vrijdag 8 december 2017

Quốc tế lên án Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô Israel + Quy chế Jerusalem : Liên Hiệp Châu Âu khuyến cáo Donald Trump


Cộng đồng quốc tế lên án Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô Israel


mediaTổng thống Mỹ Donald Trump công bố văn bản công nhận Jerusalem là thủ đô của Israël, ngày 06/12/2017.REUTERS/Kevin Lamarque
Các nước Hồi Giáo trên thế giới, từ Ả Rập Xê Út đến Thổ Nhĩ Kỳ hay Indonesia, Malaysia đồng loạt phản đối tổng thống Donald Trump quyết định dời tòa đại sứ Mỹ về Jerusalem và công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Châu Âu lo ngại bạo động lại dấy lên tại Cận Đông. Liên Hiệp Quốc họp khẩn sáng 07/12/2017 tại New York sau quyết định đơn phương của tổng thống Hoa Kỳ.
Thông tín viên đài RFI Anne Corpet từ thủ đô Washington trở lại với một quyết định được coi là lịch sử của tổng thống Mỹ thứ 45 : Donald Trump đoạn tuyệt với chính sách ngoại giao lâu đời của Mỹ về Cận Đông.
"Donald Trump coi đây là "một cách tiếp cận mới". Qua việc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, tổng thống Hoa Kỳ đã đơn phương xếp lại quân cờ. Theo ông, đây chỉ đơn thuần là việc nhìn nhận "một thực tế trên hiện trường". Tuy nhiên, tổng thống Trum nhấn mạnh rằng Mỹ không đứng về phe nào trên vấn đề đường biên giới và chủ quyền của Israel tại Jerusalem. Trong bài diễn văn ngày hôm qua (06/12), tổng thống Trump đã nhắc lại Mỹ tha thiết với giải pháp thành lập hai nhà nước, Israel và Palestine, với điều kiện giải pháp đó phải được cả đôi bên chấp nhận.
Tổng thống Mỹ ý thức được rằng chiến lược của ông mang tính rủi ro cao và tuyên bố về quy chế của thành phố Jerusalem có nguy cơ làm dấy lên một làn sóng bạo động. Do vậy, Donald Trump đã kêu gọi tất cả các bên bình tĩnh và chừng mực.
Trong thông cáo, bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cho biết sẽ thực hiện quyết định của Nhà Trắng, chuyển tòa đại sứ Mỹ từ Tel Aviv về Jerusalem. Thông cáo này cho biết thêm Hoa Kỳ đặt an ninh của các công dân Mỹ lên trên hết và đã có các biện pháp để bảo vệ công dân Mỹ sống trong các khu vực liên quan. Đây là một cách gián tiếp nhìn nhận mức độ nguy hiểm trong tính toán của Nhà Trắng".

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171207-cong-dong-quoc-te-dong-thanh-len-an-my-cong-nhan-jerusalem-la-thu-do-israel


