dinsdag 28 januari 2014

Trung Quốc tham gia chương trình quốc tế thăm dò dầu khí Biển Đông

Thứ ba 28 Tháng Giêng 2014

Trung Quốc tham gia chương trình quốc tế thăm dò dầu khí Biển Đông

Tàu khoan Joides Resolution, của tổ chức National Science Foundation nghiên cứu thăm dò dầu khí tại Biển Đông (joidesresolution.org)
Tàu khoan Joides Resolution, của tổ chức National Science Foundation nghiên cứu thăm dò dầu khí tại Biển Đông (joidesresolution.org)

Thanh Phương
Một chuyến hải trình nghiên cứu khoa học quốc tế để thăm dò dầu khí trên Biển Đông đã xuất phát từ Hồng Kông ngày 28/01/2014, với sự tham gia lần đầu tiên của Trung Quốc. Chuyến hải trình này là nằm trong khuôn khổ Chương trình Khám phá Đại dương Quốc tế IODP, do Hoa Kỳ khởi xướng từ thập niên 1960, mà đợt mới nhất sẽ kéo dài 10 năm, từ 2013 đến 2023.


Đây là lần đầu tiên Trung Quốc tài trợ và tham gia một chuyến hải trinh nghiên cứu như vậy, qua đó một lần nữa thể hiện tham vọng chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, khu vực được cho là có trữ lượng dầu khí rất lớn.
Theo nhật báo Hồng Kông, South China Morning Post, số ra ngày 27/01, đoàn khoa học gia quốc tế sẽ đi trên chiếc tàu khoan Joides Resolution, của tổ chức National Science Foundation NSF của Mỹ và họ sẽ đi nghiên cứu thăm dò dầu khí tại những vùng biển đang có tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc với Việt Nam và Philippines trên Biển Đông.
Chuyến đi kéo dài khoảng 2 tháng có sự tham gia của 31 nhà khoa học từ 10 nước và khu vực, trong đó có 13 nhà khoa học Trung Quốc, 9 nhà khoa học Mỹ và 1 nhà khoa học từ Đài Loan. Các nhà khoa học sẽ tiến hành khoan ở ba địa điểm để lấy các mẫu trầm tích và đá. Các mẫu trầm tích và đá này sẽ giúp các nhà khoa học hiểu rõ sự tiến hóa về kiến tạo của đáy Biển Đông, từ đó xác định được vị trí các mỏ dầu khí tại đây.
Tờ báo Hồng Kông nhắc lại là chương trình OIDP đã mời gọi tổng cộng 26 quốc gia thành viên đưa ra những đề nghị. Riêng Trung Quốc đã đưa ra đề nghị nghiên cứu thăm dò dầu khí ở Biển Đông từ năm 2008. Đề nghị này ban đầu không được ủng hộ lắm, nhưng cuối cùng vẫn được chọn là bởi vì Bắc Kinh đã đồng ý tài trợ đến 70% chi phí của chuyến hải trình quốc tế, tức là khoảng 6 triệu đôla.
Khoản tài trợ này đến đúng lúc, bởi vì tổ chức NSF, vốn tài trợ 70% chi phí hoạt động của tàu Joides Resolution, năm ngoái đã phải cắt giảm ngân sách thường niên dành cho khoan thăm dò nghiên cứu đại dương.
Theo tờ South China Morning Post, tàu Joides Resolution đã được giấy phép từ Philippines và Trung Quốc, nhưng còn chờ trả lời từ phía Việt Nam để khoa thăm dò tại một địa điểm ở khu vực Tây Nam Biển Đông. Nếu không được, thì họ sẽ chuyển sang một địa điểm khác.
Vào tháng 5/2012, Trung Quốc đã bắt đầu khoan thăm dò dầu khí ở vùng nước sâu trên Biển Đông, tại một địa điểm cách Hồng Kông đến 200 hải lý, gây thêm căng thẳng giữa Bắc Kinh với Manila. Đến tháng 12/2012, Bắc Kinh lại yêu cầu Việt Nam ngưng thăm dò dầu khí ở các vùng tranh chấp trên Biển Đông và ngưng « sách nhiễu » các tàu cá của Trung Quốc.
Những kết quả nghiên cứu thăm dò dầu khí của các nhà khoa học trên tàu Joides Resolution sẽ được phổ biến ra toàn thế giới, kể cả cho những nước không phải là thành viên của chương trình OIDP. Nhưng khi chấp nhận bỏ tiền tài trợ để chuyến nghiên cứu thăm dò được thực hiện, Bắc Kinh chắc là muốn sử dụng những kết quả nghiên cứu nói trên cho tham vọng độc chiếm nguồn dầu khí ở Biển Đông.
tags: Biển Đông - Châu Á - Dầu khí - Phân tích - Trung Quốc - Việt Nam
 
http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20140128-lan-dau-tien-trung-quoc-tham-gia-chuong-trinh-tham-do-dau-khi-quoc-te-o-bien-dong

Geen opmerkingen:

Een reactie posten