Công nghệ mới giúp chống tình trạng bị giám sát, theo dõi
Hãy tưởng tượng bạn đang sống trong một môi trường giả tưởng, trong đó các camera giám sát ghi lại mọi thứ trên đường phố, nhận diện và ghi nhớ tất cả các gương mặt của những người qua đường. Thế nhưng bạn thì đang choàng một chiếc khăn HyperFace.
Giữa cấu trúc động học dạng lưới in trên nền vải, những hình vuông nhỏ màu đen cho thấy những đôi mắt, mũi và miệng siêu nhỏ. Thuật toán nhận diện khuôn mặt của camera giám sát đã bị rối. Và thế là danh tính của bạn được an toàn, sự riêng tư của bạn đã được bảo vệ. 'Hố tử thần' là điềm báo tương lai?
Bí mật lăng mộ Tần Thủy Hoàng
Choáng ngợp trước những bức tranh do tử tù vẽ
Được công bố vào tháng 1/2017, vải in HyperFace do nghệ sĩ Adam Harvey ở Berlin cùng với Hyphen-Labs, một nhóm thiết kế thời trang quốc tế gồm nhiều nhà thiết kế nữ, sáng tạo. Mục tiêu là để nhằm khám phá điểm gặp gỡ giữa công nghệ, nghệ thuật và khoa học.
Harvey đã tạo ra những thiết kế phản giám sát trong một dự án trước đó. Trong CV Dazzle, các mẫu thiết kế tóc và cách trang điểm có thể giúp bạn tránh phần mềm nhận diện gương mặt, và vải phản xạ nhiệt ngăn cản các thiết bị bay có thể ghi hình.
Khi mặc vào, HyperFace cho máy tính khoảng 1.200 lựa chọn gương mặt khác nhau - Harvey lấy cảm hứng từ khả năng làm thay đổi màu sắc trong thế giới động vật.
"Thay vì cho rằng cần ngụy trang để che giấu bớt sự hiện hữu cá nhân, HyperFace có cách tư duy khác đi về mối quan hệ giữa nhân vật và hình nền," Harvey nói với BBC Culture. "Ta có thể làm giảm bớt đi khả năng phát hiện, nhận dạng ra khuôn mặt thật qua việc đưa ra hình nền với nhiều gương mặt được chỉnh sửa trông cho khác đi."
"Giám sát là một đề tài được đề cập nhiều nhất ở Hyphen-Labs trong suốt một thời gian," thành viên tên Ashley Baccus-Clark của Hyphen-Labs nói về cảm hứng của dự án. "Dự án bắt đầu với suy nghĩ về các vấn đề như an ninh, sự riêng tư và sự hiện diện, mối liên hệ tới những người phụ nữ da đen và cộng đồng người da đen. Sau đó, khi một số sự kiện xảy ra trong vài tháng qua, thông điệp của chúng tôi trở nên toàn cầu hơn."
Cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã khiến những tư tưởng tự do sáng tạo, cùng với những người khác, cảm thấy lo lắng hơn. "Không khí chính trị của chúng ta khiến nghệ sĩ, nhà nghiên cứu và sáng tạo cần phải tìm hiểu thêm về sự giám sát," Baccus-Clark nói.
Chính trị trên cơ thể
Trong lúc những người nổi tiếng như Kim Kardashian gắn liền với một sự nghiệp - dẫu sự nghiệp đó là thứ vẫn còn đang bị tranh luận xem liệu có phải nghệ thuật không - chuyên phơi bày, bộc lộ đời sống cá nhân theo cấp độ ngày càng tăng thêm, thì rất nhiều người trong chúng ta vẫn muốn không bị theo dõi.Và trong khi internet đầy các mẹo bảo vệ an ninh trong thời kỹ thuật số, thì các nhà thiết kế xuất hiện với việc bảo vệ một mặt trận khác: cơ thể. Các phát minh là sự hòa phối mạnh mẽ giữa thời trang, nghệ thuật và công nghệ. Nó tiết lộ cho ta biết rất nhiều về thế giới ta đang sống.
Sự theo dõi, giám sát là một chủ đề tin tức lớn từ giữa năm 2013, khi một nhân viên tình báo An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (NSA), Edward Snowden, công khai cho công chúng thấy NSA có thể tìm ra những thông tin cá nhân về chúng ta như thế nào.
