donderdag 27 augustus 2015

Kinh tế Trung Quốc lao dốc, chứng khoán đỏ sàn từ Á sang Âu, Mỹ

Kinh tế Trung Quốc lao dốc, chứng khoán đỏ sàn từ Á sang Âu, Mỹ

mediaĐỏ sàn chứng khoán Trung Quốc tại khu trung tâm tài chính Hồng Kông, Trung Quốc, ngày 24/08/2015.REUTERS/Bobby Yip
Các thị trường chứng khoán trên toàn thế giới hôm nay 24/08/2015 tràn ngập sắc đỏ. Từ Á sang Âu, các cổ phiếu giao dịch bị sụt giá ở mức chưa từng thấy. Vì sao tâm trạng hoảng loạn giờ đây quay lại với thị trường ?
Theo các nhà phân tích, trước hết là kinh tế Trung Quốc tiếp tục lao dốc cùng với bóng ma giảm phát. Những chỉ số đáng thất vọng liên tục được đưa ra, chứng tỏ nền kinh tế thứ nhì thế giới đang bị « cảm nặng », khiến kinh tế toàn cầu cũng trở nên u ám theo.
Chứng khoán toàn cầu chìm trong sắc đỏ
Cơn sốt « đỏ sàn » bắt đầu với sự suy sụp của thị trường chứng khoán Thượng Hải : hôm nay trượt dài đến 8,5%. Đây là sự xuống dốc nặng nề nhất kể từ 8 năm qua, xóa đi tất cả những lợi tức đạt được từ đầu năm đến nay. Thị trường chứng khoán Thâm Quyến, đứng hàng thứ hai tại Trung Quốc, mất 7,61% kéo theo Hồng Kông sụt 4,64%.
Đài Loan tức khắc bị « lây nhiễm » : sụt giảm ở mức chưa từng thấy là 7,5%, và sau đó đóng cửa ở mức -4,84%. Sydney sụt mất 4,09%, thấp nhất kể từ hai năm qua, và Seoul giảm 2,47%. Chỉ số Nikkei ở Tokyo mất 3,21%, mạnh nhất từ sáu tháng qua. Tại Việt Nam, hàng trăm mã chứng khoán « giảm sàn », nhiều cổ phiếu không có người mua ; chỉ số VN-Index mất gần 30 điểm, tương đương 5,28%. Theo báo chí trong nước, kể từ sự kiện Trung Quốc đem giàn khoan đến Biển Đông tới nay, thị trường mới chứng kiến tình trạng hoảng loạn như vậy.
Ở châu Âu, thị trường chứng khoán Frankfurt sáng nay giảm mạnh do ảnh hưởng chứng khoán châu Á và tình trạng kinh tế Trung Quốc. Chỉ số Dax lần đầu tiên xuống dưới mức 10.000 điểm, sụt 2,8%, còn chỉ số Mdax mất 3,27%. Thị trường Frankfurt đặc biệt nhạy cảm trước tình trạng tăng trưởng chậm của các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt là Trung Quốc.
Thị trường chứng khoán Paris hôm nay cũng sụt đến 2,9%, chỉ số CAC 40 bị giảm bốn phiên liên tiếp, ở mức thấp nhất kể từ đầu năm. Luân Đôn, Madrid, Milano đều sụt giảm tương tự. Chỉ số Euro Stoxx 50 tập hợp các công ty lớn trong khu vực đồng euro, sụt giảm 2,54%. Trước đó tại Wall Street, chỉ số Dow Jones Industrial Average mất 3,12%, tệ hại nhất từ bốn năm qua.
Vì đâu nên nỗi ?
Evan Lucas, công ty chứng khoán IG Markets bình luận: « Hiện nay chúng ta có tất cả các yếu tố để chứng kiến một ngày tệ hại nhất của thị trường thế giới từ năm năm qua ».
Công ty môi giới chứng khoán Aurel BGC nhận định : « Sự hoảng loạn trên thị trường châu Á là do nguy cơ ngày càng tăng của ‘hard landing’, tức sự hạ cánh thô bạo của kinh tế Trung Quốc. Các biện pháp hỗ trợ đã được Bắc Kinh loan báo vào cuối tuần, nhưng các nhà đầu tư cho rằng vẫn chưa đủ so với cuộc khủng hoảng hiện nay. Họ hy vọng Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ can thiệp ồ ạt, trong khi Bắc Kinh lại có thể buộc phải phá giá đồng nhân dân tệ ».
Chỉ số về sản xuất công nghiệp được công bố vào thứ Sáu tuần rồi, thấp nhất từ sáu tháng qua, cho thấy sản xuất Trung Quốc bị co rút lại dữ dội. Việc bất ngờ phá giá đồng nhân dân tệ hôm 11/08 - được cho là nỗ lực tuyệt vọng của chính quyền Trung Quốc, phải sử dụng đến vũ khí cuối cùng để thúc đẩy xuất khẩu và các hoạt động kinh tế - làm dấy lên nỗi lo sợ, gây sốc cho thị trường.
