zaterdag 8 augustus 2020

Mỹ trừng phạt các lãnh đạo Hồng Kông, bước leo thang mới với Bắc Kinh + Mỹ bắt đầu dỡ bỏ quy chế đặc biệt cho Hồng Kông

 

Mỹ trừng phạt các lãnh đạo Hồng Kông, bước leo thang mới với Bắc Kinh

Trưởng đặc khu hành chính, Lâm Trịnh Nguyệt Nga, đứng đầu danh sách các lãnh đạo Hồng Kông bị Washington trừng phạt.
Trưởng đặc khu hành chính, Lâm Trịnh Nguyệt Nga, đứng đầu danh sách các lãnh đạo Hồng Kông bị Washington trừng phạt. REUTERS - LAM YIK
Thụy My
3 phút

Hoa Kỳ hôm 07/08/2020 thông báo đóng băng tài sản của 11 nhà lãnh đạo ở Hồng Kông trong đó có trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam), để trừng phạt việc hạn chế quyền tự trị Hồng Kông, quyền tự do ngôn luận và hội họp của người dân. Văn phòng đại diện Trung Quốc tại đặc khu gọi đây là hành động « tàn bạo » của Washington. 

Thông tín viên Loubna Anaki tường trình từ New York :

 « Tổng cộng có 11 nhà lãnh đạo Hồng Kông bị Washington trừng phạt. Đứng đầu danh sách là trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga, người đã bênh vực luật an ninh do Trung Quốc áp đặt, cho rằng đây là công cụ chủ chốt để chấm dứt tình trạng lộn xộn.

 Trong số các quan chức bị nằm trong tầm ngắm còn có cảnh sát trưởng, người đứng đầu ngành an ninh và ngành tư pháp. Tất cả đều bị cáo buộc đã giúp cho Trung Quốc siết lại quyền tự trị của đặc khu và hạn chế tự do của cư dân Hồng Kông.

 Bộ trưởng Tài Chính Mỹ Steve Mnuchin nhấn mạnh đó là « những hành động không thể chấp nhận được ». Ông cho biết các biện pháp trừng phạt mới này chủ yếu nhắm vào việc tịch thu tài sản của các nhà lãnh đạo Hồng Kông tại Hoa Kỳ.

 Đây là lần đầu tiên Washington trực tiếp đánh vào các nhân vật đứng đầu cựu thuộc địa Anh. Hoa Kỳ cao giọng và một lần nữa lại leo thang trong cuộc xung đột Mỹ-Trung.

 Hôm thứ Năm vừa qua, tổng thống Trump cũng đã ký sắc lệnh ấn định tối hậu thư cho TikTok và WeChat, hai ứng dụng do các công ty Trung Quốc sở hữu. Nếu không được các công ty Mỹ mua lại, TikTok và WeChat sẽ bị cấm hẳn trong vòng 45 ngày tới. »

Chính quyền Hồng Kông coi việc trừng phạt này là « đáng xấu hổ ». Văn phòng đại diện Trung Quốc tại Hồng Kông, mà giám đốc là Lạc Huệ Ninh (Luo Huining) nằm trong số quan chức bị trừng phạt, lên án hành động bị cho là « dã man và thô bỉ » của Mỹ. Bản thân ông Lạc Huệ Ninh khẳng định mình « không có một xu nào để gởi ra nước ngoài ».

 Các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ nhằm trả đũa việc Bắc Kinh ngang nhiên áp đặt luật an ninh quốc gia lên Hồng Kông, phá vỡ thỏa thuận với Anh lúc cựu thuộc địa được trao trả năm 1997.

Trung Quốc sẽ quyết định số phận của Nghị Viện Hồng Kông

Ủy ban thường vụ Quốc Hội Trung Quốc hôm nay 08/08/2020 bắt đầu một hội nghị kéo dài bốn ngày để tìm cách lấp đầy khoảng trống ở Nghị Viện Hồng Kông, do cuộc bầu cử dự kiến ngày 06/09 bị dời sang năm tới.

