vrijdag 24 juni 2016

Indonesia là 'khúc xương' mà Trung Quốc khó 'gặm'

Indonesia là 'khúc xương' mà Trung Quốc khó 'gặm'
Thursday, June 23, 2016 4:37:14 PM

Bài liên quan


JAKARTA (NV) - Indonesia và Trung Quốc chỉ bất đồng về “lợi ích,” không hề có tranh chấp về chủ quyền vì vùng biển quanh Natuna là của Indonesia, các yêu sách về chủ quyền phải chiếu theo luật pháp quốc tế.
Bà Retno Marsudi, ngoại trưởng Indonesia vừa khẳng định như vậy, sau khi Trung Quốc chỉ trích Indonesia “lạm dụng vũ lực, vi phạm luật pháp quốc tế và đe dọa hòa bình trong khu vực” vì săn đuổi, dùng súng cảnh cáo, bắt giữ tàu đánh cá và ngư dân Trung Quốc tại vùng biển quanh quần đảo Natuna.

Tàu đánh cá mà lực lượng Hải Cảnh Trung Quốc đánh tháo hôm 19 tháng 3 và Indonesia đang yêu cầu Trung Quốc phải giải giao. (Hình: New York Times)

Trong khi Trung Quốc liên tục nhấn mạnh, tuy quần đảo Natuna là của Indonesia nhưng vùng biển quanh đảo Natuna hiện đang có “sự chồng lấn về chủ quyền” thì Indonesia vừa khẳng định, vừa hành động để xác quyết, vùng biển quanh quần đảo Natuna là của Indonesia, không dính dáng tới Trung Quốc.
Từ trung tuần tháng 3 đến nay, Hải Quân Indonesia liên tục săn đuổi, dùng súng cảnh cáo các tàu đánh cá của Trung Quốc xâm nhập, đánh bắt trái phép ở vùng biển quanh Natuna. Họ đã bắt giữ ba tàu đành cá của Trung Quốc.
Ngoài ngoại trưởng Indonesia, phó tổng thống Indonesia vừa khẳng định với truyền thông quốc tế rằng, Indonesia sẽ còn cứng rắn hơn trong việc bảo vệ các quyền của Indonesia tại vùng biển quanh Natuna.
Ông Joko Widodo, tổng thống Indonesia mới đến thăm quần đảo Natuna để minh định chủ quyền của Indonesia ở vùng biển quanh Natuna. Hôm 23 tháng 6, sau khi thị sát ở quần đảo Natuna, ông Widodo đã tổ chức họp nội các, với sự tham dự của ngoại trưởng, bộ trưởng An Ninh và bộ trưởng Quốc Phòng của Indonesia trên một chiến hạm của hải quân Indonesia đang thả neo tại Natuna.
Tổng thống Indonesia đã yêu cầu bộ trưởng Quốc Phòng Indonesia gia tăng tuần tra và nhanh chóng cải thiện năng lực của quân đội, sẵn sàng ứng phó những thách thức đối với chủ quyền của Indonesia. Ông Luhut Pandjaitan, bộ trưởng An Ninh Indonesia xác nhận, chưa bao giờ Indonesia tỏ ra cứng rắn với Trung Quốc như lúc này. Sự cứng rắn đó nhằm nhấn mạnh rằng, Indonesia không khoan nhượng khi bị đụng chạm đến chủ quyền.
Trước chuỗi sự kiện vừa kể, một viên chức ngoại giao cao cấp của Hoa Kỳ, yêu cầu ẩn danh khi trò chuyện với AFP, nhận định, Trung Quốc đang sử dụng một chiến thuật đáng ngại, đó là dùng các loại tàu công vụ hộ tống các tàu đánh cá thực hiện việc đánh bắt hải sản ở những vùng biển đang có tranh chấp, nhằm khẳng định yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền tại Biển Ðông. Các tàu đánh cá được chính quyền Trung Quốc vũ trang và gọi là dân quân biển có thể là yếu tố dẫn bất ổn trong khu vực.
Thế nhưng ít nhất việc thực hiện chiến thuật đã kể của Trung Quốc đang gặp trục trặc vì Indonesia không ngại va chạm. Hôm 17 tháng 6, Hải Quân Indonesia đã vây bắt 12 tàu đánh cá của Trung Quốc xâm nhập vùng biển quanh đảo Natuna để đánh bắt trái phép. Do các tàu này tháo chạy, Hải Quân Indonesia đã bắn cảnh cáo, buộc các tàu đó phải ngừng lại để khám xét và khi tìm được bằng chứng, Hải Quân Indonesia đã bắt giữ một tàu đánh cá treo cờ Trung Quốc với bảy ngư dân.
Trước nữa, vào ngày 27 tháng 5, Hải Quân Indonesia từng ứng xử tương tự với tàu đánh cá Gui Bei Yu 27088 của Trung Quốc. Việc vây bắt, bắn cảnh cáo, bắt giữ tàu đánh cá Gui Bei Yu 27088 được thực hiện ngay trước mũi các tàu của lực lượng Hải Cảnh Trung Quốc.
Hôm 19 tháng 3, Hải Quân Indonesia từng bắt giữ một tàu đánh cá của Trung Quốc cũng vì xâm nhập và đánh bắt trái phép ở vùng biển quanh quần đảo Natuna. Ngay sau đó, hai tàu của lực lượng Hải Cảnh Trung Quốc đã sấn vào, gây áp lực với tàu của hải quân Indonesia để đoạt lại tàu đánh cá đó.
Hành động giống như đổ dầu vào lửa này dẫn tới việc Indonesia triệu tập đại sứ Trung Quốc ở Indonesia đến để yêu cầu trả lời, tại sao Trung Quốc đã xác nhận vùng biển quanh quần đảo Natuna nằm ngoài yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền tại Biển Ðông mà tàu đánh cá của Trung Quốc vẫn xâm nhập khu vực này để đánh bắt trái phép và hải cảnh Trung Quốc lại đứng phía sau, hỗ trợ những hoạt động bất hợp pháp đó (?). Indonesia cũng đã chính thức yêu cầu Trung Quốc giải giao con tàu mà lực lượng hải cảnh Trung Quốc đánh tháo hôm 19 tháng 3. Ðến nay, Trung Quốc chưa đáp ứng yêu cầu này
Cũng kể từ đó, bất chấp Trung Quốc phản đối kịch liệt, Indonesia khẳng định sẽ tiếp tục săn đuổi, thậm chí sử dụng vũ lực nếu có tàu đánh cá nào của Trung Quốc đánh bắt trái phép trong hải phận Indonesia. (G.Ð)

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=230695&zoneid=5

Geen opmerkingen:

Een reactie posten