IS và nạn buôn “đồ cổ nhuốm máu”
- 19 tháng 4 2015
Các nhóm khủng bố kiếm hàng triệu đôla từ làn sóng cướp cướp cổ vật mà phần lớn rơi vào tay các cá nhân sưu tầm, theo Andrea Watson.
Nhà sử học tôn giáo Karen Armstrong mô tả Nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) là một “tổ chức khủng bố với mô hình kinh doanh được xác định rõ ràng ngay từ lúc nhen nhóm”.Nhóm Hồi giáo cực đoan là tổ chức khủng bố giàu nhất thế giới. Ai đã xem video tuyên truyền thô kệch của nhóm này có thể đã để ý thấy đoàn xe hơi “khủng” 4x4 của các thành viên IS.
Nhưng tiền ở đâu ra?
Các phân tích nói rằng đó là từ khoản tiền quyên tặng, xăng dầu buôn lậu (tới 1,645 triệu USD/ngày), bắt cóc (ít nhất 20 triệu USD vào năm ngoái), buôn người, tống tiền, cướp bóc và sau cùng, nhưng không phải là không quan trọng, là bán đồ cổ. Đó là một nguồn thu nhập béo bở, thí dụ như việc bán các đồ cướp được ở al-Nabuk, tây Damascus, được biết IS đã kiếm được 36 triệu USD.
IS hoạt động trong vùng khảo cổ giàu nhất thế giới, là cái nôi của nền văn minh loài người.
Trong khi công trường khảo cổ ở Nimrud, Nineveh và Hatra đang bị phá hoại thì người ta nghi rằng dòng các cổ vật xuất phát từ đó đã xuất hiện ở chợ đen.
IS hoặc sử dụng cái gọi là “khảo cổ bằng máy ủi” (đào xới bằng bất kỳ thiết bị gì có được, có sức tàn phá khủng khiếp), hoặc dùng dân địa phương để đào vị trí khảo cổ và lăng mộ. Sau đó nhóm IS thu thuế, theo luật Sharia, dựa trên giá trị của bất kỳ báu vật nào lấy được. Không một ai biết những gì đã được tìm thấy từ đào xới và sự cướp bóc như vậy sau này cũng không thể nào xác định được.
Chúng ta đừng bị lừa bởi các video của IS đập phá các tượng cổ của Assyri trong Bảo Tàng Mosul mà chúng nói là “tượng thần vô giá trị”.
IS có thể làm hỏng bề mặt của các tượng đài quan trọng vì bọn chúng không bán được, nhưng bằng chứng cho thấy rằng chúng đang buôn bán các cổ vật nhỏ tháo gỡ được và bán được.
Dù thế nào thì những tượng trong bảo tàng cũng chỉ là những bản sao bằng thạch cao. “Không một tác tạo nào là bản gốc cả,” ông Fawzye al-Mahdi Bộ trưởng Bộ Cổ vật Quốc Gia Iraq nói.
“Đó là những bản sao từ cổ vật gốc ở Bảo tàng Baghdad được làm khi Iraq xây dựng các bảo tàng vùng,” tiến sỹ Mark Altaweel nói. Ông thuộc Viện Khảo Cổ của University College London. Nhưng trong ít nhất 25 năm qua đã xảy ra cướp bóc ở quy mô lớn do nhu cầu ở rất cao ở phương Tây, ông nói thêm.
Càng nhỏ càng tốt
Arthur Brand thuộc hãng Artiaz tại Amsterdam (một trong những hãng đang cố gắng tìm kiếm các đồ nghệ thuật bị đánh cắp) đã gọi việc buôn bán trái phép này là buôn “đồ cổ nhuốm máu”. Trong khi đồ cổ thường khó vận chuyển hơn so với kim cương máu, nó lại có tiềm năng được giá hơn nhiều.Hiện có rất nhiều tin đưa cho thấy đồ cổ từ Syria và Iraq đang quay vòng ở chợ đen châu Âu.
Cụ thể, Cơ quan An ninh Anh đã có bốn cuộc điều tra đang được thực hiện liên quan đến đồ cổ ở Syria, nhưng nếu không có sự hỗ trợ lớn hơn về tài chính thì việc phá các mạng lưới di chuyển của cướp được quanh thế giới dường như là nhiệm vụ bất khả thi.
