Từ “cavalière” của Pháp ngày xưa đến “cave” của Hà Nội hôm nay...
http://www.doisongphapluat.com/xa-hoi/sap-bay-cave-trai-chieu-giua-khach...
Trước hết, thử nói về chữ “cavalière”. Ngày xưa ở Pháp, vào đầu thế kỷ 17, “cavalier” (giống cái là “cavalière”) có nghĩa là “người cưỡi ngựa” (homme monté à cheval), rồi chữ này mang thêm nghĩa là “người đàn ông lịch lãm, một trang nam tử” (galant homme, homme du monde). Đến năm 1688 thì nó lại thêm nghĩa là “người đàn ông tháp tùng một phụ nữ” (celui qui accompagne une dame), và đến năm 1690 thì nó có thêm nghĩa là “người đàn ông khiêu vũ với một phụ nữ” (celui qui danse avec une dame). Sau đó, chữ “cavalier” được dùng cho cả phái nữ (gọi là “cavalière”), và có nghĩa là “người bạn khiêu vũ”. Trong một đôi nam-nữ khiêu vũ, thì người nam là “cavalier”, người nữ là “cavalière”.
Mới đây, năm 2006, trong một luận văn dài 177 trang, nghiên cứu về những động tác cơ thể trong các điệu khiêu vũ cổ truyền ở đô thị Pháp, dưới nhan đề “L’engagement corporel dans les danses traditionnelles de France métropolitaine: Une approche par l’analyse fonctionnelle du corps dans le mouvement dansé”, do Catherine Augé và Yvonne Paire viết theo yêu cầu của Bộ Văn Hoá Pháp, “cavalier”/“cavalière” là thuật ngữ dùng để chỉ người khiêu vũ (nam/nữ).
http://www.culture.gouv.fr/culture/dmdts/etude-dansestraditionnelles.pdf
Ấy vậy mà khi chữ “cavalière” rời nước Pháp, sang đến Việt Nam, thì lại dần dần đổi nghĩa, và bây giờ ở Hà Nội nó mang nghĩa hoàn toàn khác, như một trời, một vực.
Đầu tiên, chữ “cavalière” theo người Pháp sang Hà Nội, rồi xuống Sài Gòn. Người Pháp yêu thích khiêu vũ như một thú tiêu khiển thanh lịch. Buổi tối, sau khi ăn những món ngon miệng và uống vài cốc rượu, với cảm giác lâng lâng, từng đôi nam-nữ “cavalier”/“cavalière” mời nhau ra sàn nhảy. Thế nhưng, không phải lúc nào và không phải ai cũng có sẵn người tình của mình để làm bạn khiêu vũ, nên đôi khi họ phải mời một người nào đó cùng khiêu vũ với mình. Nhưng nếu không có ai ngồi một mình để mời, thì tính sao? Thì đành phải uống rượu trong sự cô đơn và xem thiên hạ khiêu vũ dập dìu chung quanh chứ sao!
Có cầu, ắt có cung. Thế là sinh ra một cái nghề mới ở Việt Nam, đó là nghề “vũ nữ”. Khác với “vũ công” trong các đoàn múa chuyên nghiệp, “vũ nữ” là người có khả năng khiêu vũ nhưng không sống bằng nghề trình diễn trên sân khấu mà sống bằng một nghề khác: ban đêm họ đến ngồi uống nước lai rai ở các phòng trà để chờ người đến mời mình làm bạn khiêu vũ và cho tiền thưởng.
Để được nhiều người mời khiêu vũ thì trước hết phải có nhan sắc, và tất nhiên phải có khả năng khiêu vũ điêu luyện và gợi cảm. Ai vừa có sắc vừa có tài thì được rất nhiều khách hâm mộ. Trong những năm 40, ở Hà Nội có những vũ nữ nổi tiếng tài sắc như cô Lý Lệ Hà (hoa khôi áo lụa Hà Đông), cô Mộng Điệp... Tài sắc của họ khiến bậc quân vương như Bảo Đại cũng phải say mê.
