maandag 18 december 2017

Tòa Án Hình Sự Quốc Tế (CPI) ở Den Haag (Hà Lan) có thẩm quyền xử « tội ác xâm lược » + CPI họp Đại hội đồng + CPI quyết định xét xử cựu Tổng thống Côte d’Ivoire Laurent Gbagbo phạm tội ác chống nhân loại

Tòa Án Hình Sự Quốc Tế có thẩm quyền xử « tội ác xâm lược »

mediaThẩm phán của Tòa Án CPI tại La Haye. Ảnh minh họa.AFP
Sau ba tội danh: tội ác chống nhân loại, tội ác chiến tranh và tội diệt chủng, từ nay trở đi sẽ có thêm "tội ác xâm lược" thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa Án Hình Sự Quốc Tế (CPI). Quyết định trên đã được 123 nước tham gia CPI nhất trí thông qua tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York ngày 15/12/2017.
Việc xét xử « tội ác xâm lược » liên quan đến việc một nước tấn công nước khác đã được bàn thảo từ nhiều năm qua nhưng vẫn gây nhiều tranh cãi và sự dè dặt ở nhiều nước.
Thông tín viên Grégoire Pourtier, từ New York tường trình:
"Đã được dự trù trong các quy chế ban đầu của Tòa Án Hình Sự Quốc Tế, « tội ác xâm lược » vẫn luôn là chủ đề gai góc. Đó là việc xác nhận hành động một nước tấn công chủ quyền của nước khác và chỉ ra các nghi phạm trong số những lãnh đạo.
Từ các cuộc can thiệp trong khu vực Hồ Lớn ở châu Phi, cho đến các vụ can dự quân sự của Nga ở Gruzia hay Ukraina, cho đến những liên minh khác nhau can thiệp vào Lybia hay Syria chẳng hạn…
Rất nhiều trường hợp tiềm ẩn phạm tội ác xâm lược có thể xuất hiện ngay trong đầu mọi người.
Trong những điều kiện đó, nếu có thể tìm thấy một « thỏa thuận » nào đó, thì hãy còn lâu người ta mới có thể thống nhất với nhau để xác định tội danh.
Năm 2010, hội nghị tại Kampala (Uganda) đã cho phép xác định rõ hơn khái niệm « tội ác xâm lược ». Nhưng 89 nước tham gia hội nghị đã không phê chuẩn các điều chỉnh luật được soạn thảo khi đó và 7 năm sau, vẫn còn nhiều nước chưa muốn thông qua.
Anh Quốc, Canada, Nhật Bản hay Pháp yêu cầu là các nước đã không phê chuẩn các quyết định đưa ra tại Uganda sẽ không liên quan đến thẩm quyền mới của CPI."

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171216-toa-an-hinh-su-quoc-te-co-tham-quyen-xu-%C2%AB-toi-ac-xam-luoc-%C2%BB

CPI họp Đại hội đồng, trong lúc nhiều nước châu Phi rút

mediaLối vào Tòa Án Hình Sự Quốc Tế (ICC/CPI) tại La Haye, Hà Lan. Ảnh chụp ngày 03/03/2011.REUTERS/Jerry Lampen
Bắt đầu từ hôm nay, 16/11/2016 đến ngày 24/11, Tòa Án Hình Sự Quốc Tế (CPI) họp Đại hội đồng lần thứ 15 tại La Haye. Phiên họp năm nay diễn ra trong bối cảnh 3 nước châu Phi Burundi, Nam Phi và Gambia vừa thông báo rút khỏi Quy chế Roma, tức văn kiện thành lập Tòa án, có hiệu lực từ năm 2003.
Theo thường lệ, phiên họp hàng năm này là dịp để CPI tổng kết lại các hoạt động, tính toán ngân sách và phác thảo các hoạt động trong năm tới, nhưng phiên họp năm nay diễn ra trong không khí đặc biệt, khi có đến 3 nước vừa thông báo rút khỏi CPI. Bên cạnh đó, nhìn chung là, trong khi các nước nhỏ tham gia CPI tích cực, thì các nước lớn như Nga, Trung Quốc và Hoa Kỳ vẫn đứng ngoài thẩm quyền xét xử của Tòa Án Quốc Tế. Một lý do khiến nhiều nước né CPI là, một khi tham gia ký và phê chuẩn Quy chế này, nước đó sẽ được đặt dưới thẩm quyền tư pháp của Tòa Án Hình Sự Quốc Tế.
Thông tín viên Pierre Bénazet tại La Haye cho biết thêm :
"Cũng như Nga và Trung Quốc, Hoa Kỳ vẫn từ chối ký vào Quy chế Roma, theo đó họ sẽ bị đặt dưới thẩm quyền xét xử của Tòa Án Hình Sự Quốc Tế (CPI). Theo các nhà bình luận, phần lớn lý do là để giúp các quân nhân của họ thường có mặt ở khắp thế giới, vẫn có thể nằm dưới thẩm quyền xét xử của tư pháp Mỹ, nếu bị truy tố. Như vậy trên lý thuyết, CPI không thể xét xử các nhân viên Mỹ.
Trước hết, ta có thể nhấn mạnh là việc viện dẫn tội ác chiến tranh trong các báo cáo của CPI cũng nhằm vào quân đội chính phủ Afghanistan và Taliban. Những đối tượng này có thể bị đưa ra tòa xét xử. Tội ác chiến tranh cũng được nhắc tới trong trường hợp các vụ bắt giữ người bí mật của CIA tại Litva, Ba Lan hay Rumani. Ba nước này đã ký vào Quy chế của Tòa Án, vì thế họ có thể bị khởi tố.
Cũng có thể bà chưởng lý Fatou Bom Bensouda đang tìm cách chứng minh với chính phủ các nước châu Phi rằng CPI không phải là cơ quan tư pháp theo kiểu « thực dân mới », trong khi mà ba nước châu Phi do Gambia khởi xướng vừa thông báo rút khỏi Tòa Án Hình Sự Quốc Tế".