Cung điện dành cho người điên ở London
Vì sao nghệ thuật khỏa thân vẫn gây sốc?
'Yêu' robot có đồng nghĩa với việc ngoại tình?
Từ đó, những tiết lộ trở nên rõ ràng và rất nhanh chóng: Facebook, Google và Microsoft đã giao nộp dữ liệu người dùng cho các chương trình bí mật của NSA; Gemalto, một trong những nhà sản xuất sim điện thoại lớn nhất thế giới, cũng cho biết họ tin rằng hệ thống của họ đã bị tấn công bởi các cơ quan giám sát an ninh mạng của Hoa Kỳ và Anh Quốc.
Các nghệ sĩ ngay lập tức phản ứng: bằng một cuộc trưng bày mới, có tên "Bị theo dõi! - Sự giám sát, Nghệ thuật và Nhiếp ảnh" ( Watched! Surveillance, Art and Photography), vừa mở cửa tại C/O Galerie tại Berlin, giới thiệu tác phẩm của một số nghệ sĩ quốc tế bàn luận về sự riêng tư trong bối cảnh những tiết lộ về NSA.
Ở cấp độ thực tiễn hơn, cặp đôi thiết kế người Hà Lan trong Dự án KOVR đã tập trung vào các phương pháp bảo vệ những thông tin cá nhân mà chúng ta thường mang theo người mỗi ngày: từ những dữ liệu trong điện thoại cho đến những chip máy tính siêu nhỏ thường được cài vào hộ chiếu, thẻ chứng minh nhân dân và thẻ ngân hàng, cho tới từng tiểu tiết của cuộc sống ta tồn tại trong thiên hà thực tế ảo như trong phim Tron.
Cách phản ứng của Dự án KOVR là chế tạo ra áo khoác chống bị theo dõi, một áo khoác có phủ bạc từ vật liệu vải kim loại có tác dụng như chiếc lồng Faraday trang trí, khiến cho không ai có thể đọc được các chip máy tính trong thẻ ngân hàng và giấy tờ tùy thân và khiến cho tín hiệu điện thoại di động không thể bị tìm ra.
Các nhà thiết kế gọi tác phẩm của họ là "sự phản kháng được khoác lên người", và cảnh báo chúng ta "phải luôn là con người trong môi trường bị chi phối bởi thông tin".
Trở nên vô hình
Khả năng chọn lựa khi nào có thể tự tiết lộ thông tin và cách thể hiện ra sao là một trong những biểu hiện cho thấy ta là con người; nhà thiết kế đồ họa Leo Baauw lập luận. Ông là người đồng sáng lập dự án KOVR với nghệ sĩ trình diễn Marcha Schagen.Ông nói nghiên cứu của họ, cùng với tiểu thuyết viễn tưởng của Yevgeny Zamyatin, 'Chúng tôi', và lý thuyết của Jeremy Bentham về nhà tù hình tròn và các tác phẩm liên quan của nhà triết học Michel Foucault - "là dựa trên câu hỏi 'việc luôn có thể bị nhìn thấy có ý nghĩa ra sao với con người?' Chúng ta sẽ thay đổi cách ứng xử ra sao?"
Việc sử dụng quần áo của chúng ta đang biến đổi, Baauw nói, từ việc là đồ trang trí cho cơ thể trở thành cách để biểu đạt hay che giấu, cho tới việc giúp duy trì sự riêng tư và cuối cùng, bảo vệ cá nhân mỗi chúng ta.
"Quần áo đã luôn bảo vệ ta chống lại các đe dọa từ sinh quyển; vậy tại sao không thể như vậy trong tinh cầu thông tin, nơi các mạng lưới kết nối vô hình mà ta rõ ràng là dễ bị nó tổn thương?" ông đặt câu hỏi.
"Các nhà thiết kế giữ trọng trách trong việc thiết kế ra một tương lai tốt đẹp hơn. Cần có thêm nhiều hơn nữa các dự án với mục đích bảo vệ con người, và để nhắc nhở chúng ta rằng dữ liệu về cá nhân chúng ta, tức là danh tính của chúng ta, đang trôi nổi khắp nơi, mà bất kỳ ai hay máy móc nào đó cũng có thu thập được."