Thuở ấy, nhạc sĩ Phạm Duy chơi nhạc ở một trong hai phòng trà đầu tiên ở Hà Nội là Quán Thiên Thai ở phố Hàng Gai. Theo lời ông kể, ông có dan díu và sống chung với một vũ nữ của phòng trà Hanoi Bar. Nàng tên là Định. Năm 1946, trong thời gian sống cung với nàng, ông đã sáng tác bài “Tình Kỵ Nữ”. Trong tập Ngày Đó Chúng Mình Yêu Nhau của Phạm Duy in tại Sài Gòn năm 1970, nhan đề của ca khúc này được in là “Tình Kỵ Nữ”, nhưng trong những năm gần đây lại thấy có nơi ghi là “Tình Kỹ Nữ”.
Nhan đề “Tình Kỵ Nữ” thật là thú vị, vì chữ “kỵ nữ” là do Phạm Duy dịch từ chữ “cavalière” mà ra. Sau này, khi bài hát “Tình Kỵ Nữ” đã bị các ca sĩ tự ý đổi thành “Tình Kỹ Nữ”, thì Phạm Duy có giải thích: “Ðáng lẽ ra, phải gọi bài này là TÌNH KỊ NỮ thì mới đúng với nghề ‘cavalière’ tức là nghề ‘taxi girl’ của nàng.”[1]
Lời giải thích của Phạm Duy thật thú vị ở chỗ ông dịch “cavalière” thành “kỵ nữ”, nhưng cũng dở ở chỗ ông cho rằng nghề “cavalière” tức là nghề “taxi girl”. Đúng ra, “cavalière” đâu phải là “taxi girl”. Chữ “taxi girl” bắt đầu xuất hiện ở Cambodia từ trước những năm 50, để chỉ những cô gái hành nghề mại dâm cá nhân, chuyên đón khách ở các công viên, quán nhậu, phòng trà... (chứ không phải làm việc trong những ổ mại dâm), và những cô “taxi girl” thì không có tài khiêu vũ như các “cavalière” chuyên nghiệp, và chắc hẳn phần lớn cũng không thể sánh với các “cavalière” chuyên nghiệp về nhan sắc.
Phạm Duy đã mô tả nhan sắc nàng “cavalière” Định như sau: “Vũ nữ Định đẹp một cách lộng lẫy, trông như con gái nhà lành. Hơn thế nữa, trông như con nhà quyền quý.”[2]
Hiển nhiên nàng “cavalière” Định không phải là “taxi girl”, vì sau khi làm công việc khiêu vũ với khách ở phòng trà Hanoi Bar, nàng về nhà ở Phố Hàng Gai với Phạm Duy, chứ không hề đi lang thang... bắt khách.
Những năm 50, 60 ở Sài Gòn cũng có những “cavalière” rất nổi danh về tài sắc, như Cẩm Nhung của vũ trường Kim Sơn, chẳng hạn. Báo chí Sài Gòn thời đó thường ca ngợi nhan sắc và đôi chân dài điệu nghệ của “nữ hoàng vũ trường” Cẩm Nhung. Đầu những năm 70, một “cavalière” khác cũng nổi danh tài sắc là cô Ánh Hoa của vũ trường Văn Cảnh...
Nhắc lại những chuyện ngày xưa, tôi muốn nói rằng các “cavalière” ở Hà Nội những năm 40, và ở Sài Gòn từ những năm 50 đến trước năm 75, là những vũ nữ chuyên nghiệp, có tài sắc. Họ có thể sống lãng mạn buông thả và vương vào nhiều mối tình rắc rối, éo le, bi thảm... nhưng họ không phải là những cô gái mại dâm. Họ hoàn toàn khác với những cô “cave” trong những thập kỷ gần đây ở Việt Nam.
