woensdag 22 januari 2014

Apple có lợi gì khi "chơi" với China Mobile với 763 triệu khách thuê bao ?

Thứ ba 21 Tháng Giêng 2014
Apple có lợi gì khi "chơi" với China Mobile ?
Giám đốc tập đoàn Apple Tim Cook và giám đốc China Mobile Xi Guohua - REUTERS
Giám đốc tập đoàn Apple Tim Cook và giám đốc China Mobile Xi Guohua - REUTERS
Thanh Hà
Đối với những người ưa chuộng các sản phẩm của tập đoàn công nghệ cao cấp Apple tại Trung Quốc, ngày 17/01/2014 là một cột mốc quan trọng. Tập đoàn điện thoại di động China Mobile bắt đầu bán hai kiểu điện thoại thông minh mới nhất của nhãn hiệu Quả táo.
Với đối tác nặng ký này, hãng công nghệ cao của Mỹ kỳ vọng cung cấp thêm 24 triệu chiếc smartphone đời mới chỉ riêng cho thị trường Trung Quốc. Được như vậy thì đây sẽ là một sự tiếp sức vào lúc Apple đang bị mất đà.
Sau nhiều năm đàm phán gay go, cuối cùng trước lễ Giáng Sinh 2013, chính chủ nhân tập đoàn Mỹ Tim Cook thông báo vừa ký kết với nhà cung cấp dịch vụ điện thoại di động số 1 của Trung Quốc China Mobile. Tới nay không ai biết được chính xác trong thỏa thuận vừa đạt được, Apple và China Mobile đã dàn xếp với nhau như thế nào ở bên trong.
Thông cáo chính thức của Apple chỉ cho biết một cách chung chung là tập đoàn tin học này của Mỹ đã có một số « điều chỉnh » để điện thoại iPhone thích nghi được với mạng điện thoại 3G của China Mobile.
Không rõ là Apple đã nhượng bộ phía đối tác Trung Quốc những gì. Câu hỏi dễ có giải đáp hơn là Apple có lợi gì khi «chơi » với China Mobile ?
China Mobile hiện đang là nhà cung cấp dịch vụ điện thoại di động lớn nhất thế giới, với 763 triệu khách thuê bao và đang dẫn đầu lĩnh vực này tại nước đông dân nhất địa cầu, hơn hẳn hai đối thủ khác là China Unicom và China Telecom. Cả hai tập đoàn này cộng lại mới chỉ cung cấp dịch vụ diện thoại di động cho chưa đầy 280 triệu khách thuê bao.
Tập đoàn viễn thông China Mobile hiện đang làm chủ cả một hệ thống 3G và hồi đầu tháng 12/2013 chính quyền Trung Quốc đã cấp giấy phép cho cả ba tập đoàn viễn thông đều do nhà nước kiểm soát để phát triển mạng điện thoại đời 4 - thế hệ 4G.
Trong viễn cảnh Trung Quốc sắp có mạng điện thoại di động đời 4, cơ quan tư vấn và nghiên cứu IDC cho rằng, vào năm 2015 người dân Trung Quốc sẽ sắm thêm hơn 450 triệu chiếc điện thoại thông minh. Đương nhiên là cặp bài trùng Apple - China Mobile sẽ phải giành được một phần lớn của thị trường đầy tiềm năng đó.
Đối với Apple, Trung Quốc và Hoa Kỳ là hai thị trường smartphone quan trọng nhất. Hoa Kỳ và Trung Quốc là nơi duy nhất đem về trên 10% doanh thu cho nhãn hiệu Quả Táo.
Dù vậy, cho đến trước khi "kết hôn" với China Mobile, điện thoại iPhone của Apple lại « ngoài vòng phủ sóng » của tập đoàn viễn thông Trung Quốc. Không bắt tay với một tập đoàn có hơn với 760 triệu khách thuê bao như China Mobile sẽ là một sai lầm chiến lược.