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20161116-cpi-hop-trong-luc-nhieu-nuoc-chau-phi-rut

CPI quyết định xét xử cựu Tổng thống Côte d’Ivoire phạm tội ác chống nhân loại

mediaCựu Tổng thống Côte d'Ivoire Laurent Gbagbo, tại tòa án La Haye, Hà Lan, ngày 19/02/2013Reuters / Kooren
Sau một năm xem xét hồ sơ, hôm qua, 12/06/2014, Tòa án hình sự quốc tế - CPI - có trụ sở tại La Haye Hà Lan, đã quyết định đưa ông Laurent Gbagbo, cựu Tổng thống Côte d’Ivoire ra xét xử với tội danh phạm tội ác chống nhân loại.
Theo thông cáo của Tòa, « ban tiền xét xử của Tòa án hình sự quốc tế, với đa số phiếu thuận, đã khẳng định bốn tội danh chống nhân loại nhắm vào ông Laurent Gbagbo và đưa ông ta ra xét xử tại tòa sơ thẩm ». Bốn tội danh của ông Gbagbo là giết người, hãm hiếp, có những hành động vô nhân đạo và trấn áp.
Luật sư của ông Gbagbo tuyên bố hoan nghênh quyết định này, bởi vì ông Gbagbo muốn có một phiên tòa để làm rõ sự thật.
Phe của cựu Tổng thống Côte d’Ivoire khẳng định rằng về mặt luật pháp, họ ở thế mạnh, do một trong ba thẩm phán của ban tiền xét xử cho rằng không đủ bằng chứng để đưa ông Gbagbo ra tòa.
Còn phát ngôn viên của chính phủ Côte d’Ivroire cũng chào mừng quyết định của tòa và hy vọng phiên tòa sẽ công tâm đối với tất cả mọi người.
Ông Laurent Gbagbo, năm nay 69 tuổi, đã bị Tòa án hình sự quốc tế truy nã, với cáo buộc âm mưu tiến hành một chiến dịch bạo lực nhằm duy trì quyền lực, sau cuộc bầu cử Tổng thống hồi tháng 11/2010.
Cựu Tổng thống Côte d’Ivoire khẳng định chính nước Pháp đã tiến hành một kế hoạch gạt bỏ ông ta ra khỏi chính quyền, và đưa đối thủ Alassane Ouattara lên cầm quyền. Theo luật sư của ông Gbagbo, đây sẽ là một phiên tòa xét xử mạng lưới quan hệ Pháp-Châu Phi, những thủ đoạn thao túng, dàn xếp của những kẻ muốn có một cuộc chiến tranh để phục vụ lợi ích của mình.
Laurent Gbagbo đã bị lực lượng thân ông Ouattara, với sự yểm trợ của Pháp, bắt giữ hồi tháng Tư năm 2011 và bị chuyển sang Tòa án hình sự quốc tế ở La Haye, vào tháng 11 cùng năm.
Theo bản cáo trạng, ông Laurent Gbagbo đã muốn « tiếp tục nắm giữ quyền lực bằng mọi cách », tiến hành các cuộc tấn công giết người đã được chuẩn bị kỹ lưỡng.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20140613-toa-an-hinh-su-quoc-te-quyet-dinh-xet-xu-cuu-tong-thong-cote-d%E2%80%99ivoire-pham-toi-ac-c

Geen opmerkingen:

Een reactie posten