Công nghệ nhận diện gương mặt và quét kỹ thuật số hiện nay có thể được coi là đỉnh cao của sự giám sát - nhưng những công nghệ nguy hiểm hơn đã được nghĩ tới.
Trong một trong các dự án của mình, trung tâm nghiên cứu truyền thông Fabrica có trụ sở ở Treviso đã giả định trong tương lai, công nghệ hình ảnh thần kinh có thể quét qua tâm trí để truy tìm những ý nghĩ đáng ngờ.
Trong cái tương lai mà họ tưởng tượng ra đó, thì chỉ một ý nghĩ đơn giản về sự nổi loạn cũng có thể khiến bạn gặp rắc rối.
Thiết kế gây sốc
Phụ kiện Anti-NIS của Fabrica là các vật dụng nghệ thuật đồng thời mang tính thời trang, có mục đích bảo vệ mặt trận cuối cùng: quyền riêng tư trong ý nghĩ.Mỗi một phụ kiện của Fabrica sẽ kích thích một phản ứng cảm thụ nhất định, buộc người đeo món đồ đó phải chú ý và bất thình lình thay đổi hoạt động của não bộ. Nhờ thế, nếu đến một ngày thiết bị quét não trở thành điều có thực, thì các phụ kiện này sẽ có cách giúp tâm trí của bạn tránh bị săm soi.
Bộ phụ kiện mẫu, được làm từ nỉ và gỗ cắt từ tia laser, bao gồm một chiếc mũ có tác dụng truyền sóng âm thanh qua sọ não, một cổ cồn điều khiển thiết bị gây sốc điện nhẹ, và một mặt nạ khiến người dùng bị phân tâm qua việc tạo ra những ánh đèn flash lóa sáng. Vì thế, nếu có một thiết bị quét não kiểm tra thì máy sẽ đọc được ý nghĩ của người đeo thiết bị, nếu có, với nội dung là "ồ, cái gì vậy?" thay vì đọc thấy kế hoạch bạo động. Nếu viễn cảnh của việc bị tra xét thình lình bất cứ lúc nào có vẻ không hấp dẫn lắm, thì tác phẩm của Fabrica dự đoán về một xã hội nơi sự thay thế nguy hiểm hơn.
Ý tưởng về công nghệ giám sát hệ thần kinh vẫn còn có vẻ hơi giống khoa học giả tưởng, nhưng các thiết kế của Fabrica cũng như tác phẩm của Harvey và Dự án KOVR đã mô tả về những quan ngại thật sự của giới thiết kế trước viễn cảnh tương lai. Chẳng hạn, Harvey sẵn sàng chỉ ra khăn choàng HyperFace chỉ là "một giới thiệu về một dự án lớn hơn về khả năng ngụy trang trước máy tính."
"Khi nói tới công nghệ mới, một số người tiêu dùng ngay lập tức cảm thấy các công ty công nghệ đã thất bại trong việc áp dụng các nguyên tắc an ninh và bảo vệ quyền riêng tư," Mano ten Napel nói. Ông là biên tập viên của website thời trang công nghệ tên FashNerd.
"Điều này khơi dậy nhu cầu chúng ta cần tự vệ - thường được diễn giải một cách hợp lý thành các thiết kế công nghệ mà ta mặc trên người. Cũng dễ để tưởng tượng ra một tương lai mà ở đó dù ta có kết nối cũng không lập tức bị xâm phạm quyền riêng tư."
Dĩ nhiên, bạn có thể biểu lộ một cách rõ ràng hơn sự phản kháng của mình.
Cảm thấy sốc trước chuyện một tay săn ảnh paparazzi từng khiến cho người bạn của mình là siêu mẫu Kate Moss phải co rúm lại vì sợ ở một góc phi trường LAX của Los Angeles, nhiếp ảnh gia thời trang nổi tiếng Nick Knight đã thiết kế một chiếc áo thun đen đặc biệt - mỗi khi bị đèn máy ảnh chiếu sáng, chiếc áo sẽ phát ra một cụm từ phản ứng dữ dội đến mức không thích hợp để chép lại vào bài viết này.
Thông điệp ở đây là gì? Nếu bạn không thể đánh bại chúng, hãy đánh lạc hướng chúng.
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Culture.
Geen opmerkingen:
Een reactie posten