China Mobile, một đối tác chiến lược
Chính vì thế, vào tháng 9 năm ngoái, khi Apple ra mắt hai kiểu điện thoại đời mới 5S và 5C, thì lần đầu tiên ban điều hành ở Cupertino-Silicon Valley đã cùng lúc trình làng với người tiêu dùng ở Bắc Kinh và New York. Ban phụ trách về khuyến mãi, tiếp thị của Apple cố tình chứng minh với khách hàng Trung Quốc là họ không bị bỏ quên.
Dù vậy hai sản phẩm mới của Apple cũng như thái độ hào hứng của hàng chục triệu người hâm mộ nhãn hiệu Quả Táo vẫn không giúp cho cổ phiếu của Apple trên thị trường tài chính Wwall Street tăng giá vào thời điềm đó.
Đơn giản là vì trong chiến lược bành trướng của Apple vẫn thiếu con chủ bài mang tên « China Mobile ». Ngược lại sau khi chính thức thông báo « kết hôn » với ông vua điện thoại di động Trung Quốc này, cổ phiếu của Apple trong phiên giao dịch ngày 24/12/2013 đã tăng gần 4 % trong một ngày.
Theo các thống kê chính thức được chính tập đoàn tin học Apple cung cấp vào đầu tháng 10/2013, doanh thu của tập đoàn này trong tài khóa 2013 đạt 170,9 tỷ đô la, tăng 9 % so với năm 2012. Tiền lãi của công ty đặt trụ sở ngay trong thung lũng high tech của Mỹ này là 37 tỷ đô la, thua thành tích của năm trước 11 %.
Thí dụ như chỉ riêng trong quý ba năm ngoái Apple đã bán ra gần 34 triệu chiếc iPhone, thay vì 27 triệu một năm trước đó. Ngoài thị trường smartphone thì Apple còn tung hoành trên thị trường máy tính bảng. Bán ra 14 triệu chiếc trong vòng ba tháng. Ngược lại, Apple liên tục tuột dốc trên thị trường máy vi tính cá nhân và máy nghe nhạc bỏ túi iPod.
Đó chính là những lý do vì sao trong ba tháng cuối năm 2013 đích thân Chủ tịch Tổng giám đốc của Apple đã đi đi lại lại Trung Quốc không biết bao nhiêu lần. Ông Tim Cook đã có nhiều cuộc tiếp xúc với lãnh đạo của tập đoàn viễn thông China Mobile, tiếp kiến các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh đặc biệt là để thảo luận về các vấn đề bản quyền. Cũng chính Tim Cook đã đến thanh tra các nhà máy của đối tác Đài Loan, Foxconn tại Hoa Lục.
Sở dĩ Apple bằng mọi giá phải chiêu dụ được China Mobile do đến nay, trên cả một đất nước rộng lớn như Trung Quốc và kể cả Hồng Kông, nhãn hiệu Quả Táo mới chỉ có chừng một chục cửa hàng Apple Store – tức là còn ít hơn cả so với một số tiểu bang ở Mỹ. Trong khi đó Trung Quốc là thị trường đem về đến 13 % doanh thu cho Apple.
Khúc mắc thứ hai nằm ở chỗ Trung Quốc tuy là một thị trường lớn của Apple nhưng tới nay nhãn hiệu quả táo mới chỉ gậm nhấm được có 3 % thị trường khổng lồ đó. Trong khi đó, chàng khổng lồ Hàn Quốc là Samsung thì đã chiếm đoạt được đến 18 % thị trường smartphone của Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, chuyên gia về khuyến mãi, tiếp thị, François Laurent, đồng chủ tịch cơ quan tư vấn ADETEM cho rằng việc Apple đẩy mạnh cánh cổng để tiến sâu hơn vào Trung Quốc là điều tất yếu :
« Điều thứ nhất đáng nói là dù muốn hay không Apple bắt buộc phải mở rộng hoạt động trên các mặt trận mới mới bởi vì trên những thị trường truyền thống tại các nước công nghiệp phát triển Apple đang mất dần thị phần. Điển hình là tại Pháp, châu Âu và cả ở Hoa Kỳ. Trên tất cả những thị trường này, Apple bị cạnh tranh dữ dội, chủ yếu do hệ điều hành Android và Windows 8.