Hôm qua, Chủ nhật 23/08, Bắc Kinh cho biết quỹ lương hưu nhà nước với số vốn khổng lồ sẽ được phép đầu tư vào thị trường chứng khoán trong nước. Nhưng loan báo này rõ ràng không trấn an được các nhà đầu tư Trung Quốc hầu hết là nhỏ lẻ. Một nhà phân tích của công ty môi giới Thân Vạn Hoành Nguyên (Shenwan Hongyuan) nhấn mạnh : « Việc can thiệp của quỹ lương hưu còn lâu mới diễn ra, và giá cổ phiếu còn quá cao, nên quỹ chưa thể mua được gì ».
Nỗi lo « bong bóng chứng khoán » vẫn tiếp tục : Trước khi sụp đổ vào giữa tháng Sáu, thị trường Thượng Hải chỉ trong vòng một năm đã tăng đến 150% do chính phủ khuyến khích vay nợ để mua cổ phiếu, hoàn toàn tách rời khỏi nền kinh tế thực.
Người phụ trách quỹ JK Life Insurance tóm tắt : « Nền kinh tế Trung Quốc đang diễn biến rất tệ hại. Một số lãnh vực bị đánh giá cao hơn giá trị thực, và áp lực bán ra trên tất cả các thị trường thế giới đã góp thêm vào tâm lý bất ổn ở thị trường trong nước ».
Những yếu tố tác động khác và hậu quả
Bên cạnh đó người ta còn sợ rằng Quỹ Dự trữ Liên bang tăng lãi suất khiến vốn đầu tư đổ về Mỹ. Chỉ trong vòng một tuần lễ, chỉ số lo ngại Volatility Index đã tăng đến 45%, tương đương với thời điểm chưa đạt được thỏa thuận về Hy Lạp. Các nhà đầu tư đổ xô bán tống bán tháo cổ phiếu, mua vào trái phiếu các nước có nền kinh tế ổn định nhất, và vàng đang sụt giá thê thảm bỗng tăng trở lại.
Một once vàng hồi cuối tháng Bảy rơi xuống dưới mức 1.100 đô la, nay tăng lên 1.170 đô la, khác hẳn với dự báo sẽ giảm còn 800 đô la. Lãi suất trái phiếu của Đức kỳ hạn 10 năm nay còn 0,584% so với đầu tháng là 0,754%, trái phiếu Pháp dao động ở mức 1%.
Giá các loại nguyên vật liệu hôm nay xuống đến mức thấp nhất từ 16 năm qua. Riêng giá dầu thô loại nhẹ sau khi xuống dưới ngưỡng tâm lý là 40 đô la, có nhích lên đôi chút. Chỉ số Bloomberg bao gồm 22 loại nguyên vật liệu hôm nay mất 1,7% giá trị, thấp nhất kể từ tháng 8/1999.
Bắc Kinh đã từng tung ra rất nhiều tiền để cứu vãn thị trường chứng khoán, gần đây nhất là hôm 19/08 đã bơm 100 tỉ đô la cho các ngân hàng và 17 tỉ đô la cho 14 định chế tài chính. Nhưng các nhà đầu tư vẫn lo ngại là việc hỗ trợ không thể kéo dài. Nhà phân tích Ken Chen của KGI Securities cảnh báo : « Trong mọi trường hợp, những can thiệp của chính quyền Trung Quốc không thể tác động được phản ứng của thị trường về lâu về dài ».
Còn nếu Trung Quốc thất bại trong việc « hạ cánh nhẹ nhàng » ? Sự quan ngại không phải là không có cơ sở : chứng khoán sụp đổ hồi tháng Bảy, trong lúc các động cơ (xuất khẩu, đầu tư, tiêu thụ) đều chậm hẳn lại, cộng với đồng nhân dân tệ bị phá giá. Các quốc gia mới nổi lệ thuộc nhiều vào kinh tế Trung Quốc như Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc và cả Nhật Bản đều có thể bị tác động.
Trung Quốc đã « xuất khẩu » tình trạng chựng lại của mình sang các nền kinh tế mới nổi, nay không còn có thể đóng vai trò hỗ trợ cho kinh tế toàn cầu, như vào thời điểm từ 2009 đến 2013. Tám năm sau khi khởi đầu cuộc khủng hoảng tín dụng địa ốc xấu ở Mỹ, khả năng trở lại bình thường vẫn còn là một dấu hỏi. Tăng trưởng nay đã trở thành một khái niệm hiếm hoi. Hiện tại, khu vực đồng euro còn trụ được, nhưng cho đến bao giờ ? Chưa ai có thể trả lời được.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20150824-kinh-te-trung-quoc-lao-doc-chung-khoan-do-san-tu-a-sang-au-my