Thế giới phản đối Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel


mediaToàn cảnh khu Đền Thờ Núi (mầu vàng) và bức Tường Than Khóc tại khu phố cổ Jerusalem. (Ảnh chụp ngày 06/12/2017)REUTERS
Theo thông báo, vào lúc 18 giờ quốc tế ngày 06/12/2017, tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ thông báo một quyết định có thể làm đảo lộn tình hình Trung Đông. Nếu Washington dời sứ quán về Jerusalem hay công nhận thành phố thánh của ba tôn giáo lớn là thủ đô của Israel thì vai trò trọng tài của Mỹ tại lò lửa này xem như chấm dứt từ đây. Không riêng gì thế giới Hồi Giáo, từ Đông sang Tây, quốc tế đồng loạt khuyến cáo tổng thống Mỹ. Câu hỏi đặt ra là Donald Trump lý giải như thế nào ?
Từ Washington, thông tín viên Anne Corpet giải thích:
Theo giải thích của Nhà Trắng, thông báo này sẽ không làm thay đổi gì về vấn đề biên giới giữa Israel và Palestine cũng như quy chế của khu thánh địa đền thờ. Nói cách khác, Donald Trump sẽ không nói Jerusalem là «thủ đô thống nhất» của Nhà nước Do Thái bởi vì một nguồn tin của Nhà Trắng vào chiều hôm qua giải thích rằng tổng thống Trump thông hiểu khát vọng của người Palestine và ông lạc quan về viễn cảnh hai bên, Israel và Palestine, đạt được một hiệp định hoà bình.
Theo chính quyền Mỹ, tuyên bố Jerusalem là thủ đô của Israel chỉ là một động thái đơn giản nhìn nhận một thực tế bởi vì hầu hết các định chế, cơ quan của Israel đều tập trung ở thành phố thánh này. Mỹ không hề thay đổi chính sách. Một viên chức của Nhà Trắng đã tuyên bố như thế vào chiều hôm qua, dường như để làm giảm bớt tầm quan trọng hay hệ quả của thông báo này.
Làn sóng phản đối
Từ 24 giờ qua, cả thế giới lo ngại phản ứng của dân chúng Ả Rập cũng như của người Palestine. Nhiều tổ chức Palestine kêu gọi xuống đường. Tình hình căng thẳng được thấy rõ: bộ Ngoại Giao Mỹ cấm nhân viên đi lại ở Jerusalem và Cisjordanie.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hoàn toàn im lặng.
Chủ tịch Palestine, Mahmoud Abbas, trong cuộc điện đàm với tổng thống Mỹ, cảnh báo về hệ quả an ninh, hoà bình trong khu vực. trong khi đó, một đại diện của Cơ quan quyền lực Palestine ở Luân Đôn chỉ trích Mỹ «tuyên chiến với 1,5 tỷ tín đồ đạo Hồi».
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson bay sang Bruxelles để thuyết phục Liên Hiệp Châu Âu ủng hộ nhưng gặp thái độ khước từ của 28 thành viên.
Ryad, đồng minh thân thiết của Mỹ, cảnh báo tổng thống Trump coi chừng «sự phẫn nộ» của người Hồi giáo. Ankara dự báo «nguy cơ bão lửa» trong lúc tổng thống Recep Erdogan thông báo triệu tập hội nghị các nước Hồi giáo ngày 13/12.
Trung Quốc lo ngại «bạo lực leo thang». Toà Thánh Vatican, qua tuyên bố của đức giáo hoàng, kêu gọi đến «sự khôn ngoan và thận trọng» nhắn nhủ các tác nhân tôn trọng «quy chế hiện trạng của Jerusalem, thánh địa của ba tôn giáo lớn Hồi Giáo, Thiên Chúa Giáo và Do Thái Giáo».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171206-the-gioi-phan-doi-donald-trump-cong-nhan-jerusalem-la-thu-do-cua-israel


