Cô gái Việt bị đánh hội đồng qua đời ở tuổi 23 Tuesday, January 21, 2014 8:35:04 PM
Bài liên quan
Ðỗ Dzũng/Người Việt
SANTA ANA, California (NV) - Cô Kim Phạm, nạn nhân bị một nhóm năm người đánh hội đồng bên ngoài quán bar The Crosby ở Santa Ana đêm Thứ Sáu rạng sáng Thứ Bảy, sau đó bị hôn mê hơn một ngày, trút hơi thở cuối cùng lúc 12 giờ 36 phút trưa Thứ Ba, sau khi người nhà quyết định rút ông trợ thở, và các bộ phận trong cơ thể được lấy ra, vì cô đã quyết định hiến cho Hiệp Hội Ung Thư Vú Hoa Kỳ.
Hình cô Kim Phạm được dán tại nơi cô bị đánh hội đồng đến hôn mê, và mới qua đời hôm Thứ Ba. (Hình: Uyên Nguyên/Người Việt) |
Tin này được Thị Trưởng Miguel Pulido của Santa Ana xác nhận trong phiên họp thường kỳ của Hội Ðồng Thành Phố tối Thứ Ba.
“Cô đã qua đời,” ông Pulido nói với Thượng Nghị Sĩ Lou Correa, người phát biểu về chuyện này trong cuộc họp.
Thông cáo báo chí của Sở Cảnh Sát Santa Ana đưa ra hôm 21 Tháng Giêng cũng xác nhận: “Nạn nhân Annie Hương Kim Phạm, 23 tuổi, cư dân Westminster, đã được rút ống trợ thở và tuyên bố tắt thở lúc 12 giờ 36 phút chiều nay.”
Trả lời phỏng vấn nhật báo Người Việt, cô Viviane Ðào, cư dân Huntington Beach, một người bạn rất thân với nạn nhân, kể: “Qua những gì tôi biết được từ gia đình, họ muốn người ta lấy những bộ phận trong cơ thể của Kim ra trước khi rút ống trợ thở, vì họ biết cơ hội sống của cô không còn nữa.”
Theo cảnh sát cho biết, cô Kim Phạm cùng một số người bạn đến quán bar nêu trên, và có xảy ra một vụ cãi vã với một nhóm năm người gốc Hispanic, gồm ba gái hai trai. Sau một hồi cãi nhau thì xảy ra ẩu đả, và cô Kim bị năm người này đánh hội đồng trong lúc có nhiều người đứng xem, thậm chí có người còn quay phim, mà không ai nhảy vào can thiệp, ngoại trừ một nhân viên an ninh.
Nhật báo The Los Angeles Times trích lời một người bạn của nạn nhân cho biết có thể vụ cãi nhau xảy ra khi cô Kim Phạm vô tình đi qua, giữa một người cầm máy hình và một nhóm người đang chuẩn bị được chụp hình.
Những bó hoa tưởng niệm. (Hình: Uyên Nguyên/Người Việt) |
Cả năm người sau đó bỏ trốn. Khi cảnh sát đến nơi, cô Kim đã bất tỉnh và sau đó hôn mê vì bị chấn thương đầu. Kể từ đó, cô “sống” bằng ống trợ thở.
Cho đến ngày Thứ Hai, cảnh sát Santa Ana mới bắt được một phụ nữ khoảng 20 tuổi, bị tình nghi là một trong năm người tham gia đánh hội đồng nạn nhân. Còn bốn nghi can kia vẫn “bặt vô âm tín.”
Một số doanh nghiệp ở gần The Crosby tung ra giải thưởng $5,000 cho ai cung cấp thông tin liên quan đến các nghi can. Thành phố Santa Ana cho biết bỏ thêm $5,000 ra nữa. Ngoài ra, Thượng Nghị Sĩ Lou Correa bỏ thêm $1,000. Như vậy, giải thưởng để tìm nghi can nay đã lên đến $11,000.
Cảnh sát cũng yêu cầu tất cả những ai có thông tin gì, hoặc quay được video cảnh đánh hội đồng, báo cho cảnh sát để tiện việc điều tra.
Một giới chức Santa Ana, không muốn nêu danh tánh, cho biết có hai cô gái Việt Nam đi chung với nạn nhân tối hôm đó, nhưng hai cô này không chịu khai báo, cho dù được nhiều người, trong đó có người nhà nạn nhân, thuyết phục.
