng nổ bong bóng nợ nần của các doanh nghiệp, thương mại thế giới sẽ khựng lại hẳn, đầu tư giảm. Còn ngược lại, nếu quá trình này diễn ra từ từ, được điều khiển đúng đắn, thì tác động sẽ nhẹ nhàng hơn.
Ảnh hưởng đối với các nước sẽ không giống nhau. Bị thiệt thòi nhiều nhất là các quốc gia cung cấp nguyên vật liệu. Để phục vụ nhu cầu cơ sở hạ tầng khổng lồ, Bắc Kinh đã nuốt chửng đến 51% lượng tiêu thụ trên thế giới về than đá, 50% lượng đồng và 11% nhu cầu dầu lửa toàn cầu trong những năm gần đây. Brazil là nước bị ảnh hưởng nhiều nhất, rồi đến Úc và các nước vùng Vịnh.
Kịch bản tệ hại nhất là khi sự suy sụp của kinh tế Trung Quốc đi kèm với việc Mỹ tăng lãi suất – có thể diễn ra vào cuối năm nay, khiến vốn đầu tư chảy về New York và Washington. Ông Boillot nhấn mạnh : « Ngược lại, việc giá nguyên vật liệu giảm làm các nước tiêu thụ hưởng lợi, tức hầu hết các quốc gia công nghiệp hóa ».
Điều còn lại là việc giảm giá này có bù đắp được xuất khẩu sang Trung Quốc giảm hay không. Câu trả lời là « không » đối với các đối tác châu Á gần gũi nhất của Bắc Kinh : Hàn Quốc, Singapore, New Zealand, mà giá trị xuất khẩu trên GDP lần lượt là 10,1%, 16,7% và 4,2%. Khu vực đồng euro và Hoa Kỳ ít bị thiệt hại nhất, vì xuất khẩu sang Bắc Kinh chỉ chiếm 1,5% và 0,7% GDP.
Theo Insee, nếu nhu cầu nội địa Trung Quốc giảm 3 điểm mỗi năm tương đương với Pháp mất đi tối đa 0,1 điểm GDP. Tương tự đối với Đức, cho dù Trung Quốc là thị trường xuất khẩu đứng thứ ba của nước này.
Chuyển dịch sản xuất sang các nước lao động rẻ hơn
Sản xuất công nghiệp giảm, nhưng tiêu thụ ở Trung Quốc vẫn duy trì nhờ tiền lương tăng. Như vậy các tập đoàn nước ngoài trông cậy vào nhu cầu các hộ gia đình Trung Quốc vẫn ít bị thiệt hại, tuy theo ông Slater, « với điều kiện Nhà nước chuyển đổi được mô hình mà không bị trắc trở ». Chẳng hạn xây dựng mạng lưới phúc lợi xã hội, để người dân chi tiêu thay vì tiết kiệm.
Kinh tế Trung Quốc chậm lại cũng sẽ làm thay đổi phân bổ sản xuất trên thế giới. Agatha Kratz, chuyên gia về Trung Quốc của cơ quan tư vấn European Council on Foreign Relations nhấn mạnh: « Đã bắt đầu rồi ! Lương tăng khiến các nhà máy Trung Quốc ít tính cạnh tranh hơn đối với các sản phẩm ít giá trị gia tăng ».
Một phần năng lực sản xuất sẽ chuyển dịch sang các nước giá lao động rẻ. Năm 2010, 40% giày hiệu Nike được làm tại Trung Quốc, còn tại Việt Nam chỉ có 13% nhưng đến năm 2013, tỉ lệ sản xuất tại Trung Quốc giảm còn 30% còn Việt Nam tăng vọt lên 42%. Khuynh hướng này sẽ tiếp tục, có thể có lợi cho Trung Âu và Đông Âu.
