woensdag 26 augustus 2020

Mỹ giáng thêm một đòn “chí mạng”, Hoa Vi chới với + Ngoại trưởng Trung Quốc công du châu Âu để... cứu Hoa Vi

 

Mỹ giáng thêm một đòn “chí mạng”, Hoa Vi chới với

Logo tập đoàn viễn thông Trung Quốc Hoa Vi tại sân bay quốc tế Thẩm Quyến (Trung Quốc).
Logo tập đoàn viễn thông Trung Quốc Hoa Vi tại sân bay quốc tế Thẩm Quyến (Trung Quốc). REUTERS - Aly Song
Trọng Nghĩa
7 phút

Thái độ hoan hỉ của tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi khi soán được ngôi vị nhà sản xuất điện thoại thông minh số một thế giới của đối thủ Hàn Quốc Samsung trong quý 2/2020 quả là tồn tại không lâu. Ngày 17/08/2020, chính quyền Mỹ đã loan báo quyết định nhằm làm cạn kiệt nguồn cung cấp bộ phận và linh kiện điện tử mà tập đoàn Trung Quốc rất cần trong sản xuất.

Nhiều nhà phân tích đã lập tức cho rằng quyết định mới nhất này của chính quyền Donald Trump là một đòn chí mạng, một bản án tử hình đối với Hoa Vi.

Một cách chính thức, quyết định của Mỹ vào tuần trước chỉ là mở rộng một danh sách đen của bộ Thương Mại Mỹ, gộp thêm 38 nhà cung cấp có quan hệ với Hoa Vi tại 21 quốc gia, vào một danh sách bao gồm tổng cộng 152 công ty bị cấm mua các bộ phận và linh kiện, đặc biệt là các loại chip điện tử, nếu không được phép của chính quyền Mỹ.

Trong thực tế, theo nhận xét của hãng tin Anh Reuters, quyết định trên đây của Mỹ có tác dụng cấm giới sản xuất trên thế giới bán cho Hoa Vi các loại bộ phận, linh kiện bán dẫn… nếu việc sản xuất các mặt hàng này dùng đến thiết bị hay công nghệ của Mỹ.

Động thái mới này đã lấp đi lỗ hổng của lệnh cấm đã ban hành vào tháng 5 vừa qua mà Hoa Vi được cho là đã biết lợi dụng để tiếp tục hoạt động sản xuất.

Đỉnh điểm của một cuộc chiến 15 năm

Theo nhật báo Anh Financial Times ngày 21/08, đối với Washington, quyết định mới ban hành là đỉnh điểm của một cuộc chiến kéo dài 15 năm chống lại Hoa Vi, bắt đầu khi công ty này cố gắng thâm nhập thị trường Mỹ lần đầu tiên vào đầu những năm 2000.

Các nhà quan sát kỳ cựu cho rằng Mỹ đang tiến gần đến một mục tiêu tưởng như là không tài nào đạt được. Vào năm ngoái, Washington đã bắt đầu siết gọng kềm nhắm vào Hoa Vi với nhiều lệnh trừng phạt, nhưng hai quyết định trước đây đều không thấm vào đâu. Lần này, thì các chuyên gia trong ngành cho rằng thật khó để thấy được là Hoa Vi “có thể thoát khỏi thòng lọng của Washington” như thế nào.

Một nhà phân tích công nghệ tại Gavekal Dragonomics, một hãng nghiên cứu ở Bắc Kinh nhận định là các sản phẩm của Hoa Vi từ điện thoại thông minh cho đến hạ tầng cơ sở mạng đều cần đến vật liệu bán dẫn, với hai ngành này chiếm đến 90% hoạt động kinh doanh của Hoa Vi.

Theo chuyên gia này, “nếu không có khả năng sản xuất những sản phẩm đó, Hoa Vi sẽ không còn là Hoa Vi nữa”. Hồi đầu tuần trước, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã tố cáo các quy định mới của Mỹ, gọi đó là một “bản án tử hình".

Nhà Nước Trung Quốc tất yếu phải can thiệp để cứu Hoa Vi

Trong bài viết của mình, báo Financial Times đã nêu bật mối lo ngại của các tập đoàn viễn thông thế giới trước khả năng Hoa Vi bị sụp đổ cho dù một số chuyên gia vẫn giữ thái độ thận trọng, cho rằng còn quá sớm để nói đến ngày tàn của Hoa Vi, vì dứt khoát Nhà nước Trung Quốc sẽ nhẩy vào để cứu doanh nghiệp hàng đầu của minh.