Jerusalem, thủ đô Israel: 5 điều cần biết về quyết định mạo hiểm của Trump


mediaCờ Mỹ và cờ Israel được treo bên ngoài tòa thị chính Jerusalem, ngày 07/12/2017.REUTERS/Ammar Awad
Khi công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và chuyển sứ quán Mỹ từ Tel-Aviv đến thành phố thánh, tổng thống Donald Trump đoạn tuyệt với quan điểm của cộng đồng quốc tế và chấm dứt chính sách của Mỹ từ vài thập kỷ qua về Jerusalem.
RFI tiếng Việt tổng hợp một số thông tin của AFP và hai nhật báo Pháp Libération và l’Humanité trong hai ngày 05-06/12/2017 để giải thích về vai trò của Jerusalem đối với thế giới Hồi Giáo và Do Thái, cũng như quyết định mạo hiểm của tổng thống Mỹ.
Jerusalem : Vùng đất thiêng của 3 tôn giáo
Khu Thành Cổ Jerusalem là vùng đất thánh của ba tôn giáo : Do Thái, Hồi Giáo, Kitô giáo với vài tỉ tín đồ trên thế giới. Trước hết là quần thể Đền Thờ, được người Hồi Giáo gọi là Haram Al Sharif, còn người Do Thái gọi là Núi Đền (Temple Mount).
Đối với người Hồi Giáo, đây là địa danh thiêng liêng thứ ba với Nhà thờ Al-Aqsa có mái vòm bạc, vì theo truyền thuyết, khu vực này là nơi xa nhất mà nhà tiên tri Mahomet đã đến. Nổi bật chính giữa là đền thờ Mái vòm (Dome of the Rock) dát vàng tráng lệ được dựng trên khối đá nơi nhà tiên tri thăng thiên.
Đây cũng là vùng đất thánh của người Do Thái, nơi ngôi đền của họ đã được dựng lên. Phía dưới là bức tường Than Khóc, trước từng là tường đỡ, và hiện là di tích cuối cùng của Ngôi đền Do Thái thứ hai bị người La Mã phá hủy năm 70. Đây là địa danh thiêng liêng nhất để người Do Thái cầu nguyện.
Vì các lý do lịch sử, Quần thể Đền Thờ hiện do Jordani canh giữ, nhưng mọi lối vào khu vực này bị lực lượng quân sự Israel kiểm soát. Người Do Thái được phép vào nhưng không được cầu nguyện.
Cuối cùng, cũng trong Thành Cổ Jerusalem có nhà thờ Mộ Thánh Holy Sepulchre, địa điểm thiêng liêng của người theo Kitô giáo, được xây ở nơi chúa Giê-su bị đóng đinh trên thánh giá và được khâm liệm.
Đối với cả Israel và Palestine, Jerusalem là cột mốc quốc gia và tôn giáo mang ý nghĩa sâu sắc. Với người Palestine, bị tước quyền độc lập, việc bảo vệ Jerusalem và đền Al-Aqsa còn là lời kêu gọi đoàn kết giữa những người theo đạo Hồi.
Jerusalem : Thành phố của cầu nguyện và xung đột
Kế hoạch Phân chia của Liên Hiệp Quốc năm 1947 đã đề nghị tách Palestine lúc đó thành ba thực thể : một Nhà nước Do Thái, một Nhà nước Ả Rập và Jerusalem, thành phố phi quân sự, có vị thế là một “thể tách biệt” (corpus separatum), được đặt dưới sự quản lý của Liên Hiệp Quốc.
Kế hoạch này được các nhà lãnh đạo Do Thái chấp nhận nhưng lại bị giới lãnh đạo Ả Rập bác bỏ. Sau khi người Anh rời vùng đất và khi chiến tranh Israel-Ả Rập lần thứ nhất kết thúc, Nhà nước Israel được thành lập năm 1948 và đặt thủ đô ở Tây Jerusalem, còn Đông Jerusalem lúc đó nằm dưới sự kiểm soát của Jordani. Tuy nhiên, sau cuộc chiến Sáu Ngày vào năm 1967, Israel chiếm luôn cả Đông Jerusalem và sáp nhập vào quốc gia Do Thái. Năm 1980, một đạo luật lập quy chế Jerusalem là thủ đô “vĩnh viễn và không chia cắt được” của Israel.
Ngày 05/12/2017, chính phủ Israel nhắc lại : “Jerusalem là thủ đô của dân tộc Do Thái từ 3.000 năm và là thủ đô của Israel từ 70 năm nay”. Jerusalem được nhắc đến ở đây gồm cả Đông và Tây của thành phố “thống nhất”.
Chính quyền Palestine cũng muốn biến Đông Jerusalem thành thủ đô của một Nhà nước Palestine độc lập tương lai. Còn Phong trào Kháng chiến Hồi giáo (Hamas) không công nhận Nhà nước Israel và nhắc đến Jerusalem (không phân biệt Đông-Tây) là thủ đô của Nhà nước Palestine tương lai.
Lập trường của cộng đồng quốc tế
Từ nhiều thập kỷ qua, cộng đồng quốc tế không thay đổi lập trường về quy chế của Jerusalem. Liên Hiệp Quốc không công nhận việc Israel sáp nhập Đông Jerusalem và tuyên bố đạo luật 1980 của Israel là vi phạm luật pháp quốc tế.
Nghị quyết 478 của Liên Hiệp Quốc năm 1980 kêu gọi các nước có cơ quan ngoại giao tại Jerusalem rời khỏi thành phố. Sau đó, khoảng 30 nước lần lượt chuyển trụ sở đến Tel-Aviv. Costa Rica và Salvador là hai nước cuối cùng rời khỏi Jerusalem năm 2006. Theo lập trường của Liên Hiệp Quốc, quy chế cuối cùng của Jerusalem phải do các bên liên quan đàm phán.
