maandag 24 augustus 2015

TPP giúp Việt Nam cởi mở hơn về chính trị?

TPP giúp VN cởi mở hơn về chính trị?

  • 24 tháng 8 2015


Việc được đưa vào thỏa thuận thương mại hợp tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau 40 năm kết thúc chiến tranh, với nhiều người Việt Nam, vừa là cơ hội, vừa là mối nguy, tờ Washington Post bình luận.
Tờ báo có ảnh hưởng nói điều khiến một số người quan ngại là việc tự do thương mại và có những mối quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn giữa Hoa Kỳ với Việt nam sẽ củng cố cho chính quyền cộng sản, đồng thời đem lại cho Việt Nam cơ hội rũ bỏ những yếu kém trong hồ sơ vi phạm nhân quyền.
Mặt khác, người ta hy vọng rằng sự gắn bó nhiều hơn với nền dân chủ tư bản lớn nhất thế giới sẽ thúc đẩy Việt Nam cởi mở hơn về chính trị, Washington Post viết.
Vào lúc này, Việt Nam có vẻ như đang nới lỏng ít nhiều việc kiểm soát chính trị, với việc trả tự do cho 50 trong tổng số 160 tù nhân lương tâm và ít quấy nhiễu các nhà bất đồng chính kiến hơn so với trước.
Washington Post nói một số gương mặt nổi bật thuộc giới xã hội dân sự Việt Nam cho rằng Hà Nội miễn cưỡng làm vậy trong quá trình đàm phán TPP nhằm không làm mất đi sự ủng hộ của Washington.

Công cụ kinh tế hay chính trị?

Washington Post dẫn lời ông Nguyễn Văn Hải, tức blogger Điếu Cày, người được trả tự do hồi năm ngoái sau sáu năm ngồi tù, nói chính quyền cộng sản cũng đã nới lỏng hồi một thập niên về trước, khi Việt Nam còn đang theo đuổi quy chế thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), rồi lại siết chặt với chiến dịch đàn áp trở lại khi Hoa Kỳ và các nước khác chuyển sự chú ý sang các nơi khác.

Công đoàn độc lập là một trong những vấn đề Việt Nam vấp phải trong quá trình đàm phán TPP
Điều đó khiến các nhà hoạt động nhân quyền e ngại trong việc tỏ ý ủng hộ TPP.
Hiện giới lãnh đạo có vẻ như đang chia rẽ về một loạt các vấn đề chính sách, cả đối nội lẫn đối ngoại. Hà Nội đang cần sự ủng hộ của Hoa Kỳ nhằm đối phó với tham vọng trong khu vực của Trung Quốc. Những lý do trên có lẽ sẽ khiến Việt Nam phải thận trọng hơn bao giờ hết.
Theo Washington Post thì tùy thuộc vào sức nặng và khả năng thực thi của các điều khoản trong TPP về vấn đê tôn trọng công đoàn độc lập và các quyền căn bản khác, hiệp định này có thể giúp thúc đẩy tự do cho các nước như Việt Nam, và có thể sẽ đặt ra những căn cứ vững chắc hơn về luật pháp quốc tế.
Điều đó sẽ khiến giới chức Hoa Kỳ khó làm ngơ trước các vi phạm so với trước. Nói cách khác, tuy là một công cụ kinh tế nhưng TPP cũng sẽ là một phương tiện chính trị hữu hiệu, theo đánh giá của Washington Post.
Tuy nhiên, từ cách nhìn chính thống của Việt Nam thì "trên bàn đàm phán, TPP chỉ thương lượng các vấn đề về kinh tế, thương mại, đầu tư, dịch vụ chứ không đặt ra vấn đề áp đặt về thể chế chính trị", trang điện tử Quân đội Nhân dân viết.
"Không một ai, một thế lực nào có thể ép buộc Việt Nam hành động đi ngược lợi ích quốc gia, dân tộc."
Đặc biệt, chủ đề công đoàn độc lập gây tranh cãi là điều đã được Việt Nam và các nước khác "tìm ra giải pháp thích hợp", Quân đội Nhân dân viết thêm, trong lúc những người phản đối chỉ nhằm "lợi dụng" để "phục vụ cho mục đích chính trị hòng thay đổi chế độ ở Việt Nam".
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2015/08/150824_vietnam_tpp_openess

TPP: VN đã thỏa thuận với Mỹ những gì?

