woensdag 22 januari 2014

Nông nghiệp Việt Nam : Quay về đất sạch

Quay về đất sạch
Bận tâm với vấn đề sức khoẻ thực phẩm, người Việt Nam khám phá lại ngành nông nghiệp sạch và có trách nhiệm, đã biến mất từ cách đây gần 40 năm. Tờ Le Courrier International trích dịch lại một bài viết đăng trên trang The Diplomat, phát hành tại Tokyo, phản ánh lo lắng của người tiêu dùng Việt Nam, cũng như tương lai của lĩnh vực mới này.
Tờ báo cho biết, cách đây ít lâu, không một người Việt nào nói đến an toàn thực phẩm. Nhưng từ năm ngoái, vấn đề này trở thành tựa lớn của báo chí. Những tin đồn về nho nhiễm thuốc trừ sâu và thịt lợn bẩn, tiếp theo là hàng giả từ Trung Quốc, đã thức tỉnh người tiêu dùng. Trước đây, họ không hề để ý tới nguồn gốc thức ăn tiêu thụ hàng ngày. Nhưng từ khi các phương tiện truyền thông đề cập tới vấn đề này nhiều hơn thì người tiêu dùng càng tỏ ra lo lắng hơn.
Nền nông nghiệp Việt Nam chủ yếu vẫn được thực hiện trên quy mô nhỏ, phần lớn nông dân cá thể làm việc trên diện tích đất khoảng nửa héc-ta. Nhưng từ những năm 1970, sản phẩm sạch không còn phổ biến nữa. Đất nước đã phải trải qua một cuộc khủng hoảng lương thực nặng nề. Vì thế, hoá chất được phép sử dụng để nâng cao năng suất. Cuối những năm 1980, quá trình chuyển sang nền kinh tế thị trường đã đẩy mạnh sự phụ thuộc vào các sản phẩm hoá học. Lần đầu tiên người nông dân trồng rau với mục đích sinh lợi và thấy phân bón là biện pháp dễ dàng nhất để tăng năng suất. Một người kinh doanh “hàng sạch” nhận xét : « Người ta muốn kiếm tiền nhanh, thế là họ sử dụng hàng tá hoá chất để vụ mùa phát triển hơn. Kết quả là 20 năm sau, mọi người đều biết các chất hoá học này nguy hiểm thế nào với con người ».
Về phía mình, chính phủ các quốc gia Đông Nam Á lại hành động trái ngược hoàn toàn. Họ năng động trong việc loại bỏ nông nghiệp truyền thống để thông qua các hình thức sản xuất trên quy mô lớn và quốc tế hoá. Và việc ra nhập thị trường thế giới phải có cái giá của nó.Vào những năm 1960, Thái Lan đã công nghiệp hoá mạnh mẽ hệ thống nông nghiệp của mình và từ những năm 1990, đã tỏ ra rất nhiệt tình trong các hiệp ước tự do mậu dịch quốc tế. Nhưng hiếm khi người sản xuất có lợi trong các thoả thuận này. Hiện nay, rất nhiều nông dân Thái Lan rơi vào cảnh nợ nần và, ở Bangkok, người tiêu dùng đổ xô tới chợ của những nhà sản xuất nhỏ để tìm sản phẩm sạch.
Liệu Việt Nam có quay lại ngành nông nghiệp sạch với quy mô nhỏ không ? Đó là hi vọng của một tiểu thương trong lĩnh vực này. Vì theo ông, đây là vấn đề thiết thực nếu muốn gìn giữ Việt Nam.
Lừa đảo « kiểu Nigéria »
Chắc chắn ít nhất một lần, những người sử dụng hộp thư điện tử nhận được những bức thư kiểu thông báo trúng số hay tìm người thừa kế. Thường những bức thư này tự động rơi vào hộp « spams », tuy nhiên một số người vẫn nhận được trong hộp thư đến và nhiều người trong số họ đã nhẹ dạ tin vào nội dung những bức thư này. Tờ Le Nouvel Observateur phản ánh vấn nạn này trong bài : « Lừa đảo "kiểu Nigéria" ».
Đe dọa qua webcam, lừa tình, chiếm đoạt tiền…, internet trở thành mảnh đất săn lí tưởng. “Scam 419” là tên gọi của lừa đảo qua mạng, chiểu theo điều luật hình sự của Nigeria trừng phạt tội này. Những bức thư điện tử lừa đảo đầu tiên cũng xuất phát từ quốc gia trên. Bắt đầu từ dụ dỗ chuyển tiền thừa kế của các doanh nhân giàu có, những kẻ lừa đảo dùng nhiều chiêu mới công phu hơn, như tạo ra những chuyện tình lãng mạn, giả vờ trúng số, thậm chí là những hợp đồng trúng thầu giả.
Sau khi Nigeria truy quét vấn nạn này, những kẻ lưu manh chuyển sang hoạt động tại đất nước Bờ Biển Nga từ 10 năm nay. Từ những cybercafé, những « kẻ giật dây » chăm chú tìm kiếm con mồi của mình. Một nhà hoạt động tình nguyện cho tổ chức giúp đỡ nạn nhân, Aven, nhận xét : « Đây là cuộc gặp gỡ giữa hai sự khốn khó. Khốn khó về tình cảm tại phương Tây. Và khốn khó về kinh tế tại châu Phi ». Nhiều nạn nhân trắng tay song cảnh sát Pháp từ chối can thiệp vì những nạn nhân này đã tự nguyện chuyển tiền cho « người tình » của mình tại châu Phi.
tags: Chính trị - Pháp - Quốc tế - Tình ái - Điểm báo
 
http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20140119-love-affair-chuyen-tinh-cua-tong-thong-phap

Geen opmerkingen:

Een reactie posten