ĐÃ NẴNG, Việt Nam (NV) – Hai tàu hộ tống cập cảng Tiên Sa nhưng “cái đinh” của cuộc thăm viếng, mẫu hạm nguyên tử USS Carl Vinson thả neo đậu trong vịnh Đà Nẵng, cách bờ khoảng gần 1km.
Rất nhiều người tại Việt Nam háo hức muốn có cơ hội bước chân lên hàng không mẫu hạm nguyên tử của Hoa Kỳ, USS Carl Vinson, khi thấy tin tức loan báo chính thức con tàu cùng hai tàu hộ tống đến Việt Nam, từng được chờ đợi mấy ngày qua.
Tuy nhiên, người ta chờ đợi từ buổi sáng tại nhiều địa điểm khác nhau trong vịnh Đà Nẵng cũng chỉ được nhìn thấy mẫu hạm Vinson neo đậu trong vịnh, hai tàu hộ tống gồm tuần dương hạm USS Lake Champlain và khu trục hạm USS Wayne E. Meyer là cập cảng Tiên Sa.
Theo tờ Tuổi Trẻ, khoảng 3,000 thủy thủ đã được vận chuyển vào bờ để nghỉ ngơi trong các khách sạn Đà Nẵng và vui chơi tại địa phương. Dân chúng không được đến gần các tàu, thậm chí số lượng phóng viên báo chí trong nước và quan chức nhà nước cũng giới hạn số lượng khi được chở ra thăm mẫu hạm Vinson.
Một số người ở những nơi xa viết bình luận trên các tờ Tuổi Trẻ, VNExpress ao ước được lên thăm mẫu hạm nhưng tất cả đều thất vọng.
Trên VNExpress, độc giả bút danh “lam doan” viết: “Hoan nghênh, tôi sẽ ra tận cảng Đà Nẵng để đón đoàn tàu của Mỹ!” Độc giả tên Hải Nguyễn viết: “Người Đà Nẵng sướng thiệt được tận mắt chứng kiến tàu sân bay.” Độc giả Tran Le Thuy Nga viết: “Xin chào các bạn đến Việt Nam.” Còn độc giả conduongtoive viết: “Welcome to Viet Nam! We love you!”
Thậm chí, có độc giả của tờ Tuổi Trẻ còn mong được làm việc trên mẫu hạm, dù là việc trong bếp. Độc giả ký tắt USS viết: “Tui muốn làm 1 anh nhân viên rửa chén trên tàu.” Độc giả tên Le Duy Nguyen viết: “Tui muốn làm phụ bếp trên tàu.”
Bộ Quốc Phòng CSVN chỉ đưa ra một bản tin nhắm làm nhẹ tầm quan trọng của cuộc thăm viếng như muốn trấn an ai đó khi loan báo: “Chuyến thăm của đoàn tàu Hải Quân Mỹ góp phần tiếp tục thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Mỹ phát triển phù hợp với khuôn khổ quan hệ đối tác toàn diện và thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước; đồng thời, đóng góp vào việc duy trì hoà bình, ổn định, an ninh, hợp tác và phát triển ở khu vực.”
Trong cuộc đón rước đoàn sĩ quan đội tàu Vinson, Đại Sứ Mỹ Daniel Kritenbrink cũng chỉ nói: “Chuyến thăm là dấu cột mốc quan trọng mang tính biểu tượng trong mối quan hệ song phương của chúng ta và thể hiện sự ủng hộ của Mỹ cho một nước Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng và độc lập.”
Cuộc thăm viếng Việt Nam của mẫu hạm USS Carl Vinson và hai tàu hộng tống tiếp tục được giới quan sát thời sự quốc tế bình luận phân tích.
“Việt Nam cũng gửi một thông điệp tinh tế và dài hơi hơn cho Trung Quốc. Cả hai nước đều do các các đảng Cộng Sản có cùng quan điểm và chính sách cai trị. Bắc Kinh biết rằng Hà Nội sẽ không phá vỡ hoặc gây xuống cấp những mối quan hệ đồng chí này trừ khi có điều gì đó rất kịch tính xảy ra,” Bill Hayton, một nhà báo và cũng là phân tích gia nổi tiếng ở Anh Quốc viết trên trang mạng BBC.
“Bằng cách chào đón Hải Quân Hoa Kỳ đến Đà Nẵng trong tuần này, Hà Nội đang ra chỉ dấu cho thấy sự không hài lòng của họ với hoạt động gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông – các mối đe dọa quân sự nhắm vào các căn cứ của Việt Nam và việc xây dựng của các đảo nhân tạo khổng lồ ở Trường Sa của Trung Quốc – và nhắc nhở Bắc Kinh rằng Việt Nam có thể có thêm các động thái đi xa hơn nữa tiến tới quan hệ đối tác với Hoa Kỳ. Đó là áp lực đối với Trung Quốc để điều chỉnh hành vi của Bắc Kinh.”
Trên tờ tạp chí an ninh quốc phòng Diplomat, một nhà phân tích cho rằng cuộc thăm viếng của mẫu hạm Vinson sẽ mở đường cho những cuộc thăm viếng tương tự của các mẫu hạm khác của Hoa Kỳ.