Theo Financial Times, giám đốc điều hành một tập đoàn viễn thông châu Âu đã gọi viễn cảnh Hoa Vi - nhà cung cấp hàng đầu trên thị trường - bị sụp đổ là “thảm họa”.

Theo nhân vật này, các nhà mạng hiện đã phải gánh chịu thêm chi phí do việc phải giảm số lượng thiết bị Hoa Vi do áp lực chính trị ngày càng tăng ở các nước phương Tây từ Úc đến Anh . Việc Hoa Vi sụp đổ vì không có linh kiện điện tử cần thiết để sản xuất, sẽ đè nặng trên các tập đoàn viễn thông đang dựa vào sản phẩm Hoa Vi như hãng Anh BT, hãng Đức Deutsche Telekom và hãng Thụy Sĩ Swisscom, đang sử dụng thiết bị Hoa Vi cho mạng băng thông rộng của họ.

Hoa Vi sẽ cố cầm cự trong 6 tháng?

Tuy nhiên, đối với Financial Times, cái chết chưa phải trước mắt. Hoa Vi đã cẩn thận xây dựng kho dự trữ chip từ khi Washington gia tăng súc ép với tập đoàn cách đây hai năm.

Tờ báo Anh đã phản bác thông tin cho rằng tập đoàn Trung Quốc đã có dự trữ hai năm để tiếp tục hoạt động, nhưng công nhận rằng Hoa Vi có đủ vật liệu để tiếp tục hoạt động trong 6 tháng nữa.

Theo nhật báo Anh, sáu tháng nghĩa là chờ đến sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đầu tháng 11, và nếu ông Biden thắng cử thì Mỹ có thể giảm nhẹ áp lực với Hoa Vi. Nhưng những hy vọng này còn mong manh.

Theo nhận định của ông Hosuk Lee-Makiyama, giám đốc Trung Tâm Chính Trị Kinh Tế Quốc Tế Châu Âu, trụ sở tại Bruxelles, những người có kinh nghiệm ở Trung Quốc hiểu rằng khả năng ông Biden hữu hảo dài lâu trở lại với Trung Quốc không nhiều, và “tuần trăng mật giữa Bắc Kinh với chính quyền Biden sẽ khó kéo dài vì Trung Quốc không thể thay đổi chính sách của họ một cách cơ bản”.

Nhiều quy định của Bắc Kinh vẫn làm cho các chính phủ phương Tây bất bình, khiến họ cứng rắn với Hoa Vi và Trung Quốc nói chung, như luật an ninh của Trung Quốc chẳng hạn. Luật này đòi hỏi các tập đoàn và người dân Trung Quốc hỗ trợ cho cơ quan an ninh Trung Quốc khi được yêu cầu bất kỳ điều gì, cho nên đã làm dấy lên lo ngại về hoạt động gián điệp.

Một vấn đề khác cũng đang khuấy động quan hệ với phương Tây là luật an ninh Hồng Kông: Bắc Kinh muốn khuất phục, tước bỏ quyền tự trị, quyền công dân và pháp quyền tại đặc khu này.

Trung Quốc sẽ can thiệp, nhưng sẽ thêm củi lửa cho những cáo buộc của Mỹ

Trước kịch bản này thì tương lai của Hoa Vi có vẻ đen tối và một số nhà quan sát tin rằng chính phủ Trung Quốc sẽ bước vào để nâng đỡ tập đoàn của mình.

Một nhà điều hành trong ngành công nghiệp bán dẫn Đài Loan cho rằng “Hoa Vi quá lớn để có bị bỏ rơi. Bắc Kinh sẽ chắc chắn trợ giúp”. Vấn đề là bằng cách nào.