Giới chức này thuật lại lời của hai cô này kể rằng vụ cãi nhau xảy ra trong lúc xếp hàng vào trong The Crosby.
“Có lẽ họ sợ bị liên lụy, hoặc sợ bị trả thù,” giới chức này cho nhật báo Người Việt biết, trong lúc tham dự phiên họp Hội Ðồng Thành Phố Santa Ana.
Quán bar The Crosby chia buồn. (Hình: Uyên Nguyên/Người Việt) |
Thượng Nghị Sĩ Lou Correa, với tư cách là một vị dân cử tiểu bang phụ trách khu vực, cũng như là một cư dân Santa Ana, yêu cầu cảnh sát thành phố phải tìm ra thủ phạm và gia tăng an ninh tại khu vực các nhà hàng ở trung tâm thành phố.
“Sự kiện có nhiều nhân chứng tại chỗ mà chúng ta vẫn chưa tìm ra thủ phạm làm tôi khó chịu vô cùng,” ông Correa nói trước Hội Ðồng Thành Phố.
“Tôi biết cảnh sát đang nỗ lực tối đa, nhưng tôi vẫn cảm thấy phiền lòng khi chuyện này xảy ra ngay khu phố trung tâm, trước mắt mọi người.”
Ông Correa cũng đề nghị cảnh sát thành phố nên tăng cường sự hiện diện của mình tại khu vực này, nếu không, sẽ xảy ra “tình trạng tội phạm gia tăng giống như ở New York trước đây, làm không ai dám tới thành phố.”
Cũng trong buổi họp này, một số doanh nghiệp trên đường Main, nơi The Crosby tọa lạc, yêu cầu thành phố triển khai thêm cảnh sát, đặt máy ghi hình, để tăng cường an ninh cho khu vực.
Theo nhật báo The Orange County Register, cô Kim Phạm học ngành tâm lý học tại đại học Chapman University và là người có tác phẩm từng được xuất bản. Ngoài giờ làm việc tiếp thị cho một công ty ở Garden Grove, cô còn tình nguyện tham gia hoạt động để mọi người ý thức về căn bệnh ung thư vú, cũng như tham gia hoạt động gây quỹ để giúp bệnh nhân chữa căn bệnh hiểm nghèo này.
Cô Viviane Ðào, bạn học thời trung học với nạn nhân và hai người gặp nhau gần như mỗi tuần, kể với nhật báo Người Việt rằng: “Mẹ của Kim qua đời vì ung thư vú lúc cô mới năm tuổi. Khi lớn lên, Kim quyết định hiến tặng các bộ phận cơ thể cho Hiệp Hội Ung Thư Vú Hoa Kỳ, trong trường hợp khẩn cấp.”
Những khuôn mặt buồn bã của người thân và bạn hữu. (Hình: Uyên Nguyên/Người Việt) |
Nhật báo The Los Angeles Times cũng cho biết, theo cô Lisa, em gái cùng cha khác mẹ với cô Kim Phạm, gia đình không biết là cô hiến bộ phận cơ thể cho hiệp hội ung thư, cho tới khi xảy ra tai nạn.
Trong bài luận văn có tựa đề “Beyond the Overside White Gates” in trong tác phẩm “Miso for Life: A Melting Pot of Thoughts,” cô Kim Phạm viết về cuộc viếng thăm mộ phần của người mẹ ở nghĩa trang Forrest Lawn Memorial Park, Glendale, như sau: “Tôi rất đau lòng khi thấy những gia đình có người thân qua đời. Tôi biết rằng có nhiều lý do làm cho con người chết mỗi ngày trên thế giới, cho dù họ là công dân Iraq, chỉ vì dám đứng lên đòi quyền lợi cho mình, hay có thể là một em bé ở Ethiopia, chết vì đói ngay tại quê hương mình, hay cũng có thể là một em bé gái Trung Quốc, bị chết vì đất nước 'trọng nam khinh nữ.' Tất cả họ đều nằm xuống, yên nghỉ, và chưa bao giờ ngừng thở, cho tới khi họ hoàn tất cuộc tranh đấu cho chính cá nhân họ. Khi nhìn xung quanh, tôi thấy rằng, nhiều người quỳ xuống mộ để thừa nhận cuộc chiến đấu và chiến thắng mà người thân họ đã trải qua. Và tôi thật sự hy vọng rằng họ sẽ hiểu, cũng như tôi hiểu, có một danh dự nào đó hiện hữu trong linh hồn của những người đã nằm xuống.”
