woensdag 29 juni 2016

Úc phá hủy hai tàu Việt Nam đánh cá trái phép + Indonesia phá nổ tàu cá Việt Nam và Malaysia để thị uy với Trung Quốc ?

Úc phá hủy hai tàu Việt Nam đánh cá trái phép

mediaMột tàu cá Việt Nam bị phá hủy. Ảnh minh họa.REUTERS
Ba mươi ngư dân Việt Nam bị bắt vì đánh cá bất hợp pháp trong vùng biển của Úc ngày 28/06/2016 bị tòa tuyên những bản án treo, hai tàu cá bị phá hủy.
Hai chiếc tàu này bị khám xét ngày 02/06/2016 tại một khu bảo tồn ở Biển San Hô, phía bắc nước Úc. Những bộ đồ lặn và sáu tấn hải sâm vốn được người châu Á ưa chuộng, đã bị tịch thu.
Tại tòa án Darwin, tất cả các ngư dân đều nhìn nhận là đã vi phạm các quy định về đánh cá và luật bảo vệ môi trường. Tòa tuyên những bản án treo từ hai tháng đối với các thủy thủ, và bảy tháng cho các thuyền trưởng.
Ông Peter Venslovas, thuộc Cơ quan quản lý ngư trường Úc tuyên bố : « Việc đánh cá bất hợp pháp đe dọa sự tồn vong của nguồn lợi biển nước Úc. Các bản án và việc phá hủy tàu như một thông điệp cứng rắn gởi đến những ai muốn đánh cá trái phép trong vùng biển của Úc ».
Báo chí địa phương cho biết hôm nay một chiếc tàu của Papua New Guinea cũng bị chận bắt trong vùng biển nước Úc, cơ quan chức năng phát hiện nhiều hải sâm và vi cá mập trên tàu.
Úc đã tăng cường các phương tiện giám sát, và công việc đấu tranh chống đánh cá trái phép đã mang lại kết quả. Trong khoảng thời gian 2015-2016, chỉ có 17 chiếc tàu vào đánh cá bất hợp pháp bị chận bắt, trong khi cách đây 10 năm có đến trên 360 vụ.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20160628-uc-pha-huy-hai-tau-viet-nam-danh-ca-trai-phep

Indonesia phá nổ tàu cá Việt Nam và Malaysia để thị uy với Trung Quốc ?

mediaTàu cá Việt Nam và Malaysia đánh cá bất hợp pháp bị Indonesia phá hủy tại Batam, tỉnh đảo Riau.REUTERS/M N Kanwa
Chính quyền Jakarta vào hôm qua, 05/04/2016, đã lại cho phá hủy bằng thuốc nổ 23 tàu cá nước ngoài bị chận bắt trong lúc đánh cá trái phép trong vùng biển của Indonesia. Trong số tàu bị phá hủy có 13 chiếc của Việt Nam, số còn lại là tàu cá Malaysia. Một số quan sát viên xem đấy là một hành động nhằm gởi tín hiệu đến Trung Quốc.
Chiến dịch phá nổ tàu cá Việt Nam và Malaysia diễn ra cùng một lúc ở bảy cảng khác nhau, từ Karakan ở phía bắc Kalimantan, cho đến thành phố Ranai ở Natuna (cực nam của Biển Đông). Đích thân bộ trưởng Ngư Nghiệp và Hàng Hải Indonesia, bà Susi Pudjiastuti, đã « thị sát » qua video trực tuyến các vụ phá hủy do Hải Quân, Tuần Duyên và Cảnh Sát Indonesia phối hợp thực hiện.
Theo nhật báo Mỹ The Wall Street Journal, bà bộ trưởng Indonesia tuyên bố sẽ áp dụng hình phạt tương tự với bất kỳ tàu cá nào bị bắt giữ khi đến đánh bắt trái phép trong vùng biển Indonesia, bất kể đó là tàu của nước nào.
Để nhấn mạnh quyết tâm của Jakarta, bà Pudjiastuti đã lấy Mỹ ra làm ví dụ : « Nếu có một chiếc tàu đánh cá bất hợp pháp đến từ Mỹ, chúng tôi cũng sẽ đánh chìm nó như thường ».
Tuy nhiên, một số nhà phân tích lại gắn liền tuyên bố nói trên cùng với hành động phá tàu được quảng bá rầm rộ với sự kiện mới đây, Jakarta đã tố cáo Bắc Kinh đánh tháo cho một tàu cá Trung Quốc bị tuần duyên Indonesia chận bắt về tội đánh cá lậu trong vùng biển Natuna.
Richard Javad Heydarian, một chuyên gia an ninh tại Đại học De La Salle ở Manila nhận xét với tờ báo Mỹ như sau : « Ngày càng thấy rõ là các vụ Trung Quốc xâm nhập vùng biển của các láng giềng, công khai là để khai thác hải sản, đã trở thành điều bình thường mới… Và rõ ràng là Malaysia, Indonesia và một số nước trước đây vốn có một thái độ bàng quan, đã phải chia sẻ những nhận thức về mối đe dọa Trung Quốc của các nước mạnh miệng hơn như Philippines và Việt Nam. »
Thông điệp cũng được đưa ra vào lúc Indonesia hiện có trong tay 10 tàu cá Trung Quốc bị bắt giữ về tội đánh bắt trộm. Chủ nhân các chiếc tàu này đang xin Jakarta khoan hồng.
Indonesia tăng cường đấu tranh chống đánh bắt cá trái phép trong vùng biển nước này kể từ khi ông Joko Widodo nhậm chức Tổng thống Indonesia vào năm 2014, và đương kim bộ trưởng Ngư Nghiệp Indonesia là một người rất cứng rắn trong chủ trương phá nổ tàu cá phạm luật để răn đe.
Từ năm 2014 đến nay, Jakarta đã chặn bắt được khoảng 200 tàu cá ngoại quốc đánh bắt trái phép, đã cho phá nổ tổng cộng 174 chiếc. Tuy nhiên trong số này, chỉ có một chiếc tàu Trung Quốc mà thôi, và vụ phá nổ được tiến hành một cách kín đáo, trái với động thái phô trương khi tàu bị phá mang quốc tịch các nước khác.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20160406-indonesia-pha-no-tau-ca-viet-nam-va-malaysia-de-thi-uy-voi-trung-quoc

Geen opmerkingen:

Een reactie posten