Chủ nhật, 26/6/2016 | 07:59 GMT+7
Cuộc chiến 'chân dài' giữa các hãng bia
Là thị trường tiêu thị bia số một Đông Nam Á, các hãng bia tại Việt Nam đã không ngại chi hàng trăm tỷ đồng cho hoạt động thuê "chân dài" tiếp thị.
Chủ quán thịt dê trên đường Trần Não (quận 2) cho biết, nếu cách đây 3 năm lượng nhân viên mà quán ông thuê để phục vụ lên đến cả chục người thì từ khi hãng bia ngoại đặt mối quan hệ hợp tác kèm các cô gái tiếp thị (PG) thì lượng nhân viên phục vụ đã giảm được đáng kể. Các cô gái PG xinh đẹp này khá nhiệt tình, họ không chỉ phục vụ bia mà còn hỗ trợ quán giúp khách gọi món khi cần thiết.
“Không những giảm được lượng nhân viên phục vụ mà doanh thu bán bia tại cửa hàng của tôi cũng tăng đáng kể. Ngoài ra, nếu cho hãng đặt một quầy bia riêng tại quán thì tôi còn được thêm phần thu từ việc thuê địa điểm tầm 15 triệu mỗi tháng”, chủ quán thịt dê nói.
Cũng cho khá nhiều nhân viên tiếp thị bia hoạt động tại quán, anh Hòa, chủ quán nướng trên đường Nguyễn Xí (Bình Thạnh) cho biết, từ khi anh bắt đầu mở quán nướng thì có tới 2-3 hãng bia đặt quan hệ xin hợp tác. Hãng nào cũng thiện chí và đưa ra nhiều lợi ích khá hấp dẫn. Tuy nhiên, phải sau một tháng thử nghiệm lựa chọn của người tiêu dùng, anh mới quyết định chọn hãng bia được khách ưa thích nhất để hợp tác.
Các hãng đua nhau chi trăm tỷ cho thuê "chân dài" tiếp thị bia. Ảnh: MH.
|
Khảo sát của VnExpress tại TP HCM cho thấy, mỗi quán nhậu và câu lạc bộ bia lớn đều có một nhóm từ 3 đến 5 cô gái “chân dài” nhiệt tình tiếp thị bia. Đây cũng là lý do mà 2 năm trở lại đây, lượng tiền mà các hãng chi cho hoạt động quảng cáo, tiếp thị ngày càng tăng mạnh. Nhiều hãng không ngần ngại chi cả nghìn tỷ đồng, trong đó, ngân sách thuê các "chân dài" cũng lên tới hàng trăm tỷ.
Tại hội cổ đông gần đây của Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), không ít cổ đông phải trầm trồ vì được chiêm ngưỡng cả dàn PG đứng xếp hàng đón khách. Năm 2015, Sabeco chi tới 1.269 tỷ đồng cho hoạt động tiếp thị, quảng cáo, tăng 43,2%.
Trao đổi với VnExpress, lãnh đạo Sabeco cho biết, hoạt động thuê PG tiếp thị trong các sự kiện và quán bia là không thể thiếu đối với hãng bia cả trong lẫn ngoài nước. Riêng tại hãng này, ngoài nhân viên tiếp thị của công ty thì tại các sự kiện lớn, đơn vị thường thuê ngoài và chi phí cho hoạt động này cũng khá cao.
Không kém cạnh, thậm chí còn mạnh tay hơn Sabeco, hàng năm Công ty TNHH nhà máy Bia Việt Nam (VBL) - đơn vị sản xuất các sản phẩm Heineken, Tiger, Larue tại Việt Nam chi hàng trăm tỷ đồng cho hoạt động thuê "chân dài" để tiếp thị bia và các sự kiện.
Cụ thể, năm 2015, VBL chi tới 167 tỷ cho việc thuê PG tại Công ty cổ phần dịch vụ dầu khí Sài Gòn (SPSC), tăng 22% so với 2014 (137 tỷ đồng). Đây là mức chi "khủng" nhất của hãng này từ trước đến nay tại thị trường Việt Nam.
