donderdag 27 augustus 2015

Quan hệ của Trung Quốc với các nước qua danh sách khách mời lễ duyệt binh

Thứ tư, 26/8/2015 | 19:40 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ |
Thứ tư, 26/8/2015 | 19:40 GMT+7

Quan hệ của Trung Quốc với các nước qua danh sách khách mời lễ duyệt binh

Bản danh sách khách mời dự lễ duyệt binh kỷ niệm kết thúc Thế chiến II phần nào thể hiện mối quan hệ của Trung Quốc với các nước trên thế giới.
2-3706-1440563788.jpg
Trung Quốc công bố danh sách khách mời dự lễ duyệt binh ngày 3/9 tới đây. Ảnh: Reuters
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trương Minh công bố danh sách khách mời tham dự lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế Chiến II ở châu Á trong một buổi họp báo vào ngày 25/8. Theo Wall Street Journal, đây là bản danh sách được giới quan sát chờ đợi.
Danh sách
Sẽ có 30 nguyên thủ quốc gia tới dự lễ duyệt binh vào ngày 3/9 tới đây, trong đó có Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, lãnh đạo các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (ngoài Nga còn có Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan), tổng thống Pakistan, Myanmar, Nam Phi, Ai Cập, chủ tịch nước Việt Nam, tổng thư ký Liên Hợp Quốc...
Ngoài ra, sẽ có thêm 19 đại diện chính phủ các nước tham dự lễ duyệt binh, nâng tổng số nước có đại diện chính thức tham dự sự kiện này lên 49. Trong lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại do Nga tổ chức hồi tháng 5, có đại diện của 40 quốc gia tới tham dự.
Danh sách này thiếu vắng các nhà lãnh đạo phương Tây và Mỹ cũng như đại diện của một số quốc gia trong khu vực. Trước đó, các nhà ngoại giao Trung Quốc nói rằng đại diện của những nước từng tham chiến trong Thế Chiến II sẽ được mời tới dự lễ duyệt binh. Nguyên thủ quốc gia thuộc Liên minh châu Âu duy nhất tham dự sự kiện này là Tổng thống Czech Milos Zeman.
Theo ông Trương, các quốc gia như Pháp, Australia, Italy hay Anh sẽ cử các bộ trưởng tới tham dự sự kiện, trong khi Mỹ, Đức và Canada cử các đại sứ tham gia. Tờ Global Times cho hay Brazil và Ấn Độ dự kiến sẽ cử các "đặc sứ" tới dự lễ duyệt binh này.
1-4282-1440563788.jpg
Đồ họa thể hiện đại diện các quốc gia tới dự lễ duyệt binh của Trung Quốc. Đồ họa: Diplomat
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ vắng mặt trong lễ duyệt binh và cử người đại diện là ông Choe Ryong-hae, Bí thư Đảng Lao động Triều Tiên. Một loạt các quốc gia ASEAN như Brunei, Indonesia, Philippines và Singapore không cử đại diện cấp cao tham dự lễ duyệt binh. Trước đó, truyền thông Nhật Bản cho biết thủ tướng Abe không tới sự kiện này.
Phía Trung Quốc giải thích Thủ tướng Nhật Abe không tới Trung Quốc do "bận chương trình nghị sự tại quốc hội". Quan chức Trung Quốc này cũng khẳng định cuộc duyệt binh sẽ không "nhằm vào Nhật Bản và không hề liên quan trực tiếp tới quan hệ Trung - Nhật hiện nay".
Tuy nhiên một số cựu quan chức cấp cao các nước Nhật, Anh và Đức sẽ hiện diện ở lễ duyệt binh, gồm các ông thủ tướng Nhật Bản Tomiichi Murayama, cựu thủ tướng Anh Tony Blair và cựu thủ tướng Đức Gerhard Schroeder.
Mối quan hệ với thế giới
3-5412-1440576960.jpg
Binh sĩ Trung Quốc luyện tập cho lễ duyệt binh. Ảnh: SCMP
Theo bình luận của Diplomat, danh sách khách mời được Trung Quốc công bố không hề gây ngạc nhiên cho các nhà quan sát, nó phản ánh mối hiện thực mối quan hệ giữa nước này với các quốc gia và khu vực.
Quan hệ giữa Nga và Trung Quốc đã trở nên nồng ấm hơn bao giờ hết trong thời gian gần đây, đặc biệt là từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea hồi năm ngoái. Trung Quốc là quốc gia đã bỏ phiếu trắng đối với nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc lên án cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea để dọn đường cho việc sáp nhập bán đảo này vào lãnh thổ của Nga.
