zaterdag 23 december 2017

Cuba : Raul Castro chuyển giao quyền lực vào tháng 4/2018 [... bao giờ thì tới lượt TBT Trọng..."lú" ?] + Cuba : Đối lập bị đẩy ra rìa các cuộc bầu cử + Trump tấn công vào quân đội Cuba, đang nắm huyết mạch kinh tế đảo quốc


Cuba : Raul Castro chuyển giao quyền lực vào tháng 4/2018


mediaChủ tịch Cuba Raul Castro (T) và phó chủ tịch thứ nhất Miguel Diaz-Canel tại Quốc Hội, La Habana, ngày 21/12/2017.Reuters/Irene Perez
Chính trường Cuba sắp lật sang một trang mới. Chủ tịch Raul Castro sẽ nhượng quyền chủ tịch vào tháng 4/2018 theo như thông báo của Quốc Hội Cuba ngày 21/12/2017. Thông báo này được đưa ra sau cuộc bỏ phiếu dời ngày bầu Hội Đồng Nhà Nước của Quốc Hội thêm hai tháng.
Truyền thông Cuba nêu cụ thể ngày chuyển giao quyền lực là 19/04/2018. Trong bài diễn văn bế mạc phiên họp khóa 2 tại Quốc Hội, chủ tịch Cuba tuyên bố : « Khi Quốc Hội mới đã được thành lập (4/2018), nhiệm kỳ thứ hai và cuối cùng của tôi trên cương vị lãnh đạo đất nước đến hồi kết, đất nước Cuba sẽ có một chủ tịch mới ».
Cũng trong bài diễn văn này, ông Raul Castro lên án Hoa Kỳ thời Donald Trump đã tìm cách phá hỏng quan hệ giữa hai nước, vốn dĩ đã trở nên sáng sủa hơn dưới thời tổng thống Barack Obama.
Theo nhận định của AFP, phó chủ tịch thứ nhất và nhân vật thứ hai trong chính phủ, ông Miguel Diaz-Canel, 57 tuổi được cho là sẽ thay thế Raul Castro. Tuy nhiên, việc bổ nhiệm ông còn phải được đảng Cộng Sản Cuba thông qua trong một phiên họp dự kiến diễn ra vào tháng 03/2018.
Vẫn theo AFP, ông Raul Castro sẽ không từ bỏ hoàn toàn mọi chức vụ chính thức. Ông vẫn sẽ tiếp tục lãnh đạo đảng Cộng Sản Cuba đến kỳ đại hội Đảng tới dự kiến vào năm 2021, vào lúc ông 90 tuổi.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171222-cuba-raul-castro-chuyen-giao-quyen-luc-vao-thang-42018

Cuba : Đối lập bị đẩy ra rìa các cuộc bầu cử

mediaTại một địa điểm họp để chỉ định các ứng viên cho cuộc bầu cử hội đồng địa phương tại thủ đô La Habana, Cuba, ngày 4/09/2017.REUTERS/Alexandre Meneghini
Ngày Chủ nhật 26/11/2017, cử tri Cuba được mời đi bầu chính quyền địa phương trong bối cảnh chế độ bước vào tiến trình thay thế chủ tịch Raoul Castro vào năm…2021. Tuy gọi là bầu cử nhưng không một tổ chức đối lập nào được ứng cử.
Được RFI đặt câu hỏi, nhà hoạt động Felix Llerena, tố cáo trò dàn dựng trong bầu cử của đảng Cộng sản Cuba :
"Với chúng tôi từ năm 1959 đến nay không có cuộc bầu cử thực sự nào. Vì thế mà chúng tôi yêu cầu tổ chức trưng cầu dân ý cho sự thay đổi thực sự Hiến pháp Cuba bởi vì hiện tại, bản Hiến Pháp này buộc chúng tôi phải sống theo chế độ Xã hội chủ nghĩa mãi mãi.
Giờ đây với việc mở cửa với Mỹ, với sự thay đổi chính sách của các nước châu Âu. Nhiều người nghĩ mọi chuyện sẽ thay đổi, đất nước sẽ dấn bước vào chuyển tiếp sang dân chủ khi Raul Castro rút khỏi chính trường, giống như người ta đã tin tưởng khi Fidel Castro qua đời.
Thế nhưng thực tế ở Cuba vẫn như vậy. Người ta không thể nói đến bầu cử khi mà các đảng phái chính trị bị cấm, khi mà những nhà đối lập bị đuổi khỏi trường đại học, như tôi , các giáo sư cũng bị đuổi chỉ vì họ suy nghĩ theo cách khác, chỉ vì họ muốn có một tương lai khác cho đất nước chúng tôi."

