woensdag 8 juni 2016

Ấn Độ và Pháp thúc đẩy hợp tác quân sự với Việt Nam + Ấn Độ chuẩn bị bán hỏa tiễn chống hạm siêu thanh cho Việt Nam

Ấn Độ và Pháp thúc đẩy hợp tác quân sự với Việt Nam

mediaBộ trưởng Quốc Phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch đón đồng nhiệm Pháp Jean-Yves Le Drian ngày 06/06/2016 tại Hà Nội.STR / AFP
Bộ trưởng Quốc Phòng Ấn Độ hôm nay 07/06/2016 kết thúc chuyến công du Việt Nam 3 ngày. Ông Shri Parrikar là khách mời đầu tiên của tân bộ trưởng Quốc Phòng Việt Nam, đại tướng Ngô Xuân Lịch vừa được được bổ nhiệm hồi tháng 4/2016. Cũng trong thời gian này, bộ trưởng Quốc Phòng Pháp Jean-Yves Le Drian có mặt tại Hà Nội.
Theo website Business Standard của Ấn Độ, trong chuyến công du ba ngày, bộ trưởng Quốc Phòng hai nước đã đánh giá tổng quát các sáng kiến hợp tác quốc phòng giữa hai nước và tập trung vào các biện pháp nhằm tăng cường quan hệ quốc phòng song phương, cũng như tiếp tục mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực mới.
Sau khi đến thăm sư đoàn 308 và Cơ sở Nghiên cứu và Phát triển của tập đoàn quân đội Viettel của Việt Nam, bộ trưởng Quốc Phòng Ấn Độ đã tham dự một cuộc họp bàn tròn gồm các đại biểu ngành công nghiệp quốc phòng của hai nước. Cuộc họp tập trung vào việc tăng cường mạng công nghiệp quốc phòng, chia sẻ thông tin và tìm kiếm các khả năng hợp tác giữa hai nước. Điểm nổi bật của cuộc họp là lực lượng biên phòng Việt Nam bàn giao các hồ sơ mời dự thầu cho công ty Larson & Toubro Limited của Ấn Độ.
Cả hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh đến sự cần thiết chia sẻ, trao đổi thông tin trong lĩnh vực hàng hải , cũng như tập trung vào việc tăng cường hợp tác thủy văn. Hai bộ trưởng cũng thảo luận về « quan hệ đối tác chiến lược » và những sáng kiến mới đã được thực hiện để tăng cường kế hoạch này.
Cùng thời gian với chuyến công du của bộ trưởng Quốc Phòng Ấn Độ, bộ trưởng Quốc Phòng Pháp Jean-Yves Le Drian đã đến Hà Nội ngày 06/06/2016, theo lời mời của đồng nhiệm Việt Nam. Mục đích của chuyến công du là tăng cường hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực truyền thống. Cả hai bộ trưởng cũng thống nhất tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp quốc phòng Pháp tại Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực mà Pháp có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu.
Theo website của Le Courrier du Vietnam, đại tướng Ngô Xuân Lịch hoan nghênh vài trò của nước Pháp tại châu Âu cũng như trên thế giới, đồng thời khẳng định Việt Nam sẵn sàng đóng vai trò cầu nối để Pháp có thể thúc đẩy hợp tác với các nước trong khối ASEAN.
Về phần mình, bộ trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian đánh giá cao vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế, đặc biệt là trong Hiệp Hội Các Nước Đông Nam Á. Ông cũng nhắc lại thông điệp mà Pháp tuyên bố tại Đối Thoại Sangri-La, Singapore, rằng các nước trong khu vực Biển Đông cần phải tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982, các bên nên tăng cường đối thoại và trao đổi để giải quyết các tranh chấp.
Bộ trưởng Quốc Phòng Jean-Yves Le Drian cũng nhắc lại Pháp cùng với Liên Hiệp Châu Âu sẽ thực hiện thêm các biện pháp để góp phần đảm bảo an toàn và an ninh hàng hải tại Biển Đông theo đúng luật pháp quốc tế.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20160607-an-do-va-phap-thuc-day-hop-tac-quan-su-voi-viet-nam