VNExpress tường thuật cuộc tiếp xúc với báo chí ở Đà Nẵng, Đề Đốc Philip G. Sawyer, tư lệnh Hạm Đội 7, Hạm Đội Thái Bình Dương Mỹ, “Bày tỏ mong muốn một ngày nào đó hải quân Mỹ có thể mang tàu ngầm đến thăm Việt Nam.”
Trên tờ New York Times hôm Chủ Nhật, phân tích gia Murray Hiebert, tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (CSIS) tại Washington DC, cho rằng việc “Hà Nội cho hẫm hạm Mỹ đến thăm chứng tỏ Việt Nam thấy bất an về những gì Trung Quốc sẽ làm gì tiếp theo trên Biển Đông.”
Theo ông: “Nước Mỹ hiển nhiên là người đứng sau cùng mà Hà Nội có thể nhờ cậy hậu thuẫn trong tranh chấp Biển Đông.” (TN)
ĐÀ NẴNG, Việt Nam (NV) – Hôm 5 Tháng Ba, hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson cập cảng Đà Nẵng, đánh dấu sự hiện diện quân sự quy mô nhất của Hoa Kỳ tại Việt Nam kể từ năm 1975.
Hàng không mẫu hạm này sẽ neo đậu tại Đà Nẵng trong 5 ngày.
Theo tờ Nikkei Asian Review, USS Carl Vinson là một trong số chiến hạm lớn nhất thế giới, có chiều cao bằng tháp truyền hình Tokyo, chở theo 72 phi cơ, gồm các chiến đấu cơ F/A-18 Super Hornet.
Theo lịch trình, các thủy thủ, binh sĩ trên hàng không mẫu hạm USS Carl Vinso sẽ tham dự các hoạt động trao đổi văn hóa, ẩm thực và thể thao cùng phía Việt Nam. Một số thủy thủ Mỹ cũng sẽ đến thăm Hội Nạn Nhân Chất Độc Da Cam Dioxin Đà Nẵng.
Tin cho hay, Sở Du Lịch Đà Nẵng cùng Hội Khách Sạn Đà Nẵng tổ chức buổi tiếp đón, quảng bá ẩm thực Việt Nam với các đầu bếp của USS Carl Vinson vào ngày 6 Tháng Ba tại nhà hàng Madame Lân ở quận Hải Châu, Đà Nẵng. Trong số các món ăn được giới thiệu có chả giò, mì Quảng và bánh xèo. Bếp trưởng của nhà hàng Madame Lân và đầu bếp chuyên món Việt của Khách Sạn Furama Resort sẽ tham gia sự kiện này.
Hôm 4 Tháng Ba, trả lời nhật báo Người Việt, ông Nguyễn Thế Phương, nghiên cứu viên cộng tác của Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Tế Sài Gòn (SCIS) bình luận: “Đúng là chuyến viếng thăm của nhóm hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson có thể được gọi là ‘sự hiện diện quân sự lớn nhất của Mỹ ở Việt Nam, kể từ khi chiến tranh kết thúc vào năm 1975.’ Dễ hiểu thôi vì đây là chuyến thăm đầu tiên của một hàng không mẫu hạm Mỹ kể từ năm 1975, mà ai cũng biết hàng không mẫu hạm là biểu tượng sức mạnh của Hải Quân Mỹ và niềm tự hào của sức mạnh trên biển của nước Mỹ.”
“Đây là chuyến thăm mang ý nghĩa biểu tượng cao, tuy nhiên nếu xem xét xu hướng của quan hệ Việt-Mỹ nói chung và quan hệ quốc phòng Việt-Mỹ nói riêng thì chuyến thăm này là một sự phát triển hết sức tự nhiên theo chiều hướng có thể dự đoán trước được. Không có gì phải quá ngạc nhiên và cũng không nên đề cao quá mức chuyến thăm, nhưng xin nhắc lại là chuyến thăm vẫn là quan trọng và mang tính biểu tượng.”
“Biểu tượng thì như đã nói ở trên (hàng không mẫu hạm đầu tiên tới thăm Việt Nam từ sau 1975), còn quan trọng thì đặt trong bối cảnh an ninh khu vực. Việt Nam từ lâu nay vẫn nổi tiếng với chính sách cân bằng mềm, điều chỉnh một cách thực dụng quan hệ của mình với các cường quốc lớn xung quanh (Mỹ và Trung Quốc là tiêu biểu) trong tương quan với lợi ích quốc gia và đặt lợi ích quốc gia là trên hết.
“Trong bối cảnh từ năm 2009 cho tới nay Trung Quốc nổi lên như một cường quốc xét lại (ở đây là xét lại về trật tự khu vực), Việt Nam cần phải tranh thủ sự ủng hộ và trợ giúp về cả kinh tế, ngoại giao và quân sự từ các cường quốc khác để đối trọng. Trung Quốc trỗi dậy một cách quá hung hăng và chỉ một mình Việt Nam là không thể bảo vệ một cách hiệu quả bản thân mình, nên ‘tận dụng’ tất cả các mối quan hệ khác, triết lý đơn giản là thế. Quan trọng ở đây vẫn là như thế nào.”