Năm 1993, các thỏa thuận lịch sử Israel-Palestine được ký ở Oslo (Na Uy) giữa hai lãnh đạo Yitzhak Rabin và Yasser Arafat dưới sự bảo trợ của Bill Clinton đã không đề cập đến quy chế của Jerusalem, vấn đề về các khu chiếm đóng Do Thái trong các vùng đất Palestine và sự hồi hương của di dân Palestine, dù đây là ba chủ đề chính của tiến trình đàm phán hòa bình giữa hai bên. Hiện đây vẫn là những vấn đề nhạy cảm.
Từ lập trường của Hoa Kỳ đến ý đồ của Trump về Jerusalem
Năm 1995, tổng thống Bill Clinton đã ký một sắc lệnh công nhận : “Từ 1950, Jerusalem là thủ đô của nhà nước Israel”. Nghị Viện Mỹ cũng thông qua Đạo luật Đại sứ quán Jerusalem (Jerusalem Embassy Act). Để đạo luật này được áp dụng, sứ quán Mỹ, hiện đang ở Tel-Aviv giống như đa số các nước công nhận Nhà nước Israel, phải được chuyển đến Jerusalem. Tuy nhiên, có một điều khoản trong luật này cho phép tổng thống Mỹ đương nhiệm hoãn thời hạn áp dụng.
Cứ 6 tháng một lần, ba người tiền nhiệm Bill Clinton, George W. Bush và Barack Obama ký vào điều khoản hoãn áp dụng luật. Tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump miễn cưỡng ký vào điều khoản này lần đầu tiên vào tháng 06/2017. Cuối cùng, ngày 06/12/2017, chủ nhân Nhà Trắng công nhận Jerusalem “là thủ đô không thể chia cắt được của Nhà nước Israel”, theo đúng tuyên bố trong thời gian ông vận động tranh cử.
Chuyển sứ quá Mỹ về Jerusalem : Chuyện gì xảy ra tiếp theo ?
Theo tác giả Pierre Barbancey trên nhật báo L’Humanité (05/12/2017), ký quyết định chuyển sứ quán Mỹ đến Jerusalem là một yếu tố trong kế hoạch mới của chính quyền Mỹ nhằm giải quyết “cuộc xung đột Israel-Palestine”. Và quan trọng hơn là nhằm mở đường để Washington thực hiện mục tiêu cuối cùng là đối đầu với Iran ; chống Iran cũng là mục tiêu của Israel cùng với nhiều nước Ả Rập khác, mà đứng đầu là Ả Rập Xê Út.
Ngày 03/12, con rể kiêm cố vấn của tổng thống Mỹ, Jared Kushner, giải thích về kế hoạch mới của Mỹ như sau : “Rất nhiều nước Trung Đông muốn cùng một điều : tiến bộ kinh tế, hòa bình cho dân tộc của họ. Họ nhận thấy các mối đe doạ trong vùng và tôi nghĩ rằng họ nhìn thấy Israel, một kẻ thù truyền kiếp, thực ra đã trở thành một đồng minh tự nhiên của họ vì Iran, vì tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo tại Irak và Trung Đông”.
Cụ thể, theo kế hoạch, một Nhà nước có thể sẽ được trao cho người Palestine trên một phần Cisjordanie và trên dải Gaza nhưng hai phần này không được kết nối với nhau. Thêm vào đó là khoản trợ giúp 10 tỉ đô la để xây dựng Nhà nước này. Tuy nhiên, hai chủ đề về đàm phán quy chế của Jerusalem và quyền hồi hương của di dân Palestine bị trì hoãn vô thời hạn. Phía Mỹ chịu trách nhiệm đàm phán với Israel. Có lẽ vì thế mà hình thành ý tưởng công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.
Trước mắt, thế giới phản đối quyết định của Donald Trump. Còn “các nước Hồi Giáo bị chia rẽ dường như đang trở nên đoàn kết” trước quyết định về Jerusalem của tổng thống Mỹ, theo nhận xét trên website Libération (06/12/2017). Nhiều lãnh đạo Hồi Giáo trong vùng bắt đầu chạy đua để thể hiện là người bảo vệ Jerusalem.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, với tư cách là chủ tịch luân phiên của Tổ Chức Hợp Tác Hồi Giáo gồm 57 nước, đã mời các thành viên họp thượng đỉnh đặc biệt tại Istanbul vào ngày 13/12. Jordani cũng yêu cầu Liên Đoàn Ả Rập tổ chức họp khẩn ngoại trưởng của 22 nước thành viên vào thứ Bẩy 09/12.
Là người gìn giữ hai thánh địa Hồi Giáo đầu tiên (Mecca và Medina), vua Salmane của Ả Rập Xê Út cũng không muốn để bất kỳ nước nào vượt qua. Tuy nhiên, đồng minh chính của Donald Trump tại Trung Đông lại rơi về thế khó xử và mới chỉ đưa ra những lời cảnh báo nhẹ nhàng về “bước đi nguy hiểm của Washington” có thể khiến “người Hồi Giáo giận dữ”. Ả Rập Xê Út cũng muốn liên minh với Israel để chống lại kẻ thù số 1 trong vùng là Iran.
Cuối cùng, Iran cũng tranh thủ cơ hội để cạnh tranh với các quốc gia theo hệ phái Suni khác trong việc bảo vệ Jerusalem. Tổng thống Hassan Rohani khẳng định là Iran “sẽ không dung thứ cho việc xâm phạm các thánh địa” và kêu gọi “người Hồi Giáo phải đoàn kết trước âm mưu lớn này”.
Dù là đối thủ, bị chia rẽ hay đồng minh, các nước Ả Rập Hồi Giáo đang kêu gọi đoàn kết trong việc lên án quyết định của Donald Trump.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171207-jerusalem-thu-do-cua-israel-5-cau-hoi-ve-quyet-dinh-mao-hiem-cua-trump