Tháng 5/2014, Nga và Trung Quốc ký một hợp đồng khí đốt khổng lồ trị giá tới 400 tỷ USD, trong bối cảnh kinh tế Nga đang lâm vào khó khăn do các lệnh cấm vận và trừng phạt của phương Tây. Hải quân Nga và Trung Quốc cũng đã tổ chức một cuộc tập trận quy mô lớn trên biển Hoa Đông để thắt chặt quan hệ quốc phòng giữa hai nước. Trong lễ duyệt binh kỷ niệm chiến thắng phát xít Đức hồi tháng 5 vừa qua ở Moscow, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là người ngồi tại vị trí trang trọng nhất, ngay cạnh Tổng thống Nga Vladimir Putin trong suốt buổi lễ.
Ngoài thắt chặt quan hệ với Nga, Trung Quốc cũng không ngừng mở rộng phạm vi ảnh hưởng của mình tới châu Phi, nơi nước này có số vốn đầu tư lớn nhất. Nguồn vốn đầu tư tại khu vực Đông Phi đã lên tới hàng chục tỷ USD, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực hạ tầng cơ sở, công nghiệp khai khoáng, giao thông vận tải, nông nghiệp, xây dựng, tài chính ngân hàng, công nghệ thông tin. Các nước châu Phi và khu vực Trung Á cũng là những thị trường xuất khẩu vũ khí đầy tiềm năng của Trung Quốc, khi những quốc gia này ưa chuộng các loại vũ khí giá rẻ.
Còn ở khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc cũng tăng cường quan hệ với Campuchia và chính quyền quân sự ở Thái Lan bằng các khoản viện trợ tài chính và các hợp đồng có giá trị lớn. Trong lễ duyệt binh lần này của Trung Quốc, Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni sẽ tham dự, còn Thái Lan sẽ cử một quan chức cấp cao là Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Prawit Wongsuwan.
Việc Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye nhận lời mời tới tham dự lễ duyệt binh cũng là một động thái đáng chú ý. Có nhiều thông tin cho hay trước đó Mỹ đã gây sức ép để bà Park từ chối lời mời của Bắc Kinh.
Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng động thái này của bà Park không phải là một cách để chứng tỏ Hàn Quốc là "bạn bè thực sự" của Bắc Kinh như các bình luận viên Trung Quốc nhận định. Bà Park quyết định tham dự lễ duyệt binh vào thời điểm tình hình Hàn Quốc-Triều Tiên đang ở giai đoạn nguy hiểm, và bà hy vọng quyết định sẽ thúc đẩy Bắc Kinh có động thái can thiệp buộc Triều Tiên phải hạ nhiệt căng thẳng. Quyết định của bà Park được đưa ra vào hôm thứ năm tuần trước, ngay sau khi Hàn-Triều đấu pháo qua biên giới.
Dù tạo được ảnh hưởng tại nhiều khu vực trên thế giới, Trung Quốc không lấy được lòng tin của nhiều quốc gia phương Tây và Mỹ trong chính sách đối ngoại. Những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông hay trên biển Hoa Đông đã khiến nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới lo ngại, đặc biệt là với Mỹ, nước đang xoay trục chiến lược sang châu Á-Thái Bình Dương.
Theo các chuyên gia phân tích, một trong những lý do nữa khiến nhiều lãnh đạo phương Tây không muốn tham dự lễ duyệt binh của Trung Quốc là do họ lo ngại rằng sự kiện này có thể mang nặng âm hưởng chống Nhật, bất chấp việc Bắc Kinh bác bỏ mối ngờ vực này.
Chuyên gia phân tích chính trị Zhang Lifan ở Bắc Kinh cho rằng cuộc duyệt binh sắp tới của Trung Quốc sẽ "làm tăng tinh thần dân tộc bằng cách cho người dân thấy rằng Trung Quốc đã trở thành một cường quốc thực thụ".
Trước đây Trung Quốc thường tránh những cuộc duyệt binh thường niên thể hiện sức mạnh quân sự và chỉ tổ chức những sự kiện hoành tráng như vậy 10 năm một lần để kỷ niệm ngày quốc khánh, nhằm tránh sự chú ý quá mức của dư luận thế giới. Tuy nhiên cuộc duyệt binh năm nay được dự kiến là sẽ có quy mô rất lớn với sự tham gia của 12.000 binh sĩ, 500 khí tài quân sự diễu qua quảng trường Thiên An Môn và khoảng 200 máy bay trên bầu trời. Ngoài ra, 17 nước khác sẽ gửi binh sĩ tới tham gia duyệt binh, trong đó có Nga, Cuba, Serbia và Mexico cùng một số quốc gia láng giềng của Trung Quốc.
Việc đưa giàn xe tăng diễu qua Thiên An Môn và chiến đấu cơ rợp trời "chỉ có thể gửi một thông điệp đầy đáng ngại tới các nước láng giềng của Trung Quốc", Reuters dẫn lời một nhà ngoại giao phương Tây giấu tên nói.
Trí Dũng
http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/tu-lieu/quan-he-cua-trung-quoc-voi-cac-nuoc-qua-danh-sach-khach-moi-le-duyet-binh-3269799.html
Thứ bảy, 22/8/2015 | 07:50 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ |
Thứ bảy, 22/8/2015 | 07:50 GMT+7

