donderdag 16 juni 2016

Bản tuyên bố chung đoản mệnh ở Vân Nam với Trung Quốc, bộc lộ hạn chế của ASEAN

Thứ năm, 16/6/2016 | 14:12 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ |
Thứ năm, 16/6/2016 | 14:12 GMT+7

Bản tuyên bố chung đoản mệnh bộc lộ hạn chế của ASEAN

Việc ASEAN rút lại bản tuyên bố chung đã phơi bày những chia rẽ và bất lực trong giải quyết các vấn đề chung dưới sức ép của Trung Quốc.
ban-tuyen-bo-chung-doan-menh-boc-lo-han-che-cua-asean
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và các ngoại trưởng ASEAN tại hội nghị. Ảnh: AFP
Trong hội nghị với người đồng cấp Trung Quốc vừa diễn ra ở thành phố Côn Minh, các ngoại trưởng ASEAN đã ra một văn kiện mà phía Malaysia gọi là "tuyên bố chung" bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về căng thẳng đang gia tăng ở Biển Đông. Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau đó, Ban Thư ký ASEAN đã quyết định rút lại tuyên bố này mà không đưa ra lời giải thích nào.
Trong khi Malaysia nói rằng văn kiện được rút lại để "chỉnh sửa khẩn cấp", Indonesia lại nói rằng đã có sự "nhầm lẫn" và văn bản này không phải là tuyên bố chung của ASEAN sau hội nghị. Ban Thư ký ASEAN ở Jakarta cũng nói rằng không có tuyên bố chính thức được đưa ra sau cuộc họp.
Các nhà phân tích đưa ra nhiều giả thuyết khác nhau cho "vũ điệu ngoại giao" này. Đáng chú ý hơn cả là ý kiến cho rằng ASEAN buộc phải làm vậy vì áp lực từ Bắc Kinh, bởi rốt cuộc Trung Quốc vẫn là một đối tác thương mại lớn và vô cùng quan trọng của khối, theo Time.
Chia rẽ và bất lực
Tạp chí này dẫn lời một quan chức ngoại giao cấp cao có mặt tại hội nghị cho hay thời điểm tuyên bố chung ASEAN vừa được đưa ra, Bắc Kinh đã lập tức triển khai một cuộc vận động hành lang, thuyết phục các ngoại trưởng rút lại những gì mà họ mới công bố. Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đặc biệt tạo sức ép lên Lào, chủ tịch ASEAN năm nay.
"Khi con rồng gầm rú, những quốc gia nhỏ bé buộc phải né xa khỏi ngọn lửa mà nó khè ra", ông này ví von. "Chúng ta không có cách nào khác là phải chấp nhận thực tế chính trị ấy".
Cùng chung quan điểm, chuyên gia về Đông Nam Á Carl Thayer cho rằng Trung Quốc có thể đã phản đối những lời lẽ mà Ban thư ký ASEAN đưa ra trong tuyên bố chung. "Việc này khiến Ban thư ký ASEAN rút lại tuyên bố", ông nhận định.
Đến nay, vẫn chưa có tuyên bố chung ASEAN khác được phát đi. Thay vào đó, một số thành viên trong khối lần lượt tự mình đưa ra những tuyên bố riêng. Sự xáo trộn này gợi nhớ một dấu mốc hồi năm 2012, khi lần đầu tiên trong lịch sử, ASEAN phải khép lại hội nghị thượng đỉnh mà không có bất kỳ thông cáo chung nào. Giới quan sát khi ấy cho rằng chính Trung Quốc đã gây áp lực lên chủ tịch luân phiên của ASEAN lúc bấy giờ là Campuchia nhằm tránh những vấn đề nhạy cảm về Biển Đông.
"Đây lại là một thất bại khác mà ở đó uy tín của ASEAN bị tổn thương nghiêm trọng chính vì sự thiếu đoàn kết trong khối", Ian Storey, chuyên gia cao cấp tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, đánh giá. "ASEAN không những rơi vào tình cảnh hỗn độn mà còn thiếu cả trụ cột", ông nhấn mạnh.
"Sự việc cho thấy một thực tế là mong muốn định hình và kiểm soát nghị trình an ninh khu vực của ASEAN đang ngày càng xa rời thực tế", Storey bình luận.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với phần lớn diện tích Biển Đông, chồng lấn lên vùng biển các quốc gia láng giềng ASEAN như Việt Nam, Philippines, Brunei. Bắc Kinh củng cố tuyên bố bằng cách xây đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông cùng nhiều công trình trên đó, như đường băng, bến cảng, nhà chứa máy bay... bất chấp sự phản đối từ khu vực và quốc tế.
Vụ việc lần này cũng phản ánh khả năng hạn chế của ASEAN trong việc giải quyết những vấn đề gây tranh cãi. Một thỏa thuận chống khói bụi ký năm 2002 vẫn chưa thể cải thiện tình trạng khói mù độc hại xuất phát từ hoạt động đốt rừng ở Indonesia lan ra nhiều nước trong khu vực. Một liên minh kinh tế ASEAN ra mắt hồi năm ngoái tới giờ vẫn chưa đạt được mục tiêu cắt giảm các rào cản thương mại và đầu tư trong khối. Và ASEAN từ khi đề xuất các nguyên tắc cơ bản về giải quyết tranh chấp trên Biển Đông hồi năm 2002 đến nay vẫn chưa thể tạo ra nhiều thay đổi có ý nghĩa, theo WSJ.
