maandag 13 januari 2014

Tình nhân bí mật: Tổng thống Pháp François Hollande 59 tuổi và một nữ diễn viên điện ảnh Julie Gayet 41 tuổi

Thứ bảy 11 Tháng Giêng 2014

Hollande : Tình nhân bí mật, nhiệm kỳ rủi ro

Tiết lộ báo chí xảy ra vào thời điểm tệ hại nhất cho Tổng thống François Hollande - REUTERS /Laurent Dubrule
Tiết lộ báo chí xảy ra vào thời điểm tệ hại nhất cho Tổng thống François Hollande - REUTERS /Laurent Dubrule

Thụy My
Việc tiết lộ mối quan hệ tình cảm giữa Tổng thống Pháp François Hollande và một nữ diễn viên điện ảnh – mà ông không hề cải chính, xảy ra vào thời điểm tệ hại nhất cho người đứng đầu nước Pháp. Cuộc họp báo vào thứ Ba 14/01 tới, một thời điểm quan trọng trong nhiệm kỳ Tổng thống, sẽ gây cho ông nhiều lúng túng.


Đang ở mức rất thấp về tín nhiệm, Tổng thống François Hollande vốn chưa thành công trong thử thách giải quyết việc làm, nay lại bị tấn công về mặt đời tư.
Trong một hồ sơ bảy trang kèm theo nhiều hình ảnh, tuy không có tấm nào chụp ông François Hollande, 59 tuổi cặp kè nữ diễn viên Julie Gayet, 41 tuổi, tuần báo bình dân Closer khẳng định hai người đang có một « mối tình bí mật ».
Dù không cải chính tiết lộ trên đây, Tổng thống Pháp đã lên tiếng với tư cách cá nhân « hết sức lấy làm tiếc về việc xâm phạm đời tư mà ông cũng có quyền như mọi công dân khác ».
Thời điểm tin này được tung ra đặc biệt tệ hại đối với ông Hollande : thứ Ba 14/1 tới, ông sẽ tham dự một cuộc họp báo quan trọng tổ chức mỗi sáu tháng, trong đó Tổng thống cho biết chi tiết về « hiệp ước trách nhiệm » mới đề nghị cho các doanh nghiệp và việc giảm chi tiêu công, mà một số nhà bình luận cho là một sự linh hoạt hóa chính sách. Nhưng chắc chắn rằng trong số hàng trăm nhà báo hiện diện, sẽ có những người đặt các câu hỏi khiến ông bối rối.
Nếu các chính khách Pháp cả tả lẫn hữu ủng hộ yêu cầu tôn trọng đời tư của ông François Hollande, thì báo chí Pháp hôm nay đặt câu hỏi : Đâu là sự thay đổi được ông hứa hẹn trước đây, so với cung cách của những người tiền nhiệm, đặc biệt là cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy ?
Ngày 08/01/2008 trong cuộc họp báo lớn đầu tiên của nhiệm kỳ, ông Nicolas Sarkozy đã bị chất vấn về mối tình mới mẻ với nữ ca sĩ kiêm người mẫu Carla Bruni. Câu nói của ông « Với Carla, đó là chuyện nghiêm túc » đã in dấu ấn không thể phai nhạt nhưng không lấy gì làm tốt đẹp lên nhiệm kỳ của ông.
Ông François Hollande, người muốn đóng vai một « Tổng thống bình dị », ngay từ khi mới đắc cử đã phải đối phó với chuyện pha lẫn đời riêng với việc công, qua tin Twitter của người tình Valérie Trierweiler - ủng hộ địch thủ chính trị của bà Ségolène Royal, người đã có bốn mặt con với ông Hollande.
Khi bị chất vấn trong cuộc trả lời phỏng vấn nhân Quốc khánh Pháp 14/7, ông Hollande đã cố gắng hóa giải bằng cách khẳng định : « Tôi cho rằng những chuyện riêng tư phải được giải quyết một cách riêng tư. Và tôi đã nói với những người thân cận, để họ chấp nhận cẩn trọng nguyên tắc này ».
Nhưng cũng chính ông hồi tháng 10/2010 đã chọn lựa một tuần báo bình dân là Gala để giải thích về bà Valérie Trierweiler « Đó là người phụ nữ của đời tôi », chính thức hóa quan hệ với nhà báo nữ. Bà này được báo chí Mỹ mệnh danh là « Đệ nhất tình nhân », cũng như bà Ségolène Royal trước đó, sống chung với ông Hollande nhưng không cưới hỏi.
Cái ranh giới mong manh giữa việc công và đời tư là một trong những vấn đề được tờ Closer nêu ra, thật ra cách đây vài năm chưa thành vấn đề. Cho đến nay, báo chí Pháp vẫn tôn trọng đời tư của các chính khách.
Tờ báo địa phương L’Alsace hôm nay nhận định, vụ này « hoàn toàn là thảm họa » cho ông François Hollande. Nhật báo đả kích : « Người dân Pháp ngỡ rằng ông ta toàn tâm toàn ý cho nhiệm vụ, dành mỗi phút giây để suy ngẫm việc vực dậy đất nước. Thế nhưng kết quả không hề như mong đợi, giờ đây người ta được biết rằng Tổng thống có dư thời gian để tán tỉnh một nữ nghệ sĩ ».
Nước Pháp đang phải đối mặt với các khó khăn kinh tế như tăng trưởng thấp, phong trào phản kháng tại các vùng có các nhà máy bị đóng cửa, sự bất mãn trước sưu cao thuế nặng trong lúc tỉ lệ thất nghiệp vẫn cao. Tổng thống Hollande nhiều lần hứa hẹn sẽ giải quyết thất nghiệp, nhưng nếu số liệu thống kê tháng 10/2013 cho thấy số người tìm việc làm có giảm thì đến tháng 11/2013 tình hình lại như cũ.
Chỉ có một số lời bình hiếm hoi như của tờ báo Nga Kommersant, cho rằng dù sao « xì-căng-đan này cũng có thể giúp cho ông François Hollande cải thiện tỉ lệ tín nhiệm », nhấn mạnh đến việc « người Pháp không cho rằng những cuộc phiêu lưu tình ái của các nhà lãnh đạo nước mình là đáng xấu hổ».
tags: Chính trị - François Hollande - Pháp - Theo dòng thời sự - Xã hội
 
