dinsdag 18 augustus 2020

Cuộc tập trận RIMPAC 2020 vẫn có lợi ích chiến lược với Mỹ dù quy mô bị hạn chế

 

Cuộc tập trận RIMPAC 2020 vẫn có lợi ích chiến lược với Mỹ dù quy mô bị hạn chế

Đoàn tàu quốc tế trên đường từ Guam đến Hawaii tham gia cuộc tập trận RIMPAC 2020. Từ trái sang phải: Tàu tuần tra biển KDB Darulehsan (OPV-07) của Brunei, hộ tống hạm RSS Supreme (73) của Singapore, tàu hậu cần HMAS Sirius (O 266) của Úc, khu trục hạm Mỹ USS Rafael Peralta (DDG 115) và hộ tống hạm Úc HMAS Stuart (FFH 153). Ảnh chụp ngày 04/08/2020 tại miền tây Thái Bình Dương.
Đoàn tàu quốc tế trên đường từ Guam đến Hawaii tham gia cuộc tập trận RIMPAC 2020. Từ trái sang phải: Tàu tuần tra biển KDB Darulehsan (OPV-07) của Brunei, hộ tống hạm RSS Supreme (73) của Singapore, tàu hậu cần HMAS Sirius (O 266) của Úc, khu trục hạm Mỹ USS Rafael Peralta (DDG 115) và hộ tống hạm Úc HMAS Stuart (FFH 153). Ảnh chụp ngày 04/08/2020 tại miền tây Thái Bình Dương. USS Rafael Peralta - Petty Officer 2nd Class Jason Is
Trọng Nghĩa
5 phút

Kể từ hôm nay, 17/08/2020 và kéo dài cho đến cuối tháng, Hải Quân thuộc 20 nước trên thế giới, dẫn đầu là Hoa Kỳ, bắt đầu những cuộc tập trận ngoài khơi quần đảo Hawaii trong khuôn khổ cuộc tập trận đa quốc gia RIMPAC 2020, mở ra hai năm một lần.

Dù mang quy mô hạn chế hẳn so với những lần trước, cuộc tập trận năm nay được cho là vẫn sẽ mang lại lợi ích chiến lược to lớn cho Hoa Kỳ trong bối cảnh cuộc cạnh tranh với Trung Quốc đang càng lúc càng gay gắt trên các vùng biển châu Á.

Vào lúc dịch Covid-19 hoành hành khắp nơi, đe dọa những cuộc tụ tập đông người, một sư kiện được mệnh danh là “Cuộc Tập Trận Hải Quân Lớn Nhất Thế Giới” dĩ nhiên đã bị ảnh hưởng, và Mỹ đã bị buộc phải giảm hẳn quy mô cuộc tập trận, đồng thời bỏ hẳn những nội dung diễn tập bị cho là có nguy cơ làm dịch bệnh lây lan.

Từ con số 26 nước tham gia vào năm 2018, với hơn 47 chiến hạm, 5 tàu ngầm, 25.000 quân nhân, cuộc tập trận RIMPAC 2020 này chỉ tập hợp khoảng 10 quốc gia, với khoảng 20 chiếc tàu và 5.600 người. Thời gian tập trận cũng bị rút ngắn xuống còn nửa tháng, thay vì một tháng như lần trước.

Các nội dung tập trận cũng được lược bớt. Các nội dung như tập đổ bộ, rèn luyện chỉ huy tác chiến từ các cơ sở trên bờ đã bị bỏ hẳn, chỉ còn các bài diễn tập trên biển, và chỉ ở vùng biển ngoài khơi Hawaii chứ không tiến hành đồng thời ở vùng biển Calfornia (Hoa Kỳ) như vào năm 2018.

Trong tình hình đó, câu hỏi từng được đặt ra là có ích lợi gì khi duy trì một cuộc tập trận mà quy mô đã bị giảm hơn một nửa như trên, lại trong bối cảnh đã có cả chục ngàn người dân Hawaii lên tiếng phản đối việc duy trì cuộc tập trận, bị cho là hàm chứa nguy cơ phát tán dịch bệnh tại tiểu bang này.

Theo giới quan sát, dù quy mô cuộc tập trận đã bị thu gọn, chất lượng các cuộc tập trận vẫn là một điều hữu ích cho các nước được tham gia. Đứng về mặt thuần túy quân sự, kinh nghiệm học hỏi được từ những nội dung cùng diễn tập với cường quốc hải quân số một thế giới hiện nay là Mỹ sẽ rất quý giá cho các nước như Philippines, Singapore, Hàn Quốc vẫn sốt sắng đến Hawai tập trận.

Đối với các quốc gia đồng minh của Mỹ như Nhật Bản, Úc, thậm chí Pháp và Anh, Canada, có mặt tại RIMPAC 2020, việc rèn luyện kỹ năng chỉ huy, phối hợp tác chiến cũng sẽ là những bài học quý giá, hữu dụng khi phải đối phó với một kẻ thù chung.

Riêng về nước Mỹ, lợi ích hiển nhiên của việc duy trì RIMPAC 2020 là cho thấy vai trò lãnh đạo của mình, đặc biệt khi dù quy mô bị thu nhỏ, cuộc tập trận năm nay vẫn quy tụ được hầu hết các đồng minh quan trọng của Hoa Kỳ, từ Úc, Canada, Anh, Pháp, cho đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, và cả Philippines.

Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Trung Quốc, nước bị Mỹ loại khỏi cuộc tập trận từ năm 2018 vì các hành vi lấn lướt trên Biển Đông, sự hiện diện của các nước đồng minh và đối tác trên đây tại một cuộc tập trận do Mỹ chủ trương là một tín hiệu rõ ràng gởi đến Bắc Kinh.

Trong bài nhận định về cuộc tập trận RIMPAC 2020, tuần báo Anh The Economist ngày hôm qua 16/08 ghi nhận rằng dù quy mô sự kiện có bị thu hẹp, tác dụng của cuộc tập trận năm nay “vẫn cao hơn bao giờ hết”, đặc biệt trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang càng lúc càng căng thẳng trên mọi địa bàn, từ Biển Đông, Biển Hoa Đông cho đến eo biển Đài Loan.

Theo The Economist, “vào lúc ưu thế quân sự của mình đối với Trung Quốc bị xói mòn trong thập kỷ qua, có thể hiểu được là Mỹ đang rất muốn vun bồi những tình bạn cũ và mới”, và cuộc tập trận RIMPAC là một cơ hội thuận lợi.

Tuần báo Anh đã trích lời cựu đô đốc Mỹ James Stavridis, lưu ý rằng cuộc tập trận đóng vai trò một “tín hiệu hữu hình cho thấy là quân đội quan trọng nhất của vùng Thái Bình Dương sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm huấn luyện, chiến thuật và công nghệ”.

Cuộc tập trận cũng nêu bật lợi thế lâu dài của Mỹ trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc: Đó là khả năng thuyết phục rất nhiều quốc gia đa dạng và thân thiện tập hợp lại để tập trận, điều mà Bắc Kinh khó có thể làm được.

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20200817-cu%E1%BB%99c-t%E1%BA%ADp-tr%E1%BA%ADn-rimpac-2020-v%E1%BA%ABn-c%C3%B3-l%E1%BB%A3i-%C3%ADch-chi%E1%BA%BFn-l%C6%B0%E1%BB%A3c-v%E1%BB%9Bi-m%E1%BB%B9-d%C3%B9-quy-m%C3%B4-b%E1%BB%8B-h%E1%BA%A1n-ch%E1%BA%BF

Geen opmerkingen:

Een reactie posten