Bữa tiệc cuối năm của người Pháp: ngàn năm lịch sử
Một mùa Giáng Sinh nữa lại về! Những ngày cuối năm vội vã trôi qua trong giá lạnh. Ngoài kia, những cơn gió buốt giá, bầu trời xám xịt, u ám khiến con người ta đôi khi chẳng muốn rời khỏi nhà. Trong không khí ấy, tạm gạt sang một bên những bộn bề lo toan của cuộc sống hàng ngày, bữa tiệc cuối năm đầm ấm bên gia đình, người thân, dưới ánh đèn, ánh nến lung linh, có lẽ, với nhiều người, là một trong những khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong năm.
Bữa tiệc linh đình thời Trung cổ
Bữa tiệc và nghệ thuật bày bàn tiệc thời trung cổ hoàn toàn khác so với bây giờ. Vào thời kỳ đó, đương nhiên, khái niệm « phòng ăn » chưa tồn tại. Tùy theo thời tiết và số lượng khách mời, chủ nhà quyết định đặt bàn ăn tại vị trí nào. Vì thế, mặt bàn và chân bàn phải được thiết kế rời để dễ tháo lắp, di chuyển bàn. Bàn tiệc thường có hình chữ U. Mặt bàn được trải một chiếc khăn màu trắng, được gấp thành hai lớp dày dặn, và bao giờ cũng phải có phần vạt rủ xuống các cạnh bàn ăn. Trong bữa tiệc, phần vạt khăn trải bàn ăn sẽ được khách dùng để lau miệng và lau tay.
Cho tới trước thế kỷ XVI, người Pháp không dùng đĩa mà cũng chẳng dùng thìa và dĩa để ăn. Thức ăn cho khách không được đặt vào đĩa mà được cho lên trên một lát bánh mì to, mặt bánh đã hơi se lại, để có thể hút nước sốt từ thức ăn. Lát bánh mì lại được đặt trên một cái thớt gỗ hình chữ nhật hoặc hình tròn. Người ta dùng dao để cắt thức ăn và dùng mũi nhọn của dao để xiên thức ăn và đặt lên lát bánh mỳ, rồi họ dùng 3 ngón tay : ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa của bàn tay phải để nhón thức ăn đưa lên miệng. Sau khi bữa ăn kết thúc, lát bánh mì thấm đầy nước sốt đó được đem cho người nghèo, hoặc thậm chí là bị quẳng cho những chú chó đang chầu chực quanh bàn tiệc.
Còn rượu và nước thường được rót vào những chiếc cốc bằng kim loại. Ở thời trung cổ, thủy tinh là đồ quý hiếm. Khách khứa dùng chung muôi, tô, thớt, dao, kể cả lát bánh mỳ dùng để thấm nước sốt… Chỉ có chủ nhà là có cốc riêng, thìa riêng và dao ăn riêng.
Các món ăn được phục vụ theo kiểu Pháp : một lượt phục vụ món gồm nhiều món được mang tới bàn cùng lúc, tương đương với 3-5 lượt phục vụ món ăn như hiện nay.
Chuyên gia Eric Birlouet, tác giả cuốn sách Bữa ăn thời Trung cổ (Nhà xuất bản Ouest-France, 2003) cho biết, để bắt đầu bữa tiệc, người ta thường ăn hoa quả tươi và uống các loại rượu mùi, nhẹ, chẳng hạn rượu quế, gừng và nhục đậu khấu. Người xưa tin rằng ăn hoa quả ngay đầu bữa tiệc sẽ giúp tiêu hóa thức ăn tốt hơn. Món tiếp theo là các món được hầm nhừ và có nước sốt. Rồi sau đó, đến các món nướng, người ta còn ăn cả thịt ngỗng trời, cò, diệc nướng. Trước và sau khi ăn món nướng, thực khách được phục vụ các món nghiền, món có trứng, thịt. Tiếp đến là cá, cá nước ngọt (cá chép, lươn…), hay cá nước mặn (cá hồi, cá trích, cá tuyết…).
Món tráng miệng thường có hoa quả nghiền, bánh nướng, bánh flan và phô mai. Sau khi ăn món tráng miệng, thực khách lại uống rượu mùi. Bữa tiệc kết thúc với các loại hoa quả dầm, kẹo hạnh nhân, kẹo vị quế, vị rau thơm…
Bữa tiệc trong thế kỷ XVI-XVII
Trong các bữa tiệc cuối năm hồi thế kỷ XVI-XVII, yếu tố thẩm mỹ rất được chú trọng, sự cân đối, hài hòa trong cách bố trí được đề cao. Nếu ở thời trung cổ, chủ và khách chỉ ngồi ở một phía của bàn ăn, thì vào thế kỷ XVI-XVII, người ta ngồi xung quanh bàn.
