dinsdag 21 juni 2016

Euro 2016 : Hooligan Nga là ai ?

Euro 2016 : Hooligan Nga là ai ?

mediaHooligan Nga mặc áo có dòng chữ "Nước Nga không đầu hàng" bị cảnh sát Pháp chận lại ở gần Cannes ngày 14/06/2016 vì nghi ngờ tham gia bạo động.REUTERS/Eric Gaillard
« Hooligan Nga gây sợ hãi cho Cúp bóng đá châu Âu là những ai ? ». Đó là tựa đề bài điều tra của Le Figaro, về những người thích ấu đả hơn là quả bóng tròn. Bài báo được đăng tải trước khi diễn ra trận đấu nguy cơ cao giữa Nga và xứ Galles (Wales) hôm nay 20/06/2016, và nhấn mạnh, bạo động do các cổ động viên Nga gây ra ở Marseille đã khởi đầu cho những vụ chạm trán giữa các fan trong giải Euro 2016.
Các chuyên gia gọi họ là « okolo football », tạm dịch « bên lề bóng đá ». Những « chiến binh trong bóng tối » này thường xuyên tập luyện các các phòng tập thể dục thể thao, nhưng nhất là trong các khu rừng ngoại ô Matxcơva. Họ đi theo từng nhóm cả chục hoặc cả trăm người, hẹn nhau để tỉ thí trong rừng với các nhóm đối địch, thỏa thuận trước về số người và độ tuổi của các « chiến binh », và đi tay không.
Các fan của Spartak và CSKA nổi tiếng là hung bạo nhất, thêm vào đó là Lokomotiv Matxcơva. Những hooligan « rất có tổ chức », theo những cảnh sát Nga đã theo dõi hiện tượng này từ hai thập kỷ. Mỗi câu lạc bộ bóng đá có từ 5 đến 10 băng hooligan.
Tờ báo kể ra một số khuôn mặt. Alexei Erounov, 29 tuổi, vừa lãnh án tù một năm tại Pháp sau vụ bạo động ở Marseille, lãnh đạo băng Red Green Viking của đội Lokomotiv, là « một thanh niên cơ bắp tập luyện rất cật lực, nhưng thiếu thông minh ». Nikolai Mororov, 28 tuổi, biệt danh « Con Mắt », án hai năm tù ở Pháp, chiến đấu cho đội Dynamo. Bị cáo thứ ba bị kết án ở Marseille, Serguei Gorbatchev, biệt danh « Cục Gạch », 33 tuổi, điều hành một băng của Arsenal Toula ở phía nam Matxcơva.
Dù giữ bí mật cho an toàn đồng thời giữ được huyền thoại, nhưng hooligan Nga cũng thích phô trương. Họ dàn dựng những cảnh đánh nhau và quay lại, đôi khi bằng caméra Go Pro đeo trên trán, rồi đưa lên nhiều trang web dành riêng cho « okolo football ».
Publicite, fin dans 37 secondes
Kịch bản thường như nhau : ở Marseille, những người đàn ông lực lưỡng tay đeo găng xuôi ngược các con đường ở Vieux-Port, quẳng lung tung những chiếc ghế trên đường đi. Họ nhận diện con mồi, thường là cổ động viên Anh, lao thẳng vào tấn công rồi rút đi thật nhanh và nếu cần lại quay lại « chiến » tiếp, tung ra những cú đấm, cú đá. « Một sự săn mồi », theo mô tả của công tố viên phó André Ribes.
Cuối cùng là khoa trương chiến lợi phẩm. Một lá cờ Anh, một chiếc áo thun bị xé rách có ghi dòng chữ « Người Nga không đầu hàng ». Mỉa mai thay, chiếc áo thun này đã được giơ cao hôm 14/6 trong chiếc xe bị cảnh sát chận lại ở gần Rennes. Cả 43 hooligan đều từ chối xuất trình giấy tờ, nên lãnh sự Nga ở Marseille đã được mời đến, và cả nhóm đều bị hốt gọn. Ngoài ba người bị lãnh án tù nói trên, 20 hooligan Nga khác đã bị trục xuất khỏi lãnh thổ Pháp hôm thứ Bảy.
Cuối thập niên 90 và đầu những năm 2000 là thời đại vàng son của « okolo football ». Liên Xô bị tan rã đã một chục năm, các băng hooligan bắt đầu hình thành, như băng Red Blue Warriors của câu lạc bộ CSKA hay Flint’s Crew thuộc Spartak. Và rồi hooligan Nga bắt đầu « xuất khẩu » : năm 1998, hai ngàn cổ động viên quá khích Matxcơva xung đột với « kẻ thù chung Ukraina ».
