Ngoại trưởng Philippines đề nghị hủy hợp đồng với các công ty Trung Quốc bị Mỹ cấm vận
Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin hôm 28/8 nói ông sẽ đề nghị chính phủ nước ông hủy bỏ các thỏa thuận làm ăn với các công ty Trung Quốc bị Mỹ đưa vào sổ đen vì vai trò của họ trong việc xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo trong Biển Đông.
Hôm 26/3, Hoa Kỳ nêu tên 24 công ty và cá nhân Trung Quốc mà Washington nói có liên hệ tới các hoạt động vừa kể, trong động thái đầu tiên của Mỹ chống lại Bắc Kinh về tuyến đường thủy đang trong vòng tranh chấp ở Biển Đông.
“Nếu họ có liên quan trong các hoạt động đắp đất xây đảo, thì chúng ta phải nhất quán hủy bỏ bất cứ hợp đồng làm ăn nào với các công ty đó,” Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin nói với CNN Philippines, mà không nêu cụ thể công ty hay dự án nào.
Trong số các công ty Trung Quốc bị ghi vào sổ đen có tập đoàn China Communications Construction Co (CCCC), một tập đoàn chuyên xây dựng hệ thống giao thông và cấu trúc hạ tầng đã được cấp phép để xây dự án sân bay có kinh phí 10 tỉ đôla với một đối tác địa phương ở Cavite, gần thủ đô Manila.
Một chi nhánh của CCCC, công ty China Harbour Engineering Company, cùng với một đơn vị của tập đoàn Udenna do một nhà tài phiệt ở địa phương có liên hệ mật thiết với Tổng Thống Duterte điều hành, đã được chấp thuận bước đầu cho một dự án 1,2 tỉ đô la để thực hiện một dự án đắp đất để xây dựng tại vùng Vịnh Manila.
Thống đốc Cavite Juanito Victor Remulla nói ông sẽ chờ quyết định của ông Duterte trước khi tiến hành dự án.
“Nếu Tổng thống nói, nếu Bộ Quốc phòng nói đó là một rủi ro về an ninh khi thỏa thuận làm ăn với họ, thì chúng tôi sẽ lập tức chấm dứt thỏa thuận,” ông Remulla nói với đài ANC.
Udenna Land, đối tác của Chinese Harbour trong dự án đắp đất ở Vịnh Manila, không trả lời câu hỏi của Reuters.
Tuy nhiên khi được hỏi vào tháng 12 liệu Udenna có lo ngại về việc đối tác với một công ty có liên quan tới việc xây dựng Đá Vành Khăn, đảo nhân tạo nơi Trung Quốc lắp đặt tên lửa có khả năng tấn công Philippines, một đại diện của Udenna nói ông Uy “không quan tâm”.
Trả lời những câu hỏi qua email của Reuters vào tháng 12 năm ngoái, ông Leo Venezuela, Giám đốc quan hệ với các nhà đầu tư của Udenna, nói rằng công ty này có cổ phần ‘không đáng kể’ trong dự án.
Hồi năm 2016, Philippines thắng một vụ kiện tại tòa án trọng tài quốc tế khi tòa án này khẳng định Đá Vành Khăn đã được xây dựng trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines.
Geen opmerkingen:
Een reactie posten