Trung Quốc sắp khoe hàng loạt vũ khí mới trong duyệt binh

Trung Quốc dự định trình làng hàng loạt vũ khí và trang bị quân sự mới trong cuộc duyệt binh kỷ niệm 70 năm thế chiến II kết thúc ở châu Á.
Paramilitary policemen and members of a gun salute team fire cannons during a training session for a military parade to mark the 70th anniversary of the end of the World War Two, at a military base in Beijing, China, August 1, 2015. China will hold the parade on September 3, Picture taken August 1, 2015. REUTERS/Stringer CHINA OUT. NO COMMERCIAL OR EDITORIAL SALES IN CHINA
Cảnh sát bán quân sự và thành viên đội pháo chào mừng diễn tập chuẩn bị cho cuộc duyệt binh hôm 1/8. Ảnh: Reuters.
Lục quân, hải quân, không quân, lực lượng tên lửa chiến lược số 2 và cảnh sát vũ trang sẽ giới thiệu các loại vũ khí và trang bị mới, Xinhua dẫn lời Qu Rui, phó chỉ huy đợt duyệt binh, hôm qua nói. Toàn bộ số vũ khí đều được sản xuất tại Trung Quốc.
Theo Qu, 50 đội hình sẽ đi qua qua Quảng trường Thiên An Môn vào ngày 3/9 để kỷ niệm 70 năm Trung Quốc giành thắng lợi trong cuộc chiến chống phát xít. Số này bao gồm 11 đội hình trên bộ, hai đội hình cựu chiến binh ngồi trên các phương tiện, 27 đội hình vũ khí và 10 đội hình dàn quân trên không.
Tổng cộng 12.000 binh sĩ, 500 thiết bị và gần 200 phi cơ sẽ xuất hiện trước công chúng, Qu cho biết.
Quân Giải phóng Trung Quốc (PLA) sẽ sắp xếp các đội hình vũ khí dựa vào vai trò thực tế của chúng trong chiến đấu. Đây là lần đầu tiên PLA tổ chức duyệt binh theo cách này, Peng Guangjian, Phó Tổng Thư ký Ủy ban Chính sách An ninh Quốc gia Trung Quốc, nói.
"Điều này chỉ ra có sự thay đổi trong chiến lược huấn luyện của PLA, tập trung hơn vào thực chiến", Peng nhận định.
Qu lưu ý rằng những vũ khí "thể hiện sự phát triển mới, thành tựu và hình ảnh trong quá trình xây dựng lực lượng vũ trang của Trung Quốc". Trình làng các hệ thống vũ khí mới là hoạt động thường thấy trong duyệt binh quân sự các nước.
Wang Shun, một quan chức quân sự cấp cao tham gia họp báo hôm qua, lưu ý cuộc duyệt binh sẽ được tổ chức "đơn sơ" với các vũ khí xuất hiện đều đang trong biên chế và Trung Quốc không mua vũ khí mới phục vụ sự kiện.
Cuộc duyệt binh làm dấy lên nhiều lo ngại nhưng các chuyên gia quân sự nhấn mạnh rằng mọi quốc gia đều cần quân đội mạnh để tự bảo vệ. "Việc phô diễn sức mạnh không có gì sai, miễn là chúng ta thực hiện nó vì lý do chính đáng, ví dụ như tự vệ và hòa bình", Qiao Liang thuộc Học viện Quốc phòng Trung Quốc nói.
Như Tâm

http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/trung-quoc-sap-khoe-hang-loat-vu-khi-moi-trong-duyet-binh-3267669.html


Geen opmerkingen:

Een reactie posten