Cùng lúc đó, các nhà máy Trung Quốc không còn muốn chỉ là một mắt xích trong dây chuyền, phải tiếp tục nâng chất. Như vậy có nghĩa Bắc Kinh sẽ ngưng đầu tư ồ ạt ra nước ngoài ? Theo Le Monde, điều đó chưa hẳn. Bởi vì nếu ban đầu Trung Quốc đầu tư để đảm bảo nguồn cung nguyên vật liệu, thì nay nhằm đưa các nhãn hiệu của mình chiếm lĩnh những thị trường mới và đa dạng hóa đầu tư.
Xe hơi hạng sang Đức, nạn nhân của kinh tế Trung Quốc
« Kinh tế Trung Quốc xuống dốc đe dọa xe hơi hạng sang của Đức », đó là một hậu quả khác, theo Le Monde. Lợi nhuận của hãng BMW giảm hẳn, còn Audi lần đầu tiên phải giảm chỉ tiêu đối với thị trường này.
Tập đoàn xe sang hàng đầu thế giới BMW tuy doanh số vẫn tăng 15% nhờ đồng euro giảm giá, nhưng lợi nhuận quý I lại giảm 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái. BMW bắt đầu bị ảnh hưởng trước tình trạng kinh tế Trung Quốc chậm lại, và cuộc chiến chống tham nhũng của Bắc Kinh – mà đối tượng thấy rõ là các siêu xe. Trên đường phố, ít thấy nhưng chiếc xe hơi sang trọng hay xe địa hình, là những kiểu xe lời nhiều nhất, mà thay vào đó là những loại xe có giá rẻ hơn.
Tập đoàn Audi, mà thị trường Trung Quốc chiếm một phần ba doanh số, lại còn khó khăn hơn, và năm nay không thể bán ra 600.000 chiếc xe tại đây như dự kiến. Ngược lại, nhãn hiệu Mercedes lại ăn nên làm ra. Tuy nhiên, đó là do Mercedes chỉ vừa mới ngoi lên, sau nhiều năm xung đột với các nhà phân phối địa phương.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20150805-the-gioi-doi-mat-voi-rui-ro-trung-quoc

Trung Quốc :Chứng khoán lại rơi, sản xuất thấp nhất từ 2 năm qua

mediaThị trường chứng khoán Trung Quốc ngày 03/08/2015 lại sụt giảm.REUTERS/China Daily
Các thị trường chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến hôm nay 03/08/2015 lại sụt giảm lần lượt 1,11% và 2,72%, do các nhà đầu tư vẫn tiếp tục quan ngại trước việc kinh tế Trung Quốc đang chậm lại. Tình trạng này được khẳng định với việc công bố chỉ số sản xuất công nghiệp vào tháng Bảy ở mức thấp nhất kể từ hai năm nay.
Thị trường chứng khoán Thượng Hải khi đóng cửa đã giảm 40,82 điểm còn 3.622,91 điểm ; với khối lượng giao dịch 446 tỉ nhân dân tệ (65,26 tỉ euro). Còn thị trường chứng khoán Thâm Quyến giảm 57,50 điểm, nay ở mức 2.053, 12 điểm ; khối lượng giao dịch 402,3 tỉ nhân dân tệ (58,87 tỉ euro).
Chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI do công ty tài chính Markit hợp tác với tập đoàn báo chí Trung Quốc Tài Tân (Caixin) đưa ra, vào tháng Bảy là 47,8. Đây là chỉ số thấp nhất kể từ tháng 7/2013 đến nay.
Về phía chính quyền Trung Quốc hôm thứ Bảy 31/7 loan báo chỉ số PMI trong tháng Bảy là 50,0 ; giảm nhẹ so với tháng Sáu (50,2). AFP nhận xét, chính phủ Bắc Kinh mỗi tháng vẫn công bố chỉ số PMI, luôn « nhuốm màu hồng » hơn chỉ số của Markit và Tài Tân.
PMI đo lường những thay đổi về sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới, việc làm, thời gian giao hàng, lưu kho hàng hóa mua. Nếu PMI ở mức dưới 50 có nghĩa là sản xuất giảm sút, trên 50 là có phát triển.