Nhân viên tiếp thị bia tới giới thiệu sản phẩm tại quán nhậu. Ảnh: MH.
|
Là đơn vị đứng thứ 4 về tiêu thụ bia tại Việt Nam với nhiều nhãn hàng nổi tiếng, năm nay Carlsberg quyết định chi 450 tỷ đồng cho tiếp thị quảng cáo. Trong đó, trả cho đội ngũ PG của hãng lên tới gần trăm tỷ.
Không thuê “chân dài” từ công ty ngoài như các hãng trên, quản lý của Carlsberg là người trực tiếp tuyển chọn, trong đó có cả các PG ngoại quốc. Điển hình nhất, hồi đầu tháng 4, để quảng bá sản phẩm Tuborg, hãng đã cho hiện diện nhiều cô gái nước ngoài tiếp thị bia tại các quán ăn, nhà hàng với 10 điểm đến một ngày để tiếp cận và quảng bá sản phẩm bia mới tới khách hàng. Ban lãnh đạo Carlsberg Việt Nam kỳ vọng, với chiến dịch tiếp thị dồn dập, hãng sẽ sớm đạt được những mục tiêu đặt ra cho Tuborg. Tham vọng của Carlsberg Việt Nam là đưa nhãn hiệu bia này trở thành một trong 3 nhãn hiệu được yêu thích tại phân khúc cao cấp.
Dù không tiết lộ ngân sách dùng cho PG, nhưng đại gia trong ngành bia của Nhật - Công ty Sapporo Việt Nam (SVL) cho biết, năm 2015, công ty thuê khoảng 700 nhân viên làm việc thường xuyên cho hãng tại các quán bia, quán nhậu. Toàn bộ nhân viên này được thuê từ một đơn vị chuyên cung cấp PG. Ngoài số lượng PG cố định, tại mỗi sự kiện lớn, hãng còn thuê thêm 6-10 người để đón khách và giới thiệu sản phẩm.
Theo nhận xét của một lãnh đạo Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), người tiêu dùng Việt Nam mặc dù uống bia theo gu nhưng dễ bị thay đổi bởi các yếu tố tác động bên ngoài. Đặc biệt, hãng bia nào có chiến lược tiếp thị tốt, mang lại niềm tin cho người tiêu dùng thì họ sẵn sàng bỏ gu của mình để ủng hộ một sản phẩm mà họ cho là “thân thiện”.
Số liệu của VBA cho thấy, đến năm 2015, cả nước có 129 cơ sở với năng lực sản xuất của toàn ngành bia đạt 4,8 tỷ lít. Năm 2015, sản lượng tiêu thụ bia của Việt Nam đạt 3,4 tỷ lít, tăng gấp đôi trong 5 năm qua. Việt Nam là quốc gia tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á, đứng thứ 3 châu Á sau Nhật Bản, Trung Quốc và nằm trong top 25 của thế giới.
Dẫn đầu trên thị trường bia là Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) với sản lượng năm 2015 đạt 1,38 tỷ lít, lợi nhuận 3.420 tỷ đồng. Tiếp đó là các sản phẩm thuộc thương hiệu Heineken với 729 triệu lít. Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) ở vị trí thứ 3 với 667,8 triệu; Carlsberg đứng thứ 4 với 229 triệu lít.
Thi Hà
- Bí quyết để thành công với quán hải sản (30/4)
- Người Việt uống hơn một tỷ lít bia trong 4 tháng (10/5)
- Sabeco lên kế hoạch bán nửa cổ phần (13/5)
- Mỗi ngày, Masan thu về gần 100 tỷ đồng (29/4)
- Đại gia thủy sản Tòng Thiên Mã nợ 800 tỷ đồng (28/4)
http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/doanh-nghiep/cuoc-chien-chan-dai-giua-cac-hang-bia-3425794.html?utm_source=detail&utm_medium=box_mostview&utm_campaign=boxtracking
Geen opmerkingen:
Een reactie posten