zaterdag 22 augustus 2015

1000 năm Nhà thờ Đức Bà Strasbourg, Pháp

TẠP CHÍ VĂN HÓA

1000 năm Nhà thờ Đức Bà Strasbourg

1000 năm Nhà thờ Đức Bà Strasbourg
 
Nhà thờ Đức Bà Strasbourg : viên đá xây dựng đầu tiên được đặt vào năm 1015 - Jonathan Martz /Creative commons


    Vào mùa hè này, hàng chục triệu du khách nước ngoài sẽ đến thăm nước Pháp. Có một nơi mà có lẽ họ không thể bỏ qua, là thành phố Strasbourg, thủ phủ vùng Alsace, nằm cách thủ đô Paris 500 cây số về phía đông, giáp giới với nước Đức. Đặc biệt năm 2015 là năm kỷ niệm trọng thể Nhà thờ Đức Bà Strasbourg vừa tròn 1000 tuổi.

    Còn được gọi là Nhà thờ chính toà Strasbourg, công trình kiến trúc đồ sộ bề thế này đã được xây dựng trong vòng nhiều thế kỷ. Thế nhưng, vào năm 1015, hoàng đế Heinrich Đệ Nhị đã cùng với giám mục Strasbourg (Werner von Habsburg), đặt viên đá đầu tiên nhằm xây dựng một ngôi nhà thờ lớn, để thay thế cho một đền thờ đổ nát của dòng dõi vua chúa Carolingien.
    Sau bao thế kỷ thăng trầm, mãi tới đầu thế kỷ XX (vào năm 1905), nhóm sử gia làm việc với kiến trúc sư Johann Knauth mới tìm lại được viên đá xây dựng đầu tiên này trong quá trình khai quật. Sau khi tính xác thực được kiểm chứng qua sách sử, viên đá xây dựng đầu tiên này được cất giữ trong hầm mộ ngay ở phía dưới nhà nguyện, bên cạnh chính điện của Nhà thờ Đức Bà Strasbourg.
    Đỉnh điểm của chương trình kỷ niệm 1015-2015 diễn ra trong suốt mùa hè này cho tới ngày 20 tháng Chín. Cô Marie Pierre Sieffert, giám đốc điều hành Sự kiện 1000 năm Nhà thờ Đức Bà Strasbourg cho biết những nét chính trong chương trình này, mà thoạt nhìn hoành tráng không kém gì chương trình 850 năm xây dựng Nhà thờ Đức Bà Paris, được tổ chức cách đây hai năm(2013).
    Một ngàn năm khởi công xây dựng Nhà thờ Đức Bà Strasbourg là một sự kiện cực kỳ quan trọng, không chỉ đối với người dân thành phố Strasbourg, mà còn đối với du khách từ khắp nơi đổ về. Viên đá xây dựng đầu tiên cách đây 10 thế kỷ hiện còn được lưu trữ trong hầm mộ, dưới nhà nguyện Saint Laurent. Nhà thờ Đức Bà Strasbourg tuy là một nhưng có tới hai chức năng. Trước hết về mặt tôn giáo, đây là một nơi thờ phụng hành đạo. Kế đến nữa, về mặt lịch sử, đây là một công trình kiến trúc xếp vào hàng di sản văn hóa quốc gia từ năm 1862.
    Chương trình kỷ niệm 1000 năm xây dựng Nhà thờ Đức Bà Strasbourg (1015-2015) vì thế phải dung hoà cả hai vế. Về mặt tôn giáo, thì theo Đức Cha Jean-Pierre Grallet, Tổng Giám Mục Strasbourg, có nhiều buổi cử hành phụng vụ vào các dịp lễ đặc biệt trong suốt năm nay như Lễ tiếp nhận dự tòng đầu Mùa Chay, Lễ Truyền Dầu trong Tuần Thánh, Lễ Truyền Chức Linh mục trong tháng Sáu. Lễ Đức Mẹ Lên Trời, ngày 15/08/2015.
    Về mặt văn hóa, có nhiều sự kiện như hoà nhạc thính phòng, biểu diễn múa đương đại, hội thảo thuyết trình theo chủ đề, triển lãm cổ vật với sự hợp tác của các viện bảo tàng thành phố, đỉnh điểm của chương trình này diễn ra trong suốt ba tháng hè với lễ khoác ánh sáng ban đêm lên các mặt nhà thờ, dựng hoạt cảnh cổ trang để tái tạo một số sự kiện lịch sử quan trọng, trong đó có hôn lễ của nhà vua Louis XV (cử hành vào năm 1725 đúng vào ngày lễ Assomption 15/08 tức là ngày lễ Đức Mẹ Lên Trời) ….
