dinsdag 11 augustus 2020

Nhật Bản : Hiroshima + Nagasaki tưởng niệm nạn nhân 75 năm vụ ném bom nguyên tử

 

Nhật Bản tưởng niệm nạn nhân 75 năm vụ ném bom nguyên tử Hiroshima

Ảnh tư liệu chụp ngày 07/09/1945 một phần thành phố Hiroshima, Nhật Bản, bị Mỹ ném bom nguyên tử ngày 06/08/1945.
Ảnh tư liệu chụp ngày 07/09/1945 một phần thành phố Hiroshima, Nhật Bản, bị Mỹ ném bom nguyên tử ngày 06/08/1945. AP - Stanley Troutman
Thanh Hà
3 phút

Năm 2020, Nhật Bản tưởng niêm nạn nhân Hiroshima trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Ngày 06/08, thủ tướng Shinzo Abe và một số quan khách quốc tế tham dự buổi lễ kỷ niệm 75 năm ngày quân đội Mỹ ném quả bom nguyên tử đầu tiên xuống thành phố Hiroshima, miền tây Nhật Bản, kết thúc Thế Chiến Thứ Hai.

QUẢNG CÁO

Cách nay đúng 75 năm vào lúc 8 g 15 phút sáng, quả bom Little Boy đã rơi xuống Hiroshima, 140.000 người thiệt mạng. Ba ngày sau đến lượt thành phố Nagasaki hứng chịu tai họa, cướp đi 47.000 sinh mạng.

Thông tín viên Bruno Duval tại Nhật Bản liên lạc được với cụ bà Keiko Ogura, 83 tuổi, một trong những nhân chứng còn sống sót. Bà kể lại thảm họa Hiroshima khi vừa lên 8 tuổi :

"Trong đêm mồng 5 bước sang ngày mồng 6 tháng 8, quân đội Mỹ không kích liên tục. Cả nhà chúng tôi ngủ qua đêm trong một hầm trú ẩn. Sáng hôm đó, bố tôi bảo : "Keiko, hôm nay con nghỉ ở nhà, không đi học. Không an toàn chút nào. Đi về nhà ngay lập tức". Đến 8 giờ 15 sáng, tôi về gần đến nhà thì bỗng trông thấy lóe lên một tia chớp kinh hoàng, màu trắng đục. Kế tiếp là tiếng nổ rất lớn, rồi gió thổi mạnh kinh khủng hất tôi ngã gục. Đập đầu vào đá. Và tôi ngất đi (...)

Khi tỉnh lại chung quanh tôi tất cả đã bị tàn phá và đang cháy. Một sự im lặng chết người bao phủ lên chung quanh. Giữa ban ngày mà trời tối đen như mực. Không biết nói gì hơn. Tôi không gượng dậy được. Hàng ngàn người tại đây bắt đầu bỏ chạy khỏi trung tâm thành phố. Đa phần bị bỏng nặng. Nhiều người rên rỉ xin nước uống. Hai người bị thương chết ngay trước mắt khi tôi mang nước đến cho họ. Đừng bao giờ tiếp nước cho những người đang bị bỏng nặng. Khi ấy tôi đâu biết được điều này. Lúc đó tôi là một đứa bé con. Tôi tưởng mình làm việc tốt nhưng chính tôi đã giết họ khi cố gắng giúp đỡ họ. Tôi bị ác mộng trong nhiều năm.

Những ngày sau đó, các nạn nhân được đưa vào các lò thiêu. Có nhiều lò thiêu được dựng lên đến nỗi cả ngày khói đen và mùi khét bao phủ thành phố. Từ đó đến giờ ba câu hỏi vẫn ám ảnh tôi : Tại sao mình không chết ở Hiroshima ? Tại sao ngày 06/08/1945 mình không cứu được ai ? Và tại sao 75 năm sau vẫn tồn tại vũ khí nguyên tử ? Tại sao ? Điều này khiến tôi phẫn nộ".

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200806-nh%E1%BA%ADt-b%E1%BA%A3n-t%C6%B0%E1%BB%9Fng-ni%E1%BB%87m-n%E1%BA%A1n-nh%C3%A2n-75-n%C4%83m-v%E1%BB%A5-n%C3%A9m-bom-nguy%C3%AAn-t%E1%BB%AD-hiroshima

Nhật Bản: Nagasaki kỷ niệm 75 năm vụ ném bom nguyên tử

Quả bom nguyên tử thả xuống Nagasaki, Nhật Bản, ngày 09/08/1945. Ảnh tư liệu.
Quả bom nguyên tử thả xuống Nagasaki, Nhật Bản, ngày 09/08/1945. Ảnh tư liệu. via REUTERS - US ARMY
Thu Hằng
2 phút

Ba ngày sau Hiroshima, ngày 09/08/2020, thành phố Nagasaki, miền nam Nhật Bản, tưởng niệm 75 năm vụ ném bom nguyên tử khiến 75.000 người chết, trong đó có 20.000 người chết tại chỗ.

Phát biểu trước thủ tướng Shinzo Abe tham dự buổi lễ, thị trưởng Nagasaki Tomihisa Taue kêu gọi chính phủ Nhật Bản ký hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân của Liên Hiệp Quốc, đã được 40 nước phê chuẩn. Tuy nhiên, đây là điều mà cho đến nay, Tokyo vẫn từ chối.

Thông tín viên RFI Frédéric Charles tại Tokyo tường trình :

« Vì là nạn nhân của cuộc thảm sát hạt nhân vô nghĩa thứ hai xét về mặt quân sự - Nhật Bản khi ấy đã bại trận - thành phố Nagasaki tự thấy là có quyền lên án việc chính quyền Tokyo từ chối ký Hiệp Ước cấm vụ khí hạt nhân của Liên Hiệp Quốc.

Có mặt tại Nagasaki vào Chủ Nhật 09/08, thủ tướng Shinzo Abe đã không trả lời thị trưởng Tomihisa Taue. An ninh Nhật Bản phụ thuộc vào chiếc ô hạt nhân của Mỹ. Ông Shinzo Abe tìm cách xét lại Hiến Pháp chủ hòa của Nhật Bản, để trang bị vũ khí hạt nhân cho hai vùng Hiroshima và Nagasaki trong trường hợp cần thiết.

Tên lửa của Bắc Triều Tiên đang đe dọa Nhật Bản. Theo một báo cáo của Liên Hiệp Quốc, chế độ Bình Nhưỡng dường như đã thu nhỏ được đầu đạn hạt nhân để lắp vào hệ thống vũ khí đạn đạo. Trước mối đe dọa đó, Nhật Bản tìm cách trang bị khả năng tấn công để tự vệ trước Bình Nhưỡng.

Trước đó, tại Nagasaki vào tháng 11/2019, giáo hoàng Phanxicô từng lên án tư tưởng răn đe hạt nhân để bảo đảm hòa bình. Theo ngài, đó là một « cách bảo vệ sai lầm chỉ khiến căng thẳng leo thang trên thế giới ».

Quả bom nguyên tử mà quân đội Mỹ thả xuống Nagasaki còn kinh khủng hơn quả bom thả xuống Hiroshima. Những người sống sót vẫn chịu những vết tích kinh hoàng như mặt bị bỏng nặng và cơ thể biến dạng ».

 https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200809-nh%E1%BA%ADt-b%E1%BA%A3n-nagasaki-k%E1%BB%B7-ni%E1%BB%87m-75-n%C4%83m-v%E1%BB%A5-n%C3%A9m-bom-nguy%C3%AAn-t%E1%BB%AD

Geen opmerkingen:

Een reactie posten