Quy chế Jerusalem : Liên Hiệp Châu Âu khuyến cáo Donald Trump


mediaKhu phố cổ Jerusalem. Ảnh ngày 04/12/2017Reuters
Hoa Kỳ coi chừng « hệ quả nghiêm trọng » nếu tổng thống Mỹ Donald Trump xem Jerusalem là thủ đô của Israel và dời sứ quán Mỹ về thành phố này.
Thông báo của văn phòng đại diện ngoại giao tối cao của Liên Hiệp Châu Âu công bố ngày 05/12/2017, kêu gọi « tập trung nỗ lực vực dậy tiến trình hoà bình giữa Israel và Palestine cũng như phải tránh những hành động làm tan vỡ tiến trình này ».
Lời cảnh báo của Liên Hiệp Châu Âu trực tiếp nhắm vào tổng thống Mỹ Donald Trump vào thời điểm Nhà Trắng, trong tuần này, thông báo quyết định, có hay không, chuyển toà đại sứ từ Tel Aviv về Jerusalem.
Sau phản ứng chống đối của chính quyền Palestine và các đồng minh Ả Rập, ngày 04/12/2017, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã điện đàm với tổng thống Mỹ Donald Trump để bày tỏ « quan ngại ». Từ năm 1995, sau khi Quốc Hội Mỹ biểu quyết một đạo luật dời sứ quán về thành phố thánh mà Israel tuyên bố là « thủ đô », cứ sáu tháng một lần, lãnh đạo hành pháp Mỹ phải quyết định.
Theo AFP, giới phân tích dự đóan ông Trump sẽ chọn giải pháp trung dung : gián tiếp nhìn nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, nhưng đình hoãn quyết định dời toà đại sứ.
Tổ chức Hợp Tác Hồi Giáo OCI từ Riyad thông báo sẽ triệu tập « thượng đỉnh » nếu tổng thống Mỹ loan báo công nhận Jeusalem là thủ đô của Israel. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan, chủ tịch luân lưu của OCI đe dọa « cắt đứt quan hệ với Israel », nếu chuyện này xảy ra : « tổng thống Trump, Jerusalem là lằn ranh đỏ của người Hồi Giáo ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171205-quy-che-jerusalem-lien-hiep-chau-au-khuyen-cao-donald-trump