Lo ngại về Trung Quốc nhấn chìm thị trường chứng khoán Wall Street

mediaChỉ số sản xuất Trung Quốc xuống thấp làm chao đảo thị trường chứng khoán thế giới.REUTERS/Brendan McDermid
Thị trường chứng khoán Wall Street ngày 21/08/2015 đã xuống dốc rất mạnh, do chỉ số tệ hại về sản xuất của Trung Quốc gây lo ngại rằng nền kinh tế thế giới sẽ khựng lại.
Cả ba chỉ số quan trọng đã bị sụt giảm trên 3%. Chỉ số Dow Jones còn 16.459, 75 điểm, bị sụt đến 10,1% so với mức đỉnh ngày 19/05, mất đến 530,94 điểm. Chỉ số Standard & Poor 500 lần đầu tiên kể từ ngày 02/02 xuống dưới mức 2.000 điểm, còn 1.970, 89 điểm, sụt 3,19%. Chỉ số Nasdaq phức hợp giảm 3,52%, dừng ở mức 4.726,04 điểm. Nếu tính cả tuần, Standard & Poor đã mất 5,8%, tỉ lệ sụt giảm cao nhất kể từ tháng 9/2011 đến nay. Chỉ số Dow Jones bị sụt 5,8% và Nasdaq « bốc hơi » 6,8%.
Cổ phiếu tất cả các lãnh vực đều xuống giá. Các công ty trong lãnh vực năng lượng mất 3,48% với việc dầu nhẹ Mỹ sụt giá, lần đầu tiên ở dưới mức 40 đô la một thùng kể từ năm 2009. Sự kiện mới nhất trong một loạt các dấu hiệu tiêu cực về kinh tế vĩ mô, là chỉ số PMI về sản xuất công nghiệp vừa công bố hôm qua của Trung Quốc cho thấy trong tháng Tám hoạt động sản xuất đã sụt giảm mạnh nhất, càng tăng thêm lo sợ về một sự hạ cánh thô bạo của kinh tế Trung Quốc.
Các thị trường chứng khoán toàn cầu đều bị xuống dốc, sau khi đã bị ảnh hưởng từ sự sụp đổ chứng khoán Trung Quốc vào đầu mùa hè, tiếp đó là việc Bắc Kinh bất ngờ phá giá đồng nhân dân tệ hôm 11/08. Tổng giám đốc của Vere Group nhận định, xu hướng này có thể tiếp tục cho đến cuối năm.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20150822-tq-wall-street-ck