Ấn Độ chuẩn bị bán hỏa tiễn chống hạm siêu thanh cho Việt Nam

mediaẤn Độ bắn thử tên lửa BrahMos (ảnh do bộ Quốc Phòng công bố ngày 01/11/2015)AFP PHOTO / DEFENCE MINISTRY
Các quan chức quốc phòng Ấn Độ đang chuẩn bị bán cho Việt Nam một trong những loại hỏa tiễn hành trình chống hạm có tốc độ nhanh nhất thế giới. Trang mạng USNI News của Học viện Hải quân Hoa Kỳ dẫn nhiều nguồn tin báo chí hôm qua 01/06/2016 cho biết như trên.
BrahMos là loại tên lửa chống hạm siêu thanh ứng dụng công nghệ tàng hình, dựa theo kiểu P-800 Onyx của Nga, được New Delhi và Matxcơva cùng hợp tác sản xuất trong thập kỷ qua. Hỏa tiễn này được cho là một trong những loại hỏa tiễn chống hạm có tính sát thương cao nhất, nhờ vào tốc độ siêu nhanh của nó.
Theo Jane’s Defense Weekly, Ấn Độ dự tính xuất khẩu hỏa tiễn siêu thanh Mach 3 từ nhiều năm trước, nhưng vấp phải sự phản đối của Nga do vấn đề sở hữu trí tuệ vẫn chưa được giải quyết. Thêm vào đó, Trung Quốc – đối thủ trên biển của Ấn Độ và Việt Nam – tỏ ra lo ngại nếu New Delhi bán loại tên lửa này cho Hà Nội, sẽ phá vỡ thế cân bằng sức mạnh ở Biển Đông.
Praveen Pathak, phát ngôn viên của BrahMos Aerospace tuần trước đã nói với hãng thông tấn Tass của Nga : « Trong trường hợp Việt Nam, Trung Quốc cho biết họ chống lại việc Ấn Độ cung cấp vũ khí vì đang xung đột với Việt Nam về chủ quyền trên Biển Đông ».
Năm 2014, Ấn Độ đã đề nghị xuất khẩu hỏa tiễn cho Việt Nam nhân chuyến viếng thăm của tổng thống Nga Vladimir Putin, nhưng bất thành. Theo chuyên gia Eric Wertheim, nếu mọi việc suông sẻ thì đây sẽ là một thắng lợi lớn cho công nghiệp vũ khí Ấn Độ - xuất khẩu vũ khí vốn là một trong những mục tiêu để đẩy mạnh năng lực sản xuất trong nước.
Đối với Việt Nam, loại tên lửa mới này cũng giúp nâng cao năng lực chiến đấu trong lúc Hà Nội tìm kiếm tăng cường sức mạnh trên biển, chống lại sự bành trướng không ngừng của Trung Quốc. Ông Wertheim nói : « Việt Nam thuộc loại tầm tầm bậc trung, nếu xét về năng lực và các khiếm khuyết lớn của Hải quân, và Bắc Kinh đã đẩy Hà Nội vào cái thế phải xem xét lại vấn đề an ninh hàng hải của mình. Việc mua hỏa tiễn BrahMos sẽ cho thấy Việt Nam đang tìm kiếm các đối tác khác, ngoài những đối tác truyền thống ».
Vụ mua vũ khí quan trọng nhất gần đây của Hà Nội là sáu chiếc tàu ngầm tấn công lớp Kilo của Nga, một phần trong thương vụ ký kết năm 2009 với Matxcơva, trị giá từ 1,8 đến 2 tỉ đô la.
Hỏa tiễn BrahMos hiện nay được sản xuất để bắn đi từ mặt đất và trên không, nhưng Ấn Độ đang thử nghiệm một phiên bản có thể phóng ra từ tàu ngầm, thiết kế để sử dụng trên các tàu ngầm Kilo của Việt Nam.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20160602-an-do-chuan-bi-ban-hoa-tien-chong-ham-sieu-thanh-cho-viet-nam

Geen opmerkingen:

Een reactie posten