Ủy ban này sẽ quyết định có nên kéo dài nhiệm kỳ của các dân biểu, vốn sẽ kết thúc ngày 30/09, hay chỉ định một « cơ quan chuyển tiếp ». Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga cho rằng nên gia hạn nhiệm kỳ, tuy nhiên còn vướng mắc ở chỗ có bốn dân biểu đối lập đã bị bác hồ sơ, không cho ra tranh cử tiếp.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200808-m%E1%BB%B9-tr%E1%BB%ABng-ph%E1%BA%A1t-c%C3%A1c-l%C3%A3nh-%C4%91%E1%BA%A1o-h%E1%BB%93ng-k%C3%B4ng-b%C6%B0%E1%BB%9Bc-leo-thang-m%E1%BB%9Bi-v%E1%BB%9Bi-b%E1%BA%AFc-kinh

Mỹ bắt đầu dỡ bỏ quy chế đặc biệt cho Hồng Kông

Một góc đặc khu hành chính Hồng Kông nhìn từ ngoài vịnh, ngày 29/06/2020.
Một góc đặc khu hành chính Hồng Kông nhìn từ ngoài vịnh, ngày 29/06/2020. REUTERS - TYRONE SIU
Trọng Thành
3 phút

Để trả đũa việc Bắc Kinh ra luật về an ninh Hồng Kông, chính quyền Mỹ kể từ ngày 29/06/2020, bắt đầu dỡ bỏ quy chế đặc biệt dành cho đặc khu, trước hết với việc đình chỉ xuất khẩu sang Hồng Kông các vũ khí, thiết bị quân sự và các công nghệ lưỡng dụng, có thể sử dụng cho mục tiêu dân sự và quốc phòng.  

Theo AFP, trước ngày Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội Trung Quốc thông qua luật an ninh cho Hồng Kông (30/06), ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm qua ra thông báo cho biết bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ sẽ không cho phép bán các phương tiện phòng vệ, các thiết bị quân sự, sang Hồng Kông, tương tự như với Trung Quốc. Theo lãnh đạo ngoại giao Mỹ, Washington cũng sẽ có các biện pháp để giới hạn việc xuất khẩu các công nghệ quốc phòng và các công nghệ lưỡng dụng, tương tự như với Trung Quốc. 

Ngoại trưởng Mỹ giải thích: « Việc Đảng Cộng Sản Trung Quốc phủ nhận các quyền tự do của Hồng Kông bắt buộc chính quyền Donald Trump phải xem xét lại chính sách đối với vùng lãnh thổ này ». Ông Pompeo cho biết chính quyền Mỹ đang xem xét các biện pháp khác. 

Hồi tháng trước, tổng thống Mỹ đã đưa ra cảnh báo rút Quy chế đặc biệt của Hồng Kông, nếu chính quyền Trung Quốc ra luật an ninh quốc gia, can thiệp trực tiếp vào đặc khu, từ bỏ nguyên tắc « Một quốc gia, hai chế độ », quay lưng lại với các cam kết quốc tế của Bắc Kinh về Hồng Kông.

Phản ứng lại quyết định của Mỹ, hôm nay, 30/06, người phát ngôn bộ Ngoại Giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) khẳng định «  Hoa Kỳ sẽ không bao giờ có thể cản trở được Trung Quốc thúc đẩy việc cải thiện nền lập pháp Hồng Kông về phương diện an ninh quốc gia ». Bắc Kinh cũng đe dọa sẽ có cách trả đũa. 

Trả lời Reuters, cựu tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Hồng Kông, ông Kurt Tong cho biết hiện tại quyết định trừng phạt nói trên không ảnh hưởng nhiều đến quan hệ thương mại của Mỹ với Hồng Kông, bởi kinh tế Hồng Kông về cơ bản là một nền kinh tế dựa vào dịch vụ hơn là sản xuất.

Theo giới chuyên gia, việc tước bỏ hoàn toàn Quy chế đặc biệt với Hồng Kông là một quyết định rất khó khăn, bởi cũng sẽ mang lại các tổn thất lớn cho chính nước Mỹ. Hiện tại, khoảng 1.300 công ty Hoa Kỳ hoạt động tại Hồng Kông, trong đó có nhiều tập đoàn tài chính lớn, và 85.000 công dân Mỹ sinh sống tại đặc khu hành chính này. 

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200630-m%E1%BB%B9-b%E1%BA%AFt-%C4%91%E1%BA%A7u-d%E1%BB%A1-b%E1%BB%8F-quy-ch%E1%BA%BF-%C4%91%E1%BA%B7c-bi%E1%BB%87t-cho-h%E1%BB%93ng-k%C3%B4ng

Geen opmerkingen:

Een reactie posten