http://www.viet.rfi.fr/phap/20140111-hollande-tinh-nhan-bi-mat-nhiem-ky-rui-ro
 
Thứ bảy 11 Tháng Giêng 2014

Pháp : Đời tư tổng thống không còn là vùng cấm

Diễn viên Julie Gayet - Tổng thống François Hollande (Ảnh ghép)
Diễn viên Julie Gayet - Tổng thống François Hollande (Ảnh ghép)

Thanh Hà
Sau tiết lộ của một tờ báo lá cải về mối quan hệ giữa tổng thống Pháp với nữ diễn viên Julie Gayet, đời sống riêng tư của ông François Hollande là trọng tâm của tất cả các tờ báo trong ngày. Thời sự nóng bỏng ở Trung Phi sau khi tổng thống và thủ tướng phải từ chức, Tunisie tiếp tục tiến bước trên con đường dân chủ hay những biến động chính trị, kinh tế tại châu Á bị gạt xuống hàng thứ yếu.

Các bài xã luận của các tờ báo đều cho rằng tiết lộ về vụ tổng thống Pháp, François Hollande đến nhà nữ diễn viên điện ảnh Julie Gayet được tung ra vào thời điểm này là một « tai họa » hay ít ra đó là một vụ tai tiếng « gây phiền toái » cho phủ tổng thống. Tờ Libération thiên tả, lấy làm tiếc là « ranh giới không còn được phân định rõ ràng giữa đời tư và những hoạt động trước công chúng » của các nhà lãnh đạo. Tờ Le Parisien và Aujourd’hui en France thì nói tới một sự « lúng túng » của các chính khách khi họ đùa với lửa, phơi bày đời tư của mình với công luận.
« Nhiễu sóng » kế hoạch truyền thông của phủ tổng thống 
Nhìn từ phía các tờ báo địa phương, Le Républicain Lorrain nhấn mạnh vụ tai tiếng này sẽ làm « nhiễu sóng » cuộc họp báo vào tuần tới của François Hollande vào lúc mà, như tờ Est Républicain nhận định, « tổng tổng Pháp phải thông báo một sự chuyển hướng trong chính sách kinh tế và xã hội » của nhiệm kỳ 5 năm. Tờ Sud Ouest báo trước : ông Hollande trong cuộc họp báo ngày thứ Ba 14/01/2014 sẽ phải dành vài phút để giải thích với quốc dân về đời sống của ông trước khi bàn tới tình hình đất nước. Chắc chắn là mọi người rất chờ đợi xem tổng thống Pháp giải thích thế nào.
Chỉ riêng có tờ la Nouvelle République cho rằng, điểm tín nhiệm về tài lãnh đạo đất nước của ông Hollande đang ở một mức thấp tệ hại, biết đâu những tiết lộ về đời tư của ông lại khiến dư luận thấy rằng lãnh đạo của Pháp thực sự là một nhân vật « bình thường ». Giống như tất cả mọi người, ông tổng thống cũng có những thói hư tật xấu !
Về phần mình tờ báo Alsace nhận định : nhìn từ đủ mọi khía cạnh, « vụ này » thật là tai hại cho François Hollande vì người dân nghĩ rằng trong lúc tình hình dầu sôi lửa bỏng, ông tổng thống phải dành từng giờ, từng phút để vực dậy nền kinh tế. Thay vì thế ông lại dành thời gian để đến thăm một cô đào điện ảnh. Báo La Charente Libre quả quyết : không mạnh mẽ bác bỏ những cáo buộc có quan hệ với nữ diễn viên điện ảnh Julie Gayet, chắc chắn ông Hollande sẽ trở thành mục tiêu tấn công của phe đối lập. Tờ báo của vùng Haute –Marne kết luận : « François Hollande bị sa bẫy ».
Về phía các tờ báo lớn Paris, Le Monde cho biết điện Elysée đang vô cùng lúng túng, cả kế hoạch truyền thông của phủ tổng thống bị « xáo trộn ». Ngay từ đêm mồng 09/01/2014, tức vài giờ trước « scoop » của tạp chí lá cải Closer, ông Hollande đã họp khẩn với một vài cố vấn thân cận và với luật sư riêng của mình để tìm cách đối phó.
