maandag 24 augustus 2020

Đài Loan: Đại diện Mỹ tham gia tưởng niệm 62 năm trận pháo chiến Kim Môn + Mỹ tiến gần “lằn ranh đỏ” của Trung Quốc

 

Đài Loan: Đại diện Mỹ tham gia tưởng niệm 62 năm trận pháo chiến Kim Môn

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn tưởng niệm 62 năm trận pháo chiến Kim Môn với sự tham gia của đại diện Mỹ Brent Christensen. Ảnh ngày 23/08/2020.
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn tưởng niệm 62 năm trận pháo chiến Kim Môn với sự tham gia của đại diện Mỹ Brent Christensen. Ảnh ngày 23/08/2020. REUTERS - ANN WANG
Thu Hằng
3 phút

Ngày 23/08/2020, tổng thống Thái Anh Văn và giám đốc Viện Mỹ tại Đài Loan Brent Christensen đã tưởng niệm 62 năm trận pháo chiến Kim Môn (Kinmen). Đây là lần đầu tiên một quan chức ngoại giao cao cấp của Mỹ tham gia sự kiện này trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung ngày càng gia tăng trên mọi mặt.

Theo Reuters, tổng thống Đài Loan đã đặt vòng hoa tại công viên tưởng niệm trên đảo Kim Môn, chỉ cách Hạ Môn (ở Hoa Lục) vài cây số.

Ông Brent Christensen, giám đốc Viện Mỹ tại Đài Loan, người được cho là "đại sứ" Mỹ, đứng hàng phía sau, thể hiện sự ủng hộ của Mỹ đối với chính quyền hòn đảo. Ông Christensen cũng đặt vòng hoa tưởng niệm hai sĩ quan Mỹ tử trận trong một đợt oanh kích của Trung Quốc nhắm vào Kim Môn năm 1954.

Trận "8.23 pháo chiến" (mà Trung Quốc gọi là "Kim Môn pháo chiến") bắt đầu vào tháng 08/1958 và kéo dài hơn một tháng. Quần đảo Mã Tổ (Matsu), do Đài Loan kiểm soát, cũng nằm trong đợt không kích và hải chiến do Giải Phóng Quân Trung Quốc tiến hành dưới quyền lãnh đạo của Mao Trạch Đông.

Trong một báo thông cáo, Viện Mỹ tại Đài Loan khẳng định: "Những buổi lễ tưởng niệm như này nhắc lại cho chúng ta rằng sự hợp tác giữa Mỹ và Đài Loan về mặt an ninh được dựa trên bề dày lịch sử đáng tự hào và thể hiện tinh thần 'những người bạn hữu, tiến bộ thực sự'".

Phía văn phòng tổng thống Thái Anh Văn đã cảm ơn ông Christensen đến tham gia buổi lễ, được cho là nhằm gợi lại cho người dân Đài Loan về tầm quan trọng của việc bảo vệ tự do và dân chủ. Cả tổng thống Đài Loan và giám đốc Viện Mỹ không trực tiếp bình luận trước truyền thông.

Đến trưa nay, văn phòng phụ trách Đài Loan của Trung Quốc chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào về buổi lễ theo yêu cầu của Reuters.

Kim Môn hiện là một địa điểm du lịch nổi tiếng và còn rất nhiều vết tích của cuộc khủng hoảng thứ hai giữa hai bờ eo biển Đài Loan. Quân đội Đài Loan duy trì một lực lượng đáng kể trên hòn đảo này.

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200823-%C4%91%C3%A0i-loan-%C4%91%E1%BA%A1i-di%E1%BB%87n-m%E1%BB%B9-tham-gia-t%C6%B0%E1%BB%9Fng-ni%E1%BB%87m-62-n%C4%83m-tr%E1%BA%ADn-ph%C3%A1o-chi%E1%BA%BFn-kim-m%C3%B4n

Đài Loan: Mỹ tiến gần “lằn ranh đỏ” của Trung Quốc

Bộ trưởng Y Tế Mỹ Alex Azar phát biểu tại cuộc hội kiến với tổng thống Thái Anh Văn ngày 10/08/2020 tại Đài Bắc, Đài Loan.
Bộ trưởng Y Tế Mỹ Alex Azar phát biểu tại cuộc hội kiến với tổng thống Thái Anh Văn ngày 10/08/2020 tại Đài Bắc, Đài Loan. REUTERS - POOL
Thu Hằng
5 phút

Chính quyền tổng thống Donald Trump quyết định mở chiến dịch toàn diện chống đối thủ Trung Quốc. Đài Loan là mặt trận tiếp theo, sau Hồng Kông, Biển Đông, Tân Cương, gián điệp, thương mại, công nghệ, nghiên cứu, virus corona… Chuyến công du Đài Loan ba ngày, từ ngày 10/08/2020, của bộ trưởng Y Tế Mỹ Alex Azar được cho là một bước ngoặt trong chiến lược tái tranh cử của tổng thống Donald Trump.