    Một trong những sinh hoạt hoành tráng ngoạn mục nhất trong ba tháng hè tại Strasbourg vẫn là lễ thắp sáng Nhà thờ Đức Bà Strasbourg, hay nói cho đúng hơn là dùng công nghệ hình ảnh video (mapping) để chiếu sáng vương cung thánh đường. Cứ vào mỗi đêm (từ 4 tháng 7 đến 20 tháng 9) , khi trời đã tối hẳn, Nhà thờ Đức Bà Strasbourg lần lượt được thắp sáng bốn lần, mỗi lần kéo dài khoảng chừng 15 phút đồng hồ. Bà Hélène Richard, giám đốc nghệ thuật công ty Skertzò, đặc trách chương trình thắp sáng nhà thờ chính tòa Strasbourg cho biết thêm chi tiết :
    Thông qua 20 hoạt cảnh ánh sáng khác nhau, chúng tôi đã muốn phản ánh bề dày một ngàn năm lịch sử của Nhà thờ Đức Bà Strasbourg. Đồng thời, chúng tôi cũng tìm cách nói lên những thách thức tương lai trong việc bảo tồn các công trình kiến trúc lâu đời cho thế hệ trẻ thời nay.
    Các hoạt cảnh ánh sáng chiếu lên bề mặt phía nam của nhà thờ có tính cách minh họa, kể lại quá trình hình thành và xây cất qua bao thế kỷ Nhà thờ Đức Bà Strasbourg. Còn các hoạt cảnh ở phía Tây đậm tính biểu tượng, nhằm gợi ý về những dự án bảo tồn trong tương lai.
    Thành phố Strasbourg khá tiêu biểu cho sự kết nối giữa truyền thống và hiện đại. Strasbourg có những góc phố cổ hàng trăm năm tuổi, nhưng đồng thời, thành phố Strasbourg là tâm điểm của châu Âu, với nhiều công trình xây dựng hiện đại như tòa Nghị viện châu Âu. Từ khi đặt viên đá xây dựng đầu tiên cho tới nay, Nhà thờ Đức Bà Strasbourg có đứng vững là nhờ vào những nỗ lực bảo tồn và trùng tu không ngơi nghỉ từ đời này sang đời khác.
    Trong số các du khách từng được dịp xem chương trình thắp sáng Nhà thờ Đức Bà Strasbourg, nhờ vào công nghệ video và hình ảnh mapping, có một đôi bạn sinh viên đến từ Argentina. Hai cô nữ sinh cho biết cảm tưởng của mình :
    Chúng tôi đến từ Argentina và ghé thăm thành phố Strasbourg sau khi có dịp tham quan thủ đô Paris. Chúng tôi tình cờ được xem lễ thắp sáng Nhà thờ Đức Bà Strasbourg. Từ xa, chúng tôi thấy ánh đèn chợp tắt rồi lóe sáng từ phía thánh đường, mãi đến khi tới thật gần, thì chúng tôi mới thấy các hoạt cảnh ánh sáng rực rỡ lung linh trên mặt tiền nhà thờ, phối hợp với âm nhạc, tiếng động cũng như các hiệu ứng âm thanh : tất cả tạo nên nơi người xem một cảm giác phiêu diêu kỳ diệu, thú vị khó tả. Nhà thờ Đức Bà Strasbourg vốn đã đồ sộ bề thế vào ban ngày, nhờ vào âm thanh và ánh sang ban đêm lại càng thêm hoành tráng lộng lẫy.
    Ngoài các vết tích qua sơ đồ có từ thế kỷ VII, Nhà thờ Đức Bà Strasbourg thật ra dung hoà hai lối kiến trúc roman và gothic, do công trình xây dựng này kéo dài trên bốn thế kỷ, trải qua 14 đời kiến trúc sư và mãi tới năm 1439 nhà thờ này mới chính thức được hoàn tất. Với chiều cao 142 thước, Nhà thờ Đức Bà Strasbourg đứng hàng thứ nhì tại Pháp sau Nhà thờ Đức Bà thành phố Rouen được hoàn tất vào năm 1876. Về mặt số lượng khách thăm viếng, Nhà thờ Đức Bà Strasbourg thu hút 4 triệu rưỡi du khách hàng năm, chỉ thua có Nhà thờ Đức Bà Paris.
