Hát quốc ca Việt Nam phải trả tiền tác quyền?
Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) vừa đề nghị thu phí tác quyền bài Tiến quân ca của cố nhạc sĩ Văn Cao, ca khúc đã trở thành quốc ca Việt Nam kể từ năm 1946 tới nay.
Truyền thông trong nước dẫn lời trung tâm này cho hay sẽ thu phí tác quyền khi bài quốc ca được trình diễn trong các chương trình nghệ thuật có lẫn không có doanh thu, các buổi hội nghị, các chương trình văn nghệ phục vụ các vùng nông thôn hẻo lánh, trong các sản phẩm điện ảnh kịch nghệ kể cả các bộ phim tài liệu. Một trong số các trường hợp, trung tâm sẽ xem xét không thu phí là các buổi hát quốc ca chào cờ của học sinh mỗi đầu tuần.
Vi phạm tác quyền lâu nay là một vấn đề đau đầu tại Việt Nam, một trong những nước bị coi là chưa bảo vệ được các sản phẩm trí tuệ. Thế nhưng, đặt vấn đề ‘tác quyền phí’ với bài quốc ca đang gây tranh cãi mạnh mẽ trong công luận.
Người ủng hộ nói thu tiền tác quyền đối với quốc ca là việc làm bình thường như đối với tất cả các sản phẩm âm nhạc khác. Tuy nhiên, những người phản đối chê trách hành động này là ‘thái quá’ và ‘nực cười’.
Trao đổi với VOA Việt ngữ tối 21/8, Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Dũng, diễn viên – đạo diễn điện ảnh và đạo diễn kịch nói, hiện là Giám đốc Nhà hát kịch Hà Nội, cho rằng thu phí tác quyền đối với quốc ca là một hành động ‘vụn vặt’ có thể làm tổn thương cho chính tác giả và cho niềm tự hào của người dân Việt Nam.
Bấm vào để nghe toàn bộ cuộc phỏng vấn với NSND Hoàng Dũng
NSND Hoàng Dũng: Từ thời cố nhạc sĩ Văn Cao còn sống, bài Tiến quân ca đã trở thành quốc ca của nước Việt Nam, lúc đó là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và bây giờ là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Khi nhạc sĩ còn sống, bài hát đó đã trở thành quốc ca Việt Nam thì đấy là niềm tự hào, niềm vinh dự cho nhạc sĩ. Chuyện tác quyền không có nghĩa lý gì cả khi bài hát mình sáng tác được trở thành quốc ca của một quốc gia. Tôi nghĩ gia đình và ngay cả nhạc sĩ Văn Cao nếu giờ ông còn sống cũng không đặt vấn đề tác quyền đối với riêng tác phẩm này. Nó là niềm tự hào của dân tộc cũng đồng thời là niềm tự hào của chính ông. Khi đã trở thành quốc ca rồi, không có tác quyền nào có thể sánh được điều đó. Ta đừng bàn quá kỹ càng vào tác quyền của một tác phẩm lớn như vậy vì không có tác quyền nào xứng đáng bằng niềm tự hào của ông và niềm tự hào của dân tộc khi đón nhận tác phẩm của ông. Đó là tác quyền lớn nhất. Mọi người đừng kỹ càng, xét nét quá. Còn những bài hát có tính chất kinh doanh, hát đi hát lại biểu diễn để thu lợi nhuận thì lúc ấy chuyện tác quyền mới có giá trị. Một bài hát đã trở thành tài sản của dân tộc thì riêng chuyện đó đã là tác quyền lớn nhất, niềm tự hào lớn nhất cho mỗi nghệ sĩ sáng tác.
VOA: Đó là nói về giá trị tinh thần. Còn về giá trị vật chất đối với các tác phẩm trí tuệ, nhiều người cho rằng trở thành tài sản chung của mọi người không có nghĩa là mọi người có thể quên công ơn người sáng tác bằng những gì cụ thể nhất.
Tôi nghĩ gia đình và ngay cả nhạc sĩ Văn Cao nếu giờ ông còn sống cũng không đặt vấn đề tác quyền đối với riêng tác phẩm này. Nó là niềm tự hào của dân tộc cũng đồng thời là niềm tự hào của chính ông. Khi đã trở thành quốc ca rồi, không có tác quyền nào có thể sánh được điều đó.NSND Hoàng Dũng: Tôi đồng ý, nhưng tôi nghĩ nó không đáng kể với phần vật chất. Bây giờ mỗi lần nhà nước ta họp hành xong lại trả vài trăm ngàn hay vài triệu đồng cho một lần sử dụng bài hát ấy thì tôi nghĩ nó không còn tính chất thiêng liêng nữa. Cái tác quyền ấy không có giá trị bằng khi tác phẩm được tất cả mọi người trong nước ghi nhận, trân trọng nó. Mỗi khi ca khúc ấy cất lên là niềm tự hào dân tộc cất lên và cả thế giới biết đấy là bài quốc ca Việt Nam. Cho nên, đừng kỹ càng quá về tác quyền nhỏ nhoi đối với một tác phẩm. Nếu tác phẩm ấy để kinh doanh vì doanh thu thì ta làm. Còn đây chả có gì sánh được với điều đó. Và nếu để đánh đổi điều này với cái kia thì chắc chắn là nhạc sĩ Văn Cao, nếu ông còn sống, cũng không bao giờ muốn. Nếu ông còn sống chắc chắn ông sẽ không bao giờ đặt vấn đề tác quyền đối với tác phẩm này. Giá trị phi vật thể của tác phẩm này lớn hơn rất nhiều. Cho nên đừng bàn nhiều về vấn đề đó vì càng bàn tôi thấy rằng chúng ta càng dở. Chúng ta hơi kỹ càng, hơi vụn vặt trong vấn đề tác quyền.
Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Dũng.
VOA: Về mặt lý, nhiều người nói rằng luật không nên có sự ngoại trừ, phải áp dụng chung cho tất cả mọi trường hợp.
NSND Hoàng Dũng: Khi người ta đưa ra vấn đề tác quyền tức là nói về nguồn thu vì tất cả những nguồn thu đấy đều xuất phát từ kinh doanh. Không thể mang bài hát của tôi đi hát để kiếm tiền mà không trả tiền tôi. Nhưng đây, bài quốc ca này chắc chắn không bao giờ dùng để kinh doanh, không bao giờ thu lợi mỗi khi bài quốc ca này được cất lên. Không có nguồn lợi về kinh tế thì đừng bao giờ nói đến chữ ‘thu tác quyền’ với tác phẩm này. Tôi nghĩ thế nó hợp lý hơn.
Tin cho hay từ năm 2010, vợ cố nhạc sĩ Văn Cao, bà Nghiêm Thúy Băng, đã có thư hiến tặng ca khúc Tiến quân ca cho “công chúng, đảng, quốc hội và nhà nước”.
Tuy nhiên, báo Thanh Niên ngày 20/8 dẫn lời con trai trưởng của nhạc sĩ Văn Cao nói rằng: “Chúng tôi vẫn đang giao cho VCPMC thu tiền tác quyền các tác phẩm của ông, trong đó có bài Tiến quân ca” vì, vẫn theo con trai nhạc sĩ Văn Cao, việc hiến tặng chưa có sự thống nhất của gia đình.
Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc chưa cho biết cụ thể số tiền tác quyền sẽ thu đối với bài quốc ca là bao nhiêu.
Nguồn: Theo VOA Tiếng Việt
http://www.datviet.com/hat-quoc-ca-viet-nam-phai-tra-tien-tac-quyen/
Geen opmerkingen:
Een reactie posten