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171126-cuba-doi-lap-bi-day-ra-ria-cac-cuoc-bau-cu

Raul Castro : Quan hệ Cuba và Mỹ thụt lùi dưới thời tổng thống Trump

mediaTổng thống Donald Trump (G), thống đốc bang Florida Rick Scott (phía sau), bà Cary Roque, một nhà ly khai và cựu tù nhân Cuba (P) và thượng nghị sĩ Marco Rubio tại Miami, Florida, ngày 16/06/2017.REUTERS/Carlos Barria
Ngày 14/07/2017, chủ tịch Cuba đánh giá thái độ cứng rắn hơn của chính quyền Trump trong quan hệ với Cuba dẫn đến sự thụt lùi trong quan hệ hai nước mới được tái lập từ năm 2015.
Phát biểu trước Quốc Hội Cuba, ông Raul Castro đánh giá : « Những tuyên bố của tổng thống Mỹ hiện nay thể hiện một bước thụt lùi trong quan hệ song phương ». Theo ông, các biện pháp mới của Donald Trum giống như quyết định tăng cường lệnh cấm vận đối với Cuba, vẫn có hiệu lực từ năm 1962.
AFP nhận định, chỉ vài ngày sau sự kiện hai năm sứ quán Mỹ được mở cửa trở lại ở thủ đô La Habana (20/07/2015), chủ tịch Cuba đã tấn công chính sách của Donald Trump nhằm hạn chế các chuyến du lịch của công dân Mỹ đến đảo quốc và cấm đàm phán với các doanh nghiệp do quân đội Cuba quản lý, hiện gần như độc quyền trong lĩnh vực du lịch.
Tổng thống Mỹ thể hiện cứng rắn hơn đối với Cuba từ giữa tháng 06/2017. Tại Miami, bang Florida, trước một cử tọa chống chế độ Castro, ông Donald Trump đã ký sắc lệnh hạn chế quan hệ với Cuba, đi ngược với chính sách xích lại gần La Habana của người tiền nhiệm Obama. Ông Donald Trump lên án chế độ « tàn bạo » của lãnh đạo cộng sản đang cầm quyền tại La Habana.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170715-raul-castro-quan-he-cuba-va-my-thut-lui-duoi-thoi-tong-thong-trump