Ông Wang Zheng, giám đốc đầu tư của Jingxi Investment Management nói với hãng tin Bloomberg : « Các số liệu kinh tế công bố mới đây khiến các nhà đầu tư nhận xét là thị trường không căn cơ, nhất là khi chứng khoán đang trong chu kỳ đi xuống ».
Tăng trưởng của Trung Quốc trong quý II/2015 là 7% nhờ các biện pháp hỗ trợ của Bắc Kinh, nhưng theo các chuyên gia, tình hình chung u ám hơn.
Ngân hàng Nhà nước Trung Quốc gần đây đã liên tục đưa ra các biện pháp linh hoạt về tiền tệ, giảm lãi suất chỉ đạo bốn lần kể từ tháng 11/2014, giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc để các ngân hàng phải tăng cường cho vay.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20150803-trung-quoc-thi-truong-chung-khoan-lai-sut-giam-san-xuat-thap-nhat-tu-2-nam-qua

Trung Quốc trở nên đắt đỏ : Hoàng hôn của công xưởng thế giới

mediaCông nhân nhà máy Foxconn ở Thâm Quyến, Quảng Đông trong giờ nghỉ trưa, 21/01/2015.REUTERS/Tyrone Siu/Files
Tuần báo Le Point trong bài viết mang tựa đề "Khi Trung Quốc trở nên đắt đỏ và phải chuyển dịch sản xuất" nhận định, công xưởng thế giới nay không còn mang tính cạnh tranh nữa. Tại Đông Quản (Dongguan), thành phố công nghiệp thịnh vượng ngày xưa, nhiều nhà máy đã phải đóng cửa.
Mở đầu bài viết, tác giả nêu ra trường hợp của Li Shun Rong. Người mẹ 41 tuổi này vui vẻ vì có thể về với chồng con tại quê nhà Tứ Xuyên sau hai năm xa cách. Cuộc sống lao động vất vả trong một nhà máy sản xuất đồng hồ Nhật Citizen bỗng đột ngột kết thúc hôm 5/2, vào lúc 14 giờ 30. Bà kể lại trong khu nhà trọ hoang vắng: "Chúng tôi đang làm việc ở dây chuyền sản xuất khi điện bỗng dưng bị cúp, rồi đến nước. Công nhân cứ ngỡ là trục trặc kỹ thuật. Nhưng các viên quản lý chạy đến, bảo chúng tôi thu dọn đồ đạc rồi ra đi ngay lập tức!"
Khi 1.000 công nhân nhà máy phản đối số tiền bồi thường quá khiêm tốn khi bị sa thải bất ngờ, công an chống bạo động được điều tới, vũ trang bằng khiên, dùi cui và có cả chó nghiệp vụ hỗ trợ. Chính quyền Quảng Đông đứng về phía ban giám đốc để dập tắt phong trào phản kháng.
Bánh xe toàn cầu hóa đã quay. Cũng như các tập đoàn đa quốc gia khác, đến lượt Citizen bỏ rơi Trung Quốc, do giá thành sản xuất cao. Tập đoàn Nhật gởi máy móc sang Việt Nam, và thậm chí còn đưa một phần sản xuất trở về Nhật Bản, mà giá thành đã rẻ hơn nhờ đồng yen sụt giá do chính sách tái thúc đẩy kinh tế của Thủ tướng Shinzo Abe.
Nay thì Trung Quốc bắt đầu chuyển dịch sản xuất công nghiệp sang nước khác, như châu Âu trước đây. Zhang Huarong, chủ tịch Huajian, công ty gia công giày lớn nhất thế giới tóm tắt: "Trung Quốc nhắm vào việc xuất khẩu hàng rẻ tiền để phát triển, nhưng nay không còn thực hiện được nữa. Chúng tôi không còn cạnh tranh nổi với các nước Đông Nam Á. Sắp tới, người cạnh tranh lớn nhất sẽ là châu Phi".