“Sau khi nghe hung tin, tôi rất buồn, không biết làm gì cả,” cô Viviane Ðào chia sẻ. “Nhưng sau khi đến nơi Kim bị đánh, gặp bạn bè, gặp người thân của Kim, rồi đọc báo, tôi thấy mọi người đều quan tâm đến sự việc. Tôi đã vào bệnh viện thăm bạn mình, thấy tất cả người thân và bạn thân của Kim xung quanh, và cảm thấy buồn hơn, vì biết sau đó Kim không còn với tôi nữa. Tôi sẽ nhớ những lần hai đứa cùng đi ăn sushi mỗi tuần.”
–-
Liên lạc tác giả: DoDzung@nguoi-viet.com
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=181250&zoneid=1#.UuAl0PlgXL8
Thứ tư, 22/1/2014 15:28 GMT+7
Nhân chứng quay cảnh cô gái gốc Việt bị đánh đến chết
Một nhân chứng ghi lại hình ảnh Kim Phạm bị 5 người đánh đến chết cạnh một hộp đêm ở California, và cho rằng vụ xô xát xảy ra là do cô đã vô tình đi vào khung hình máy ảnh của nhóm người.
Kim Pham, 23 tuổi, bị ba phụ nữ và hai người đàn ông tấn công trong một vụ xô xát ngoài hộp đêm The Crosby ở thành phố Santa Ana, bang California vào khoảng 0h20 sáng ngày 18/1 và chết não một ngày sau đó.
Los Angeles Times dẫn lời một nhân chứng giấu tên cho biết nguyên nhân của vụ xô xát có thể là do Kim Pham đã vô tình đi qua ống kính khi một nhóm 5 người đang chụp ảnh. Họ tìm thấy chiếc điện thoại được cho là của một nghi phạm ở hiện trường.
Một nhân chứng khác sử dụng điện thoại di động ghi lại hình ảnh 5 người trên đấm, thậm chí dẫm lên người Kim Pham. Đoạn phim dài gần 10 giây này đang được cảnh sát sử dụng để xác định danh tính các nghi phạm.
Một trong 5 nghi phạm, là một phụ nữ ngoài 20 tuổi, đã bị bắt với cáo buộc tấn công gây chết người. Chính quyền và các doanh nghiệp ở Santa Ana đang treo thưởng 5.000 USD cho thông tin để bắt những người còn lại.
Pham bị chết não hôm 19/1 tại bệnh viện nhưng vẫn được gắn các thiết bị hỗ trợ sự sống, vì các bác sĩ đang chờ sử dụng nội tạng cho mục đích hiến tặng. Cảnh sát thành phố Santa Ana thông báo cô qua đời vào khoảng 12h36 hôm qua khi bác sĩ tháo các thiết bị hỗ trợ.
Cha và mẹ kế chỉ phát hiện Kim Pham từng đăng ký hiến tặng nội tạng khi nạn nhân nhập viện, Los Angeles Times dẫn lời Lisa, con riêng của mẹ kế Kim Pham cho biết. Lisa không muốn công khai họ của mình do lo sợ bị trả thù.
"Kim Pham thường giúp đỡ người khác mà không cần họ trả ơn", Lisa nói. "Đó chính là con người của chị ấy".
Kim Pham, cô gái gốc Việt bị đánh đến chết trong một vụ xô xát ở California. Ảnh: Ocregister.
|
Katie, một người thân khác, cho biết Kim Pham luôn khuyên cô nên chấp nhận mọi người bất kể họ như thế nào.
"Chị Kim là người có trái tim nhân hậu nhất mà tôi biết. Chị quan tâm tới tất cả mọi người", Katie nói. "Những người tốt như chị ấy rất ít".
Kim Pham vừa tốt nghiệp ngành tâm lý học ở Đại học Chapman nhưng lại muốn trở thành một nhà văn. Cô từng sử dụng các bài tiểu luận của mình vào hai tuyển tập văn học nói về sự trải nghiệm của một người Mỹ gốc Á.
"Kim Pham là một con người đẹp, không bởi cô ấy trẻ đẹp mà vì cô ấy có một trái tim vàng", Mai Bui, người biên tập của hai tuyển tập, nói. Kim kể lại trong một tác phẩm về việc mẹ ruột qua đời vì căn bệnh ung thư vú khi cô mới chỉ 5 tuổi và cô luôn tới thăm mộ mẹ mỗi khi gặp khó khăn.
Nguyễn Tâm (Video: OCWeekly)
Geen opmerkingen:
Een reactie posten