    Do vùng Alsace là vùng lãnh thổ tranh chấp giữa hai nước Pháp và Đức, cho nên việc xây dựng nhà thờ đều có sự đóng góp theo từng giai đoạn của các kiến trúc sư từ cả hai phía. Mái nhà thờ từng bị hư hỏng nặng trong thời gian xung đột giữa Pháp và Đức những năm 1870. Thời kỳ này còn được gọi là Chiến tranh Pháp-Phổ (Vương quốc Phổ là từ để chỉ nước Đức từ năm 1701 đến năm 1918), nhưng sau đó được xây dựng lại. Dù gì đi nữa, sau bao thăng trầm Nhà thờ Đức Bà Strasbourg vẫn còn đứng vững cho tới tận ngày nay.
    Được mệnh danh là một trong những kỳ quan hoàn toàn được xây vào thời Trung Cổ, Nhà thờ Đức Bà Strasbourg nổi bật nhờ mặt tiền xây theo lối gothic tỏa sáng (rayonnant) nhưng bên trong chính điện lại có nhiều chi tiết kiến trúc xây theo lối gothic lộng lẫy (flamboyant). Trên danh sách các công trình kiến trúc thuộc vào hàng di sản quốc gia, nước Pháp từng xếp Nhà thờ Đức Bà Strasbourg vào hàng Ngũ Đại, gồm năm nhà thờ tiêu biểu nhất cho cả hai giai đoạn ‘’tiền bán’’ và ‘’hậu bán’’ thời kỳ gothic.
    Chẳng hạn như nhà thờ Saint-Étienne ở thành phố Sens (1135-1534) đại diện cho lối kiến trúc nguyên thủy (primitif) còn được gọi là gothic sơ kỳ. Nhà thờ Đức Bà thành phố Reims tiêu biểu cho lối kiến trúc gothic cổ điển (1211-1275). Nhà thờ Đức Bà Paris (1163-1345) điển hình cho lối kiến trúc lối gothic tỏa sáng (rayonnant). Nhà thờ Sainte-Chapelle ở Vincennes (1379-1480) tiêu biểu cho lối kiến trúc gothic lộng lẫy (flamboyant), đôi khi còn được gọi nôm na là gothic muộn màng (tardif).
    Bên cạnh việc hoà quyện nhiều lối kiến trúc với nhau, Nhà thờ Đức Bà Strasbourg còn nổi tiếng nhờ bộ đàn ống (đại phong cầm) xây theo hình tổ chim én. Nhà thờ còn có tháp chuông với mũi tên chọc trời, bộ chuông đồng ở đây cũng thuộc vào hàng lớn nhất châu Âu, quả chuông nhỏ nhất nặng một tấn rưỡi, còn quả chuông nặng nhất lên tới gần 9 tấn (8.800 kí lô). Với những chi tiết chạm trỗ cực kỳ công phu ở mặt tiền cũng như trên tháp chuông, Nhà thờ Đức Bà Strasbourg còn có một đặc điểm mà không nơi nào có.
    Toàn bộ nhà thờ được xây bằng sa thạch, chất liệu đá cát trầm tích đặc trưng của vùng núi Vosges, miền đông bẳc nước Pháp. Điều đó khiến cho nhà thờ Đức Bà Strasbourg ửng sắc nâu hồng, tùy theo ánh sáng tự nhiên ban ngày mà đôi khi ngã màu cát đỏ.
    Một điểm khác nữa là quảng trường bao bọc Nhà thờ Đức Bà Strasbourg không rộng thoáng như quảng trường mặt tiền Nhà thờ Đức Bà ở Paris, điều đó có nghĩa là đối với những người đam mê nghệ thuật nhiếp ảnh, họ rất khó thể nào mà thu được nguyên vẹn nhà thờ này vào ống kính máy hình, cho dù có đứng ở góc độ nào do người chụp không đủ khoảng cách thụt lùi.
    Ngược lại khi đứng ở góc đường Mercière ngay ở trung tâm phố cổ, bạn có thể chụp những tấm hình phối cảnh đầy ấn tượng : hàng quán chạy dọc san sát rồi mở ra toàn cảnh mặt tiền đồ sộ của Nhà thờ Đức Bà Strasbourg. Chính cũng vì ông khám phá quang cảnh này mà văn hào Victor Hugo trong quyển nhật ký lữ hành tới vùng sông Rhein, viết vào năm 1839 đã thốt lên câu nói : Nhà thờ Đức Bà Strasbourg là một kỳ công đồ sộ tổng thể, khéo léo mà bề thế, hùng vĩ mà tinh tế ….


    Cùng chủ đề
    • TẠP CHÍ VĂN HÓA

      850 năm ngày xây dựng Nhà thờ Đức Bà Paris

    Geen opmerkingen:

    Een reactie posten