Từ ngón đờn tranh lả lướt của người đẹp đến Vua Bảo Ðại là rể của Gò Công
Ngành Mai
Cô nữ sinh Nguyễn Hữu Thị Lan – Mariette Jeanne được gởi đi du học trường nội trú Couvent des Oiseaux bên Pháp. Năm 18 tuổi, ngày nọ cô nữ sinh Lan đi trên chuyến tàu từ Pháp về Việt Nam thăm nhà, thăm quê hương. Lúc ấy do có sự sắp xếp sẵn của quan Toàn Quyền Pasquier nên Hoàng Tử Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy đang học tại Pháp cũng về nước trên chuyến tàu này.
Thời gian học ở Pháp cô nữ sinh Nguyễn Hữu Thị Lan rất thích thể thao và âm nhạc. Cô học đờn tranh với một nhạc sĩ tài tử người gốc ở Gò Công, và khi về nước có mang theo cây đờn.
Lênh đênh trên biển hơn cả tháng trời, có những lúc cô nữ sinh Lan đem đờn tranh ra so dây nắn phím. Nhiều người đi trên tàu đã đứng xem đôi bàn tay nhỏ nhắn, dịu dàng lả lướt trên dây đàn thập lục, trong số người thưởng thức tiếng đờn có Hoàng Tử Vĩnh Thụy.
Thế là hình ảnh cô nữ sinh tài sắc người Gò Công Nguyễn Hữu Thị Lan đã lọt vào mắt và ngự trị tâm hồn của vị hoàng tử, hai người quen nhau và đi đến chỗ thân tình.
Vĩnh Thụy, người con duy nhứt đã được vua Khải Ðịnh phong làm Ðông Cung Thái Tử. Toàn Quyền Ðông Dương muốn người vợ tương lai của Hoàng Ðế Việt Nam sau này phải là người theo đạo Thiên Chúa và hấp thụ văn hóa Pháp. Do đó mà sau khi tàu cập bến chỉ thời gian ngắn thì viên toàn quyền mở tiệc tiếp tân ở khách sạn Palace Ðà Lạt. Trong số khách mời có cô nữ sinh Nguyễn Hữu Thị Lan cùng gia đình, và dĩ nhiên là có Hoàng Tử Vĩnh Thụy. Trong dịp này Toàn Quyền Pasquier mới chính thức giới thiệu cô nữ sinh trẻ đẹp Nguyễn Hữu Thị Lan với vị hoàng tử Nhà Nguyễn.
Vua Khải Ðịnh băng hà, triều đình tôn Ðông Cung Thái Tử lên nối ngôi, lấy đế hiệu Bảo Ðại. Sau đó hôn lễ được cử hành, cô nữ sinh Nguyễn Hữu Thị Lan ở linh địa Ðồng Sơn, Gò Công được phong Nam Phương Hoàng Hậu ngay khi cưới. Cưới vợ quê quán ở Gò Công cũng có nghĩa Vua Bảo Ðại là rể của Gò Công vậy.
Do người vợ biết đờn tranh, nên Vua Bảo Ðại cũng học đờn tranh, và nhạc quan triều đình đã dâng cho hoàng đế cặp đờn tranh quí giá, chạm trổ bằng ốc xa cừ, dựa theo truyền thuyết trong các bộ truyện vẽ tranh như: Nhị Thập Tứ Hiếu, Ngư Tiều Canh Mục, Mai Lan Cúc Trúc… Ngoài ra các bộ phận chính đều bằng ngà. Cặp đờn được đặt tên cây “Phu” và cây “Thê.” Thời kỳ trước 1945, Vua Bảo Ðại du hành vào Sài Gòn, có mang theo hai cây đờn nói trên. Lúc ấy thì nhạc sĩ Sáu Hóa ở Cần Thơ rất giỏi đờn tranh, được thân hữu ở Sài Gòn mời lên sinh hoạt đờn ca tài tử.
Sáu Hóa được anh em giới thiệu đến đàn phục vụ nhà vua bằng các điệu nhạc tài tử miền Nam. Nhà vua lấy làm thích thú, ban lời khen ngợi, và sau đó tặng cho nhạc sĩ một trong hai cây đờn quí báu nói trên. Cây đờn được tặng là cây “Thê,” nhà vua giữ cây “Phu” để sau khi luyện thêm ngón đờn sẽ cùng nhạc sĩ Sáu Hóa hòa nhạc, đồng thời cũng để cho hai cây đờn “Phu Thê” tái hợp.
Nhưng rồi thời cuộc biến chuyển dồn dập, đến nỗi nhà vua không còn giữ được ngai vàng, phải đi lưu vong. Thời gian sau được Pháp đưa về làm quốc trưởng. Ðến năm 1954 do tình hình lúc bấy giờ, Quốc Trưởng Bảo Ðại mời ông Ngô Ðình Diệm làm thủ tướng với toàn quyền quân sự, dân sự.
Năm sau 1955 ông Diệm mở cuộc trưng cầu dân ý truất phế Bảo Ðại. Kể từ ấy cựu hoàng ở luôn bên Pháp và hai cây đờn “Phu Thê” chắc không còn dịp tái hợp. (Ngành Mai)
Đờn ca tài tử hải ngoại họp mặt 6 giờ chiều Thứ Năm
Kể từ nay giới đờn ca tài tử hải ngoại họp mặt sinh hoạt hằng tuần lúc 6 giờ chiều Thứ Năm, tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, 14771 Moran St., Westminster, CA 92683.
Ban tổ chức mời tất cả giai nhân tài tử, những ai từng học đờn, học ca cổ nhạc hãy đến tham gia. Những người khi xưa từng đi đờn ca nhưng bỏ lâu quá quên bài ca, xin hãy cứ đến nói lên kỷ niệm của mình đối với đờn ca tài tử.
Riêng những người yêu thích, chỉ muốn nghe đờn ca thì đến với tư cách khán giả. Vào cửa tự do, miễn phí. Liên lạc trưởng ban tổ chức, ông Lê Quang Thế (714) 454-7851.
Mời độc giả xem bình luận “Dân Đà Nẵng đón thủy thủ Mỹ”(Phần 2)
https://www.nguoi-viet.com/giai-tri/tu-ngon-don-tranh-la-luot-cua-nguoi-dep-den-vua-bao-dai-la-re-cua-go-cong/
Geen opmerkingen:
Een reactie posten