Trên nguyên tắc, bộ trưởng Y Tế Mỹ thăm Đài Loan để tìm hiểu kinh nghiệm chống dịch và nghiên cứu bào chế vac-xin phòng Covid-19. Đài Loan là bên đầu tiên cảnh báo với Tổ Chức Y Tế Thế Giới về khả năng virus corona lây từ người sang người ngay từ tháng 12/2019, trong khi lúc đó Bắc Kinh vẫn khăng khăng bác bỏ.

Việc cử bộ trưởng Y Tế đến thăm Đài Loan được Washington tính toán rất kỹ, “cho thấy chính quyền Mỹ tôn trọng hệ thống, mà vẫn thách thức Trung Quốc”, theo nhận định của ông Douglas Paal, người từng điều hành Viện Mỹ tại Đài Loan dưới thời tổng thống George W. Bush, với AFP . Ngoài ra, việc “không chọn một cố vấn An ninh Quốc gia hoặc một người có chức vụ tương đương cho thấy rằng chính quyền Mỹ thử tiến càng gần càng tốt đến lằn ranh đỏ của Trung Quốc, nhưng họ không muốn vượt qua”.

Hoa Kỳ công nhận một nước Trung Quốc duy nhất, nhưng vẫn thận trọng duy trì quan hệ không chính thức với Đài Loan và trở thành nhà cung cấp vũ khí số một cho hòn đảo. Một số điểm đã bắt đầu thay đổi từ khi ông Donald Trump nhậm chức tổng thống. Ông trở thành nguyên thủ Mỹ đầu tiên kể từ năm 1979 điện đàm với đồng nhiệm Đài Loan, khi bà Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen) gọi điện chúc mừng ông đắc cử. Chính quyền Trump đã bán thêm nhiều vũ khí tối tân cho Đài Bắc, trong đó có nhiều chiến đấu cơ hiện đại. 

Hoa Kỳ vẫn chỉ trích gay gắt Trung Quốc gây áp lực khiến Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) không xem xét cảnh báo của Đài Loan về đại dịch Covid-19.

Chuyến công du của bộ trưởng Y Tế Alex Azar còn có một ý nghĩa biểu tượng khác : Mỹ đánh giá cao “sự minh bạch, nền dân chủ năng động của xã hội và văn hóa Đài Loan”, trái với sự mập mờ, lấp liếm, vụ lợi của Bắc Kinh khi giúp nước khác chống virus corona, mà tổng thống Trump luôn gọi là “virus Trung Quốc”, thay vì dùng tên gọi chính thức Covid-19.

Tổng thống Mỹ vẫn đẩy trách nhiệm cho chính quyền Bắc Kinh đã không ngăn dịch bệnh “tại gốc” và những lời chỉ trích Trung Quốc gia tăng theo cường độ nguyên thủ Mỹ bị chỉ trích về chiến lược xử lý dịch ở trong nước, cũng như về thái độ coi thường sức khỏe cộng đồng.

Đài Loan, nơi có chưa đầy 500 ca nhiễm và chỉ có 7 ca tử vong vì Covid-19, trở thành một quân cờ trong thế trận tái tranh cử tổng thống của ông Donald Trump. Theo chuyên gia Gerrit van der Wees, đại học George Mason, ban đầu, tổng thống Donald Trump do dự về việc thắt chặt quan hệ với Đài Loan trong khi vẫn đang đàm phán về thương mại với Bắc Kinh. Nhưng những quyết định gần đây của Bắc Kinh về Hồng Kông, người Duy Ngô Nhĩ, hoạt động bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông…, đã khiến ông thay đổi ý kiến.

Chuyến công du của bộ trưởng Azar diễn ra vào lúc quan hệ Mỹ-Trung đang trong giai đoạn xấu nhất kể từ khi thiết lập bang giao vào năm 1979 và chuyến đi này bị Bắc Kinh cảnh báo là mối đe dọa cho “hòa bình và ổn định”. Tuy nhiên, chuyên gia Gerrit van der Wees cho rằng “chính quyền Trump ít quan tâm đến phản ứng của Trung Quốc”, mà thấy đây là “một cơ hội ủng hộ chặt chẽ hơn Đài Loan, nơi đã xây dựng được một nền dân chủ năng động và là một sức mạnh tích cực cho thế giới”.

Đối với Đài Loan, không được Liên Hiệp Quốc công nhận là một Nhà nước độc lập, chuyến công du của bộ trưởng Y Tế Mỹ là bước mở đầu cho việc kết nối hòn đảo với cộng đồng quốc tế. Sau khi Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia tại đặc khu hành chính Hồng Kông, Đài Loan lo cho số phận của mình và không từ bỏ bất kỳ cơ hội nào để đánh động dư luận thế giới: Bắc Kinh vẫn đe dọa dùng vũ lực thống nhất Đài Loan trong trường hợp hòn đảo tuyên bố độc lập, hoặc có can thiệp từ nước ngoài, kể cả Mỹ.

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20200810-c%E1%BB%AD-b%E1%BB%99-tr%C6%B0%E1%BB%9Fng-th%C4%83m-%C4%91%C3%A0i-loan-m%E1%BB%B9-n%E1%BA%AFn-l%E1%BA%B1n-ranh-%C4%91%E1%BB%8F-c%E1%BB%A7a-trung-qu%E1%BB%91c

Geen opmerkingen:

Een reactie posten