Le Figaro thiên hữu đưa tít « François Hollande yêu cầu đời tư của ông phải được tôn trọng ». Libération trong bài xã luận dài nhận thấy là dư luận không nhất thiết phải được thông tin về đời tư của các vị lãnh đạo nếu như khía cạnh riêng tư đó không ảnh hưởng gì tới hành động chính trị của họ.
Nhưng biết làm thế nào ? Khi mà chính ông François Hollande trong cuộc chạy đua vào điện Elysée đã không ngần ngại vé màn cho công luận trông thấy một phần đời tư của ông ta.
Trong mắt báo chí nước ngoài vụ « love affair » của ông François Hollande là hạt trân châu mới của cả một chuỗi dài những vụ xì căng đan liên quan đến các vị tổng thống Pháp nổi tiếng là đào hoa. Ông Jacques Chirac xưa kia từng được báo Anh, The Guardian mệnh danh là « ông hoàng 15 phút, kể cả sau khi vào nhà tắm » ngụ ý nói cựu tổng thống Chirac giải quyết vấn đề rất nhanh !
Trước đó nữa cố tổng thống François Mitterrand có con ngoài giá thú mà trong nhiều thập niên không một ai hay biết. Xa hơn nữa về quá khứ 1899, tổng thống Félix Faure còn qua đời ngay tại điện Elysée trong vòng tay người tình. Riêng có tờ báo Le Soir của Bỉ thì không tán đồng lối hành xử của tạp chí « people » Closer khi nêu lên câu hỏi « Ngoài mục đích bán báo, kiếm tiền, tiết lộ chuyện phòng the của tổng thống có lợi ích gì không ? »
Cam Bốt : Sam Rainsy đương đầu với quyền lực
Đóng lại những trang báo nói về chuyện riêng tư của tổng thống Pháp để nhìn đến thời sự quốc tế. Libération đã có một cuộc gặp gỡ với lãnh đạo đối lập Cam Bốt, Sam Rainsy.  Bị cấm biểu tình và tập hợp tại các nơi công cộng ở thủ đô Phnom Penh, phong trào đối lập Cam Bốt do ông Sam Rainsy dẫn đầu rút lui về các tỉnh thành, tổ chức meeting tại các thành phố như Siem Reap và Battambang.
Một tuần lễ sau đợt đàn áp đẫm máu nhắm vào tầng lớp công nhân, ông Sam Rainsy nói với phóng viên của báo Libération là chính quyền Cam Bốt đang trở nên cứng rắn hơn, do cảm thấy bị đe dọa. Phe của thủ tướng Hun Sen « sẵn sàng làm tất cả » để nắm giữ quyền lực. Tuy không thể so sánh tình hình Cam Bốt hiện nay với phong trào mùa xuân Ả Rập, nhưng ông Sam Rainsy cho rằng có nhiều điểm tương đồng giữa những gì đã xảy ra ở Trung Đông ba năm trước đây : « Chán ngán trước những bất công xã hội, hiện tượng một số ít vơ vét của dân làm giàu, tình trạng thất nghiệp … » là những mầm mống dẫn tới làm sóng nổi dậy và điều đó đã « xuýt xảy tới » cánh nay vài ngày.
Tunisia tiến bước trên con đường dân chủ
Liên quan đến thời sự Tunisia, Le Monde và Le Figaro cùng có lời khen ngợi quốc gia bắc Phi này. Tunisia chuẩn bị bầu lại Quốc hội sau khi thủ tướng Larayedh từ chức, đảng Hồi giáo Ennahda của ông bị chỉ trích đưa đất nước vào bế tắc chính trị, kinh tế và hỗn loạn xã hội.