D. Trump thăm Jerusalem : 24 giờ để tạo lòng tin nơi Israel

mediaTừ trái sang phải : Tổng thống Israel Reuven Rivlin, TT Mỹ Donald Trump, phu nhân Melania Trump, thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và phu nhân Sara. Ảnh tại phi trường quốc tế Ben Gurion.Reuters
Sau chuyến thăm Ả Rập Xê Út, nhìn chung được coi là một thành công đối với bước khởi đầu của ông Donald Trump trên trường quốc tế, tổng thống Mỹ hôm nay 22/05/2017 đến Israel. Tại đây ông có thể được tiếp đón niềm nở hơn so với ông Barack Obama năm 2013.
Tổng thống Mỹ được chờ đợi tại Jerusalem, thánh địa của cả ba tôn giáo Cơ Đốc, Do Thái và Hồi giáo. Chiều nay ông đến thăm mộ Chúa Giêsu, nơi thiêng liêng nhất của đạo Cơ Đốc. Sau đó, dưới sự bảo vệ an ninh cao độ, Donald Trump đi vài trăm mét trên những con đường nhỏ của thành phố thánh, đến Bức tường than khóc, nơi cầu nguyện nổi tiếng của người Do Thái giáo, và ông Trump là tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên đến thăm. Dọc theo bức tường này là khu đền thờ Hồi giáo, thánh địa lớn thứ ba của đạo Hồi Sunni.
Từ Washington, thông tín viên RFI Jean-Louis Pourtet gởi về bài tường trình :
« Quan hệ giữa cựu tổng thống Mỹ Obama và thủ tướng Benjamin Netanyahou rất tệ hại, và nay ông Donald Trump hứa hẹn cải thiện quan hệ giữa Hoa Kỳ và Israel. Người ta chờ đợi những biểu hiện hữu nghị nồng thắm giữa hai ông Netanyahou và Trump trước công chúng. Cả hai cùng có lợi khi đồng thuận với nhau. Nhưng phía sau những nụ cười, vẫn có những vấn đề đã cũ lại trỗi dậy.
Ông Donald Trump có ý định muốn giải quyết hồ sơ Israel-Palestine. Muốn vậy, ông sẽ phải cố gắng gây áp lực lên Israel để có những nhượng bộ, nhất là việc xây dựng các khu nhà định cư tại Cisjordanie. Mới đây ông Trump đã tiếp chủ tịch Palestine Mahmoud Abbas tại Nhà Trắng, đã thiết lập mối quan hệ tốt, và ông Abbas sẽ tiếp đón ông ngày mai tại Bêlem.
Giải pháp hai Nhà nước hiện vẫn còn nhập nhằng. Donald Trump cũng sẽ gây thất vọng cho cánh hữu Israel, khi hoãn lại vô thời hạn việc dời đại sứ quán Mỹ sang Jerusalem. Ông sẽ phải giải thích trước Quốc Hội rằng việc này có nguy cơ gây ra một làn sóng bạo động tại Trung Đông, cản trở cơ hội đạt được một thỏa thuận hòa bình ».
Tối qua, theo yêu cầu của Donald Trump, chính phủ Israel đã có những biện pháp tạo điều kiện cho người Palestine : cho phép những người có giấy phép lao động được dễ dàng di chuyển sang Jordanie và mở rộng một cửa ngõ ở bắc Cisjordanie.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170522-donald-trump-tham-jerusalem-24-gio-de-tao-long-tin-noi-israel

Geen opmerkingen:

Een reactie posten