Khi Trung Quốc bị 'chết máy', các nước đang phát triển bị tuột dốc

mediaCảnh một công trường xây dụng ở Giang Tô, Trung Quốc ,. Ảnh 5/08/ 2015.REUTERS/Aly Song
Châu Âu đối diện với làn sóng nhập cư tìm đất sống, kinh tế Trung Quốc phơi bài thực chất, tổng thống Pháp chơi sang giảm thuế cho 9 triệu gia đình nghèo dù cha Noel đã cạn tiền, du lịch Pháp phấn chấn tinh thần, tội ác chồng chất của thánh chiến Hồi giáo ở Trung Đông là những thông tin chiếm các trang lớn của báo chí Pháp hôm nay.
Trung Quốc bị « pan »
Le Monde với các đường biểu diễn minh họa khẳng định : Trung Quốc bị ăn « pan », các nước đang trổi dậy lao dốc. Xuất khẩu và sản xuất công nghiệp Trung Quốc bị thụt lùi làm cho các nước bán nguyên liệu cho Bắc Kinh , trong đó có Nga, bị thiệt hại nặng, trừ Ấn Độ. Cụ thể là Việt Nam đã phải phá giá đồng bạc lần thứ ba kể từ đầu năm. Kazakhstan cũng thi hành biện pháp tương tự phá giá đến 4,4% trong bối cảnh từ đầu năm nay, đồng tiền các nước đang phát triển đều mất giá kỷ lục từ Brazil (-23,4%)cho đến Nga (-11,7%), Malaysia (-14,8%) hay Indonesia(-10,6%). Hầu hết các nhà phân tích được Le Monde đặt câu hỏi đều dự báo Bắc Kinh sẽ tiếp tục phá giá đồng yuan để hộ trợ kinh tế mặc dù Trung Quốc không có lợi gì khi leo thang chiến tranh tiền tệ với các nước Á châu.
Từ 12 tháng qua, tính đến tháng 6, Trung Quốc phải tiêu phí 345 tỷ đôla trong trữ lượng ngoại tệ để hỗ trợ kinh tế. Chỉ riêng tháng 7 vừa rồi đã chi ra 42,5 tỷ đôla. Một chuyên gia tây phương nhận định : Trung Quốc đang ở trong một môi trường kinh tế tài chính cực kỳ xấu và bất lợi nhất từ 20 năm nay. Cuốn phim khủng hoảng tại Trung Quốc như một gáo nước lạnh làm các nhà đầu tư làm họ ý thức thế yếu của các nền kinh tế đang lên nhưng tùy thuộc vào sức khỏe kinh tế Trung Quốc. Nói cách khác đầu máy kinh tế toàn cầu không phải là Trung Quốc mà là Hoa Kỳ.
Trung Quốc không phải là cường quốc đúng nghĩa
Cũng với nhận xét của Le Monde, trên báo kinh tế Les Echos chuyên gia Pháp François Godement, một người có tiếng ít khi chỉ trích Trung Quốc cũng khẳng định : Trung Quốc không phải là một cường quốc kinh tế. Ông cho rằng cần phải bỏ đi tâm lý « lạc quan thái quá và bi quan thái quá » đối với kinh tế Trung Quốc.
Chỉ mới mấy tháng trước đây, tỷ lệ tăng trưởng của Trung Quốc làm nhiều người hồ hỡi thái quá, bây giờ sau loạt phá giá đồng tiền, thị trường chứng khoán « sụp đổ », tăng trưởng mất đà và vụ nổ ở Thiên Tân, hình ảnh Trung Hoa lục địa từ sáng chói rơi vào màn đêm tăm tối.
Theo vị giám đốc Chương trình Á châu-Trung Quốc của Hội đồng châu Âu về Quan hệ quốc tế ECFR thì đúng là Trung Quốc có vấn đề. Chính quyền Trung Quốc biết là phải « giải phóng » kinh tế, tự do hóa thật sự nền ngoại thương nhưng Bắc Kinh lo sợ bất trắc và tăng cường kiểm soát, can thiệp vào sinh hoạt thị trường. Vấn đề là nếu chính phủ cứ tiếp tục gặp đâu đỡ đó thì uy tín của thị trường Trung Quốc đã bị tổn thương, chính sách kinh tế trở thành mù mờ. Tuy vậy, bi quan về tương lai Trung Quốc là không hợp lý, bỡi vì, chưa bao giờ Trung Quốc là đầu tàu kinh tế thế giới. Trung Quốc thực chất bán nhiều hơn mua, cũng không vay tiền nước ngoài. Sự kiện kinh tế Trung Quóc tăng trưởng chậm lại chẳng qua là để điều chỉnh và chuyển sang một mô hình khác. Mặc kệ Trung Quốc và châu Á phá giá đồng tiền, Liên Hiệp Châu Âu cần phải bạo dạn hơn, gia tăng đầu tư và kích cầu cầu nội địa của mình , chuyên gia Godement khuyến cáo như vậy.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20150821-khi-trung-quoc-bi-chet-may-cac-nuoc-dang-phat-trien-bi-tuot-doc

Geen opmerkingen:

Een reactie posten