Xã luận của tờ Le Monde nói tới « Hứa hẹn của mô hình Tunisia » : một lần nữa Tunisa lại là tấm gương để noi theo. Cách nay 3 năm Tunisia là điểm xuất phát của phong trào mùa xuân Ả Rập. Trong lúc Syria, Libya và Ai Cập đều rơi vào cảnh rối ren, khủng hoảng triền miên thì Tunisia sau khi trục xuất được tay bạo chúa Ben Ali và gia đình ra khỏi quyền lực, đã êm thắm tổ chức bầu cử. Đảng Hồi giáo Ennahda lên cầm quyền. Nhưng rồi không chứng minh được là đảng này đủ sức lèo lái vận mệnh đất nước, Ennahda đã biết rút lui, tránh để đất nước lâm vào bế tắc.
Theo Le Monde về phương diện chính trị, đó là một sự « khôn ngoan và thông minh » của các nhà lãnh đạo ở Tunis. Le Figaro bồi thêm « ba năm sau cuộc cách mạng và sau 10 tháng bế tắc chính trị, lộ trình dân chủ của Tunisia bước sang một ngã rẽ khác. Tunisia tiến bước trên con đường dân chủ ».
Miyazaki, ông vua không ngai của phim hoạt họa Nhật Bản
Phần trang văn hóa của các tờ báo Paris ngày cuối tuần rất đa dạng và phong phú. Libération dành nhiều trang để phác họa lại sự nghiệp lẫy lừng của ông vua không ngai trong làng phim hoạt họa Nhật Bản, Hayao Miyazaki.
Nổi tiếng từ năm 1979 với « Lâu đài Cagliostro », từ đó đến nay mỗi tác phẩm của ông đều được coi là một sự kiện nghệ thuật. Nhà làm phim hoạt họa người Nhật Hayao Miyazaki, 73 tuổi, vừa tuyên bố giải nghệ sau khi hoàn tất bộ phim cuối cùng « Trời trở gió » Bộ phim hoạt họa này sắp ra mắt khán giả pháp vào ngày 22/01/2014.
« Trời trở gió » xoay quanh nhân vật chính là kỹ sư Jiro Horikoshi, cha đẻ của kiểu máy bay chiến đầu A6M Zero từng gây rất nhiều tiếng vang trong trận Trân châu Cảng Pearl Harbor trong Đệ Nhị Thế Chiến. Trong phim, Jiro trước hết là một cậuu bé mê thích lái máy bay nhưng vì mắt yếu Jiro phải từ bỏ giấc mơ đó và bắt đầu nghĩ tới chuyện thiết kế máy bay với những hậu quả vượt khỏi trí tưởng tượng của Horikoshi.
Libération nhận xét : nếu thực sự nhà làm phim Miyazaki muốn khép lại sự nghiệp nghệ thuật của mình, thì ông không thể nào tìm được một hồi kết hay hơn là ra đi với tác phẩm « Trời trở gió ».
Hồi ký Đông Dương
Cũng trong phần tin văn hóa, La Croix dành một khung nhỏ để giới thiệu về một cuốn sách mang tựa đề « La Nuit attendra »- tạm dịch là « Đêm đợi, đêm chờ », nhà xuất bản Flammarion.  Đó là một cuốn hồi ký của nhà báo Jacques Chancel nói về thời kỳ ông công tác tại Đông Dương vào những năm 1950.
Xuất phát từ cảng Sète miền nam nước Pháp, 55 ngày sau ông đặt chân đến Sài Gòn. Khách sạn Continental là nơi Chancel cắm trụ. Tại Đông Dương, Chancel bắt đầu hành nghề nhà báo, khi thì điều khiển chương trình của đài Radio France Asie, khi thì với tư cách phóng viên chiến trường.
Qua « La Nuit attendra », tác giả làm sống dậy xã hội của Đông Dương thời đó với những tên tuổi đã đi vào huyền thoại như nữ ca sĩ Josephine Baker, nhà báo Raymond Cartier, hoàng để Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương … và bên cạnh đó là những người bạn đồng hành của Jacques Chancel đã ngã xuống tại chiến trường Đông Dương, là những bóng hồng đã đi ngang qua đời ông.
 
tags: Pháp - Điểm báo
 
http://www.viet.rfi.fr/diem-bao/20140111-doi-tu-cua-tong-thong-phap

Geen opmerkingen:

Een reactie posten