donderdag 30 juni 2016

12 tháng 7 sẽ có phán quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc


12 tháng 7 sẽ có phán quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc
Wednesday, June 29, 2016 3:49:31 PM

Bài liên quan


PHILIPPINES - Ðó là thông báo từ Tòa Trọng Tài về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc. Philippines kiện yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền tại Biển Ðông hồi hạ tuần tháng 1 năm 2013.
Trước nay, Trung Quốc vẫn khăng khăng khẳng định, Tòa Trọng Tài về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc không có thẩm quyền phân xử vụ này và từ chối đệ trình luận điểm, chứng cứ.

Không ảnh chụp hoạt động xây dựng tại Chữ Thập hồi năm ngoái sau khi bãi đá này bị Trung Quốc bồi đắp thành đảo nhân tạo. (Hình: IHS Jane's Defence Weekly)

Gần ba năm sau ngày tiếp nhận đơn kiện của Philippines, đưa ra các yêu cầu bổ túc luận điểm, chứng cứ, đối chiếu và xem xét các luận điểm, chứng cứ này, tổ chức điều trần, cuối tháng 10 năm 2015, Tòa Trọng Tài về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc tuyên bố chấp nhận đơn kiện và khẳng định có thẩm quyền phân xử.
Theo Tòa thì việc bị đơn từ chối tham gia vụ kiện không thể là lý do đình hoãn việc phân xử. Dựa trên nhiều yếu tố (luận điểm, chứng cứ mà Philippines đã đệ trình, nội dung Công ước về Luật Biển), người ta tin rằng, phán quyết mà Tòa Trọng Tài về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc sắp công bố sẽ không có lợi cho Trung Quốc.
Nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đã khuyến cáo Trung Quốc rằng, bất kể nội dung phán quyết thế nào thì Trung Quốc vẫn cần phải tôn trọng phán quyết đó.
Trung Quốc thì gấp rút mở một cuộc đua về mặt ngoại giao, tìm kiếm và thuyết phục các quốc gia tuyên bố ủng hộ “lập trường của Trung Quốc về Biển Ðông” nhằm dọn đường cho việc phủ nhận phán quyết mà Tòa Trọng Tài về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc sẽ công bố. Lập trường này bao gồm ba điểm chính: (1) Trung Quốc có chủ quyền “bất khả tranh biện” đối với khoảng 80% diện tích Biển Ðông, theo đường chín đoạn mà Trung Quốc tự vạch. (2) Tranh chấp về chủ quyền tại Biển Ðông không phải là chuyện của cộng đồng quốc tế mà là việc riêng giữa Trung Quốc và từng quốc gia đang có tranh chấp với Trung Quốc về chủ quyền tại Biển Ðông. (3) Tranh chấp về chủ quyền tại
Biển Ðông chỉ có thể được giải quyết bằng đàm phán song phương giữa Trung Quốc với từng quốc gia có bất đồng về chủ quyền. Trung Quốc không chấp nhận sự can dự của bên thứ ba, kể cả các tòa án quốc tế.
Tháng trước, Trung Quốc từng khoe là đã có hơn 40 quốc gia ủng hộ “lập trường của Trung Quốc về Biển Ðông.” Ðiểm đáng chú ý là Trung Quốc không công bố danh sách 40 quốc gia đó mà chỉ kể tên vài quốc gia và gần như những quốc gia được kể tên đều phủ nhận việc ủng hộ “lập trường của Trung Quốc về Biển Ðông.” Truyền thông quốc tế đã thử kiểm tra và khẳng định, số quốc gia thực sự ủng hộ “lập trường của Trung Quốc về Biển Ðông” chỉ là tám. Ða số là tiểu quốc, không có biển và gần như không bận tâm đến Công ước về Luật Biển.
Dù Trung Quốc vẫn tiếp tục khoe là càng ngày càng nhiều quốc gia ủng hộ “lập trường của Trung Quốc về Biển Ðông” nhưng phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc “chú thích” thêm là một số bày tỏ sự ủng hộ bằng văn bản, một số bày tỏ sự ủng hộ “bằng các biện pháp khác nhau”!
Tuy nhiên nếu đúng là phán quyết mà Tòa Trọng Tài về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc sắp công bố không có lợi cho Trung Quốc thì mức độ căng thẳng ở Biển Ðông cũng sẽ không giảm.
Dẫu vẫn biết Cambodia là đồng minh thân cận của Trung Quốc, thường xuyên ngăn cản ASEAN thông qua những quyết định quan trọng nhưng không có lợi cho Trung Quốc trong vấn đề Biển Ðông, song mới đây, Cambodia vẫn gây bất ngờ khi phủ nhận vai trò của Tòa Trọng Tài về Luật Biển.
Ông Hun Sen, thủ tướng Cambodia kiêm thủ lĩnh Ðảng Nhân Dân Cambodia, vừa cáo buộc, phán quyết của Tòa Trọng Tài về Luật Biển, phân xử vụ Philippines kiện yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền tại Biển Ðông là một sự “thông đồng chính trị” thuộc loại “tệ hại nhất” dù chưa ai rõ nội dung phán quyết ra sao.
Tại buổi kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Ðảng Nhân Dân Cambodia, Hun Sen dọa thêm, Cambodia sẽ phản đối nếu ASEAN đưa ra bất kỳ tuyên bố nào ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng Tài về Luật Biển và lên án việc “một số quốc gia bên ngoài khu vực huy động lực lượng chống lại Trung Quốc” đã tạo ra những tác động tiêu cực đối với ASEAN và hòa bình ở Ðông Nam Á. (G.Ð)

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=231059&zoneid=5

Geen opmerkingen:

Een reactie posten