Một số chuyên gia khác cho rằng khó mà thấy được là bằng cách nào mà Hoa Vi có thể tiếp tục hoạt động dưới hình thức hiện nay, với trừng phạt của Mỹ. Chính quyền Trung Quốc chắc chắn sẽ đóng một vai trò trong việc tái cơ cấu công ty, và như thế sẽ biến Hoa Vi thành điều mà Mỹ luôn cáo buôc nhưng Hoa Vi luôn lớn tiếng phủ nhận, tức là: Một tập đoàn Nhà nước Trung Quốc.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200825-my%CC%83-gia%CC%81ng-th%C3%AAm-m%C3%B4%CC%A3t-%C4%91o%CC%80n-chi%CC%81-ma%CC%A3ng-hoa-vi-ch%C6%A1%CC%81i-v%C6%A1%CC%81i

Ngoại trưởng Trung Quốc công du châu Âu với trọng tâm là hồ sơ Hoa Vi

Ảnh tư liệu: Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) trước cuộc gặp chủ tịch Hội Đồng Châu Âu, Bruxelles, Bỉ, ngày 17/12/2019.
Ảnh tư liệu: Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) trước cuộc gặp chủ tịch Hội Đồng Châu Âu, Bruxelles, Bỉ, ngày 17/12/2019. AFP - JOHN THYS
Mai Vân
3 phút

Theo lịch trình, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm nay, 25/08/2020 tới Ý, trong khuôn khổ chuyến công du 5 nước châu Âu đầu tiên, kể từ khi bùng nổ dịch Covid-19. Sau Ý, ông Vương Nghị sẽ tới Na Uy, Hà Lan, Pháp và cuối cùng là Đức. Một trong những trọng tâm chuyến công du là các hợp đồng xây dựng mạng 5G mà tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi đang dần dần bị gạt ra ở châu Âu.

Trong thời gian gần đây tin xấu đã dồn dập đến với Hoa Vi. Tại Na Uy, tập đoàn viễn thông Telenor đã chọn công ty Ericsson của Thụy Điển cho mạng 5G của họ thay vì Hoa Vi. Chính quyền Hà Lan cũng có kế hoạch cấm một số tập đoàn « có vấn đề » không được tham gia xây dựng các bộ phận quan trọng trong mạng 5G của họ. Tại Pháp, dù không có lệnh cấm hoàn toàn đối với Hoa Vi, nhưng một số quy định đã mặc nhiên loại bỏ Hoa Vi. Riêng ở Đức, số phận của tập đoàn Trung Quốc sẽ được quyết định vào tháng 9 tới đây.

Thông tín viên RFI Liu Zhifan tại Bắc Kinh giải thích tầm quan trọng của chuyến công du châu Âu của ngoại trưởng Trung Quốc :

"Giai đoạn đầu của chuyến công du của ngoại trưởng Vương Nghị là nước Ý, quốc gia duy nhất trong lịch trình chuyến thăm đã chính thức tham gia đề án hạ tầng cơ sở « Con Đường Tơ Lụa Mới của Trung Quốc.

Ông Vương Nghị sẽ phải thuyết phục đồng nhiệm Ý là không nên loại trừ Hoa Vi ra khỏi hệ thống 5G của Ý. Hoa Vi đứng đầu thế giới trong lãnh vực này nhưng bị xem là quá gắn chặt với chính quyền Trung Quốc.

Chuyến công du đầu tiên này từ ngày dịch Covid-19 bùng lên tại Trung Quốc rồi lan rộng ra thế giới còn có mục tiêu nối lại liên lạc với châu Âu vào lúc mà quan hệ Mỹ-Trung ngày càng căng thẳng.

Trung Quốc xem chuyến đi châu Âu này là cơ hội để cổ vũ cho chủ nghĩa đa phương nhằm thúc đẩy kinh tế thế giới, vào lúc mà việc chính quyền Cộng Sản muốn chứng tỏ tính ưu việt của mô hình y tế Trung Quốc đã làm cho nhiều chính phủ châu Âu bất bình. Một thái độ hung hăng mà đạo luật an ninh quốc gia Trung Quốc ban hành giữa mùa hè và triệt tiêu tự do ở Hồng Kông là một biểu tượng.

Các cuộc gặp trong chuyến công du này của ông Vương Nghi cũng là dịp để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh giữa các lãnh đạo châu Âu và ông Tập Cận Bình vào giữa tháng 9, xoay quanh một hiệp định thương mại giữa Liên Âu và cường quốc kinh tế thứ nhì thế giới."

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200825-ngo%E1%BA%A1i-tr%C6%B0%E1%BB%9Fng-trung-qu%E1%BB%91c-c%C3%B4ng-du-ch%C3%A2u-%C3%A2u-v%C6%A1%CC%81i-tr%E1%BB%8Dng-t%C3%A2m-l%C3%A0-h%E1%BB%93-s%C6%A1-hoa-vi

Geen opmerkingen:

Een reactie posten