Sự quyết chiến của các hooligan cộng với chủ nghĩa dân tộc vừa khiến các quan chức Nga lo ngại lại vừa thích thú, có khi còn nhờ vào lực lượng này để dằn mặt phe đối lập. Cho đến khi một cuộc biểu tình của phe quốc gia cực đoan chống tổng thống diễn ra ngay trước mũi điện Kremlin, thì Putin bèn cảnh cáo giới hooligan.
Lo sợ bị lợi dụng, một số bèn chấm dứt với quá khứ hooligan, số khác tránh né các đường phố thủ đô. Một số nguồn tin cho biết có một « thỏa thuận bất thành văn », cảnh sát làm ngơ cho các băng nhóm đánh nhau trong rừng nếu không dính dáng đến chính trị. Le Figaro đặt câu hỏi, như vậy ra nước ngoài ẩu đả có phải là một biến thể ? Nếu thế thì các cổ động viên Anh và các quán cà phê ở khu Vieux-Port, Marseille đã phải trả giá cho việc này.
Nga : Thể thao và ý thức hệ
Cũng liên quan đến Nga, bài xã luận mang tựa đề « Thể thao Nga được tăng lực bằng ý thức hệ » đăng trên Le Monde nhận định, còn chưa đầy hai tháng nữa là đến Thế vận hội Rio, các vận động viên Nga có nguy cơ bị cấm tham gia.
Tổng thống Nga Vladimir Putin giận dữ cho rằng đây là một sự trừng phạt tập thể, chính trị hóa vấn đề doping trong khi đây là « trách nhiệm cá nhân ». Có thể hiểu được cơn giận này, vì ông Putin, đai đen judo, không hút thuốc, chỉ thích uống trà, rất hãnh diện vì thân hình lực sĩ của mình. Trong những bức ảnh chính thức, ông khi thì cỡi ngựa, hóa trang thành người đi săn gấu, điều khiển tàu ngầm mini…Những hình ảnh tạo lòng tự hào, sau khi Liên Xô sụp đổ.
Thể thao phục vụ chính trị, đó là dấu ấn của kỷ nguyên Putin. Ông bị ám ảnh phải chiến thắng bằng mọi giá - những chiếc huy chương vàng cùng với các hỏa tiễn liên lục địa, có thể chứng tỏ vị trí vừa tìm lại của nước Nga trong số những siêu cường hiện nay trên thế giới.
Nga xuất khẩu lò phản ứng nguyên tử nhiều nhất thế giới
Trên lãnh vực hạt nhân, nước Nga cũng là quốc gia xuất khẩu nhiều lò phản ứng nhất, theo tác giả Jean-Michel Bezat trong bài « Nguyên tử và testostérone » đăng trên Le Monde.
Tờ báo nhận xét, nay lại có các hội chợ về nguyên tử, bên cạnh các hội chợ hàng không và vũ khí, nơi các nhà sản xuất tìm cách thu hút các khách hàng tương lai. Sau Atomexpo tổ chức tại Matxcơva hồi cuối tháng Năm, nay đến World Nuclear Exhibition lần hai diễn ra từ ngày 28 đến 30/06/2016 ở Bourget, ngoại ô Paris, và đến cuối tháng 11 đến lượt « show » của công nghiệp hạt nhân Trung Quốc tại Bắc Kinh.
Ông Vladimir Putin đã quyết định đưa công nghệ nguyên tử trở thành một véc-tơ gây ảnh hưởng quốc tế. Hãy quên đi Tchernobyl ! Nga là nước sản xuất nhiều lò phản ứng hạt nhân để xuất khẩu nhất trên thế giới. Tại Atomexpo, các đoàn Việt Nam, Ai Cập, Nigeria, Jordani, Nam Phi, Achentina…tấp nập đến tham quan, đảm bảo tiềm năng 10 tỉ đô la hợp đồng cho Nga.
« Brexit », In or Out ?
Còn ba ngày nữa sẽ diễn ra cuộc trưng cầu dân ý về việc Anh quốc ra khỏi Liên hiệp Châu Âu (EU), các cuộc thăm dò cho thấy có sự cách biệt rất ngắn giữa hai phe ủng hộ và chống đối « Brexit ». Le Figaro chạy tựa « Brexit : Nước Anh nín thở ».
Les Echos đăng hình lá cờ Anh và tháp Big Ben trên trang nhất với dòng tựa đơn giản « In or Out ? ». Tờ báo ghi nhận, sau vài ngày ngưng đọng do vụ nghị sĩ Jo Cox bị ám sát, hy vọng lại chớm nở với những người muốn ở lại vì ý định bỏ phiếu « in » tăng nhẹ.