Thứ hai là tại châu Âu thế áp đảo của Apple trên thị trường smartphone của Apple đang dần dần bị thu hẹp lại. Cá nhân tôi, tôi nghĩ là trong một vài năm nữa thôi, trên thị trường điện thoại thông minh thế giới, trọng lượng của Apple sẽ tương đương với vị trí của nhãn hiện quả táo trên thị trường máy tính cá nhân bây giờ ».
Trung Quốc là thị trường số 2 của Apple. Nhưng nếu chỉ xét riêng về khối lượng điện thoại thông minh thì người Trung Quốc mua vào đến 88 triệu đơn vị một năm, bỏ lại rất xa phía sau Hoa Kỳ  với khoảng 33 triệu chiếc.
Một vấn đề khác đặt ra cho Apple là thu nhập của tập đoàn Mỹ trên thị trường Trung Quốc và Hồng Kông liên tục sụt giảm. Trong quý 2/2013 chẳng hạn doanh thu của Apple tại Hoa lục giảm 19 % so với quý 1 và giảm 4 % so với cùng thời kỳ năm 2012.
Nhiều yếu tố dẫn tới sự tụt giảm đó. Đồng chủ tịch công ty tư vấn về khuyến mãi ADETEM của Pháp, ông François Laurent giải thích về sự kém hấp dẫn của Apple trong mắt người tiêu dùng Trung Quốc :
« Nhiều lý do giải thích cho sự thay đổi đó : một là do cái thái độ kiêu ngạo của Apple. Lý do thứ hai là tập đoàn Mỹ này tự đóng cửa không « chơi » với các hệ điều hành khác. Từng bước, Apple tự gạt mình ra ngoài hệ thị trường điện thoại thông minh. Đương nhiên là trước bài toán đó bước vào thị trường rộng lớn của Trung Quốc mở ra nhiều cơ hội cho nhãn hiệu quả táo.
Thứ nhất phải hiểu rằng Trung Quốc luôn có mối hiềm khích về lịch sử với hai nước công nghiệp khác của châu Á là Nhật Bản và Hàn Quốc. Do vậy, con cháu của Khổng Tử, khi có điều kiện họ thích dùng hàng Mỹ hơn. Thứ hai, về mặt tâm lý, dân Trung Quốc tin tưởng vào hàng ngoại quốc và nhất là các nhãn hiệu càng nổi tiếng chừng nào càng có uy tín đối với họ chừng đó. Bởi vì uy tín của một nhãn hiệu là bằng chứng bảo đảm chất lượng cao.
Sau cùng bên cạnh yếu tố về chất lượng, người tiêu thụ Trung Quốc còn có thói quen phô trương những sản phẩm mình dùng để chứng minh sự thành đạt, và vị trí của mình trong nấc thang xã hội. Trong hoàn cảnh đó, một nhãn hiệu nổi tiếng như Apple đương nhiên phải được ưa chuộng tại Trung Quốc »
Trung Quốc hay con dao hai lưỡi
Đúng là hệ điều hành Android của Google được Samsung - đối thủ quan trọng nhất của Apple - sử dụng là một đòn vô cùng lợi hại : vào lúc mà máy tính bảng iPad và điện thoại iPhone của Apple bán ra trên thị trường Trung Quốc dậm chân tại chỗ hoặc tăng chậm thì điện thoại Galaxy Note của Samsung lại « đắt hàng như tôm tươi » .
Bên cạnh đó bản thân Apple bị nhiều các đối thủ Trung Quốc trực tiếp tấn công : smartphone của Hoa Vi hay ZTE ngày càng đáp ứng đúng nhu cầu và thị hiếu của khách hàng Trung Quốc với một lợi thế không nhỏ : đó là những sản phẩm vừa đẹp mà lại vừa túi tiền của người dân.