  • 4 tháng 8 2015
Chuyến công du Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được giới chuyên gia cho là đã giúp mở đường cho việc chốt lại đàm phán song phương Mỹ-Việt về TPP
Hôm 3/8, báo trong nước đồng loạt dẫn thông báo từ Bộ Công Thương Việt Nam cho biết nước này đã hoàn tất đàm phán song phương với 11 nước trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong đó có Hoa Kỳ.
Điều này dẫn đến một số ý kiến từ giới chuyên gia cho rằng Hà Nội và Washington đã tìm được tiếng nói chung về những vấn đề vướng mắc lâu nay, trong đó có vấn đề nghiệp đoàn và định nghĩa nền kinh tế thị trường tại Việt Nam.
Những thỏa thuận giữa Việt Nam và phía Hoa Kỳ không được tiết lộ rộng rãi trong các bản tin trong nước.
Báo New York Times hôm 3/8 cho biết trong vòng đàm phán tại Hawaii, phía Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng từ bỏ các lợi ích mà các doanh nghiệp nhà nước đang được hưởng.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng phản đối lập trường từ Hoa Kỳ và Nhật Bản rằng không nước nào được phép lấy lý do thiếu nguồn lực để không đảm bảo việc thực thi các quy định chung.
"Tôi tin là sau chuyến đi của Tổng bí thư [Đảng Cộng sản Việt Nam] Nguyễn Phú Trọng sang Hoa Kỳ thì lập trường hai bên đã gần nhau hơn và sẵn sàng đi tới thỏa thuận", Kinh tế gia Phạm Chi Lan nói với BBC trong cuộc phỏng vấn ngày 4/8.
"Tôi cho rằng phía Việt Nam cũng đã hiểu những yêu cầu cơ bản của Hoa Kỳ, thực sự mong muốn tham gia TPP và sẵn sàng có những điều chỉnh cần thiết".
"Về phía Hoa Kỳ, tôi nghĩ rằng họ hiểu Việt Nam hơn qua chuyến thăm của ông Trọng. Có thể thấy họ đã làm hết mức để tổ chức tốt chuyến đi đó, mở đường cho hai bên trong quan hệ kinh tế và giải tỏa những khúc mắc còn lại trong đàm phán TPP".
Trả lời BBC trong cuộc phỏng vấn cùng ngày, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh cho rằng thông báo hoàn tất đàm phán cho thấy giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã "có sự nhất trí" về vấn đề nghiệp đoàn và kinh tế thị trường.
"Theo những thông tin chúng ta được biết thì cuộc đàm phán bốn ngày tại Hawaii đã được tiến bộ đáng kể và thống nhất được 98%. 2% còn lại chưa thống nhất được nên chưa đi đến ký kết được".
"Theo tôi đây là một trong những chứng minh rằng yêu cầu của TPP là rất cao và quá trình đi đến thống nhất đòi hỏi có những sự nhượng bộ và thỏa hiệp với nhau chứ không thể chỉ là các yêu cầu có tính chất đơn phương của một phía nào đó."
Tuyên bố về Tầm nhìn chung Việt Nam – Hoa Kỳ, được đưa ra sau cuộc gặp giữa Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Obama hôm 7/8, cho biết "Hoa Kỳ hoan nghênh tiến bộ của Việt Nam trong cải cách kinh tế" cũng như "ghi nhận sự quan tâm của Việt Nam đạt được quy chế kinh tế thị trường".
Nền kinh tế Việt Nam được cho là sẽ hưởng lợi lớn nhất từ TPP

Xuất khẩu giảm sau TPP?

Thông báo về việc Việt Nam hoàn tất đàm phán song phương được đưa ra giữa lúc một báo cáo của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) Việt Nam cho rằng việc tham gia TPP có thể giúp nâng GDP của Việt Nam lên trong thời gian tới, nhưng có thể làm xuất khẩu suy giảm.
Báo cáo của VEPR cho rằng sau khi TPP được ký kết, Việt Nam sẽ có mức tăng đầu tư lớn nhất trong các nước, tương đương mức tăng của Nhật Bản và gấp đôi mức tăng của Úc, Malaysia, Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, xuất khẩu của Việt Nam có thể sụt giảm do sản xuất trong nước giảm ở một loạt các ngành do cạnh tranh từ nước ngoài, cạnh tranh về nguồn lực sản xuất và do sự dịch chuyển thị trường xuất khẩu từ ngoài TPP vào TPP.
Bên cạnh đó, các dòng thuế khi giảm về 0% sẽ khiến doanh thu từ thuế giảm, ảnh hưởng đến thu ngân sách, báo cáo nói thêm.
"TPP là cơ hội và môi trường mới, nhưng là tốt hay xấu thì còn phụ thuộc vào phía Việt Nam", ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, nói với BBC ngày 4/8.
Tiến sỹ Lê Đăng Doanh cho biết báo cáo của VEPR "đã có gây tranh cãi".
"Nhiều người đã đặt câu hỏi và bày tỏ sự nghi ngờ về việc xuất khẩu giảm", ông nói.
"Đấy là xét trên quan điểm tĩnh chứ không phải quan điểm động. Nền kinh tế sau khi hội nhập rồi thì sẽ có thay đổi về cấu trúc kinh tế và có thêm đầu tư từ bên ngoài vào, và rất có thể kết quả xuất khẩu sẽ thay đổi."
"Mặc dù vậy, ý kiến này cũng nên được xem xét ở giác độ là việc tăng xuất khẩu Việt Nam có đáp ứng được quy tắc xuất xứ và các yêu cầu rào cản kỹ thuật về thương mại hay và nhu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm hay không."
"Khả năng tăng xuất khẩu thì có nhưng các doanh nghiệp việt nam có thể tận dụng được đến đâu thì chưa rõ ràng."

Geen opmerkingen:

Een reactie posten