Bài “Sập bẫy cave trải chiếu giữa ‘khách sạn ngàn sao’ ở Hà Nội” trên tờ Đời Sống & Pháp Luật mô tả hình ảnh những cô “cave” ở Hà Nội thời bây giờ như sau:
“... Ẩn hiện sau mỗi gốc cây là những cô cave hết ‘đát’, quần áo nhầu nhĩ, son phấn lòe loẹt. Với họ chỉ cần một manh chiếu hẹp cùng với hơn 100.000 đồng là có thể ‘hành sự’ giữa ‘khách sạn ngàn sao”...; “... các ả cave ở các gốc cây túa ra nườm nượp, chào mời, tiếng cười khanh khách đến rợn người. Có những cô còn dè chừng vẫn núp trong những bụi cỏ cất tiếng gọi mời the thé...”; “... Để đề phòng và giả làm người dân bình thường đi dạo công viên, cô nào cô đấy cũng kín bưng trong bộ áo chống nắng chỉ khi có khách mới ló mặt, cởi cúc để lộ bộ quần áo hở hang đến nửa khuôn ngực...”; “... Mùi son phấn rẻ tiền quyện với mồ hôi nhớp nhúa sộc lên khiến tôi khó chịu. Gương mặt trát đầy phấn mà tôi tưởng như mỗi lần chị gái nhếch mép, trề đôi môi ra là tảng phấn son kia rụng lả tả. Cuộc ngã giá chóng vánh bắt đầu. 150.000 một cuốc tàu nhanh, bao cao su đầy đủ, hành sự ngay tại ‘công viên ngàn sao’ phía đằng sau. Nếu khách muốn vào nhà nghỉ, thì tiền phòng tự trả...”
Chưa hết. Bài báo mô tả thêm:
“... Có bảo kê, có dắt mối, có tổ chức, có mặc cả bán mua và có không biết bao nhiêu mánh lới làm tiền khách làng chơi. Đầu tiên phải kể đến chiêu lột đồ của khách. Khách vào đến chiếu, ngay lập tức có cả đám bậu xậu ra luộc sạch. Thế nên không ít kẻ háu gái sau những màn mây mưa quay ra thì ôi thôi ví tiền, điện thoại đều mất sạch. Khối người còn phải quay trở lại đây đem tiền đến để chuộc lại giấy tờ, tài sản. Ê chề hơn, có những kẻ chỉ còn cái quần lót đi về. Thế nhưng chẳng ai dám báo công an vì sợ điều tiếng, vì cái tội đi chơi gái bán hoa. Nực cười hơn, có anh vào đấy bị cô cave thông báo hết bao cao su. Ngay lập tức, đám ma cô ùa tới ép phải mua với giá 100.000 đồng. Không mua thì biết lấy gì hành sự, đành ngậm bồ hòn làm ngọt thì thôi đành vậy. Thông thường, mỗi khi có biến, các cô cave lại để cho đám ma cô ở lại mà giải quyết, còn mình thì lủi đi lúc nào không hay...”
Vậy thì quá hiển nhiên rằng “cave” ở Hà Nội thời bây giờ là những cô gái điếm mạt hạng, hoàn toàn khác với những cô “cavalière” tài sắc ở Hà Nội những năm 40 và ở Sài Gòn từ những năm 50 đến trước năm 75.
Vì sao như thế? Có lẽ ai cũng dễ dàng nghiệm ra câu trả lời.
Riêng tôi, sau khi đọc xong bài báo về “cave” Hà Nội thời bây giờ, tôi chợt nhớ lại mấy câu thơ trong bài “Tiếng hát sông Hương” mà Tố Hữu đã viết năm 1938 như một lời hứa đẹp đẽ rằng sau khi Đảng Cộng Sản lên nắm chính quyền thì đất nước sẽ không còn cảnh bán thân nuôi miệng. Bài thơ có những câu:
... Ngày mai cô sẽ từ trong ra ngoài
Thơm như hương nhụy hoa lài
Sạch như nước suối ban mai giữa rừng.
Ngày mai gió mới ngàn phương
Sẽ đưa cô tới một vườn đầy xuân
Ngày mai trong nắng trắng ngần
Cô thôi sống kiếp đày thân giang hồ
Ngày mai bao lớp đời dơ
Sẽ tan như đám mây mờ đêm nay
Cô ơi tháng rộng ngày dài
Mỏ lòng ra đón ngày mai huy hoàng...
Bây giờ nhớ lại những câu thơ trên, tôi chỉ muốn ói. Tôi muốn ói, vì những lời trau chuốt ấy chỉ là những lời dối trá. Hoàn toàn dối trá.
Hoàng Ngọc-Tuấn, Sydney, Australia
*Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm của RFA.
http://www.rfa.org/vietnamese/blog/from-french-cavaliere-to-today-hanoi-ca-ve-01172014143451.html
Geen opmerkingen:
Een reactie posten