Theo điều tra của cơ quan tư vấn về tin học Canalys, trong quý 2/2013 trong số những nhà cung cấp smarthone quan trọng nhất cho người tiêu dùng Trung Quốc, Apple chỉ đứng hàng thứ 7, với chưa đầy 5 % thị phần, thua 5 đối thủ Trung Quốc và đương nhiên là thua xa Samsung của Hàn Quốc.
Như vậy chỉ cần Apple chiêu dụ được 3 % trên tổng số 763 triệu khách thuê bao của China Mobile hiện đang sử dụng hệ 3G là cũng đủ để cho phép Apple bán ra thêm 5 triệu chiếc iPhone trong ba tháng sắp tới.
Về phần mình, cơ quan tài chính của Thụy Sĩ UBS ước tính trong năm 2014, qua trung gian của China Mobile, Apple sẽ cung cấp được thêm 17 triệu chiếc điện thoại thông minh cho con cháu Mao. Một phần lớn của sự thành công đó có được nhờ kiểu điện thoại low cost 5C mà nhãn hiệu Quả Táo vừa trình diện khách hàng Trung Quốc hôm 20/09/2013.
Hiện tại một chiếc điện thoại thông minh đời 5 của Apple hiện bán ra với cái giá từ 5 đến 7 ngàn nhân dận tệ - tức tương đương với từ 750 đến 950 đô la. Trả lời RFI Pháp ngữ, ông François Laurent, đồng chủ tịch cơ quan tư vấn về tiếp thị ADETEM báo trước sự thành công của Apple tại Trung Quốc khi mà nhãn hiệu Qủa Táo dùng đòn tâm lý đánh vào thị hiếu thích dùng hàng nổi tiếng của người dân xứ này :
« Tôi nghĩ là trong những năm tới, Apple sẽ khá thành công ở Trung Quốc vì sẽ được mọi người ưa chuộng. Nhưng tôi e rằng thành công đó không lâu bền. Bởi vì như chúng ta đã biết trước đây từng có hai nhãn hiệu điện thoại di động rất « thời thượng » ở Trung Quốc đó là Nokia của Phần Lan, và Blackberry của Canada.
Nay, cả hai thương hiệu đó đều hầu như chìm vào quên lãng. Nhất là khi người Trung Quốc biết được rằng điện thoại Apple sản xuất từ Trung Quốc mà lại có giá thành rất cao, thì tôi sợ rằng lúc đó nhãn hiệu quả táo không còn hấp dẫn lắm trong mắt người tiêu dùng Trung Quốc nữa ».
Chính vì vậy khi Apple tung ra kiểu điện thoại rẻ tiền 5C, nhiều người lầm tưởng rằng Apple tung ra một sản phẩm « low cost » để nhắm vào tầng lớp khách hàng ít có phương tiện hơn, nhưng thực tế không hẳn là như vậy. Chắc chắn một điều là Apple không hạ giá các sản phẩm có nhãn hiệu quả táo, bởi đó là một sự bảo đảm về chất lượng và như chuyên gia về marketing, François Laurent vừa nói : trả giá đắt đối với một số ít người tiêu dùng ở Trung Quốc còn đồng nghĩa với việc họ có chân trong đại gia đình Apple.
Mùa hè năm ngoái (2013) Petragon, một trong số các tập đoàn gia công Trung Quốc cho Apple bị tố cáo vi phạm luật lao động : ba nhà máy của Petragone ở Hoa Lục tuyển dụng 70.000 nhân công. Theo tổ chức China Labor Watch, công nhân tại đây thường bị bắt làm việc gần 70 giờ mỗi tuần, bóc lột nhân công, phân biệt đối xử với một số sắc tộc, và nhất là tuyển dụng trẻ em một cách bất hợp pháp. Không hiểu rằng ở Trung Quốc khi sử dụng điện thoại iPhone, mọi người có quan tâm đến những chuẩn mực về an toàn lao động đó hay không.
 

Geen opmerkingen:

Een reactie posten