Trump tấn công vào quân đội Cuba, đang nắm huyết mạch kinh tế đảo quốc

mediaDu khách chụp ảnh kỷ niệm bên ngoài khách sạn Nacional ở La Habana, 22/05/2017.REUTERS/Stringer
Khi thông báo cấm các giao dịch với những định chế do quân đội Cuba kiểm soát, tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhắm vào trái tim của chế độ Raul Castro, vốn đã giao phó cho quân đội hầu như toàn bộ nền kinh tế đảo quốc.
Hôm 16/06/2017, ông Trump ra lệnh cấm các công ty Mỹ giao thương với Tập đoàn Quản trị Doanh nghiệp (GAESA), định chế hùng mạnh của quân đội, đặc biệt là kiểm soát phần lớn kỹ nghệ du lịch đang trên đà tăng trưởng. Tập đoàn này hoạt động trên rất nhiều lãnh vực kinh tế, đã bắt rễ từ thập niên 90.
Vào thời đó, sự sụp đổ của ông anh cả Liên Xô đã khiến Cuba mất đi nguồn tài trợ, cần khẩn cấp tiền mặt. Anh em nhà Castro đã nhờ cậy vào lòng trung thành của quân đội, giao phó cho những lãnh vực chủ chốt của nền kinh tế.
Vương quốc này khởi đầu với sự thành lập Liên hiệp các doanh nghiệp quân đội (UEM) để bảo trì và sản xuất vũ khí trong nước. Rồi đến tập đoàn du lịch Gaviota, được lập ra để điều phối và kiểm soát việc mở cửa trong lãnh vực du lịch, trước khi cho lập các tập đoàn du lịch tư nhân như Cubanacan hay Gran Caribe.
Trước đó, bộ Nội Vụ đã lập ra CIMEX. Tập đoàn này tập hợp vài chục công ty chuyên thành lập các doanh nghiệp bình phong để né các biện pháp cấm vận kinh tế do Mỹ áp đặt từ năm 1962.
Là đơn vị thử nghiệm nhằm làm tăng hiệu suất, UEM nhanh chóng chuyển đổi thành GAESA. Tập đoàn này sau đó bao trùm luôn cả Gaviota và tập đoàn phân phối TRD, cơ quan quản lý cảng container đại quy mô Mariel (tây La Habana) và tập đoàn tài chính Rafin, đồng sở hữu công ty viễn thông độc quyền Etecsa.
Là lá cờ đầu của GAESA, Gaviota có đến trên 50 khách sạn (chiếm 40% trên toàn quốc), năm hệ thống resort & khu vui chơi, trên 25 nhà hàng, một công ty hàng không, nhiều công ty taxi và cho thuê xe. Dưới quyền lãnh đạo của Raul Castro, mới đây GAESA còn được giao thêm CIMEX, Ngân hàng Tài chính Quốc tế và Habaguanex – chủ sở hữu nhiều nhà hàng, khách sạn ở khu phố cổ La Habana.
Tập đoàn này khá bí ẩn, và không có sổ sách chính thức nào tập hợp tất cả những công ty mà GAESA kiểm soát ở Cuba. Một chi tiết đáng chú ý là tòa nhà trụ sở công ty mẹ tại phía tây La Habana không hề có bảng hiệu nào.
Người lãnh đạo GAESA là tướng Luiz Rodriguez Lopez-Callejas, ủy viên trung ương đảng và là con rể của ông Raul Castro. Đa số người dân Cuba không biết đến nhân vật thích đứng trong bóng tối này.
« Nếu không có bảng hiệu cho thấy các doanh nghiệp nào có liên hệ với FAR (Lực lượng vũ trang Cuba), thì các công ty Mỹ khó thể biết được mình có vi phạm các biện pháp của ông Donald Trump hay không ». Sergio Gomez, một lãnh đạo của nhật báo chính thức Granma, Cuba hôm 16/06/2017 đã mỉa mai như trên.
Về phía ông Jorge Duany, giám đốc Viện nghiên cứu Cuba của trường đại học Florida nhận xét : « Với sự hiện diện của các quân nhân Cuba trong nhiều lãnh vực sản xuất, khó thể hình dung được là quan hệ thương mại giữa hai nước có thể mở rộng ». Ông tiết lộ rằng đã nghe tin chính phủ Mỹ soạn thảo một danh sách các công ty Cuba lệ thuộc vào quân đội, trước khi áp dụng các biện pháp sẽ có hiệu lực trong những tháng tới.
Nhưng nhà kinh tế Cuba Pavel Vidal thuộc trường đại học Javeriana ở Cali nhấn mạnh đến tầm mức khó khăn của nhiệm vụ này, và cho rằng cần phải chờ đợi « xem các biện pháp mới sẽ được áp dụng như thế nào để có thể đánh giá hiệu quả ». Theo ông Vidal, các hạn chế của Donald Trump về lâu về dài sẽ buộc chính quyền Cuba « tìm kiếm một phương cách thực dụng ngay lập tức » để tránh sự hiện diện cùng khắp của quân đội trong nền kinh tế, vốn « cần phải được chỉnh đốn vào lúc này hay lúc khác ».
Các chuyên gia đưa ra hai khả năng chính : hoặc giải thể GAESA và đặt dưới sự kiểm soát dân sự, hoặc chuyển đổi thành một tập đoàn dân sự. Nhưng giải pháp thứ hai buộc tập đoàn này phải chứng tỏ tính minh bạch nhiều hơn nữa.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170619-trump-tan-cong-vao-quan-doi-cuba-dang-nam-huyet-mach-kinh-te-dao-quoc

Geen opmerkingen:

Een reactie posten