“Những kẻ cướp bóc tuồn hàng vào mạng lưới ổn định có từ trước bằng cách sử dụng các tuyến đường buôn lậu thường qua Thổ Nhĩ Kỳ và Libya,” tiến sỹ Altaweel nói.
Trong những đồ được tìm mua có các tấm chữ viết hình nêm, triện dấu hình trụ, bình vại, tiền xu, đồ thủy tinh và đặc biệt là các tranh khảm. Đó là những thứ có thể dễ dàng đập nhỏ ra và vận chuyển. Đồ càng nhỏ, dễ giấu và dễ vận chuyển là đồ có thể có giá trị cao hơn.
Christopher Marinello, người phát ngôn của Nhóm Khôi Phục Nghệ Thuật có trụ sở tại London (tổ chức tư vấn khách hàng về sự cẩn trọng khi mua đồ cổ) nói rằng đã có việc đầu cơ mạnh về giá trị đồ cướp được.
“Hiện có nhiều con số đang được đồn đại,” ông nói. “Về lý thuyết, các vật thể bị hư hại chỉ đáng một phần giá trị thực của nó nhưng còn tùy thuộc vào thực tiễn cụ thể. Một vật thể lớn không hợp pháp thì chỉ đáng 10-15% giá trị thực của nó ở thị trường chợ đen nhưng những vật thể nhỏ hơn và dễ mang theo hơn thì có thể có giá nhiều hơn.”
IS không phải là tổ chức khủng bố đầu tiên sử dụng đồ cổ máu để giúp cấp vốn cho hoạt động của mình.
Năm 1974 IRA (Quân Đội Cộng Hòa Ireland) đã đánh cắp các tranh cổ của họa sĩ bậc thầy, kể cả tranh Quý bà viết thư với cô hầu của Vermeer, từ một ngôi nhà ở tỉnh Wicklow. Các tranh này khi đó được định giá 12 triệu USD.
Đập phá và vơ vét
Rất ít cổ vật trong số hàng nghìn cổ vật bị cướp ở Syria và Iraq xuất hiện trở lại. Chúng sẽ biến mất vào các bộ sưu tầm tư nhân và phần lớn biến sang Châu Âu và Hoa Kỳ (nơi có nhu cầu đặc biệt về các đồ thời kỳ tiền Hồi giáo) và sang Nhật Bản và Úc.Nếu đồ cổ nào được tìm thấy thì cũng phải mất nhiều năm để các nhà điều tra xác nhận có phải là chính nó hay không.
Tháng trước Cơ quan Hải quan và Xuất nhập cảnh của Mỹ (ICE) có trưng bày khoảng 60 cổ vật đã tìm được, trong đó có cả tượng đầu Vua Sargon II của Assyri rất đẹp được định giá là 1,2 triệu USD.
Chiến Dịch Kho Báu Thất Lạc (cái tên gợi nhớ đến một phim của Hollywood) bắt đầu từ năm 2008 với vụ nhà buôn đồ cổ Hassan Fazeli tại Dubai chuyển hàng bất hợp pháp đến Mỹ.
Hàng được liệt kê xuất xứ từ Thổ Nhĩ Kỳ và theo giấy tờ khai thì giá trị của tượng đầu vua Sargon II là 6.500 USD. Những đồ cổ buôn lậu khác, gồm cả thuyền đưa tang Ai Cập, được định giá là 57.000 USD.
Một vài món hàng vận chuyển được liên kết trực tiếp với các bảo tàng, phòng triển lãm và nhà trưng bày nghệ thuật ở New York. Việc điều tra này là duy nhất trong việc tố cáo rửa tiền, nó cho phép giới an ninh phong tỏa các tài khoản ngân hàng có tiền chuyển vào từ việc bán cổ vật.
Tuy nhiên các đồ cổ mà ICE của Mỹ thu hồi được là những đồ từ thời chiến tranh Iraq.
Biết rằng chiến tranh sẽ gây ra tàn phá khủng khiếp nên các nhà khảo cổ, các giám đốc bảo tàng và các thành viên khác trong thế giới nghệ thuật đã gặp gỡ quan chức Lầu Năm Góc năm 2003 để thuyết phục họ bảo vệ các địa danh khảo cổ.