« Câu hỏi là đây », tựa trang bìa của La Croix. Tờ báo công giáo dành hồ sơ 4 trang cho những được, mất của « Brexit ». Le Monde thì dành đến 6 trang báo với dòng tựa « Brexit, lời cảnh báo của nước Pháp » : bộ trưởng Kinh tế Emmanuel Macron đặt ra các điều kiện trong trường hợp Anh ra khỏi EU. Tờ báo cũng phác họa kịch bản về vương quốc này hai năm sau đó.
Les Echos phân tích những cái đúng và sai trong lý lẽ của phe ủng hộ ra khỏi Liên hiệp Châu Âu về nhập cư, các quy định, tăng trưởng…
Theo tờ báo kinh tế, đúng là khi ra khỏi EU, dịch vụ công của nước Anh sẽ có ngân sách dồi dào hơn, và lượng người nhập cư sẽ giảm xuống. Nhưng còn lý do Anh sẽ không còn bị ràng buộc bởi các quy định của EU, liệu người Anh có chấp nhận từ bỏ một số quy định bảo vệ người làm công ăn lương, chống lại hiện tượng biến đổi khí hậu ? Ngay cả khi đã ra đi, các công ty Anh xuất khẩu vào EU vẫn phải tuân thủ các quy định của Bruxelles, và như vậy tốt nhất nên ngồi vào bàn thương lượng thay vì chịu đựng áp đặt.
Ngoại thương Anh sẽ năng động hơn ? Les Echos khẳng định rằng « Sai » ! Thật nguy hiểm nếu xáo trộn quan hệ thương mại với EU, nơi tiêu thụ 44% hàng xuất khẩu của Anh, và một Luân Đôn đơn độc không thể thương lượng được các hợp đồng với ưu thế như EU. Tổng thống Mỹ Barack Obama đã cảnh báo, Anh sẽ phải sắp ở cuối hàng khi đàm phán một hiệp định tự do mậu dịch với Hoa Kỳ.
« Brexit » sẽ tác động tích cực đến tăng trưởng của Anh ? Lý lẽ chủ yếu này cũng sai nốt, kinh tế chính là gót chân Achille của những người ủng hộ « Brexit ». Hầu như tất cả các nhà kinh tế và các báo cáo chính phủ đều dự báo tác động tiêu cực, nhất là trong ngắn hạn. Bộ trưởng Tài chính George Osborne nêu ra nguy cơ suy thoái, thống đốc Ngân hàng trung ương lo ngại GDP sẽ thụt lùi, OCDE và IMF khẳng định GDP Anh về lâu về dài sẽ sụt giảm.
Theo Le Figaro, thủ tướng Anh David Cameron đã rơi vào chiếc bẫy của chính mình, và có nguy cơ ghi dấu trong lịch sử như người đã đưa đất nước ra khỏi Liên hiệp Châu Âu. Vì đâu nên nỗi ? Ông đã phạm một loạt sai lầm và đưa ra nhiều lời hứa mạo hiểm, nên ngày nay bị dẫn dắt đến một nơi mình không muốn đến. La Croix cho rằng « Brexit » sẽ khiến Scotland càng mong muốn ly khai, và cái giá của tự do có thể là Vương quốc Anh bị chia cắt.
Pháp : Bầu cử sơ bộ và trưng cầu dân ý
Về tình hình nước Pháp, Libération nói về một cuộc bỏ phiếu khác : Hội đồng Nhà nước trong tuần này sẽ quyết định có hủy bỏ cuộc tham vấn dự kiến vào Chủ nhật tới về việc xây dựng sân bay ở Nante. Nhật báo cánh tả chạy tựa trang nhất « Dự án Notre-Dame-des-Landes, cuộc bỏ phiếu đang được hồi hộp chờ đợi ».
Cũng lại là bầu cử, nhưng để chọn ra ứng cử viên đại diện cho cánh tả trong kỳ bầu cử tổng thống Pháp 2017, Le Monde chạy tít « Bầu cử sơ bộ cánh tả, cái bẫy của Hollande ». Tổng thư ký đảng Xã hội Jean-Christophe Cambadélis vào cuối tuần trước đã bất ngờ đưa ra đề nghị này, mà theo tờ báo thì nhằm « đo ni đóng giày » cho đương kim tổng thống François Hollande ra tái cử.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160620-euro-2016-hooligan-nga-la-ai

Geen opmerkingen:

Een reactie posten