Ông Nguyễn Thế Phương cho biết thêm: “Nói là Việt Nam đang xích lại gần Mỹ cũng có ý đúng, nhưng có vẻ là chưa được đầy đủ lắm. Nói đúng hơn là Việt Nam đang chủ động ‘kéo’ Mỹ và nhóm các nước bạn bè đồng minh thân thiết của Mỹ lại gần mình hơn (nhóm nay có Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Úc, với Mỹ đứng đầu) để giảm các áp lực an ninh gây ra từ phía Trung Quốc. Quan hệ quân sự là một lực kéo cần thiết trong nhiều các lực kéo khác nhau (kinh tế chẳng hạn, nhưng dưới thời Tổng Thống Donald Trump thì lực kéo này yếu hơn thời người tiền nhiệm Obama). Quan hệ quân sự đang lên giữa Việt Nam và Nhật Bản, Nam Hàn, Ấn Độ và Úc cũng đang theo xu hướng tương tự. Với Mỹ thì mức độ quan hệ và độ chú ý của giới chính sách và cả truyền thông cao hơn đơn giản vì Mỹ là cường quốc đứng đầu Châu Á – Thái Bình Dương và vốn từng là một cựu thù của Việt Nam.”
“Trong tương lai thì các hoạt động tương tự như thế này nếu xảy ra cũng là điều hiển nhiên. Chuyến thăm của Hàng không mẫu hạm Carl Vinson chỉ là khởi đầu thôi, lần sau các hàng không mẫu hạm Mỹ có thể sẽ tới Cam Ranh. Lưu ý là tầm mức quan trọng của cảng Tiên Sa khác với Cam Ranh, Cam Ranh quan trọng hơn rất nhiều về mặt chiến lược. Cần nhớ là với ‘cân bằng mềm’ ở hiện tại thì nếu như các cảng của Việt Nam có đón tàu của Trung Quốc cũng là chuyện bình thường. Điều quan trọng hơn vẫn là đón loại tàu nào và đón ở đâu. Định hướng chung vẫn là chính sách ba không làm nền tảng và Hà Nội không muốn gây ra ấn tượng rằng họ hoàn toàn ngả về bên nào trong cân bằng chiến lược,” ông Nguyễn Thế Phương nói với Người Việt.
Trong một diễn biến khác, Reuters hôm 4 Tháng Ba tường thuật rằng, từ nhiều tháng trước khi hàng không mẫu hạm Mỹ cập cảng Đà Nẵng, các phái viên Việt Nam đã có những hoạt động liên tiếp nhằm giảm bớt lo ngại của Bắc Kinh về khả năng Hà Nội và Washington đang tăng cường hợp tác an ninh quốc phòng. (T.K.)
Mời độc giả xem phóng sự “Còn cần lắm những tấm lòng vàng ở trại phong Di Linh”
Ban nhạc của Hạm đội 7 đã có màn trình diễn sôi nổi Ca khúc Nối vòng tay lớn của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn tại Đà Nẵng vào tối 5/3/2018, với Emily Kershaw là người hát chính.
Robert Booker, một thành viên ban nhạc, nói với BBC Tiếng Việt:
"Hôm nay tới Việt Nam có rất nhiều thủy thủ giao lưu với người dân, học sinh. Và lúc này hướng tới tương lai là điều chúng tôi quan tâm."
'Nối vòng tay lớn' được cho là sáng tác vào khoảng năm 1968, và được hát lần đầu vào năm 1970.
Văn bản bài hát được in trong nhạc tập Kinh Việt Nam, ra mắt năm 1970, tập hợp 12 ca khúc phản chiến của Trịnh Công Sơn, với bìa của họa sĩ Đinh Cường.
Tác giả đã hát ca khúc này, bày tỏ niềm hân hoan khi đất nước thống nhất, vào đúng trưa ngày 30/4/1975 tại Đài phát thanh Sài Gòn khi cuộc chiến Việt Nam đến hồi kết.
Trong diễn văn đọc khi thăm Việt Nam tháng 5/2016, Tổng thống Mỹ Barack Obama nhắc đến ca khúc: “Niềm tin của tôi chính là tin vào tình hữu nghị của chúng ta. Như Trịnh Công Sơn đã viết trong bài Nối vòng tay lớn.”
Tuy vậy, đầu năm 2017, truyền thông Việt Nam đưa tin Nối vòng tay lớn vẫn chưa nằm trong danh mục những ca khúc trước năm 1975 được cấp phép phổ biến vì chưa có cá nhân, đơn vị tổ chức nào xin phép.
Sau khi có thông tin này, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT&DL) chính thức cấp giấy phép cho ca khúc trong tháng Tư 2017. Xem thêm: Tàu sân bay Mỹ vào Vịnh Đà Nẵng Ý kiến: Sau cơn sốt Obama, cần 'nối vòng tay lớn' Đài Sài Gòn 30/4/1975 phát đi những gì?
Geen opmerkingen:
Een reactie posten