Bằng chứng là các nhà máy của ông Zhang tại Đông Quản, thu dụng 25.000 công nhân năm 2007, nay chỉ còn lại 8.000. Chủ yếu là do tiền lương tăng đến 30% từ 2012 đến 2014, và làn sóng đình công liên tục diễn ra tại Quảng Đông từ năm 2010.
Những người nô lệ hiện đại nay đòi hỏi điều kiện sống tốt hơn, còn các nghiệp đoàn trước đây rất vâng lời chế độ, nay được chính quyền trung ương bật đèn xanh do sợ bất ổn xã hội. Ông Zhang phàn nàn đã bị mất đến 30% hợp đồng vào tay Việt Nam. Bên cạnh đó, nay rất khó tuyển được công nhân, chỉ những ai không có tay nghề và trên 40 tuổi mới tiếp tục làm việc cho nhà máy, lớp trẻ thích khu vực dịch vụ hơn.
Việc chuyển dịch sản xuất là không thể tránh khỏi, và Trung Quốc đành nhắm mắt theo chân. Ông Zhang sang Ethiopie xây dựng nhà máy, vì giá nhân công ở đây rẻ gấp sáu lần so với Đông Quản. Các đường phố chính của vùng ngoại ô rộng mênh mông có 10 triệu dân nằm giữa Quảng Đông và Thâm Quyến trở nên hoang vắng, mất đi đến một phần ba dân số. Những nhà hàng vắng khách, các cơ sở mát-xa đóng cửa, khách sạn năm sao vắng vẻ như chùa Bà Đanh, trung tâm thương mại mới toanh rộng 60.000 mét vuông không có ai vào.
Trung Quốc : Phong trào ly dị rồi tái hôn để trốn thuế
Cũng về Trung Quốc, phụ trang kinh tế của Le Figaro có bài "Chế độ thuế khóa khiến đàn ông Trung Quốc phải tái hôn với vợ cũ". Từ hai năm qua, tại nhiều thành phố nước này đang diễn ra làn sóng ly dị và tái hôn, sau khi một đạo luật nhằm chống đầu cơ địa ốc có hiệu lực.
Luật này dự kiến đánh thuế 20% lên lợi tức thu được qua việc bán nhà, khi vợ chồng gia chủ sở hữu hai căn nhà. Nhưng một lỗ hổng nhỏ nhanh chóng được người dân nhận ra: sẽ được miễn thuế nếu đã ly dị trước khi bán. Thế là nhiều cặp vợ chồng đã lợi dụng lỗ hổng ấy để kiếm lợi hàng chục ngàn euro. Họ vui vẻ mời cha mẹ đôi bên và con cái tham gia bữa tiệc chia tay linh đình, vì không ai cấm hai vợ chồng đã ly dị sau đó lại kết hôn với nhau.
Do quá phổ biến, chính quyền phát hiện ra phong trào ly dị giả: tại Thượng Hải, số vụ ly dị rồi tái hôn với người cũ đã tăng gấp đôi trong năm ngoái, cụ thể lên đến 17.286 vụ trong năm 2014! Tương tự ở Nam Kinh thuộc tỉnh Giang Tô, có 25.000 cặp đã ly dị lại kết hôn với cố nhân, chiếm 30% tổng số vụ đăng ký kết hôn.
"Tỉ lệ tái hôn quá lớn cho thấy tầm cỡ quy mô của nạn ly dị giả" - China Daily dẫn lời một viên chức nhấn mạnh. Tuy nhiên chưa cần phải đặt ra luật mới để chấm dứt hiện tượng ra vào cơ quan đăng ký kết hôn như đi chợ. Do mức cung rất cao, và các biện pháp hạn chế như mỗi gia đình chỉ được sở hữu một căn hộ, thị trường địa ốc đang sụt giảm cùng với giá bán nhà và lợi nhuận...Không biết có phải là một sự trùng hợp tình cờ hay không, mà số lượng các vụ ly dị cũng đang đi xuống.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20150321-trung-quoc-tro-nen-dat-do-hoang-hon-cua-cong-xuong-the-gioi

Geen opmerkingen:

Een reactie posten