Các món ăn trong một lượt phục vụ món cũng được mang lên đồng thời cùng lúc. Mỗi người có một chiếc đĩa riêng để đựng thức ăn. Chẳng ai còn phải dùng vạt khăn trải bàn để lau miệng, lau tay như ở thời trung cổ. Khăn ăn được chuẩn bị riêng cho từng người. Và với sự xuất hiện của những chiếc dĩa, cũng chẳng mấy ai còn dùng tay nhón thức ăn cho vào miệng nữa.
Theo phóng viên của báo Le Figaro, ông Chrislain de Montalembert, các món ăn trong bữa tiệc không được chế biến quá cầu kỳ, tinh tế và cũng không được nêm nếm quá nhiều gia vị như trước đây. Người ta thích chế biến đơn giản để cảm nhận được hương vị tự nhiên của món ăn. Chỉ cần chút rau gia vị như hành, mùi tây, hương thảo, ngải thơm… là đủ để làm dậy mùi vị thơm ngon của món ăn! Và rượu sâm banh đặc biệt được ưa chuộng trong bữa tiệc cuối năm.
Giai đoạn giữa hai Thế Chiến
Sang thế kỷ XX, trong giai đoạn giữa Đệ Nhất và Đệ Nhị Thế Chiến, bữa tiệc Noel gồm hai phần : Trước lễ cầu nguyện lúc nửa đêm, người ta chỉ ăn các món thanh đạm, thường là rau nấu chín và canh, ăn kèm với bánh mỳ. Sau lễ cầu nguyện, mọi người bắt đầu ngồi vào thưởng thức bữa tiệc thịnh soạn với nhiều món ăn, thức uống.
Ở nông thôn, trong bữa tiệc Noel, người ta vẫn ăn nhiều món chế biến từ thịt lợn, kể cả dồi. Nhưng theo sử gia Patrick Rambourg, tác giả cuốn sách Nghệ thuật và bữa ăn, ở thành phố, các gia đình quý tộc lại bắt đầu chuộng ăn gà tây. Và gà tây trở thành món trung tâm trên bàn tiệc Noel thời kỳ đó.
Vào những năm 1920, người Pháp bỗng mê sản phẩm của các vùng quê. Sự phát triển của tàu xe khiến việc vận chuyển hàng hóa trở nên thuận tiện, tạo điều kiện cho sản vật của các vùng miền được đưa lên bàn tiệc cuối năm.
Chính trong giai đoạn giữa hai Thế Chiến, người Pháp bắt đầu dùng xô ướp sâm banh và bình đựng rượu vang. Và chủ nhà thường dùng một chiếc bàn đẩy nhỏ có bánh xe để phục vụ từng khách mời món khai vị và tráng miệng. Và cũng theo sử gia Patrick Rambourg, chiếc bánh kem hình khúc gỗ cho bữa tiệc Giáng Sinh cũng ra đời trong thời kỳ này và ngay lập tức được người Pháp yêu thích và dần dần « soán ngôi » các loại bánh kem, bánh ngọt quen thuộc khác.
Và trong hai thập kỷ đó, trong bối cảnh xã hội với nhiều đổi thay và hoảng loạn do chiến tranh, bữa tiệc Noel thường được thu hẹp trong khuôn khổ gia đình.
Bữa tiệc năm 2050 … ?
Phóng viên Christophe Dorée của báo Le Figaro hình dung, trong tương lai, chẳng hạn vào những năm 2050, trong bữa tiệc cuối năm, người Pháp sẽ quay trở lại với phong cách phục vụ món ăn xưa kia: tất cả các món ăn sẽ được bày cùng lúc trên bàn tiệc, khách thích ăn món gì thì tự phục vụ, chứ không phải đợi lượt phục vụ hết món này mới đến món khác như hiện nay. Và trong các bữa tiệc sẽ có nhiều món rau tươi và sạch hơn.
Nhà báo Christophe Dorée còn hình dung người Pháp sẽ để cả cây trong chậu, đặt bên bàn ăn rồi tự hái rau, quả mà ăn ngay cho tươi ngon. Tại sao lại không nhỉ ? Và các loại hoa trái, rau củ du nhập từ nước ngoài và có nhiều công dụng, chẳng hạn khế, nhãn, hồng xiêm, hạt kỳ tử, trái su su, rau cải thảo, vốn không xa lạ với người Việt Nam, chắc chắn sẽ được ưa chuộng trên bàn tiệc của người Pháp vào giữa thế kỷ XXI.
Có khi nào một số loại côn trùng, sâu, dế mèn sẽ trở thành món ăn lôi cuốn trẻ nhỏ ? Và biết đâu đấy, những bông hoa không có độc tố, như hoa păng-xê, sen cạn… cũng trở thành một món ăn trên bàn tiệc của người Pháp trong tương lai? Sao lại không nhỉ !
Cùng chủ đề
Các lưu trữ
- 1
- 2
- 3
- ...
- trang sau >
- trang cuối >
http://vi.rfi.fr/phap/20171222-bua-tiec-cuoi-nam-cua-nguoi-phap-1000-nam-lich-su
Geen opmerkingen:
Een reactie posten