Tác động từ Trung Quốc
Giới chuyên gia nhận định bên cạnh những khác biệt về kinh tế và văn hóa, ảnh hưởng từ Trung Quốc cũng là một trong những nguyên nhân khiến ASEAN khó lòng tìm thấy tiếng nói đồng thuận.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN nói chung cũng như của các nước thành viên nói riêng, ngoại trừ Brunei. Năm 2014, kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN đạt mức 336,5 tỷ USD, chiếm 14,5% giá trị thương mại toàn khối.
Prashanth Parameswaran, biên tập viên chuyên về Đông Nam Á của tạp chí Diplomat, cho rằng Bắc Kinh rõ ràng đang dùng sức mạnh kinh tế như đòn bẩy để lôi kéo và chia rẽ ASEAN.
Bắc Kinh đã khôn khéo lợi dụng ưu thế của mình để lôi kéo không ít thành viên ASEAN, cây bút Ben Otto và Chun Han Wong từ WSJ bình luận. Ví dụ, Campuchia và Lào, hai nước nhận nhiều viện trợ từ Trung Quốc, đang có xu hướng đứng về phía Bắc Kinh trong các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông mặc dù họ không phải bên liên quan trực tiếp.
ban-tuyen-bo-chung-doan-menh-boc-lo-han-che-cua-asean-1
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị gặp Chủ tịch Lào Bounnhang Vorachit hôm 23/4. Ảnh: CRI
Các khoản đầu tư của Trung Quốc tại Lào không ngừng gia tăng trong thập niên qua. Ngoài các công trình giao thông, Trung Quốc còn rót tiền vào nhiều lĩnh vực tại Lào như khai khoáng, nông nghiệp, thủy điện... Đến cuối năm 2013, Trung Quốc đầu tư vào Lào hơn 5 tỷ USD, trở thành một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Lào.
Chính phủ Lào và Trung Quốc tháng 9 năm ngoái ký thỏa thuận thành lập khu hợp tác kinh tế biên giới Boten - Mohan với mục tiêu thúc đẩy đầu tư, thương mại và du lịch. Trước những ưu đãi mà chính phủ hai nước đưa ra, hàng trăm doanh nghiệp đã đầu tư vào đây số tiền lên tới 15,27 tỷ USD.
Nếu như Trung Quốc ghi dấu ấn ở Lào với các dự án kinh tế, thì tại Campuchia, những mối hợp tác quốc phòng chính là chiêu bài hữu hiệu để Bắc Kinh gieo ảnh hưởng, giới quan sát nhận xét.
Trung Quốc là nguồn hỗ trợ lớn nhất cho lực lượng vũ trang Campuchia. Tháng 5/2012, Campuchia và Trung Quốc ký một thỏa thuận hợp tác quân sự, trong đó Trung Quốc đồng ý cung cấp 17 triệu USD cho Campuchia để xây dựng bệnh viện, trường huấn luyện quân sự cho lực lượng vũ trang và cam kết sẽ tiếp tục đào tạo nhân viên quân sự tại Campuchia.
Năm 2013, Bắc Kinh cấp cho Phnom Penh khoản vay 195 triệu USD để mua 12 máy bay trực thăng quân đội Z-9 Trung Quốc. Nước này hồi tháng 5 năm ngoái còn cam kết cung cấp xe tải quân sự, phụ tùng, thiết bị và hóa chất cho Campuchia.
"Viện trợ là một công cụ ngoại giao mà Trung Quốc đang triển khai ồ ạt, đặc biệt là tại Đông Nam Á", ông Bilahari Kausikan, cố vấn chính sách tại Bộ Ngoại giao Singapore, hồi tháng ba nhận xét."Nhiều quốc gia ASEAN đã sẵn sàng và vui vẻ chấp nhận sự hào phóng từ những cơ hội kinh tế mà Trung Quốc chào mời".
Vũ Hoàng


9
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên google+ Email cho bạn bè

http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/phan-tich/ban-tuyen-bo-chung-doan-menh-boc-lo-han-che-cua-asean-3420669.html

Ngoại giao và thực tế trong tranh chấp Biển Đông

Gia Minh, PGĐ Ban Việt ngữ RFA
2016-06-15
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
000_BV3UX-622.jpg
Hội nghị các Bộ trưởng ngoại giao 10 nước thuộc Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc vào ngày hôm qua 14 tháng 6, 2016 ở thành phố Ngọc Khê, tỉnh Vân Nam Trung Quốc.
AFP

Vấn đề tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông lại được bàn đến tại hội nghị các bộ trưởng ngoại giao 10 nước thuộc Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc vào ngày hôm qua 14 tháng 6, 2016 ở thành phố Ngọc Khê, tỉnh Vân Nam Trung Quốc.
Hoat động đàm phán ngoại giao và thực tế diễn ra trên biển có tương thích hay không?