Sáng kiến này không thành. Trái lại quân đội Mỹ đã bị tai tiếng biến Babylon thành nơi được gọi là ‘Vườn Treo của Halliburton’ qua việc xây một trại lính ngay trên vị trí khảo cổ quý giá.
Cuộc gặp gỡ ở Lầu Năm Góc cũng thất bại trong việc phòng ngừa cướp bóc ở Bảo Tàng Quốc Gia ở Baghdad.
Ngược lại, sự cướp bóc lại được khuyến khích theo lập luận logic cho rằng các bộ sưu tầm sẽ được an toàn hơn khi đưa tới nơi khác. Vì Ashton Hawkings của Hội Đồng Tài Sản Văn Hóa Mỹ có nói: “Việc phân rải chính đáng các vật thể văn hoá qua thị trường” là cách thức tốt nhất để bảo vệ các báu vật.
Đó thực tế là lời mời hôi đồ cổ.
Hơn 15.000 vật thể, kể cả đồ nữ trang châu báu, đồ gốm và các đồ điêu khắc đã bị lấy cắp ở bảo tàng. Những đồ nổi tiếng nhất bị mất là cái bình Warka 5.000 năm tuổi (sau này được tìm thấy ở dạng 14 mảnh nhỏ). Đàn lia ở Ur, một nhạc cụ cổ nhất của thế giới, cũng bị hư hỏng nặng khi người ta tìm được.
Hàng trăm đồ cổ chưa bao giờ tìm lại được và những ghi chép năm thế kỷ của triều đại Ottoman bị mất hết cũng như các tranh của Picasso và Miró bị cháy sạch. Một ước tính về thiệt hại do ăn cắp đồ nghệ thuật ở Iraq là 10 tỷ USD.
Cổ vật bị cướp được tuồn qua nhiều tay trước khi lộ diện trên thị trường và có thể không xuất hiện sau nhiều thập niên.
Lynda Albertson, Chủ Tịch Hiệp Hội Nghiên Cứu Những Tội Phạm Đối Với Nghệ Thuật, nói rằng không thể định lượng được IS đã kiếm được bao nhiêu tiền trên thị trường chợ đen bởi vì phải mất nhiều năm một đồ vật ăn cắp mới xuất hiện ở đó.
Thí dụ, đồ cổ Campuchia ở Chùa Angkor xuất hiện tại sàn đấu giá 40 năm sau khi nội chiến tại nước này kết thúc.
Những người sưu tầm muốn mua đồ nghệ thuật không có xuất xứ rõ ràng chịu trách nhiệm lớn đối với nạn phá hủy các hiện trường di sản trên khắp thế giới.
Những kẻ buôn lậu nổi tiếng ở Thổ Nhĩ Kỳ và Beirut, mà có thể họ là người đã di chuyển tượng đầu vua Sargon II, tiếp tục lẩn trốn kỹ hơn và đang rất nghi ngờ người mua.
Người mua không những phải đối diện với rủi ro và mất mát (nếu các đồ vật được biết rằng đã được nhận từ IS), mà thậm chí còn bị buộc tội trợ giúp khủng bố, là điều dễ khiến họ nhụt chí nhất.
Bài gốc tiếng Anh được đăng trên BBC Culture
Tin liên quan
- Bộ phim tài liệu rùng rợn mà bạn cần xem
- Hậu duệ các thương gia Ba Tư ở Trung Quốc
- Những nụ hôn để đời lịch sử nghệ thuật
- Thú sưu tầm tác phẩm khiêu dâm
- Câu chuyện đằng sau những ngôi mộ
- 'Ngầu' với phong cách thời trang xe máy
- Những lễ tang trong vương quốc động vật
- Những sân bay mới tráng lệ nhất thế giới
- 15 kiến tạo tự nhiên kỳ diệu nhất thế giới
- Trường An: Kinh đô của 10 triều đại Trung Hoa
- Điệp viên Nga 'cũng là người tốt'
- Kỳ quan tự nhiên giữa lòng thị trấn
- Cuốn sách nguy hiểm nhất thế giới?
http://www.bbc.com/vietnamese/culture_social/2015/04/150419_is-and-the-blood-antique-trade_vert_cul
Geen opmerkingen:
Een reactie posten