Đàm phán ngoại giao

Tuyên bố chung ASEAN tại hội nghị Ngọc Khê được đưa ra vào tối thứ ba 14 tháng 6; thế nhưng bị rút lại chừng ba tiếng đồng hồ sau đó. Hãng thông tấn AFP loan tin này ngày 15 tháng 6 nói rõ tuyên bố với lời lẽ mạnh mẽ về tình hình căng thẳng tại Biển Đông như thế có thể làm Trung Quốc, nước chủ nhà cuộc họp, tức tối.
Cụ thể tuyên bố vừa nêu của khối ASEAN bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn tiến gần đây cũng như đang tiếp diễn tại tuyến đường biển chiến lược Biển Đông, cho rằng những diễn tiến như thế làm xói mòn niềm tin và sự tin cậy.
Tiếng là của mình nhưng họ giữ ngoài đó. Lâu lâu cũng có đi Trường Sa, một năm đôi ba chuyến, nhưng chủ yếu là Hoàng Sa.
-Ngư dân Lý Sơn
Mặc dù thông cáo không trực tiếp cáo buộc Trung Quốc, nhưng thông cáo đề cập đến sự nhạy cảm của hoạt động Trung Quốc lập nên những đảo nhân tạo, rồi xây dựng đường băng cùng những cơ sở hạ tầng khác trên đó. Hoạt động ấy bị xem như là nổ lực của Bắc Kinh nhằm tuyên bố chủ quyền trọn khu vực Biển Đông.
Trước đó trong ngày thứ ba 14 tháng 6, ngoại trưởng Vương Nghị của Trung Quốc nói với các đồng nhiệm ASEAN rằng hai phía cần xem xét quan hệ với quan điểm lâu dài và tầm cao chiến lược.
Trong buổi tiệc chiêu đãi trước hội nghị, ông Vương Nghị còn phát biểu qua một phần tư thế kỷ thành lập đối tác đối thoại, Trung Quốc và ASEAN cần phải trân quí hòa bình trong khu vực mà theo ông này thì hòa bình không dễ đạt được, đồng thời không để cho bất cứ lực lượng nào quấy phá sự yên bình của căn nhà chung.
Hành động của Trung Quốc
Tuy nhiên, trên thực tế tại Biển Đông, những hoạt động xây dựng làm phá vỡ hiện trạng cẫn tiếp tục diễn ra với tốc độ nhanh chóng.

000_Hkg9812263.jpg
Đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng ở Biển Đông, ảnh minh họa chụp hôm 15/5/2014.

Mới tuần trước, truyền thông Trung Quốc loan tin về hai hải đăng mới sẽ được xây trên Đá Chữ Thập và Đá Vành Khăn. Ngọn hải đăng trên mũi cực đông của Đá Vành Khăn sẽ là công trình cao nhất ở quần đảo Trường Sa với cao độ 60 mét.
Cho đến nay, Trung Quốc đã cho vận hành 3 hải đăng trên các đảo nhân tạo mà họ bồi đắp trong thời gian qua. Đó là hải đăng trên đá Subi, Đá Gạc Ma và đá Châu Viên.
Tờ The Dilplomat vừa qua cũng cho biết vào ngày 8 tháng 6 vừa qua, Trung Quốc chính thức đưa hộ tống hạm thế hệ mới loại 056A, thuộc lớp Giang Đảo, được trang bị hệ thống chống tàu ngầm đến căn cứ Ngọc Lâm ở thành phố Tam Á, đảo Hải Nam. Chiếc hộ tống hạm này được cho biết sẽ hoạt động chủ yếu trong vùng biển quần đảo Hoàng Sa.

Thực trạng ngư dân Việt

Đây là quần đảo mà Trung Quốc hoàn tất việc cưỡng chiếm vào năm 1974 từ phía Việt Nam Cộng Hòa.
Lâu nay, ngư dân Việt Nam ra đánh bắt tại khu vực đó thường xuyên bị phía Trung Quốc rượt đuổi, thậm chí còn va đâm làm chìm tàu, hay cướp hết hải sản đánh bắt được cùng ngư lưới cụ hành nghề biển.
Một ngư dân Lý Sơn vào ngày 15 tháng 6, cho biết bất chấp tình trạng vừa nêu, nhưng bản thân ông và nhiều ngư dân khác trên đảo tiếp tục bám biển để mưu sinh. Ông cho biết:
“Biển đảo của mình thì phải bám hoài như vậy chứ biết làm sao! Họ cứ đuổi còn mình làm được giờ nào thì cứ làm. Do họ đuổi hoài nên làm không đạt.
Tiếng là của mình nhưng họ giữ ngoài đó. Lâu lâu cũng có đi Trường Sa, một năm đôi ba chuyến, nhưng chủ yếu là Hoàng Sa. Ra mà mình làm vùng của mình thì họ không đuổi nhưng qua chỗ của họ họ đuổi, đánh dữ lắm. Họ đuổi riết nhưng mình kệ vì phải làm ăn chứ sao. Một chuyến đi hết mấy trăm triệu phí tổn.”

Ý kiến chuyên gia

Trung Quốc lợi dụng tình thế để làm rất nhiều điều nhưng tôi tin rằng ý nguyện, quyết tâm, ý chí của nhân loại là có thể bảo vệ môi trường sống, hòa bình và ổn định cho cuộc sống.
-Trần Công Trục
Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên trưởng Ban Biên giới Chính phủ Việt Nam, trong một lần trà lời chúng tôi vừa qua, cho rằng mọi hoạt động của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông không được nhiều nước trên thế giới đồng ý với lý do sau:
“Tôi tin rằng không thể nào được sự ủng hộ của dư luận quốc tế bởi vì chân lý sáng tỏ nhất là nhân loại hiểu rằng cần phải bảo vệ vấn đề trước pháp luật, cần phải giữ được sự hòa bình, ổn định quốc tế mà hiện nay nhiều vấn đề đang xảy ra rất phức tạp tại nhiều khu vực trên thế giới. Và có lẽ nhân loại không muốn dẫn đến một cuộc đụng độ, một cuộc chiến tranh khác mà nguy hiểm hơn nhiều cho sự tồn vong của nhân loại.
Trung Quốc lợi dụng tình thế để làm rất nhiều điều nhưng tôi tin rằng ý nguyện, quyết tâm, ý chí của nhân loại là có thể bảo vệ môi trường sống, hòa bình và ổn định cho cuộc sống.”
Trong thời gian qua Trung Quốc tiến hành vận động nhiều nước trên thế giới úng hộ lập trường của Bắc Kinh tại khu vực Biển Đông nhất là khi mà Tòa Trọng Tài Thường Trực Liên hiệp quốc tại La Haye sắp ra phán quyết đối với vụ việc Philippines kiện Trung Quốc về đường đứt khúc chin đoạn ở Biển Đông. Nộ lực vận động của Bắc Kinh cũng gặt hái được một số kết quả từ những quốc gia, nhất là nước Nga một thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên hiệp quốc có quyền phủ quyết. Tuy nhiên giáo sư Ngô Vĩnh Long, thuộc Đại học Maine ở Hoa Kỳ cho rằng chính quyền Hà Nội cũng có thể tranh thủ ủng hộ của Matxcova và nhiều chính quyền khác:
“Thật ra Việt Nam cũng có thể tranh thủ được Nga nữa nếu mà Việt Nam khôn ngoan. Khi nói đến sự kiện này tôi thấy có điều lý thú là lần đầu tiên Việt Nam ăn nói có vẻ đàng hoàng hơn trong việc tranh thủ thế giới; chứ lúc trước Việt Nam chí nói ‘Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam’. Mà nói như vậy thì người ta khó bênh vực. Nay thì Việt Nam nói đến vấn đề an ninh và cái gì song phương thì giải quyết song phương. Theo tôi như thế chưa đủ: vấn đề Phú Lâm không phải là song phương; nếu Việt Nam nói ( đó) là vấn đề song phương thì Việt Nam mắc bẫy Trung Quốc. Việt Nam cần phải nói đó là vấn đề an ninh khu vực và thế giới, không phải song phương. Trung Quốc lấy đảo của Việt Nam, giết người Việt Nam đúng là dính đến Việt Nam nhưng bây giờ là vấn đề quốc tế. Nếu Việt Nam đưa lý luận này ra trước quốc tế thì theo tôi nghĩ không những được sự ủng hộ của thế giới mà còn làm cho sự manh động của Trung Quốc cũng bớt đi.”
Nhiều chuyên gia cho rằng lời nói và việc làm của Trung Quốc không bao giờ đi đôi với nhau. Những nước có tranh chấp với Bắc Kinh phải hết sức tỉnh táo không nên để mắc mưu trong đàm phán song phương với Trung Quốc mà phải tranh thủ sự đoàn kết khu vực và quốc tế mới có thể chặn đứng tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.

Geen opmerkingen:

Een reactie posten